Covid-19: Triển vọng tăng trưởng các nước bạn hàng lớn của Việt Nam sẽ ra sao?


03-04-2020
(CafeF) - Báo cáo Đánh giá kinh tế Việt Nam Thường niên năm 2019 - ấn phẩm của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, do GS.TS Trần Thọ Đạt và PGS.TS. Tô Trung Thành đồng chủ biên - phần Triển vọng Kinh tế năm 2020 dự báo: Tăng trưởng toàn cầu năm 2020 sẽ khó khăn hơn trong điều kiện leo thang chiến tranh thương mại và chính sách bảo hộ, dịch COVID-19 bùng phát, sự suy thoái của các nền kinh tế lớn và rủi ro tài chính gia tăng ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.


Thêm vào đó tỷ lệ nợ cao và tăng trưởng năng suất chững lại cũng là một thách thức lớn cho nền kinh kế toàn cầu trong năm 2020, nhóm chuyên gia Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết.

Trong báo cáo về triển vọng kinh tế định kỳ, OECD cảnh báo rằng dịch COVID-19 hiện đang là mối đe dọa lớn nhất cho nền kinh tế thế giới kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cung, cầu và thương mại hàng hóa dịch vụ trên toàn thế giới.

Tại Trung Quốc, các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh bao gồm hạn chế đi lại và cách ly đã dẫn đến hoạt động sản xuất bị ngưng trệ và sụt giảm mạnh của các hoạt động dịch vụ. Các lệnh phong tỏa, hạn chế thương mại hàng hóa và dịch vụ, và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh như đóng cửa các nhà máy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và cầu nội địa của Trung Quốc.

Các hiệu ứng tiêu cực đến phần còn lại của thế giới cũng ngày càng rõ rệt thông qua các kênh du lịch, chuỗi cung ứng, thương mại hàng hóa và sụt giảm niềm tin của các nhà đầu tư. Trung Quốc hiện nay đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa trung gian, đặc biệt là các mặt hàng như máy tính, điện tử, dược phầm và phương tiện giao thông, cũng như là nguồn cầu chính cho một số loại hàng hóa. Sự đứt đoạn tạm thời trong chuỗi cung ứng có thể được bù đắp bằng hàng tồn kho nhưng mức độ hàng tồn kho mỏng và các nguồn cung ứng thay thế thì khó để tìm thấy đối với một số mặt hàng chuyên môn hóa. Đình trệ kéo dài của sản xuất Trung Quốc chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến khu vực và gia tăng khó khăn cho ngành sản xuất của rất nhiều các quốc gia.

Hiện nay, sự lan tràn của dịch bệnh sang các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia, Đức… có thể đẩy nền kinh tế thế giới vào vòng suy thoái mới. OECD đã điều chỉnh dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ ở mức 1.5%. Còn theo UNCTAD, kinh tế thế giới có thể thiệt hại từ 1.000-2000 tỷ USD, và tăng trưởng có thể sụt giảm đến 0,5% trong trường hợp xấu nhất. Thậm chí, Cơ quan Tình báo kinh tế (EIU) dự báo kinh tế toàn cầu có thể giảm 2,2% trong năm 2020.

Ở thị trường tài chính, kinh tế thế giới đang phải đối mặt với rủi ro bất ổn tài chính đến từ tình trạng nới lỏng tiền tệ quá mức, tăng trưởng tín dụng nhanh chóng tại nhiều nền kinh tế mới nổi và tỷ lệ nợ cao. Nợ toàn cầu cao không đơn thuần là một rủi ro tài chính mà còn là nguồn gốc đổ vỡ trong trường hợp kinh tế tiếp tục suy thoái. Triển vọng kinh tế kém hơn hay một cú sốc tiêu cực có thể ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư và đẩy chi phí nợ vay lên cao, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, đầu tư và việc làm. Sự bất ổn và tỷ lệ nợ cao của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu là những mối nguy hiểm hàng đầu với thị trường tài chính toàn cầu. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ nới lỏng của các NHTW lớn trên thế giới có thể sẽ phóng đại rủi ro tài chính đối với nền kinh tế thế giới. Hơn thế nữa, điều kiện dư thừa thanh khoản song hành với tình hình kinh tế đi xuống và cầu cao đối với các tài sản an toàn sẽ càng hạ thấp lãi suất của trái phiếu chính phủ, gây ra những xáo trộn và sai lệch trên thị trường tài chính toàn cầu.

Triển vọng tăng trưởng các nước bạn hàng lớn của Việt Nam

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, dự báo tăng trưởng năm 2020 của Mỹ đã không được lạc quan, dự báo tăng trưởng ở mức 1,8% và 1,7% cho giai đoạn 2021 - 2022 (WB, 2020). Căng thẳng thương mại với Trung Quốc làm gia tăng chi phí thương mại, trong khi bất ổn về chính sách ảnh hưởng lên hoạt động đầu tư và làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư. Những hỗ trợ từ cắt giảm thuế và thay đổi trong chi tiêu của Chính phủ được dự đoán sẽ giảm tác dụng trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trước tình hình dịch bệnh đang lan tràn hiện nay, nền kinh Mỹ sẽ bị ảnh hưởng lớn do mối liên hệ trong chuỗi sản xuất và bạn hàng thương mại với các nước chịu ảnh hưởng. Theo dự báo của EIU (2020), kinh tế Mỹ có thể giảm 2,8% tăng trưởng.

Đối với khu vực châu Âu, tăng trưởng trong năm 2020 được dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống mức 1% trong năm 2020. Với tình hình dịch bùng phát ở Italia, Đức và Pháp, các nguy cơ đe dọa tăng trưởng kinh tế gia tăng đáng kể và ảnh hưởng nghiêm trong đến kết quả kinh tế trong nửa đầu năm 2020, khiến những dự báo trước đây khó có thể đạt được. OECD đã dự báo các nước EU có thể rơi vào suy thoái. Còn theo EIU, một số quốc gia như Pháp có thể giảm tăng trưởng 5%, Đức giảm 6,8%, Ý giảm 7% và Anh giảm 5%.

Tại Hàn Quốc, trước khi dịch bùng phát và lan rộng, tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 được dự báo ở mức 2,3%, tăng nhẹ từ mức 2% trong năm 2019, do cầu trong nước và xuất khẩu mặc dù có cải thiện nhưng vẫn hạn chế (UN, 2020). Tuy nhiên, hiện nay nguy cơ lớn nhất đối với Hàn Quốc trong việc hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng chính là những hạn chế của chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh. Bệnh dịch lan rộng đã dẫn đến các gián đoạn trong sản xuất công nghiệp của quốc gia này. Một loạt các quốc gia đã đưa ra các hạn chế giao thương đối với Hàn Quốc, công nghiệp du lịch và ngành dịch vụ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh hưởng của dịch bệnh chắc chắn sẽ kéo lùi kinh tế Hàn Quốc và có thể khởi động chu kỳ suy thoái sâu. Một số rủi ro khác nữa mà nền kinh tế này phải đối mặt bao gồm những căng thẳng thương mại trên thế giới (Mỹ - Trung, Brexit, Nhật Bản – Hàn Quốc). Dự báo của EIU cho thấy kinh tế Hàn Quốc có thể giảm tăng trưởng 1,8% năm 2020.

Tại Nhật Bản, dự báo tăng trưởng kinh tế kể cả trước khi dịch bệnh xảy ra là có thể giảm xuống 0,7% do tác động lên tiêu dùng từ việc tăng thuế VAT. Tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2022 ước chỉ đạt trung bình 0,5%. Tuy nhiên với sự diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nguy cơ nền kinh tế Nhật Bản suy giảm dưới mức dự báo là rất lớn, dự kiến suy giảm 1,5% (theo EIU).

Với Trung Quốc, tăng trưởng trong giai đoạn tới được dự báo suy giảm sâu. Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, WB dự báo tăng trưởng cho Trung Quốc ở mức 5,9% trong năm 2020 và 5,8% năm 2021. Tuy nhiên, sau khi đại dịch bùng phát, OECD giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống mức 5% (OECD, 2020). Đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc có mức tăng trưởng thấp hơn 6% kể từ 1990. Thậm chí, dự báo mới nhất của EIU (2020) cho thấy Trung Quốc chỉ tăng trưởng 1% trong năm 2020. Trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh Chính phủ đã đưa ra một loạt các quy định liên quan đến giao thông, dịch chuyển của lao động và giờ làm viêc trên toàn quốc khiến cho hoạt động sản xuất khó khăn. Ngoài chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh, Trung Quốc còn phải đối mặt với thách thức làm thế nào đạt được một thỏa thuận lâu dài về thương mại với Mỹ; trong khi đó phải tiếp tục dịch chuyển sang một mô hình tăng trưởng cân bằng hơn và giảm sự lệ thuộc vào nợ.

Triển vọng kinh tế ASEAN trong năm 2020 cũng được dự báo rất khó khăn. Các nền kinh tế ASEAN có độ mở ngày càng cao, đồng thời các nước trong khu vực có đường biên giáp với Trung Quốc và có mức độ phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc lớn nên sẽ chịu tác động lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng như tác động của dịch COVID-19. Các nền kinh tế hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như Singapore, Thái Lan hay Malaysia thì ảnh hưởng này đặc biệt rõ ràng nhất do đứt gẫy chuỗi giá trị (cả thượng nguồn và hạ nguồn của chuỗi). Các quốc gia ASEAN cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do các tổn thất kinh tế đến hoạt động xuất nhập khẩu và du lịch bị đình trệ (đặc biệt như Thái Lan là quốc gia phụ thuộc lớn vào ngành du lịch).

Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư đến một số quốc gia bị ảnh hưởng đáng kể, tác động tiêu cực đến tăng trưởng (như trường hợp Lào và Campuchia phụ thuộc lớn vào đầu tư từ Trung Quốc). Một số nền kinh tế như Malaysia và Brunei còn bị tác động mạnh bởi việc suy giảm giá dầu do xuất khẩu dầu mỏ là nguồn lực tăng trưởng quan trọng của những quốc gia này. Các dự báo của các tổ chức đều dự báo tăng trưởng kém và suy giảm của các quốc gia ASEAN. Theo Ngân hàng Goldman Sachs, Thái Lan có thể tăng trưởng âm 2,2% hay Singapore có thể giảm tăng trưởng tới 1,8%. Một nguy cơ khác cho sự phát triển của khối này là biến đổi khí hậu, thiên tai và bệnh dịch sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đối tượng người nghèo ở các quốc gia trong khu vực.

Nhóm chuyên gia Trường ĐH Kinh tế Quốc dân

Theo Trí thức trẻ

Link bài viết: Covid-19: Triển vọng tăng trưởng các nước bạn hàng lớn của Việt Nam sẽ ra sao?


Nguồn: Tri thức trẻ Người đăng:NEU
03-04-2020

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày