Cách đây 45 năm, ngày 6/9/1971, hàng vạn sinh viên các trường Đại học ở Thủ đô đã hưởng ứng tiếng gọi của Tổ Quốc xếp bút nghiên lên đường chống Mỹ cứu nước. Đây là đỉnh cao của đợt nhập ngũ năm 1971 và trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm, mùa hè đỏ lửa năm 1972. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, hàng ngàn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh tô thắm lá cờ của Tổ Quốc và trong hơn một vạn sinh viên các trường đại học ở Thủ đô rời ghế nhà trường, xếp bút nghiên lên đường tòng quân, tham gia đánh giặc có 600 cán bộ, giáo viên, sinh viên của trường Đại học Kinh tế Quốc dân; và sau đúng 45 năm, ngày 6/9/2016, tại G3 Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ Đào tạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã diễn ra buổiGặp mặt truyền thống cựu chiến binh – sinh viên gác bút nghiên lên đường chống Mỹ cứu nước (6/9/1971 – 6/9/2016).
Đến dự buổi lễ có ông Đinh Thế Huynh – UV Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư TW Đảng, nguyên cựu chiến binh – sinh viên gác bút nghiên lên đường chống Mỹ cứu nước năm 1971; Đại tá, TS.Lê Thanh Sơn – Trưởng ban liên lạc Hội Cựu SV chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị, Nguyên Cục phó cục nhà trường – Bộ Tổng tham mưu; GS.TS.Trần Thọ Đạt – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng, PGS.TS.NGND Nguyễn Quang Thái – nguyên Chủ tịch Hội CCB đầu tiên của trường; Thầy Đinh Thiện Đạo – nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Hiệu trưởng, Đ/c Nguyễn Chí Tuệ - Trưởng ban liên lạc Gác bút nghiên lên đường chống Mỹ cứu nước của Trường cùng các đồng chí lãnh đạo các tổ chức chính trị, xã hội trong trường, các đồng chí trong BCH Hội CCB, hội viên Hội CCB, các thầy cô giáo, sinh viên và đặc biệt có sự tham dự của 138 cựu chiến binh – sinh viên gác bút nghiên lên đường chống Mỹ cứu nước.
GS.TS.Trần Thọ Đạt – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng phát biểu
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS.Trần Thọ Đạt - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng đã ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc, trong đó có sự đóng góp xương máu của các thế hệ cựu chiến binh – sinh viên cả nước nói chung, của các cựu chiến binh – sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân nói riêng. Trong cuộc kháng chiến ấy, trường Đại học Kinh tế Quốc dân có trên 600 cán bộ, giáo viên, sinh viên nhà trường đã gác bút nghiên lên đường nhập ngũ, cầm súng chiến đấu chống quân xâm lược bảo vệ Tổ quốc và trong số đó có 61 người đã anh dũng hy sinh; rất nhiều người đã bỏ lại một phần xương thịt và máu nơi chiến trường ác liệt. Các thế hệ thầy trò Nhà trường đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ. Nhà trường đã xây dựng “Phòng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các liệt sĩ cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường gác bút nghiên lên đường bảo vệ Tổ quốc” và “Đài kỷ niệm Ngày lên đường bảo vệ Tổ quốc nhằm tôn vinh, tri ân các liệt sỹ của Nhà trường; và đây cũng là công trình văn hoá có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho các thế hệ sinh viên nhà trường. Nhân dịp này, thay mặt Đảng uỷ, Ban Giám hiệu và tập thể sư phạm Nhà trường, GS.TS. Trần Thọ Đạt gửi lời tri ân, lời thăm hỏi ân cần sâu sắc, những tình cảm chân thành tới các đồng chí cựu chiến binh – sinh viên; và kính chúc các vị đại biểu, các vị khách quý mạnh khoẻ và hạnh phúc.
Đại tá, TS.Lê Thanh Sơn – Trưởng ban liên lạc Hội Cựu SV chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị, Nguyên Cục phó cục nhà trường – Bộ Tổng tham mưu phát biểu
Thay mặt cho Ban liên lạc cán bộ, giáo viên, sinh viên gác bút nghiên lên đường chống Mỹ cứu nước, Đại tá, TS.Lê Thanh Sơn – Nguyên Cục phó cục nhà trường – Bộ Tổng tham mưu đã phát biểu, trân trọng cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Nhà trường các thế hệ đã luôn quan tâm, động viên và chia sẻ với cán bộ, giáo viên, sinh viên gác bút nghiên để có được chương trình gặp mặt truyền thống như ngày hôm nay. Đại tá, TS.Lê Thanh Sơn đã ôn lại kỷ niệm của 45 năm trước, ngày mà các thế hệ cán bộ, sinh viên của 13 trường Đại học của miền Bắc đã xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ, để lại cho lịch sử Hà Nội hình ảnh đẹp của những người lính tuổi 20 ra trận vô cùng yêu đời và đầy nhiệt huyết. Là hình ảnh những chàng trai trên chuyến tàu đi vào chiến trường mà gia đình chưa hề biết tin và từ trên chuyến tàu ấy có vô vàn lá thư viết vội được ném xuống đường kèm theo mảnh giấy nhờ chuyển hộ “Tôi vào chiến trường, nhờ ông, bà, anh chị chuyển giúp lá thư này. Xin cảm ơn!”. Những lá thư ấy là vật kỷ niệm vô giá đối với những gia đình mà những đứa con thân yêu mãi mãi nằm lại ở thị xã bé nhỏ bên dòng sông Thạch Hãn. TS.Lê Thanh Sơn cũng khẳng định rằng “chúng ta đã bên nhau 45 năm, bây giờ tuổi đã lớn, chúng ta vẫn bên nhau như thời trẻ, vẫn yêu thương nhau, giúp đỡ nhau. Tôi tin rằng tình cảm đó vẫn mãi mãi như tình đồng đội của chúng ta”.
Sinh viên Lê Quỳnh Trang – Lớp Kinh doanh Quốc tế 56 Khoa Luật phát biểu
Tại buổi lễ, đại diện cho thế hệ trẻ nhà trường, sinh viên Lê Quỳnh Trang – Lớp Kinh doanh Quốc tế 56 Khoa Luật đã phát biểu, bày tỏ niềm tự hào khi được tham dự buổi lễ và gửi lời tri ân sâu sắc đến các thế hệ cha anh – những người đã hy sinh phần máu thịt để tô thắm thêm lá cờ của Tổ Quốc và hứa sẽ cố gắng phấn đấu học tập thật tốt, hoàn thiện và phát triển bản thân mỗi ngày để xứng đáng với công ơn của các thế hệ đi trước, từ đó đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Quang cảnh buổi gặp mặt
Có thể nói, chương trình Gặp mặt truyền thống cựu chiến binh – sinh viên gác bút nghiên lên đường chống Mỹ cứu nước đã thành công tốt đẹp. Những nụ cười rạng rỡ, những cái bắt tay xiết chặt, những cái ôm ấm áp của những người lính năm xưa là những hình ảnh đầy xúc động và để lại nhiều cảm xúc, ấn tượng. Xin kính chúc các anh – những người lính cụ Hồ luôn luôn mạnh khỏe. Các anh mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ noi theo.
Một số hình ảnh khác tại buổi gặp mặt:
Các vị khách, các cựu chiến binh – sinh viên mặc niệm những anh hùng liệt sĩ
Các cựu chiến binh – sinh viên chia sẻ kỷ niệm tại chương trình
GS.TS.Trần Thọ Đạt – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu
Đồng chí Nguyễn Chí Tuệ - Trưởng ban liên lạc Gác bút nghiên lên đường chống Mỹ cứu nước của Trường điều hành chương trình
Niềm vui ngày gặp mặt
Các cựu chiến binh, sinh viên hòa cùng lời ca tiếng hát với sinh viên nhà trường
Các vị đại biểu cùng chụp ảnh lưu niệm
|