Hội thảo mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư tại Việt Nam


03-10-2016
Với mục tiêu làm rõ mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư, cũng như tìm ra các giải pháp thiếu thực nhằm hướng dòng kiều hối (trực tiếp hoặc gián tiếp) vào đầu tư phát triển, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh quá trình hội nhập quốc tế diễn ra ngày sâu sắc, ngày 29/9/2016, Khoa Đầu tư – trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề “Mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư tại Việt Nam”.

Đại biểu tham dự Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời ngoài trường có GS.TSKH Nguyễn Mại – Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI); TS. Nguyễn Anh Tuấn – Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nguyên Tổng biên tập báo Đầu tư; ông Phạm Vũ Hải – Giám đốc xúc tiến đầu tư phía Bắc; PGS.TS Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; ông Hoàng Anh Minh – Phó Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư. Về phía trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐH KTQD) có: GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng; GS.TS Phạm Quang Trung – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Phạm Hồng Chương – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng. Về phía nguyên lãnh đạo trường ĐH KTQD có: GS.TS Nguyễn Đình Hương – nguyên Hiệu trưởng; PGS.TS Phan Công Nghĩa – nguyên Phó Hiệu trưởng; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc trường, các tổ chức chính trị trong trường, các cán bộ giảng viên; các cựu học viên, sinh viên khoa Đầu tư. Về phía nhà tài trợ có: ông Từ Huy Phong – Phó giám đốc công ty chuyển tiền toàn cầu, ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; ông Vũ Khắc Cường – đại diện Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam.

 
PGS.TS Trần Thị Vân Hoa phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo


Cùng với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thì kiều hối là một trong những nguồn lực đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam. Theo báo cáo của Tổng cục thống kế, giai đoạn 2002-2015, dòng kiều hối vào Việt Nam chiếm khoảng 6,0% GDP, trong khi đó dòng vốn FDI và ODA vào Việt Nam giai đoạn này lần lượt là 7,7% và 3,0% GDP. Hơn 4,5 triệu Việt kiều sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới thường xuyên gửi số lượng lớn kiều hối về Việt Nam. Trong vòng 20 năm qua, dòng tiền này tăng khoảng gần 80 lần từ 0,14 tỷ USD năm 1993 lên 11 tỷ USD năm 2013, và đạt được 12,25 tỷ USD vào năm 2015. Việt Nam đang được xếp vào top 10 quốc gia thu hút kiều hối hàng đầu trên thế giới và đứng thứ hai Đông Nam Á. Tính đến đầu năm 2016, đã có 52 trên 63 tỉnh thành phố có đầu tư trực tiếp của Việt kiều với hơn 2000 dự án, quy mô vốn khoảng 8,6 tỷ USD.
Nhận thức được tầm quan trọng của kiều hối, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai những chính sách thu hút và sử dụng kiều hối nói chung và đầu tư từ Việt kiều nói riêng cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tuy nhiên số lượng và chất lượng kiều hối đầu tư vào Việt Nam vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Trần Thị Vân Hoa nhấn mạnh: “Hội thảo Mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư tại Việt Nam nhằm làm rõ mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư, cũng như tìm ra các giải pháp thiết thực nhằm hướng dòng kiều hối (trực tiếp hoặc gián tiếp) vào đầu tư phát triển, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mà quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc”.


TS. Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo


Cũng tại Hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khẳng định: “Mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư tại Việt Nam là một đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Làm thế nào để kiều hối trở thành nguồn vốn đầu tư hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước đang là một câu hỏi mang tính thiết thực”. Phó chủ tịch FDI hi vọng rằng, các đại biểu Hội thảo sẽ đưa ra được nhiều ý kiến và đóng góp quý báu về vấn đề thời sự này.


Đoàn chủ tịch điều hành Hội thảo


Trong số 47 bài viết của các tác giả đến từ các tổ chức, các cơ quan, doanh nghiệp khác nhau, Ban tổ chức đã biên tập và lựa chọn được 42 bài viết đăng trên Hội thảo với 3 chủ đề chính là: Vai trò của kiều hối đối với nền kinh tế; Mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư; và Các giải pháp tăng cường thu hút kiều hối cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Hội thảo đã trực tiếp nghe báo cáo những vấn đề chung về Kiều hối và Đầu tư do PGS.TS Phạm Văn Hùng và GS.TSKH Nguyễn Mại trình bày. Trong phiên thứ 2 của Hội thảo, các chuyên gia đã cùng nhau trao đổi về các giải pháp tăng cường thu hút kiều hối vào hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Từ các tham luận và ý kiến trao đổi trực tiếp của các đại biểu, Hội thảo đã làm rõ các nội dung: Xu hướng và tính bền vững của kiều hối cho phát triển kinh tế xã hội nói chung và cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh nói riêng tại Việt Nam; Mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp tại Việt Nam. Những biểu hiện cụ thể những minh chứng về mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư tại Việt Nam; Kinh nghiệm của các quốc gia đang phát triển trong việc thu hút và sử dụng nguồn kiều hối cho phát triển kinh tế xã hội nói chung và chính sách nhằm tận dụng kiều hối cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; Các nhân tố ảnh hưởng đến việc thu hút và sử dụng kiều hối cho hoạt động đầu tư. Những tác động tiêu cực của kiều hối đối với hoạt động đầu tư và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam; Các giải pháp nhằm tăng cường thu hút kiều hối cho phát triển kinh tế xã hội nói chung và thúc đẩy hoạt động đầu tư nói riêng tại Việt Nam. Gợi mở một số chính sách tận dụng các tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của dòng kiều hối chảy vào một quốc gia.









Các đại biểu, các nhà khoa học trao đổi và thảo luận tại Hội thảo


Những ý kiến được tổng kết từ Hội thảo sẽ là những góp ý quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách và điều hành nền kinh tế nhằm thu hút mạnh mẽ hơn nữa đầu tư từ kiều hối cho sự phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.


ThS Nguyễn Hoàng Hà đọc quyết định thành lập Ban liên lạc Cựu sinh viên Khoa Kinh tế Đầu tư

GS.TS Trần Thọ Đạt trao đọc quyết định thành lập Ban liên lạc Cựu sinh viên Kinh tế Đầu tư

Ban liên lạc tặng quà lưu niệm cho Nhà trường


Cũng tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Hoàng Hà – Trưởng phòng CTCT&QLSV cũng đọc Quyết định thành lập thường trực Ban liên lạc Cựu sinh viên Kinh tế Đầu tư. GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng, Chủ tịch Ban điều hành mạng lưới Cựu sinh viên đã trao Quyết định thành lập thường trực Ban liên lạc Cựu sinh viên Khoa Kinh tế Đầu tư.


Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh kỉ niệm


Nguồn: P.CTCT&QLSV Người đăng:NEU Alumni
03-10-2016

Các ý kiến thảo luận

Tải thêm

Gửi
Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày