VND mất giá 3%, GDP có thể giảm 2%


03-05-2016
Trái với nhiều ý kiến cho rằng phá giá VNĐ giúp xuất khẩu tích cực hơn, các chuyên gia tại hội thảo của Đại học Kinh tế quốc dân không đồng tình với quan điểm này.


Ngày 25/8, Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Tọa đàm tác động của tỷ giá hối đoái và chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam hiện nay.

Trình bày nghiên cứu tại hội thảo, PGS.TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng tỷ giá tăng 1%, thì ngay trong quy đầu tiên lạm phát tăng 0,44%. Quý tiếp theo quy mô lạm phát tăng dần lên.

Ông Phạm Thế Anh cũng nhấn mạnh phá giá đồng tiền không ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế.

“Khi phá giá chúng ta hy vọng xuất khẩu tăng và thúc đẩy tăng trưởng, nhưng nghiên cứu của chúng tôi lại cho thấy điều ngược lại. Phá giá không đem lại tăng trưởng kinh tế cao hơn. Lí do chính là do nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu. Phá giá tiền tệ làm tăng chi phí đầu vào, do vậy làm chi phí sản xuất tăng cao, làm giảm tăng trưởng kinh tế”, PGS.TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng nền sản xuất của Việt Nam dựa vào nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc thiết bị. Tính toán cho thấy xuất khẩu của Việt Nam ngày càng ít lan tỏa đến giá trị gia tăng mà chỉ lan tỏa đến nhập khẩu.

"Khi VNĐ mất giá 3% sẽ khiến chi phí trung gian chung của nền kinh tế tăng lên do giá trị nhập khẩu tăng lên và chỉ số giá sản xuất ngay chu kỳ sản xuất đầu tiên tăng lên 0,65% và chu kỳ sản xuất tiếp theo chỉ số giá này tăng lên 0,75%. Tổng ảnh hưởng là 1,1% và GDP có thể giảm 2%-2,27%".                 

PGS.TS Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế quốc dân cũng cùng quan điểm phá giá tiền đồng giai đoạn hiên nay không có tác động tích cực đến tăng trưởng.

Tại hội thảo, chuyên gia Bùi Trinh cũng lo ngại việc tiếp tục phá giá VNĐ có thể dẫn đến sự hoang mang của người gửi tiền tiết kiệm. Khi người dân rút tiền tiết kiệm để trú ẩn vào kênh USD và vàng thì tiết kiệm không thành vốn mà chỉ là tiền tệ. Lúc đó sẽ kéo nền kinh tế suy trầm.

“Khi xuất khẩu thực chất chỉ là xuất khẩu hộ nước khác do phía Việt Nam hầu như chỉ làm gia công tại sao các chuyên gia chỉ chăm chăm lo xuất khẩu trong khi chính tiêu dùng trong nước mới lan tỏa đến phía cung và giá trị gia tăng nhiều nhất? Trong trường hợp cấu trúc chi phí của sản phẩm xuất khẩu như hiện nay thì việc phá giá VNĐ lại làm có lợi cho Trung Quốc”, chuyên gia Bùi Trinh bình luận


Người đăng:SuperUser Account
03-05-2016

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày