Tham dự Hội nghị tổng kết, về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có sự hiện diện của ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng; ông Nguyễn Hoàng Giang - Thứ trưởng; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp của Bộ.
Về phía trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu Trưởng; GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Chủ nhiệm đề tài KX.01/16-20; PGS.TS Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trong trường.
Hội nghị còn có sự tham dự của các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học UEH, trường Đại học Cần Thơ, Học viện Chính trị khu vực 3, trường Đại học Tây Nguyên...
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS Trần Đỗ Đạt - Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước nhấn mạnh, Nhà nước luôn đặt vấn đề phát triển kinh tế, xã hội là nhiệm vụ trọng tâm gắn liền công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời xác định vai trò của khoa học và công nghệ là then chốt để đẩy mạnh sự phát triển của đất nước. Nhiệm vụ này càng quan trọng và cấp thiết khi Việt Nam đang chuyển đổi sang nền kinh tế số. Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” là chương trình xã hội nhân văn duy nhất được phê duyệt trong giai đoạn 2016-2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp chủ trì và quản lý có nội dung bao trùm các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, văn hóa và con người. Chương trình đã đặt ra và đạt được những mục tiêu: (1) cung cấp những luận cứ khoa học về những vấn đề trọng yếu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nhằm đáp ứng những yêu cầu thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; (2) đề xuất chính sách và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức, quản lý, phát triển kinh tế xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam; (3) xây dựng cơ sở dữ liệu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ công tác hoạch định và thực thi chính sách vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam.
GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Chủ nhiệm chương trình KX.01/16-20 báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chương trình trong 5 năm qua
Tại Hội nghị, GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Chủ nhiệm chương trình KX.01/16-20 đã báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chương trình trong 5 năm qua. Chương trình đã đạt được những thành tích nổi bật như 100% đề tài công bố trên tạp chí khoa học thuộc danh mục tạp chí được tính điểm, trong đó tỉ lệ công bố trên tạp chí quốc tế đạt ít nhất 10%; ít nhất 50% đề tài có kết quả được xuất bản thành sách; 80% số đề tài góp phần đào tạo sau Đại học; 30% có đóng góp trực tiếp, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách; 70% góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn; 80% cung cấp những luận giải cho việc nâng cao nhận thức lý luận và thực tiễn.
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt bên cạnh việc đạt được 3 mục tiêu đặt ra ban đầu, chương trình đã thực hiện được 1 số mục tiêu khác như: đề xuất quan điểm, chính sách phục vụ biên soạn văn kiện Đại hội Đảng; kiến nghị hoàn thiện một số văn bản luật, nghị định; tăng cường năng lực, gắn kết và phát triên đội ngũ các nhà khoa học, nghiên cứu, doanh nghiệp.
Được biết, trong giai đoạn 2016 – 2020, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã chủ trì thực hiện 8 đề tài, trong đó 6 đề tài trong lĩnh vực kinh tế và 2 đề tài về mảng xã hội. Các đề tài do Nhà trường quản lý đều đáp ứng các yêu cầu về tiến độ cũng như mục tiêu của Chương trình với nhiều sản phẩm vượt trội. Các kiến nghị đã được ứng dụng tại Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội, Văn Phòng chính phủ, , tổ tư vấn kinh tế của Chính Phủ, phục vụ cho việc soạn thảo một số nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương khoá XII, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, phục vụ cho công tác hoạch định chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia. Nhà trường đã có 4 bài báo quốc tế, 42 bài báo trong nước, 7 sách chuyên khảo và hàng chục bài tham luận tại Hội thảo trong nước và quốc tế.
Sau hơn 3 giờ làm việc khẩn trương và nghiêm túc, Hội nghị đã kết thúc tốt đẹp và nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi, thảo luận của các nhà lãnh đạo, các chuyên gia, các nhà khoa học. Đây sẽ là cơ sở giúp Ban Chủ nhiệm chương trình định hướng và tìm giải pháp giải quyết những vấn đề sẽ đặt ra trong giai đoạn tới.