Startup trong doanh nghiệp: Làm sao để thành công?


13-07-2017

Các startup trong doanh nghiệp hay startup tự phát thường có nhiều ý tưởng nhưng lại chưa biết làm sao cho bài bản.

Chưa bao giờ làn sóng startup lại rầm rộ ở Việt Nam như hiện nay. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện Việt Nam đang có khoảng 1.500 startup, so với con số 2.100 tại Indonesia và 2.300 tại Trung Quốc. Báo cáo của Topica Founder Institute (TFI) còn cho thấy, năm 2016 tiếp tục chứng kiến dòng vốn đổ mạnh vào startup, với 205 triệu USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, TFI lưu ý, năm 2016, số lượng dự án startup được rót vốn đã suy giảm.  Đặc biệt, theo khảo sát từ Công ty Tư vấn chiến lược Robenny công bố mới đây, 98% startup trong doanh nghiệp bị thất bại. Ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Công ty Robenny khu vực Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương, đặt vấn đề: “Những startup này đã được doanh nghiệp hậu thuẫn mà còn thất bại như thế thì các startup tự phát có hy vọng thành công hơn không?”.

Nguyên nhân thất bại

Theo đánh giá của ông Robert Trần, các startup trong doanh nghiệp hay startup tự phát thường nhiều ý tưởng nhưng lại chưa biết làm sao cho bài bản. Đây chính là nguyên nhân đưa đến thất bại của các startup. Ông Robert Trần cho rằng, nếu ý tưởng của startup không có gì đặc biệt, không tạo thêm giá trị, không dựa trên nhu cầu thị trường, không giải quyết được vấn đề nào đó của thị trường, startup ấy đã thất bại.

Thực tế, những startup thành công là những đơn vị giải được bài toán nhu cầu phát sinh của thị trường.Chẳng hạn, từ năm 2012, nhờ tham gia quản lý chuỗi cung ứng của Thế Giới Di Động mà nhóm sáng lập Giao Hàng Nhanh sớm nhìn thấy cơ hội từ nhu cầu vận chuyển hàng hóa mua bán qua mạng. Họ quyết định tách ra để lập startup, dựa trên học hỏi các mô hình của Amazon, Alibaba...

Ông Nguyễn Trần Thi, Tổng Giám đốc của Giao Hàng Nhanh, cho biết, suốt 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình hằng năm của Công ty là 2,5-3 lần. Đáng chú ý, từ năm 2017, Công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu trên ngàn tỉ đồng. Để đạt thành công, ông Robert Trần cho rằng, các startup phải trải qua nhiều bước nền tảng. Đó là xác định chiến lược, xác định mô hình, thử nghiệm, kiểm tra tính khả thi của sản phẩm/dịch vụ, đánh giá mức độ phù hợp của định hướng với mô hình, xây dựng cơ cấu tổ chức, chuyển đổi văn hóa và thực hiện.

Startup trong doanh nghiep: Lam sao de thanh cong?
 

Hiện tại, nhiều startup đã biết lập kế hoạch nhưng vẫn thất bại do mơ hồ về chiến lược, giá trị sản phẩm, mô hình kinh doanh cũng như không đo lường được độ lớn và rủi ro của thị trường. Đó là vì các startup chưa đầu tư đúng mức cho nghiên cứu, thu thập dữ liệu, làm cơ sở cho việc ra quyết định. Ngoài ra, khi bắt tay triển khai, như tâm sự của đại diện nhà sáng lập Passio, giữa kế hoạch với thực tế rất khác xa nhau.

Chẳng hạn, những người sáng lập Passio đã không thể ngờ được rằng, khi về Việt Nam, mô hình cà phê mang đi mà Passio học theo nước ngoài phải biến đổi nhiều. Passio phải đi giao cà phê tận nơi do khách hàng không thích tới mua mang đi. Hay những người sáng lập Passio đã không lường hết được áp lực từ tìm kiếm mặt bằng. Sau 3 năm thành lập, Passio còn đứng trước vấn đề nan giải hơn là một số nhân sự sáng lập ra đi và Công ty... hết vốn.

Vốn là câu chuyện đau đầu của các startup. Theo thống kê, hiện có hơn 20 quỹ đầu tư nước ngoài như IDG Ventures, CyberAgent Ventures, VinaCapital, 500 startups... đầu tư vào các startup Việt Nam. Ngoài ra, các tổ chức trong nước như FPT, Seedcom, hoặc các nhà đầu tư thiên thần cũng dành vốn cho startup. Tuy nhiên, từ thực tế đầu tư của các tổ chức, có thể thấy không dễ để thuyết phục nhà đầu tư rót vốn. Ngoài có cái “chào mời” nhà đầu tư, con số thực tiễn sẽ giúp các startup kiểm chứng được tính khả thi của dự án và đo lường thêm các rủi ro từ thị trường.

Thậm chí, ngay cả khi đã đủ hấp dẫn để lọt vào mắt xanh của nhà đầu tư, ông Robert Trần khuyến nghị, các startup cần chú ý đến chọn đối tác. The KAfe đã thất bại vì nhà sáng lập và bên đầu tư không cùng mục tiêu kinh doanh.

Động lực cho cuộc chơi mới

Dù có nhiều thất bại nhưng các startup không nản lòng, nhất là khi họ đang đứng trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Đặc biệt, thỏa thuận IPO trên sàn Nasdaq của VNG là tin vui với cộng đồng startup tại Việt Nam, hứa hẹn mang đến những cơ hội mới cho giới khởi nghiệp.

Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng, giữ vững vị thế đứng đầu ngành vận chuyển thương mại điện tử và tiến tới hoàn thiện quản lý chuỗi cung ứng, Giao Hàng Nhanh đang tìm cách đổi mới, cải tiến, sáng tạo liên tục. Giao Hàng Nhanh có 4 startup, với Ahamove là startup nổi bật hơn cả. Lợi thế cho các startup của Giao Hàng Nhanh là có thể tận dụng được nguồn vốn, đơn hàng, kinh nghiệm quản lý, công nghệ, hệ thống... từ Giao Hàng Nhanh. Ngoài ra, như ông Thi chia sẻ, chính ban lãnh đạo là người thẩm định ý tưởng, phân tích kế hoạch, hỗ trợ, theo dõi và đánh giá việc thực hiện dự án startup.

Startup trong doanh nghiep: Lam sao de thanh cong?
 

Xu hướng đầu tư vào startup còn thấy ở VNG. VNG hiện đã lập hẳn một đội riêng để tham gia phát triển startup trong chính doanh nghiệp của mình về mảng game. VNG cũng đã thuê chuyên gia tư vấn đào tạo các kỹ năng làm startup chuyên nghiệp. Mục đích của VNG là tạo môi trường để các cá nhân có thể tự triển khai, quản lý dự án startup theo chuẩn quốc tế.

Ông Robert Trần cho rằng, một khi doanh nghiệp đầu tư bài bản cho startup, các trở ngại trong thực hiện dự án startup, như định hướng chiến lược, vốn, đầu tư nghiên cứu, nhân sự, quản lý điều hành, thử nghiệm mô hình... sẽ giảm đi. Nhờ đó, cơ hội thành công cho startup tăng lên. Quan trọng hơn hết, ông Robert Trần nhấn mạnh, chỉ bằng startup, doanh nghiệp mới tìm ra được sản phẩm, dịch vụ, giải pháp mang tính đột phá, giúp công ty đạt tăng trưởng vượt bậc, gia tăng cạnh tranh và ở vào top 5 của lĩnh vực, sản phẩm nào đó. Còn những hình thức nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo như thường thấy hiện nay chỉ mới dừng ở mức độ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.

Để đầu tư startup một cách bài bản và hiệu quả, theo ông Robert Trần, các lãnh đạo doanh nghiệp cần thấy được sự khác biệt này. Ngoài ra, các công ty phải trích lập một quỹ riêng. Quỹ này chỉ chuyên dành đầu tư vào các startup và cần được vận hành quỹ như một quỹ đầu tư bên ngoài. Nghĩa là quỹ phải có khả năng chọn lựa, thẩm định dự án, cân nhắc mức độ đầu tư, theo dõi hỗ trợ và phải đạt khả năng sinh lời từ đầu tư.

Bên cạnh đó, đội ngũ tham gia triển khai startup cần được đào tạo để có kiến thức, kỹ năng xây dựng startup, từ ý tưởng đến thực thi. Đặc biệt, các công ty phải sẵn sàng với những thử thách và biết khuyến khích văn hóa startup trong doanh nghiệp. Hiện tại, FPT còn đưa hoạt động startup lên mức độ rộng lớn hơn. Năm 2015, FPT lập Quỹ FPT Ventures, chuyên ươm mầm cho các startup Việt Nam. Đến nay, FPT Ventures đầu tư gồm cả trong nội bộ FPT như sendo.vn, Ants.vn, FPT Play, CyRadar, Viecnha.vn, Fshare.vn và đầu tư bên ngoài như Elsa... 

Năm ngoái, FPT còn kết hợp với Dragon Capital, Hanwha (Hàn Quốc) lập Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp VIISA. Quỹ này tài trợ cho các ý tưởng đã được ứng dụng trên thực tế, có khả năng mở rộng phát triển trong tương lai. Hình thức hỗ trợ là chọn lọc ý tưởng, tổ chức đào tạo 3 tháng, với chi phí đầu tư 30.000 USD/dự án. Sau khóa đào tạo đầu tiên với 7 dự án, đại diện FPT cho biết, VIISA đang tiến hành phỏng vấn, lựa chọn ra 20 startup. Tháng 7 này, khóa thứ 2 của VIISA sẽ chính thức hoạt động.

Lập quỹ tài trợ và tổ chức đào tạo cho các startup là hoạt động phổ biến của nhiều công ty trên thế giới. Hằng năm, Google đều mời một số startup trên thế giới tham gia Launchpad Accelerator, chuỗi chương trình đào tạo dành cho giới khởi nghiệp công nghệ của Google. Đợt cuối năm ngoái, Elsa và Haravan là 2 đại diện startup của Việt Nam được Google chọn tham gia.

Xu hướng đầu tư startup của doanh nghiệp còn được nhìn ở khía cạnh mua bán - sáp nhập startup (M&A). Google, Facebook, Apple... đều rất quyết liệt chạy đua M&A vào các startup có khả năng đưa các công ty này đi tắt đón đầu và tạo ra những thay đổi ngoạn mục. Riêng hoạt động M&A giữa doanh nghiệp Việt Nam với các startup vẫn chưa thật sôi động. Tuy nhiên, ông Robert Trần lưu ý, hình thức thâu tóm startup bên ngoài chỉ hiệu quả khi doanh nghiệp làm tốt vấn đề nhân sự và chuyển đổi văn hóa công ty.


Nguồn: Ngọc Thủy/nhipcaudautu.vn Người đăng:NEU Alumni
13-07-2017

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày