"Vua" thép Trần Đình Long: Từ miền quê nghèo Hải Dương, cựu sinh viên Kinh tế Quốc dân đã trở thành tỷ phú USD của Việt Nam như thế nào?


23-04-2018
Danh sách tỷ phú năm 2018 của Forbes năm nay có sự xuất hiện của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát với khối tài sản 1,3 tỷ USD. Ông Long là người giàu thứ 1.756 thế giới.


Ông Trần Đình Long là một doanh nhân khá kín tiếng trên thương trường và người ta thường chỉ được gặp ông 1 năm 1 lần vào mỗi dịp Đại hội cổ đông.

Ông Long sinh năm 1961 tại Hải Dương. Xuất thân từ một miền quê nghèo khó ở Hải Dương, cậu sinh viên mê toán học với khát khao làm giàu đã bôn ba khắp chốn trong ngoài nước.

Ông lấy bằng Cử nhân tại Đại học Kinh tế Quốc dân năm 1986. Năm 1992, ông Trần Đình Long cùng người bạn thân thiết của mình là ông Trần Tuấn Dương thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng. Đây là công ty chủ yếu buôn bán đồ cũ từ Nga về.

Sang năm 1993, ông Long cùng các cộng sự lần đầu tiên có chuyến xuất ngoại để nhập hàng. Đây được đánh giá là chuyến đi quan trọng đối với công ty và là lần đầu tiên công ty nhập hàng một cách tương đối bài bản.

Năm 1994, khi tìm mua bàn ghế cho văn phòng nằm trên đường Giải Phóng, ông Long và các cộng sự nhận ra rằng, lúc bấy giờ, các doanh nghiệp đều đang nhập khẩu bàn ghế gỗ từ Đài Loan về. Vì vậy, ông Long đã quyết định gia nhập thị trường khi thành lập công ty nội thất, tìm hiểu các nhà cung cấp từ Đài Loan cho đến Malaysia, Singapore...

Dịp kỉ niệm 25 năm thành lập công ty năm ngoái, TGĐ Hòa Phát Trần Tuấn Dương - người anh em gắn bó keo sơn với ông Long suốt mấy chục năm từ thời sinh viên tới hiện tại, có ghi lại vài dòng hồi ký thời khởi nghiệp ở Hòa Phát. Bài viết có đoạn:

"Lúc đó và kể cả bây giờ, Thép Việt Mỹ, Việt Hàn, Việt Nhật, Việt Pháp, Việt Đức … rất nhiều. Một số công ty, máy móc chẳng có gì liên quan đến các nước Mỹ, Hàn, Nhật, Pháp… nhưng lại sính ngoại lấy tên như thế.

Mình thì mua máy móc mới tinh của nước ngoài nên lúc đầu cũng định lấy tên ghép như vậy nhưng sau nhận thấy hàng Việt Nam cũng rất đáng để tự hào, thế là chọn "Hòa Phát" (với nghĩa Hòa hợp & Phát triển - PV) để đổi tên cho các công ty, thống nhất một thương hiệu và đến năm 2007 thì Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát ra đời. Đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn".

Khoảng năm 1996, công ty thiết bị phụ tùng thường phải mua ống thép về làm giàn giáo. Tuy nhiên, việc mua ống thép hết sức khó khăn, do phải xin phê duyệt rồi phải có tiền lobby mới mua được 5-10 tấn. Thấy rằng việc làm ống thép không khó, ông Long đã quyết định thành lập công ty Ống thép Hòa Phát, sử dụng công nghệ Đài Loan.

Sau 8 năm bán đủ thứ từ máy móc, nội thất tới ống thép, phải đến năm 2000, "thép xây dựng" mới có mặt trong danh mục sản phẩm của Hòa Phát.

Khẳng định vị thế doanh nghiệp thép số 1 trên thị trường, năm 2017, Hòa Phát xác lập kỷ lục kinh doanh cao nhất từ trước đến nay với 3 triệu tấn thép thành phẩm các loại, tăng 25% so với năm 2016.

Trong tổng sản lượng trên, thép xây dựng chiếm 2,2 triệu tấn, ống thép đóng góp 600.000 tấn và còn lại là tôn mạ kẽm.

Cả hai dòng sản phẩm chủ lực của Tập đoàn là thép xây dựng và ống thép đều dẫn đầu thị trường, với thị phần lần lượt là gần 24% và 26,4%.

Vua thép Trần Đình Long: Từ miền quê nghèo Hải Dương, cựu sinh viên Kinh tế Quốc dân đã trở thành tỷ phú USD của Việt Nam như thế nào? - Ảnh 2.

Trong hơn 10 năm qua, doanh thu Hòa Phát đã tăng trưởng tới 10 lần. Năm 2007, doanh thu ở mức 5.734 tỷ đồng thì đến năm 2017 con số này đã là gần 47.000 tỷ đồng, lợi nhuận cao kỷ lục hơn 8.000 tỷ đồng.

Như nhiều doanh nghiệp khác, sau khi xây dựng vị trí vững chắc với sản phẩm thép, Tập đoàn Hòa Phát bắt đầu mở rộng kinh doanh ra nhiều ngành nghề như nội thất, điện lạnh, nông nghiệp, tôn mạ và vừa tiếp nhận siêu dự án thép trị giá 3 tỷ USD ở Dung Quất (Quảng Ngãi). 

"Nhiều người đi thị trường ngách, nhưng Hòa Phát là xe tăng, xe lu cứ đường thẳng mà đi"

Ông Long nổi tiếng với quan điểm trên, tuy nhiên trước khi có ngày hôm nay, ông và những người anh em ở Hòa Phát cũng từng có những giai đoạn đầy khó khăn, vất vả. 

Mùa xuân năm 1993, dàn lãnh đạo công ty đi khảo sát thị trường. Thời kỳ đó doanh nghiệp chỉ được nhập khẩu đường biên chứ không phải chính ngạch vì công ty tư nhân không được phép xuất nhập khẩu với nước ngoài. Thế nên phải đi bằng hộ chiếu đường biên. Ông Trần Tuấn Dương nhớ lại: "Đến đoạn lên núi, hôm đó trời mưa phùn nên phải bò qua bằng cả hai tay hai chân tay nếu không trơn ngã. Người lấm bê bết bùn đất, bò qua biên giới mấy cây số. Mà không riêng gì mình, những người đi buôn tiểu ngạch thời đó đều đi như thế cả."

Năm 1990, Nhà nước mới có Luật Doanh nghiệp tư nhân. Những công ty tư nhân thành lập năm 1990 gần như không có vì luật mới ra đời, tiềm lực nhỏ, e ngại nhiều, thủ tục khó khăn. Ra đời năm 1992, Hòa Phát thuộc nhóm những công ty đầu tiên ra đời sau Luật doanh nghiệp.

Hay chuyện thành lập công ty đầu tiên năm 1992 không hề dễ dàng, phải qua phòng Thương mại và Công nghiệp quận Hoàn Kiếm làm hồ sơ, chứng minh tài sản, mượn tiền, góp vài chục triệu vào ngân hàng để phong tỏa tài khoản rồi xin giấy phép xác định nhận thân từng người. Công ty phải mượn nhà ông Long làm địa điểm vì doanh nghiệp thành lập phải có địa chỉ đăng ký, vốn pháp định, phải chứng minh vốn bằng cách đóng tiền vào ngân hàng, thậm chí đi mượn tiền người khác để đóng vào làm vốn pháp định.

Hay chuyện làm thép. Ở Hòa Phát vẫn lưu truyền câu chuyện ông Long dấn bước vào ngành thép từ câu nhận xét phũ phàng "biết gì về thép mà làm" của một trùm buôn thép những năm cuối 90 của thế kỷ trước. Khi ấy, ông Long chỉ là tay mơ trong lĩnh vực thép, những vị trí trùm thép trong giới buôn thép đều nằm tại đất Thái Nguyên.

Nhưng "thép như chảy trong huyết mạch, có trong từng tế bào" khiến ông Long và các cộng sự càng làm càng mê. Năm 2007, khi Khu liên hợp Gang thép tại Hải Dương của Hòa Phát được xây dựng, mục tiêu trở thành nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam tiếp tục có những định hình rõ nét.

"Khó khăn như vậy nhưng thực ra đó mới là cơ hội cho người biết làm và dám làm. Dễ thì mọi người cùng dễ, ai cũng làm được, thế là "dễ" lại trở thành "khó". Một doanh nghiệp muốn thành công phải "nhìn thấy cơ hội trong khó khăn". Nhưng quan trọng hơn, để doanh nghiệp lớn và phát triển mạnh mẽ thì phải "làm đúng" và "làm tốt".

"Giá trị của Hòa Phát là đã bước chân vào ngành nào là phải làm tốt nhất. Đó thực ra là "sức cạnh tranh". Làm ngành gì cũng phải quyết tâm đủ lớn mình có thể làm tốt nhất, nếu không được nhất thì cũng phải được "gần như là nhất". Dù làm thiết bị phụ tùng hay nội thất, ống thép… nếu sức cạnh tranh vào loại tốt nhất hoặc vào nhóm tốt nhất thì sẽ không bao giờ chết, lợi nhuận sẽ đến. Làm tốt thì phần thưởng tự nó sẽ đến thôi …", ông Trần Tuấn Dương đúc kết.

Năm 2017, Việt Nam bước lên ngôi vị số 1 về tiêu thụ thép tại khu vực Đông Nam Á, vượt qua cả Indonesia - quốc gia có dân số gấp 2 lần Việt Nam. Chia sẻ với Báo Đầu tư, ông Long khẳng khái: "Vài năm nay, mọi người nhìn thép rất xấu, nhưng thép vẫn được coi là bánh mì của công nghiệp và tại những nước công nghiệp hoá mới như chúng ta, nhu cầu thép vẫn còn tăng".

Ông Trần Đình Long hiện nắm giữ 382 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát. Năm 2017 vừa qua, giá cổ phiếu Hòa Phát tăng vọt đã nâng tài sản của ông Long trên thị trường chứng khoán lên trên 1 tỷ USD. Đây có lẽ cũng là căn cứ Forbes đưa tên ông vào danh sách tỷ phú đô la thế giới.

  PROFILE

Họ tên: Trần Đình Long

Ngày sinh: 20/02/1961 (57 tuổi)

Quê quán: Hải Dương

Trình độ: Cử nhân Kinh tế - Đại học Kinh tế Quốc dân

Chức vụ hiện tại: Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát

Tài sản: 1,3 tỷ USD (Theo Forbes)

 


Nguồn: Hà My (Theo Trí Thức Trẻ), Cafebiz Người đăng:NEU Alumni
23-04-2018

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày