Những tình cảm của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân


08-10-2018
Là người đứng đầu Trung ương Đảng, phải dành tâm huyết, trí tuệ, sức lực để chỉ đạo điều hành các công việc lớn của đất nước, nhưng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vẫn dành những tình cảm, quan tâm sâu sắc đến sự phát triển của trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông đã ba lần về thăm trường, nhiều lần gửi thư chúc mừng, nhiều công văn chỉ đạo trực tiếp, nhiều lần mời các nhà khoa học của nhà trường để lắng nghe góp ý cho các chủ trương, chính sách về kinh tế của nhà nước. Những dấu ấn trên đã để lại những tình cảm to lớn, sâu sắc của tập thể sư phạm trường Đại học Kinh tế Quốc dân đối với vị Tổng Bí thư đáng kính.

Tổng Bí thư Đỗ Mười về thăm và làm việc với Nhà trường vào 9h sáng ngày 23-3-1995

Ngày 22-3-1995, Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thường trực Bộ Chính trị đã mời và trực tiếp nghe các nhà khoa học của nhà trường báo cáo về các nội dung: Báo cáo lần thứ Nhất về dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII; Tóm tắt 14 chuyên đề Kinh tế xã hội phục vụ Đại hội VIII và Tóm tắt trả lời 19 vấn đề  Kinh tế - Xã hội theo gợi ý cuả Trung ương. Đúng 9h sáng ngày 23-3-1995, Tổng Bí thư đã về thăm trường, động viên, giao nhiệm vụ đối mới đào tạo và tiếp tục nghiên cứu những vấn đề kinh tế phục vụ Đại hội VIII. Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư căn dặn: “Là “người chiến sĩ trên bục giảng” chiến đấu trên mặt trận giáo dục – đào tạo, các cán bộ, giảng viên, sinh viên của nhà trường phải: không ngừng rèn luyện về chính trị tư tưởng, trau dồi phẩm chất và đạo đức cách mạng; nâng cao kiến thức và nghiệp vụ, bồi dưỡng phong cách giáo viên cách mạng; làm cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà ngày càng nâng cao chất lượng và hiệu quả; sẵn sàng cung cấp các chuyên gia quản lý kinh tế cho đất nước và được đông đảo nhân dân tin tưởng, mến yêu”.

Tổng Bí thư Đỗ Mười về thăm và làm việc với Nhà trường ngày 22-8-1996 

Nhân dịp Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập trường, Tổng Bí thư đã gửi Thư chúc mừng nhà trường vào ngày 18/11/1996. Đây là một niềm vui lớn đối với tập thể sư phạm nhà trường. Bức thư đã thể hiện sự đánh giá cao, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân và của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đối với vấn đề kinh tế và với cơ sở đào tạo kinh tế hàng đầu ở Việt Nam. Trong thư, sau khi gửi lời thăm hỏi, chúc mừng đến tập thể cán bộ giảng viên, sinh viên nhà trường, Tổng Bí thư cũng nêu rõ nhiệm vụ của nhà trường trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với một tình cảm chân thành, tin tưởng đối với các nhà giáo. Các nhiệm vụ được Tổng Bí thư giao như là lời nhắc nhở, tâm tình, vừa là lời động viên, truyền nhiệt huyết cho cán bộ, giáo viên sinh viên nhà trường trong giai đoạn phát triển mới. Đồng chí viết: “Trong 40 năm xây dựng và trưởng thành, Đại học Kinh tế Quốc dân đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo hàng vạn cán bộ kinh tế, quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh cho các ngành, các địa phương trong cả nước và các nước bạn. Nhà trường đã tích cực tham gia soạn thảo các văn kiện của Đại hội Đảng, xây dựng chiến lược, đường lối, chủ trương phát triển kinh tế xã hội, phục vụ việc xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng và Nhà nước ta hoan nghênh và biểu dương những thành tích đóng góp hiệu quả của các thế hệ thầy, cô giáo, cán bộ và sinh viên Nhà trường. Trong giai đoạn phát triển mới, mong Thầy, trò trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát huy những kết quả đạt được, lập nhiều thành tích hơn nữa, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và tư vấn có uy tín của cả nước, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà”.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười về dự Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập trường và chúc mừng Nhà trường đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh vào năm 2001 

Là một trong số rất ít cơ sở đào tạo ba lần được đón đồng chí Đỗ Mười (ngày 23-3-1995, ngày 22-8-1996 và Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập trường năm 2001), điều này khẳng định sự quan tâm và mong muốn đặc biệt đến vấn đề phát triển một trường đại học về kinh tế hàng đầu đất nước của đồng chí Tổng Bí thư. Những chuyến thăm, những đánh giá, lời động viên khích lệ và những chỉ thị của Tổng Bí thư đối với Trường vừa tiếp thêm sức mạnh, vừa thôi thúc và tiếp tục định hướng để sự nghiệp đổi mới của Trường luôn phát triển.

Đại học Kinh tế Quốc dân cũng là đơn vị nhận được sự tin tưởng đặc biệt về nghiên cứu khoa học kinh tế của Trung Ương Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười. Năm 1989, đồng chí Đỗ Mười lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giao cho Trường là một trong 6 đơn vị thực hiện nhiệm vụ "Xây dựng dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 1991- 2000". Năm 1990, theo công văn của Ban Bí thư Trung ương Đảng số 326/CV-VPTW ngày 29/6/1990, Trường thực hiện Đề tài cấp Nhà nước “Cơ chế thị trường và vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế quốc dân Việt Nam”phục vụ hoàn thành Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII. Tháng 7- 1990, đồng chí Đỗ Mười giao tiếp cho Trường là một trong 7 đơn vị làm chủ Dự án nghiên cứu "Đổi mới chính sách tiền lương Nhà nước". Năm 1996Trường thực hiện Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đặc biệt do Tổng Bí thư Đỗ Mười giao về “Mối quan hệ giữa vi mô và vĩ mô trong quản lý kinh tế ở Việt Nam”. Nghiên cứu này là cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách quản lý vĩ mô của Đảng và Nhà n­ước. Năm 1993, theo yêu cầu của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại công văn số 553-CV/VPTW, Trường viết báo cáo về “Đánh giá tổng quát quá trình đổi mới ở Việt Nam và vấn đề về cải cách và phát triển kinh tế”. Năm 1994, theo công văn số 961 – CV/VPTW thực hiện yêu cầu của Thường vụ Bộ Chính trị - Ban Bí thư, Trường viết Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII.

Là người ham mê đọc sách, đặc biệt là sách về kinh tế. Năm 1988, trường Đại học Kinh tế Quốc dân dịch cuốn Giáo trình Kinh tế học của Đại học Yale Mỹ và biếu tặng đồng chí Đỗ Mười (lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) một bản. Sau khi nhận được sách, đồng chí đã đọc rất kỹ, gạch chân những chỗ chú ý, cần trao đổi một số vấn đề trong sách. Sau đó, ông mời một số nhà khoa học kinh tế của nhà trường lên để cùng thảo luận (theo ông Lê Đức Thuý, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nguyên trợ lý của Tổng Bí thư)

Nhiều lắm những dấu ấn, những kỉ niệm sâu sắc về vị Tổng Bí thư tóc bạc phơ, rắn rỏi, giọng nói sang sảng và rất tâm huyết đối với sự nghiệp phát triển đất nước.

Vậy mà, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của bác Đỗ Mười. Cầu mong Bác an giấc ngàn thu!

Các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân mãi ghi nhớ lời căn dặn, mong muốn của Bác và sẽ luôn đoàn kết, thống nhất, thực hiện một cách tốt nhất lời hứa với Tổng Bí thư Đỗ Mười năm xưa.


Nguồn: Phòng Truyền Thông Người đăng:NEU
08-10-2018

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày