Tuy nhiên, mức tăng này còn thấp và chủ yếu từ nguyên nhân nhập siêu gia tăng (từ phía chi tiêu) và suy giảm của ngành khai khoáng (từ phía sản xuất).
Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, GS.TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đã có những phân tích sâu hơn về dư địa tăng trưởng và chìa khóa thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Nhìn vào diễn biến kinh tế, ông nhận định như thế nào về những dư địa tăng trưởng trong thời gian tới?
- Chúng ta đang đặt quyết tâm cao trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng đề ra. Xét về dư địa tăng trưởng có thể khai thác được thì có căn cứ để thực hiện được mục tiêu. Sự phục hồi tiếp tục của khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản và sự tăng trưởng ấn tượng của khu vực dịch vụ trên cơ sở tận dụng những cơ hội mới từ các FTA với các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á – Âu cần và sẽ được tận dụng trong thúc đẩy xuất khẩu. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng có nhiều cơ hội do có nhiều dự án lớn đi vào hoạt động, ngành xây dựng dự kiến tăng trưởng mạnh hơn cũng sẽ có đóng góp lớn cho tăng trưởng chung.
Về phía tổng cầu, tiêu dùng là một cấu thành có dư địa tăng trưởng ổn định do tiêu dùng cuối cùng luôn chiếm khoảng 70% GDP, đang được dự báo tương đối sáng sủa do giá cả ổn định, thu nhập gia tăng và Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường tiêu dùng có tốc độ gia tăng nhanh và quy mô lớn của khu vực. Do vậy, cần khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn thông qua các khoản vay tiêu dùng, tiêu dùng các sản phẩm nội địa.
Dư địa đầu tư toàn xã hội còn lớn. Tuy nhiên, các nút thắt của nền kinh tế cần được tháo gỡ ngay như sớm triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu theo nghị quyết của Quốc hội để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, tiếp tục đơn giản hóa, tháo gỡ nút thắt thủ tục hành chính để giải phóng sức sản xuất và khả năng sáng tạo từ khu vực DN.
Ông nhận định thế nào về khả năng mở rộng của các chính sách tài khóa và tiền tệ trong thúc đẩy tăng trưởng hiện nay?
- Hiện tại dư địa để các chính sách tiền tệ và tài khóa trong việc thúc đẩy tăng trưởng không còn nhiều. Tăng trưởng tín dụng đã đạt mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây và mức tăng khá ổn định qua các tháng. Có quan điểm cho rằng với khả năng giữ được chỉ số giá trong mức kiểm soát, tăng trưởng tín dụng có thể điều chỉnh tăng thêm 1 - 2% (tức là 20% thay cho mục tiêu hiện tại là 18%) để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa. Tuy nhiên, cần rất thận trọng với giải pháp này vì tín dụng trong 3 năm qua đã tăng trưởng khá mạnh và mối quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP trong 3 - 4 năm qua không phải là quan hệ thuận. Điều quan trọng hơn là chất lượng tín dụng chứ không phải chỉ là số lượng. Ngân hàng Nhà nước cần giám sát chặt chẽ hơn luồng tín dụng tăng thêm chảy vào đâu, có tiềm ẩn tạo nên các “bong bóng” chẳng hạn như bất động sản hay chứng khoán hay không?
Về chính sách tài khóa, trong bối cảnh mô hình tăng trưởng chưa có thay đổi cơ bản, nếu tập trung vào chính sách quản lý tổng cầu (mở rộng tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng) sẽ không gia tăng được nhiều sản lượng, trong khi phải đánh đổi là gây áp lực lên lạm phát, và tiềm ẩn dẫn đến bất ổn vĩ mô như đã từng xảy ra trước đây. Ngoài ra, việc tăng trưởng GDP, nhưng với cấu trúc nền kinh tế hiện nay (đóng góp cho tăng trưởng và xuất khẩu chủ yếu từ khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thiếu công nghiệp hỗ trợ nên giá trị gia tăng được tạo ra ở Việt Nam rất thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu) thì việc gia tăng GDP là tăng trưởng “hộ” cho các nước, thay vì gia tăng được tổng thu nhập quốc dân - GNI.
Một số ý kiến cho rằng có thể Việt Nam đang bắt đầu bước vào một quỹ đạo tăng trưởng mới, theo ông chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng một cách bền vững nằm ở đâu?
- Khi đặt vấn đề tăng trưởng, chúng ta cần xác định không tăng trưởng bằng mọi giá mà tăng trưởng số lượng đi liền với chất lượng, hướng tới sự phát triển ổn định và bền vững trong dài hạn. Chúng ta đã đặt quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng nhưng chưa có sự bứt phá, cơ cấu nền kinh tế chưa có sự thay đổi cơ bản. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ hiện nay phải là đảm bảo ổn định môi trường kinh tế vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ các rào cản cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, DN tư nhân. Đây chính là các chính sách “trọng cung” để tạo lập các điều kiện căn bản cho các lực lượng thị trường hoạt động hiệu quả nhất. Với môi trường kinh doanh thân thiện, bình đẳng và minh bạch, bản thân các DN sẽ là chìa khóa thực hiện được mục tiêu tăng trưởng bền vững mà Chính phủ mong muốn.
Xin cảm ơn ông!