Tới tham dự buổi Tọa đàm, về phía đại biểu khách mời từ các cơ quan quản lý có sự hiện diện của TS Vũ Như Thăng – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài Chính; ông Lưu Đức Huy – Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính; ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính; ông Vũ Danh Hiệp – Phó vụ trưởng Vụ Tài chính, Văn phòng Quốc Hội; cùng các nhà quản lý của các cơ quan Trung ương. Đến tham dự buổi Tọa đàm còn có nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế như GS. TSKH Nguyễn Quang Thái; TS Vũ Đình Ánh; PGS.TS Lưu Bích Hồ; TS Bùi Chinh; PGS.TS Nguyễn Minh Phong, cùng các nhà khoa học đến từ các trường đại học, học viện, trung tâm nghiên cứu và các doanh nghiệp, các công ty kiểm toán trong và ngoài nước. Về phía trường Đại học Kinh tế Quốc dân có GS.TS Trần Thọ Đạt – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Nhà trường. Tham dự buổi Tọa đàm còn có các Giáo sư, nguyên lãnh đạo Nhà trường: GS.TSKH Lương Xuân Quỳ - Nguyên Hiệu trưởng; GS.TS Nguyễn Văn Nam - Nguyên Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; GS.TS Phan Công Nghĩa - Nguyên Phó Hiệu trưởng; GS.TS Nguyễn Kế Tuấn - Nguyên Trưởng khoa QTKD; GS.TS Trần Minh Đạo - Nguyên Trưởng khoa Marketing; GS.TS Nguyễn Quang Dong - Nguyên Trưởng phòng QLĐT, cùng các nhà khoa học trong Trường và các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình đến đưa tin về buổi Tọa đàm.
Trước bối cảnh thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao như hiện nay, đặc biệt là tài khóa ngày càng trở nên thiếu bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế mới, trong hơn một năm qua, Bộ Tài chính đã nhiều lần đề xuất sửa đổi, bổ sung các Luật thuế theo hướng tăng mức thuế của nhiều sắc thuế. Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường với các sản phẩm xăng dầu được đề xuất tăng với lý do cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, bù đắp nguồn thu giảm do hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh. Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng thuế VAT và giảm bớt số mặt hàng được hưởng thuế VAT ưu đãi 5% với một lý do mức thuế VAT hiện nay chưa theo kịp thông lệ quốc tế, cần cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu. Bộ Tài Chính cũng dự kiến áp thuế tiêu thụ đặc biệt với một số hàng hóa như nước ngọt với mục đích bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Tuy nhiên, những đề xuất sửa đổi các mức thuế trên của Bộ Tài Chính đã và đang vấp phải rất nhiều ý kiến đa chiều, bởi các loại thuế trên được cho là ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết đại bộ phận người dân (đặc biệt là những người nghèo và có thu nhập thấp), đến hầu hết các doanh nghiệp và theo đó là đến cả nền kinh tế.
GS.TS Trần Thọ Đạt – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu khai mạc tại buổi Tọa đàm khoa học.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, GS.TS Trần Thọ Đạt chia sẻ "Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là trường công lập tự chủ và sắp tới sẽ được tự chủ ở mức độ cao hơn. Nhà trường chủ trương sẽ là địa điểm để các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các cơ quan hoạch định chính sách, các cơ quan giám sát, các cơ quan triển khai chính sách có thể phát biểu một cách khách quan, nhìn nhận một cách đa chiều các vấn đề". Giáo sư Hiệu trưởng nhấn mạnh "Trường Đại học Kinh tế Quốc dân rất chia sẻ với Bộ Tài Chính gánh nặng trong việc phải giảm thiểu thâm hụt ngân sách. Hiện nay, nền kinh tế đang được ổn định, kinh tế vĩ mô khá tốt, nếu tăng trưởng duy trì vượt mức 7% thì có thể khẳng định Việt Nam sẽ bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới. Nhưng một trong những biến số vĩ mô lớn là nợ công và thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, chính sách phải nhìn dưới góc độ đa chiều, nhất là nền kinh tế ngày càng tiến tới nền kinh tế thị trường hiện đại và dư địa chính sách ngày càng hạn hẹp. Để có chính sách tối ưu thì đề xuất chính sách cần được nhìn ở đa chiều, được tham vấn rộng rãi và có cơ sở khoa học để đề xuất chính sách tốt ngay từ đầu và cần được truyền thông tốt để tạo được sự đồng thuận".
Ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng Cục Thuế trình bày tham luận tại buổi Tọa đàm
Theo ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng Cục Thuế chia sẻ luật thuế sửa đổi nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; mức động viên hợp lý nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước và là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô có hiệu quả, hiệu lực của Đảng và Nhà nước.
PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả, Bộ tài chính trình bày tham luận tại buổi Tọa đàm
Hiện nay, trong 6 điều luật dự thảo sửa đổi của Bộ Tài chính, thuế VAT được đề xuất với nhiều mặt hàng hiện không chịu thuế VAT, nay phải chịu mức thuế suất 5%; nhiều mặt hàng đang chịu thuế 5% lên 6%, hay từ 10% lên 12%.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả, Bộ tài chính thì xét về tỷ trọng, đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam với thuế suất VAT phổ thông hiện nay là 10%, VAT đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách. Trong khi đó, với mức thuế suất trung bình EU cao hơn hẳn Việt Nam song VAT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước này. Như vậy, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách triền miên ở Việt Nam không phải do việc huy động nguồn thu thuế thấp trong ngân sách, mà chính là do tham nhũng, thất thoát, lãng phí, kỷ luật tài chính không nghiêm, đầu tư sai, hoặc đầu tư vì lợi ích nhóm chứ không phải vì cộng đồng hay sự phát triển đất nước. Nếu không giải quyết cái gốc của vấn đề thì dù có tăng lên 12% hay gấp đôi đi nữa, thu ngân sách dù có phình to ra cũng khó mà đảm bảo được cân đối ngân sách nhà nước. Dưới góc độ công bằng, tăng thuế VAT sẽ làm tổn thương và tạo áp lực nhiều hơn đối với người có thu nhập thấp.
TS Bùi Trinh – Viện nghiên cứu và Phát triển Việt Nam trình bày tham luận tại buổi Tọa đàm
Cũng đồng quan điểm, TS Bùi Trinh – Viện nghiên cứu và Phát triển Việt Nam (VISERI) cho rằng tác động của việc tăng thuế VAT và thuế TTĐB tới nền kinh tế mang tính chất tiêu cực, không khuyến khích được sản xuất, dù thu ngân sách Nhà nước có thể tăng được chút ít trong tức thời nhưng nguồn lực của nền kinh tế bị thu hẹp trong trung và dài hạn. Hơn nữa việc tăng thuế gián thu có thể không ảnh hưởng nhiều đến 20% hộ giàu, nhưng chắc chắn sẽ có tác động tới 20% hộ nghèo nhất. Vì vậy, thay vì tăng thuế, việc quan trọng cần phải làm là tập trung chống thất thu thuế, lãng phí.
PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày tham luận tại buổi Tọa đàm khoa học.
Về thuế tài sản, PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng ĐH KTQD cho rằng, thuế về tài sản là sắc thuế phổ biến áp dụng ở 174/193 quốc gia trên thế giới, với một số tên gọi khác nhau, phần lớn đánh vào bất động sản. Thuế đối với bất động sản được coi là tất yếu, dựa vào lý thuyết về phân phối địa tô. Địa tô là yếu tố sinh lời tất yếu của đất đai, bất động sản, chứ không phải bản thân người sở hữu đất đai đó mang lại. Người chủ sở hữu bất động sản mới là người được hưởng địa tô và việc Nhà nước điều tiết phân phối địa tô sẽ mang lại lợi ích cho xã hội. Hơn nữa, bất động sản là tài sản xã hội hữu hạn, nếu chúng ta không quản lý thì sẽ tạo sự mất công bằng trong chiếm hữu tài sản, chính vì vậy nên phải có thuế để điều tiết. Cơ sở để đề xuất thuế bất động sản không phải từ việc hướng đến tăng thu mà mục tiêu chính là hướng đến phân phối, sử dụng tài sản hữu hạn này sao cho hợp lý, đảm bảo quyền, lợi của người dân.
Buổi Tọa đàm đã có rất nhiều ý kiến được thẳng thắn nêu ra. Tình hình bối cảnh hiện rõ, từ đó các chuyên gia cũng tham mưu và đề xuất những giải pháp trong việc sửa đổi, bổ sung 6 luật thuế của Bộ Tài Chính. Có thể khẳng định, những đề xuất của các chuyên gia, các nhà khoa học với góc nhìn đa chiều sẽ là những cơ sở khoa học, những luận cứ để các cơ quan chức năng tham khảo, sử dụng trong quá trình sửa đổi và hoạch định chính sách trong thời gian tới.
Một số hình ảnh các chuyên gia tham luận và thảo luận tại buổi tọa đàm khoa học:
GS.TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân trả lời phỏng vấn báo chí, truyền hình