Tham dự và chủ trì Hội thảo, về phía tỉnh Vĩnh Phúc có đồng chí Vũ Chí Giang - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Phạm Quang Thắng - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm; các thành viên Ban chủ nhiệm đề tài.
Đ/c Vũ Chí Giang - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu
Theo báo cáo của tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2022, chỉ số PCI của tỉnh Vĩnh Phúc xếp thứ 8/63 tỉnh thành cả nước, với sự vươn lên mạnh mẽ của hai chỉ số: Chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xếp thứ 4/63, chỉ số thiết kế pháp lý xếp thứ 5/63.
Đồng chí Vũ Chí Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, đạt được kết quả trên là nhờ những năm qua, Tỉnh ủy, UBND Vĩnh Phúc luôn xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Vĩnh Phúc đã tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, tăng cường và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, tỉnh không ngừng tìm kiếm và đề xuất các giải pháp hữu ích trong công tác cải thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang nhấn mạnh, chỉ số chính sách hỗ trợ là chỉ số quan trọng gắn với cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Vĩnh Phúc đang triển khai quy hoạch trên nhiều lĩnh vực, vì vậy những khuyến nghị, tham vấn chính sách của các nhà khoa học tại hội thảo rất có ý nghĩa với địa phương. Vì vậy, cần phải có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế. Vĩnh Phúc rất coi trọng vai trò của doanh nghiệp, chính doanh nghiệp góp phần quan trọng để địa phương ngày càng phát triển. Đồng chí mong muốn các nhà khoa học tập trung góp ý vào các vấn đề mang tính thực tiễn của Vĩnh Phúc với phương châm: “Nhanh hơn, bền vững hơn, lấy con người làm trung tâm cho sự phát triển…”.
PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD phát biểu
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông tin: Là một trong mười thành phần của chỉ số PCI, “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” trong năm 2021 được thay thế bằng chỉ số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” nhằm tập trung tìm hiểu đánh giá của doanh nghiệp về kết quả triển khai các chương trình trợ giúp doanh nghiệp trong khuôn khổ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ năm 2018.
PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu nhấn mạnh, các chỉ tiêu mới đánh giá tập trung vào một số khía cạnh quan trọng của công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm mức độ thuận lợi trong việc tham gia các chương trình hỗ trợ như cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính của doanh nghiệp để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng…
TS. Nguyễn Thị Minh Phương - Trường ĐH KTQD, Chủ nhiệm đề tài phát biểu
Hội thảo đã tập trung đánh giá chỉ số PCI và chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Vĩnh Phúc, giai đoạn 2017 – 2022; so sánh chỉ số PCI và chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp với các tỉnh, thành phố có thứ hạng cao, bài học kinh nghiệm; kết quả khảo sát PCI, DDCI năm 2022 từ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc từ góc nhìn Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2030.
Các đại biểu dự Hội thảo đã phân tích, đánh giá một cách chi tiết về chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Vĩnh Phúc, đề xuất nhiều nội dung, cách làm để cải thiện chỉ số này.
Cụ thể là tỉnh Vĩnh Phúc cần chú trọng việc cung cấp thông tin, đăng tải các thủ tục hành chính nói chung, thủ tục để được hỗ trợ về năng lực kinh doanh, giá thuê mặt bằng tại các khu, cụm công nghiệp; thủ tục để được miễn giảm chi phí tư vấn pháp luật; thủ tục miễn giảm chi phí tư vấn thông tin thị trường; thủ tục miễn giảm chi phí tham gia các khóa đào tạo có sử dụng ngân sách nhà nước...
Các chuyên gia đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tạo lập môi trường thông thoáng, đơn giản hóa trình tự, thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư; chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh đã ban hành.