Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ: Định hình khuôn khổ hợp tác mới


29-05-2017
TP - Đêm 28/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Mỹ từ ngày 29 tới 31/5. Một trong những mục tiêu chính của chuyến thăm là nhằm định hình khuôn khổ mới cho hợp tác Việt - Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Ngày 20/5 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Trưởng đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Ảnh: TTXVN.

Đó là nhận định của TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao, trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong ngày 28/5.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo đầu tiên ở Đông Nam Á thăm Mỹ từ khi ông Donald Trump trở thành tổng thống. Theo ông, chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào?

Chuyến thăm này mang 4 ý nghĩa. Ý nghĩa đầu tiên là khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Thứ hai, chuyến thăm sẽ giúp duy trì đà phát triển của quan hệ Việt - Mỹ mà hai bên đã đạt được, nhất là sau chuyến thăm Việt Nam của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Thứ ba, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trực tiếp mời ông Donald Trump sang Việt Nam dự Tuần lễ Cấp cao APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương). Thứ tư, chuyến thăm nhằm xử lý một số vấn đề phát sinh, nhất là sau khi Mỹ có chính quyền mới, và định hình một khuôn khổ hợp tác, xây dựng lòng tin với Mỹ trong nhiệm kỳ của ông Trump, vì lợi ích của hai bên và vì hòa bình, ổn định của khu vực.

Với một nhà lãnh đạo xuất thân doanh nhân như ông Trump, trọng tâm chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có phải vấn đề thương mại, theo ông?

Không chỉ là vấn đề thương mại. Chuyến đi nhằm thúc đẩy toàn diện quan hệ Việt - Mỹ, duy trì đà quan hệ song phương đang rất tốt đẹp. Về chính trị, ý nghĩa quan trọng nhất của chuyến thăm là duy trì tiến trình xây dựng lòng tin giữa hai bên và định hình khuôn khổ hợp tác mới dưới thời Tổng thống Donald Trump. Về kinh tế - thương mại, chuyến thăm có hai thông điệp quan trọng. Thông điệp thứ nhất là Việt Nam tiếp tục mở cửa, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để mời gọi các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam, và định hình một khung hợp tác mới, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư - thương mại giữa hai bên.

Chuyến thăm cũng nhằm thúc đẩy an ninh biển và hợp tác quốc phòng lên mức độ mới, cũng như thúc đẩy giao lưu nhân dân.   

Việt Nam kỳ vọng như thế nào vào khuôn khổ hợp tác mới để thúc đẩy thương mại, đầu tư Việt - Mỹ sau khi Mỹ rút khỏi TPP?

Hiện nay, Việt Nam đang muốn có một khuôn khổ mới về hợp tác toàn diện kinh tế, thương mại có lợi cho cả hai bên. Cụ thể như thế nào phải qua quá trình trình đàm phán. Hai bên chưa có thời gian để thảo luận khuôn khổ mới. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam có thể khó tiếp cận thị trường Mỹ vì quy mô nền kinh tế Việt Nam nhỏ, Việt Nam cũng không nằm trong nhóm ưu tiên về kinh tế - thương mại với Mỹ. Hy vọng trong chuyến thăm này, hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận chính trị sơ bộ, hướng tới một khuôn khổ mới.

Việt Nam và Mỹ có thể đạt được mục tiêu thương mại cân bằng không?

Đó là điều Mỹ muốn. Mỹ muốn Việt Nam mở cửa một số lĩnh vực để nhập khẩu hàng hóa Mỹ nhiều hơn. Nhưng đến nay, hai bên chưa có thời gian để bàn. Trước mắt, hai bên có thể tuyên bố một số dự án, nhưng về lâu dài, cần một khuôn khổ để tiến tới thương mại cân bằng.

Hợp tác an ninh, quốc phòng tiếp tục đà phát triển

Theo ông, hợp tác an ninh, quốc phòng Việt - Mỹ có thể tiếp tục phát triển như thế nào?

Về an ninh, hai bên sẽ tập trung vào hợp tác an ninh biển. Việc Mỹ vừa bàn giao một số tàu tuần tra cho Việt Nam truyền đi một thông điệp mạnh mẽ rằng Mỹ sẽ tiếp tục cam kết trợ giúp Việt Nam xây dựng năng lực trên biển như năng lực thực thi pháp luật trên biển, cứu hộ, cứu nạn… Về hợp tác quốc phòng, phía Mỹ muốn thúc đẩy lĩnh vực này, nhưng cụ thể như thế nào thì hai bên cần bàn thêm.

Mỹ vừa đưa một tàu hải quân vào trong vùng 12 hải lý quanh đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Theo ông, chuyến tuần tra này có liên quan đến chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không?

Hai điều này không liên quan đến nhau. Mỹ từ lâu đã tuần tra ở biển Đông chứ không phải gần đây họ mới làm. Vành Khăn là bãi chìm, nên việc Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý là việc làm theo thông lệ, nhưng đáng chú ý đây là lần đầu tiên Mỹ làm như vậy từ khi ông Trump lên nắm quyền. Thông qua đó, Mỹ muốn khẳng định rằng, họ sẽ tiếp tục các nguyên tắc và các hoạt động như thông lệ của họ. Điều này nhằm chuyển thông điệp cho tất cả các bên, chứ không chỉ riêng Việt Nam.

Cũng liên quan chuyện tuần tra ở biển Đông, từ khi ông Trump nhậm chức, một số người cho rằng, Tổng thống Mỹ đang “nhường nhịn” trên biển Đông để đổi lấy sự hợp tác của Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Có thể có dư luận về việc thỏa hiệp vì hồi tranh cử ông Trump nói rất gay gắt nhưng mãi gần đây mới có chuyến tuần tra cụ thể trên biển Đông. Nhưng qua theo dõi, tôi thấy kể cả qua những cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại
Mar-a-Lago, phía Mỹ nêu vấn đề biển Đông khá gay gắt. Hội nghị thượng đỉnh G7 vừa qua ra tuyên bố có nêu mạnh vấn đề quân sự hóa ở biển Đông. Mỹ và Nhật Bản là hai nước thúc đẩy rất mạnh mẽ điều này và họ đã thành công trong việc đưa vấn đề đó vào trong tuyên bố của G7, nhất quán với kết luận của lần họp trước của G7 tại Nhật Bản. Điều này cho thấy Mỹ vẫn nhất quán với các nguyên tắc của họ.

Cảm ơn ông.


Nguồn: Trúc Quỳnh/tienphong Người đăng:NEU Alumni
29-05-2017

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày