Doanh nghiệp và cộng đồng “dìu nhau” vượt qua đại dịch Covid-19


16-03-2020
VOV.VN - Dịch Covid-19 khiến DN khó khăn, phải cắt giảm tối đa chi phí, song trách nhiệm xã hội vẫn được xem là một trong những nhiệm vụ không thể thiếu.

Trong đợt dịch Covid-19, chủ một xưởng áo mưa ở Đông Anh (Hà Nội) đã quyết định chuyển sang may khẩu trang để phát miễn phí cho người dân. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Trong khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, nhiều doanh nghiệp vừa căng mình duy trì hoạt động kinh doanh, vừa ra sức thực hiện trách nhiệm xã hội, sát cánh cùng cộng đồng ứng phó với dịch bệnh. Có những doanh nghiệp lớn hỗ trợ đến mấy chục tỷ đồng, còn những doanh nghiệp nhỏ hơn thì hỗ trợ “vừa sức” của mình để chung tay vì cuộc sống ổn định của người dân. 

Hợp lực vượt qua “bão” dịch

 Dịch covid-19 đã khiến không ít doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn, phải cắt giảm tối đa các loại chi phí. Tuy nhiên, trách nhiệm xã hội vẫn được các doanh nghiệp xem là một trong những nhiệm vụ không thể thiếu trong chiến lược sản xuất kinh doanh của mình.

Để chung tay cùng Chính phủ và người dân chống dịch Covid-19, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã kêu gọi các doanh nhân ủng hộ kinh phí để sản xuất 10.000 bộ kit phát hiện virus gây bệnh Covid-19. 

Một tập đoàn sữa đã trao tặng 1 triệu ly sữa tươi hỗ trợ các bệnh nhân, những người đang theo dõi cách ly tập trung, các y, bác sĩ, cán bộ để tăng cường sức khỏe. Một tập đoàn truyền thông thì miễn phí quảng cáo trên hệ thống màn hình LED, LCD lắp đặt tại thang máy các trung tâm thương mại, chung cư, siêu thị... trên toàn quốc cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

Một tập đoàn lớn đã cam kết hỗ trợ tổng kinh phí lên tới 20 tỷ đồng cho dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp cũng sẵn sàng đóng các khoản thuế phí để có trang thiết bị hỗ trợ cho các cán bộ, chiến sỹ, nhân viên thuộc lực lượng quân đội, công an, y tế và một số cơ quan báo chí cùng người dân vùng khó khăn. Doanh nghiệp cũng sẵn sàng tập trung nguồn cung sản phẩm cho thị trường trong nước để ứng phó với dịch bệnh.

Theo đánh giá của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột là hiệu quả kinh tế, hài hòa về xã hội và thân thiện với môi trường. Những hoạt động hỗ trợ của doanh nghiệp (DN) với cộng đồng lúc này cần thiết hơn bao giờ hết để giúp người dân nhanh chóng vượt qua “bão” dịch để sớm ổn định cuộc sống.

Bảo vệ "tài sản vô hình" của DN 

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, cho rằng, trách nhiệm xã hội đầu tiên của DN là đảm bảo đồng lương và việc làm cho người lao động. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, trách nhiệm với người lao động là rất quan trọng. 

“Trách nhiệm xã hội quan trọng nhất của DN trong thời điểm hiện nay là phải bảo vệ được người lao động, không để cho người lao động không có việc làm, thất nghiệp. Giữ vững lực lượng lao động cho DN mình, đảm bảo việc làm cho người lao động, từ đó, tạo ổn định an sinh xã hội”, ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh.

Theo đại diện của Hiệp hội DNNVV, không chỉ các tập đoàn, DN lớn mà tất cả các DNNVV cũng đều rất quan tâm đến điều này, bởi vì hiện nay các DN đều nhận thức được người lao động không phải là những người làm thuê đơn giản như cách hiểu ngày trước, mà người lao động còn là tài sản vô hình của DN.

Tuy nhiên, theo ông Tô Hoài Nam, để DN có thể thực hiện được tốt hơn trách nhiệm này thì các DN cũng cần có các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước và các cơ quan liên quan để có thể vượt qua khó khăn, ví dụ như chính sách gia hạn, giãn, giảm thuế cho DN, giảm lãi suất, khoanh nợ, giúp cho DN tiếp cận với vốn ở một hạn mức tốt hơn, gia tăng chi tiêu công để kích cầu…  Đó là những điều DN cần, vì chỉ trên nền tảng đó thì DN mới có thể duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó, đảm bảo được trách nhiệm xã hội của mình. 

Khó khăn là lúc thể hiện tài quản trị của lãnh đạo DN

Chia sẻ quan điểm về trách nhiệm của cộng đồng DN trong cuộc chiến chống Covid-19, GS.TS. Trần Thọ Đạt - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trước hết các doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các quy trình phòng ngừa, cách ly theo quy định của Ban chỉ đạo quốc gia đối với công nhân, người lao động và nhân viên của mình. Bảo vệ an toàn trước hết cho doanh nghiệp mình, cho người lao động và nhân viên của mình chính là thực hiện trách nhiệm của mình đối với cộng đồng. Đảm bảo vệ sinh nơi làm việc, chủ động phát hiện và cách ly, hạn chế tối đa các cuộc họp, hội nghị đông người, nếu phù hợp có thể họp trực tuyến, làm việc tại nhà, đấy là cách một số doanh nghiệp Trung Quốc và các tập đoàn trên thế giới hiện nay đang áp dụng trong quá trình dịch lan tràn.

Các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực, nhiều cá nhân cũng đang có những đóng góp lớn vào Quỹ chống Covid-19. Hiện tại, dịch vẫn đang trong khả năng kiểm soát, nhưng không được lơ là chủ quan như Thủ tướng đã nhắc nhở nhiều lần. Ở một số nước, dịch lan nhanh “theo cấp số mũ”, do vậy ta cần phải tính đến phương án xấu nhất nếu đỉnh dịch xảy ra vượt quá khả năng phục vụ của hệ thống y tế, khi ấy ta sẽ phải cần có nguồn lực lớn để lập các “bệnh viện dã chiến”, số lượng lớn bộ kit xét nghiệm cho kết quả sớm khi số người phải xét nghiệm tăng cao. Ở một số nước, các tập đoàn lớn còn đóng góp cho các quỹ khoa học, các bệnh viện lớn nghiên cứu thử nghiệm và sản xuất sớm Vắc xin chống Covid-19, GS. Trần Thọ Đạt chia sẻ.

Theo quan điểm của GS. Trần Thọ Đạt, việc bảo vệ tính mạng, ưu tiên sức khỏe cho công nhân, người lao động, nhân viên cần được xem là nhiệm vụ hàng đầu. DN cố gắng duy trì sản xuất ở mức độ cao nhất có thể, đảm bảo chế độ cơ bản cho người lao động để giảm thiểu tình trạng bỏ việc. Chính trong lúc khó khăn nhất thế này mới thể hiện năng lực và tài quản trị nhân lực của lãnh đạo./.


Nguồn: Ngọc Tú-Vân Anh/VOV.VN Người đăng:NEU
16-03-2020

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày