Ngày 8/9/2016, tại Nhà văn hóa – Hội trường A, Viện Ngân hàng Tài chính – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Đề tài độc lập ĐTĐL.XH.09/15 tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Hoàn thiện thể chế cho sự phát triển bền vững Hệ thống Ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2016 -2020”. Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích thảo luận và đề xuất các giải pháp về thể chế, chính sách cho hoạt động của ngân hàng cũng như cho hoạt động của cơ quan quản lý, giám sát đối với hoạt động ngân hàng.
Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời có – TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội, TS. Trần Quốc Vinh, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Việt Nam; GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó Tổng thư ký Hội khoa học kinh tế Việt Nam; PGS.TS. Đỗ Thị Kim Hảo, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, Ths. Đỗ Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ ổn định tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ThS. Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; TS. TS. Cấn Văn Lực – Hàm Phó Tổng giám đốc BIDV, Giám đốc Trung tâm đào tạo cùng đại diện các đơn vị của Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các Vụ của Ngân hàng Nhà nước và các tài trợ, các cơ quan báo chí; đại diện các Về phía trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐH KTQD) có PGS.TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng; GS.TS. Nguyễn Đình Hương, nguyên Hiệu trưởng, thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo, GS.TS Nguyễn Văn Nam – nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Hiệu trưởng, nguyên Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính; đại diện lãnh đạo các phòng, ban, khoa, viện, các tổ chức chính trị xã hội của trường ĐH KTQD, cùng đông đảo các nhà nghiên cứu khoa học viết bài và quan tâm tới chủ đề của Hội thảo.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Trần Thị Vân Hoa cho rằng, trong giai đoạn vừa qua, do những tác động từ bên ngoài cũng như các yếu tố nội tại, hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng bộc lộ nhiều yếu điểm và tiềm ẩn các nguy cơ de dọa sự ổn định của hệ thống. Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 là nỗ lực cải cách hệ thống ngân hàng Việt Nam thông qua việc giải quyết các yếu điểm và phòng ngừa các nguy cơ. Các định hướng chính đã và đang được thực hiện gồm xử lý nợ xấu, sở hữu chéo; tái cấp vốn cho ngân hàng thông qua các kênh; tăng cường công tác quản trị, quản trị rủi ro và giám sát; áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế... Để thực hiện tốt các định hướng trên và đạt được các mục tiêu đề ra của cần tiếp tục hoàn thiện các vấn đề thể chế cho hoạt động của các ngân hàng cũng như cho hoạt động giám sát của cơ quan quản lý, giám sát của thị trường đối với ngân hàng. Hội thảo là diễn đàn mở để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý cũng như những người làm thực tiễn công bố, trao đổi những nghiên cứu và hiểu biết mới nhất của mình về các vấn đề thể chế liên quan đến hành vi của ngân hàng, cấu trúc ngành và quy định luật lệ cho hoạt động của và giám sát đối với ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập tài chính và hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới sâu rộng hơn.
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được được 53 bài nghiên cứu từ các tác giả hiện đang công tác tại các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, bộ, ngành, doanh nghiệp. 45 bài viết được chọn lọc, biên tập và xuất bản trong Kỷ yếu hội thảo.
Tại buổi Hội thảo, 4 báo cáo chính đã được lựa chọn để trình bày:
Báo cáo thứ nhất:Tổng thuật Hội thảo:”Hoàn thiện thể chế cho sự phát triển bền vững Hệ thống Ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2016-2020” do PGS.TS Đặng Ngọc Đức – Viện trưởng Viện NHTC, Trường ĐH KTQD trình bày.
Báo cáo thứ hai: Quản trị công ty, thông tin bất đối xứng và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam do TS Lương Thái Bảo, Trưởng bộ môn Tài chính Quốc tế, Viện NHTC, Trường ĐH KTQD trình bày.
Báo cáo thứ ba: Thanh tra, giám sát ngân hàng ở Việt Nam: một số vấn đề về mô hình, phương thức, khung pháp lý và chuẩn mực giám sát do TS. Lê Thị Thùy Vân, Trưởng phòng Thị trường Tài chính (Viện Chiến lược và chính sách Tài chính) trình bày.
Báo cáo thứ tư: Một số giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về thị trường tiền tệ trong giai đoạn hiện nay do Ths. Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung Ương) trình bày.
Đoàn Chủ tịch điều hành phần thảo luận
Hội thảo đã nghe ý kiến tham luận và phát biểu của Ths. Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Chiến lược Ngân hàng, PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú, Đại học Quốc gia Hà Nội, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, TS. Hoàng Việt Trung, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà nội, PGS.TS. Đỗ Thị Kim Hảo, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, TS. Nguyễn Thị Thùy Dương, GS.TS. Cao Cự Bội, trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Các đại biểu thảo luận trong Hội thảo
TS. Nguyễn Đức Kiên phát biểu tổng kết Hội thảo và nhấn mạnh những vấn đề Hội thảo luận bàn là hết sức cấp thiết và quan trọng đối với sự minh bạch, hiệu quả và bền vững của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn 2016-2020 và sau đó. Hội thảo kết thúc, nhưng đang mở ra nhiều vấn đề, nhiều hướng nghiên cứu mới cho các giảng viên, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định và thực thi chính sách.
Hội thảo là một trong các hoạt động hướng tới lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Hội thảo được thực hiện với sự bảo trợ truyền thông của Tạp chí Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các nhà tài trợ: Nhà tài trợ Kim cương - Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt, các Nhà tài trợ Vàng - Ngân hàng TMCP Quân Đội, Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội, Ngân hàng TMCP Bản Việt, các nhà tài trợ Bạc - NHTMCP Công thương Việt Nam, NHTMCP Sài Gòn Thương Tín, Công ty CP tu tạo và phát triển nhà Hà Nội,.
Một số hình ảnh khác tại Hội thảo: