Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức và tham gia các sự kiện chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 6


03-05-2019
Trung tuần tháng 4 vừa qua, tại Công viên Thống nhất, phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã diễn ra Lễ khai mạc và Hội sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6. Đến dự, có các đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo nhiều Bộ, Ban, Ngành Trung ương.

Các đại biểu cắt băng khai mạc ngày sách Việt Nam lần thứ 6

Trải qua 5 năm, Ngày sách Việt Nam đã được công chúng đón nhận và cả hệ thống chính trị, cộng đồng hưởng ứng. Điều này cho thấy tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của một quyết định mang tầm chiến lược quốc gia của Chính phủ. Tại Ngày sách năm nay có hơn 90 đơn vị tham gia với khoảng 100 gian hàng. Nhiều hoạt động ý nghĩa được triển khai tại Ngày sách Việt Nam năm nay như: Hội thảo khoa học Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng; Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam; Các cuộc tọa đàm, giao lưu, trưng bày, giới thiệu các hình ảnh, hiện vật về sách.

Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, sau 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam, bên cạnh sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, các hoạt động của Ngày sách Việt Nam còn nhận được sự quan tâm, hưởng ứng và tự nguyện tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân. Điều này cho thấy tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của một quyết định mang tầm chiến lược quốc gia của Chính phủ.

Theo đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, các hoạt động của Ngày sách Việt Nam đã được triển khai trên diện rộng, đặc biệt chú trọng đến những địa bàn cơ sở, vùng sâu, vùng xa, hướng tới mục đích thu hẹp khoảng cách thụ hưởng về thông tin tri thức giữa các vùng, miền, từ đó nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa đọc của người dân.

Ngày sách Việt Nam lần thứ sáu và Hội sách được tổ chức tại Hà Nội không chỉ là dịp để các nhà xuất bản, các công ty sách giới thiệu những cuốn sách mới với bạn đọc, lan tỏa tình yêu sách, mà còn là cơ hội để các đơn vị gặp gỡ, giao lưu, trao đổi và tổ chức các hoạt động gắn liền với sách, tạo sức hấp dẫn của chuỗi hoạt động Ngày sách Việt Nam.

Ngay trong sáng ngày 18/4/2019, Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 284/QĐ -TTg ngày 24-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức tại Hà Nội. Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Qua 5 năm tổ chức, Ngày Sách Việt Nam đã đạt kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu để việc đọc sách, văn hóa đọc đi vào thực chất, lan tỏa đến mọi ngành, mọi cấp, toàn xã hội, nhất là đến giới trẻ, cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. Các ngành chức năng cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của các hội có liên quan đến xuất bản; tiếp thu ý kiến của các hội này trong việc xây dựng chính sách phát triển văn hóa đọc; tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế, làm tốt công tác giới thiệu xuất bản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại.

Để hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã triển khai, tổ chức các hoạt động như:

Tổ chức tham gia Hội sách tại Công viên Thống nhất

Căn cứ công văn số 732/ KH-BTTTT ngày 18/3/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông; Công văn số 1165/BGDĐT-GDTX ngày 25/3/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thực hiện kế hoạch năm 2019 của NXB, Nhà trường triển khai kế hoạch tổ chức tham gia Hội sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6 do Ban Tuyên giáo Trung uơng, Bộ thông tin và truyền thông tổ chức diễn ra từ ngày 17/4/2019 đến hết ngày 22/4/2019, tại Công viên Thống Nhất. Theo đó trường Đại học KTQD đã lên kế hoạch và giao cho NXB phối hợp cùng với các đơn vị liên quan tổ chức tham gia Hội sách.

Một số hình ảnh tham gia Hội sách của Trường tại Công viên Thống nhất:

Tổ chức kỷ niệm Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6 và Tọa đàm “Văn hóa đọc với giảng viên, sinh viên” Đại học Kinh tế Quốc dân

Sáng thứ 7, ngày 20/4/2019, tại Hội trường A (Nhà Văn hóa), đã diễn ra kỷ niệm Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6 và Tọa đàm “Văn hóa đọc với giảng viên, sinh viên” Đại học Kinh tế Quốc dân. Tới dự về phía khách mời có ông Nguyễn Ngọc Bảo – Phó Cục trưởng Cục Xuất bản In và Phát hành; TS. Lê Trung Nghĩa – Phó Trưởng ban Tư vấn phát triển giáo dục mở, Hiệp hội các Trường đại học và cao đẳng Việt Nam. Về phía Trường Đại học KTQD có TS. Nguyễn Anh Tú - Giám đốc NXB Đại học KTQD;  ThS. Đào Thiện Quốc - Giám đốc Trung tâm Thư viện; TS. Bùi Trung Hải - Phó trưởng phòng CTCT&QLSV; ThS. Nguyễn Đan Khánh - Phó Viện trưởng Viện Tiên tiến CLC và POHE; cùng các Thầy, Cô đại diện các đơn vị trong trường và hơn 500 sinh viên đến từ các khoa, viện trong toàn trường.

Quang cảnh lễ kỷ niệm

 

 TS. Nguyễn Anh Tú - Giám đốc NXB Đại học KTQD phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, TS. Nguyễn Anh Tú cho rằng: Sách có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống con người, giúp con người khai sáng trí tuệ và là kênh quan trọng để con người trao truyền tri thức cho nhau. Đọc sách không chỉ để thư giãn mà còn khiến chúng ta phải ngồi lại suy ngẫm, giúp cho ta học hỏi, mở mang thêm kiến thức và cho ta nhìn lại quá khứ. Sách chính là kho tàng tri thức được đúc kết qua dòng thời gian của lịch sử. Qua sách, chúng ta có thể trở về quá khứ, nhìn lại chính mình và rồi tiếp bước đến tương lai. Như Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng nói về ý nghĩa của việc đọc nói chung và đọc sách nói riêng: Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn. Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nêu bật ý nghĩa, khẳng định giá trị và tầm quan trọng của việc đọc sách qua câu nói: “Đọc muôn cuốn sách, đi muôn dặm đường”. Bản thân Người chính là một tấm gương tự học vĩ đại nhất. Người không được học qua trường lớp nào nhưng Người đã tự học trong cuộc sống và trong sách. Người là kết tinh văn hoá của Việt Nam và nhân loại. Tọa đàm “Văn hóa đọc với giảng viên, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân” nhằm mục đích chia sẻ những kinh nghiệm của các Thầy, Cô và các em sinh viên có niềm đam mê đọc sách; Từ đó, tuyên truyền, phát động rộng rãi phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong cán bộ, giảng viên và sinh viên của Nhà trường.

 Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Đại diện lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành phát biểu tại buổi lễ

Đại diện lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng: “Ngày hội đọc sách” được bắt nguồn từ một phong tục truyền thống trong ngày Lễ thánh George (Saint George’s Day) 23/4 từ những năm 80 của thế kỷ 20 tại đất nước Tây Ban Nha xinh đẹp. Trong ngày Lễ thánh này, mọi người yêu mến, tặng cho nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng và bất cứ ai mua sách cũng sẽ được tặng kèm theo một bông hồng đẹp. Từ đó, hằng năm, truyền thống tốt đẹp này được người Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày hội đọc sách” trên các đường phố. Sau đó, hoạt động văn hóa có ý nghĩa này tiếp tục lan rộng ra nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Phi dưới nhiều hình thức như: Tuần lễ đọc sách, Ngày Sách, Tuần lễ Thư viện…

Đánh giá cao tầm quan trọng của văn hóa đọc, trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại Paris (ngày 25/10 - 16/11/1995), UNESCO (Tổ chức văn hoá, giáo dục, khoa học Liên hợp quốc) đã quyết định chọn ngày 23/4 hằng năm làm “Ngày Sách và Bản quyền thế giới” (World Book and Copyright Day) nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích niềm yêu thích đọc sách, đồng thời tôn trọng bản quyền tác giả của mọi người dân. Hằng năm, hoạt động này đã thu hút sự chú ý, quan tâm của hàng triệu người đọc, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở mỗi nước; bất kể già, trẻ, gái, trai; bất kể mọi thành phần giàu, nghèo trong xã hội... góp phần gắn kết các hoạt động sáng tác, xuất bản, phát hành với người đọc.

Hơn 10 năm sau khi Ngày Sách và Bản quyền Thế giới ra đời, Việt Nam đã tích cực hưởng ứng và hiện thực hóa ngày này thông qua các hoạt động vô cùng ý nghĩa như: Triển lãm, trưng bày sách báo, triển lãm thư pháp, giao lưu tọa đàm giữa các nhà văn với bạn đọc, tuyên truyền giới thiệu sách, vẽ tranh theo sách… Bên cạnh đó còn có các hoạt động quyên góp ủng hộ sách, xây dựng tủ sách cho các địa phương khó khăn ở vùng xâu, vùng xa góp phần nuôi dưỡng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.  

Để phong trào đọc sách đi vào hoạt động có nền nếp và ngày càng phát triển sâu rộng trong toàn xã hội, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 284/QĐ-TTg chọn ngày 21/4 hằng năm là “Ngày Sách Việt Nam”. Điều này không chỉ thể hiện được sự hội nhập của Việt Nam với thế giới mà còn góp phần gắn kết các hoạt động được tổ chức trong nước để hưởng ứng Ngày Sách và Bản quyền Thế giới. Các chuỗi hoạt động được tổ chức đồng loạt với những hình thức phong phú, đa dạng và ngày càng có chiều sâu đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng; tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa các trung tâm thông tin thư viện lớn đến thư viện trường học, giữa nhà xuất bản với các cơ quan phát hành, giữa tác giả với người đọc... Qua đó không ngừng nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Cho dù là Ngày Sách và Bản quyền Thế giới hay Ngày sách Việt Nam thì các hoạt động cũng đều hướng tới một mục đích cao cả đó là “Tôn vinh sách và văn hóa đọc”. Việc Ban Giám hiệu và Nhà Xuất bản Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã quan tâm tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày sách Việt Nam lần thứ 6 và Tọa đàm “Văn hóa đọc với giảng viên, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân”  là vô cùng ý nghĩa. Tôi hi vọng rằng sau buổi Tọa đàm ngày hôm nay, mỗi chúng ta ngồi đây sẽ trở thành một đại sứ truyền cảm hứng, khuyến khích tinh thần đọc sách trong cán bộ, giảng viên và sinh viên trong toàn trường cũng như cộng đồng xung quanh.

Ngay sau phát biểu chào mừng của đại diện Cục Xuất bản in và Phát hành, BTC tiến hành tổ chức Tọa đàm có chủ để “Văn hóa đọc với Giảng viên, Sinh viên” Đại học KTQD. Theo đó, các diễn giả tọa đàm đến từ các Thầy/Cô có niềm đam mê đọc sách, tham gia các hoạt động về sách như: TS. Nguyễn Anh Tú, Giám đốc NXB Đại học KTQD; Ths. Đào Thiện Quốc, Giám đốc TT Thư viện; TS. Bùi Trung Hải, Phó trưởng phòng CTCT&QLSV; ThS. Trần Hồng Nhung, Giảng viên khoa Marketing. Bên cạnh đó có hai diễn giả là sinh viên: Bạn Cao Thị Sao Mai, sinh viên năm 3 trường KTQD, khoa Kế hoạch và Phát triển, là người sáng lập dự án Điểm Đọc Việt Nam - một tổ chức về văn hóa đọc với quy mô toàn quốc; Bạn Hoàng Thị Yến, sinh viên năm 2 Viện Kế toán Kiểm toán – Phó chủ nhiệm CLB Tủ sách sống Đại học KTQD.

Các diễn giả trao đổi tại buổi tọa đàm 

Buổi tọa đàm diễn ra sôi nổi, cởi mở, thể hiện rõ nét văn hóa trong cán bộ, giảng viên và sinh viên Đại học KTQD. Các diễn giả đã trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm đọc sách, quản lý sách, và định hướng tìm những cuốn sách hay, có ích để các bạn sinh viên có thể tìm đọc. Bên cạnh đó, các diễn giả cũng đã trao đổi, giải đáp các câu hỏi đến từ các bạn sinh viên tại Hội trường, thông qua tọa đàm, các diễn giả phần nào đã trả lời được những thắc mắc, những băn khoăn của các bạn sinh viên trong quá trình tìm sách, đọc sách và lưu trữ sách,…

Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm:

BTC các sự kiện Chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6 xin chân thành cảm ơn tới sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, BGH Nhà trường; Sự hỗ trợ, tham gia tổ chức các sự kiện của các đơn vị Khoa, Viện, Phòng Ban, Đoàn Thanh niên, CLB Tủ sách sống, Điểm đọc Việt Nam,…


Nguồn: NEU Người đăng:NEU
03-05-2019

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày