Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 4 "Du lịch thông minh hơn" tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân


05-11-2019
Với mong muốn cung cấp một diễn đàn thảo luận về các vấn đề quan trọng hiện nay trong du lịch, sáng ngày 31/10/2019, Khoa Du lịch và Khách sạn Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức hội thảo về du lịch tại Việt Nam lần thứ tư với chủ đề Du lịch thông minh hơn - "Smarter Tourism".

PGS.TS Bùi Đức Thọ - Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời ngoài trường có GS David B.Weaver - Trường Đại học Griffith, Australia; GS Nguyễn Văn Đính – Hiệu trưởng trường Đại học Hà Tĩnh, nguyên Trưởng khoa Du lịch và khách sạn; ông Nguyễn Quốc Hưng – Trưởng phòng nghiên cứu thị trường, Viện nghiên cứu phát triển du lịch. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Bùi Đức Thọ - Phó Hiệu trưởng nhà trường; PGS.TS. Phạm Trương Hoàng – Trưởng Khoa Du lịch và Khách sạn; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, các tổ chức chính trị - xã hội; cùng tập thể cán bộ giáo viên Khoa Du lịch và Khách sạn; các nhà nghiên cứu khoa học, học giả du lịch, các nhà hoạch định chính sách, quản trị viên, nhà quản lý và các học viên trong khối ngành Du lịch và khách sạn.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Bùi Đức Thọ khẳng định: “Diễn dàn được tổ chức hàng năm đã tạo điều kiện và cơ hội cho các nhà khoa học, giảng viên và chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi kiến ​​thức liên quan đến các chủ đề: phát triển kinh tế du lịch, quản lý điểm đến du lịch, chính sách du lịch, công nghệ du lịch, chính sách du lịch, tiêu dùng thông minh, du lịch có trách nhiệm và xu hướng hành vi của người tiêu dùng du lịch”.


GS. David B.Weaver - Đại học Griffith, Australia trình bày tham luận“Sự dịch chuyển từ du lịch thông minh đến du lịch thông minh hơn”

GS. David B.Weaver - Đại học Griffith, Australia, một học giả hàng đầu thế giới chuyên nghiên cứu về du lịch, với bài trình bày “Sự dịch chuyển từ Du lịch thông minh đến Du lịch thông minh hơn” và cho rằng: Du lịch Việt Nam đang ở giai đoạn ban đầu nên có cơ hội để phát triển du lịch theo hướng “thông minh hơn” thông qua việc học kinh nghiệm ở những nơi mà du lịch đã phát triển nóng, tránh lặp lại những sai lầm của các quốc gia khác. Việt Nam có dân số đông, số lượng người sở hữu smartphone lớn, vì vậy việc phát triển du lịch thông minh không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ du khách, mà đồng thời còn để nâng cao nhận thức của người dân và các bên liên quan để du lịch được phát triển bền vững và lâu dài hơn. Ví dụ như trên thế giới hiện nay đã áp dụng nhiều ứng dụng trên smartphone để cho du khách biết các hành vi của họ như ăn uống, đi lại, sử dụng các dịch vụ lưu trú, dịch vụ du lịch… thì họ đã để lại “dấu chân carbon” và “dấu chân sinh thái” như thế nào; hoặc ứng dụng sẽ hướng dẫn du khách cách để tăng thêm những trải nghiệm tốt cho sức khỏe, cho môi trường thay vì những hoạt động “thiếu bền vững”.


 PGS.TS. Phạm Trương Hoàng – Trưởng Khoa Du lịch và Khách sạn phát biểu tại Hội thảo

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS. Phạm Trương Hoàng – Trưởng Khoa Du lịch và Khách sạn Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Du lịch thông minh không chỉ có nghĩa là dùng điện thoại thông minh nhiều hơn, tải nhiều ứng dụng hơn hay ứng dụng công nghệ nhiều hơn, mà còn phải tiếp cận từ góc độ phát triển du lịch một cách thông minh, khôn ngoan và theo hướng phát triển bền vững, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Ngoài ra, khi hành vi và nhu cầu của du khách thay đổi theo hướng “thông minh”, thì các điểm đến cũng cần ứng xử “thông minh hơn".

TS. Trần Huy Đức trình bày bài tham luận

Hội thảo tập trung vào các vấn đề chính: Du lịch có trách nhiệm có mối quan hệ chặt chẽ với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và hành vi đạo đức của doanh nghiệp. Vấn đề về hành vi đạo đức/ trách nhiệm của doanh nghiệp được nghiên cứu nhiều trong mọi lĩnh vực từ kinh doanh, y tế, kiểm toán kế toán, thể thao và nghệ thuật. Tổng quan các nghiên cứu đánh giá các yếu tố tác động đến hành vi trách nhiệm, từ đó làm cơ sở đề xuất mô hình các yếu tố tác động đến hành vi du lịch có trách nhiệm của các doanh nghiệp. Du lịch bền vững trong bối cảnh quản lý điểm đến thông minh: ứng dụng kỹ thuật số để định giá chất lượng sản phẩm xã hội và môi trường, Người dân nhận thức về quy tắc ứng xử trong du lịch tại Việt Nam, Chuyển đổi số trong Marketing du lịch tại Việt Nam.

 ThS Lê Hữu Nghĩa trình bày tham luận Chuyển đổi số trong marketing du lịch 

Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành du lịch sẽ có không ít cơ hội phát triển nhanh và mạnh, nhưng thách thức đi kèm cũng không hề nhỏ. Bởi hiện nay, thị trường du lịch Việt Nam cũng đang thay đổi do sự phát triển của công nghệ với tốc độ tăng trưởng nhanh của du lịch trực tuyến.

Các đại biểu tham dự Hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm 


Nguồn: NEU Người đăng:NEU
05-11-2019

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày