Toạ đàm “Điều tiết giá trị gia tăng từ đất khi thực hiện các dự án đầu tư – Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam


15-01-2020
Chiều 14/01/2020, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức phát triển hạ tầng Châu Á đồng tổ chức toạ đàm “Điều tiết giá trị gia tăng từ đất khi thực hiện các dự án đầu tư – Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam" (Land value capture in investment projects - International practices and implications for Viet Nam).


Tham dự toạ đàm về phía đại biểu quốc tế có ông Shige Sakaki – Chuyên gia giao thông cao cấp (World Bank); ông Marle Giblett – Chuyên gia cao cấp về hạ tầng và PPP (World Bank); ông Kow Juan Tiang – Phó Giám đốc Cơ quan Cơ sở hạ tầng Châu Á; GS.TS Phang Sock Yong – Trường Đại học Quản lý Singapore; ông Madan B. Regmi – Chuyên gia Cơ sở hạ tầng UNESCAP; ông Gordon Dunfield Prayero – Tư vấn cơ sở hạ tầng E&Y. Về phía các cơ quan trung ương có GS.TS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường; TS Vũ Quỳnh Lê – Bộ Kế hoạch & Đầu tư; ông Vũ Danh Hiệp – Vụ Tài chính ngân sách (Văn phòng Quốc hội); ông Nguyễn Hoàng Nam – Viện NCKT&PTXH Hà Nội; ông Lê Hoàng Châu – Tổng thư ký Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh; ông Trần Việt Dũng – Chánh văn phòng Vụ Hợp tác Công tư, Cục Quản lý Đấu thầu; ông Đinh Quốc Cường – Vụ Kinh tế (Văn phòng Quốc hội); ông Nguyễn Minh Tân – Uỷ ban Tài chính, ngân sách Quốc hội; ông Nguyễn Văn Phúc – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng nhà trường, đại biểu Quốc hội khoá XIV; PGS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý khoa học; PGS.TS Ngô Thị Phương Thảo - Trưởng khoa Bất động sản & Kinh tế tài nguyên; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm, các cán bộ, giảng viên quan tâm.

PGS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng nhà trường, đại biểu Quốc hội khoá XIV phát biểu 

Phát biểu tại toạ đàm, PGS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, một thực tế bất hợp lý đang diễn ra là khi nhà nước quy hoạch, đầu xây dựng hạ tầng, cải tạo chỉnh trang đô thị phải tiêu tốn rất nhiều tiền ngân sách; những người dân nằm trong dự án phải di rời chỉ nhận được bồi thường theo giá đất khi chưa có dự án, thì những người dân ở lại hoặc di rời sau lại được hưởng giá trị đất tăng lên do dự án mang lại. Khi thu hồi đất nông nghiệp, người dân được bồi thường theo giá đất nông nghiệp nhưng khi dự án hoàn thành, nhà đầu tư lại được hưởng lợi toàn bộ giá trị tăng lên do thay đổi mục đích sử dụng đất và sự phát triển của các điều kiện liền kề. Phần giá trị gia tăng khi triển khai các dự án một phần là do quy hoạch và quyết định của nhà nước thay đổi mức đích sử dụng đất mang lại, một phần do các nhà đầu tư biết cách tạo dựng các công trình có giá trị góp phần làm gia tăng giá trị đất đai. Thông qua toạ đàm, PGS.TS Hoàng Văn Cường hi vọng các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu về cơ chế điều tiết giá trị gia tăng từ đất ở một số nước, từ đó rút ra các bài học cho Việt Nam nhằm có những định hướng sửa đổi các quy định trong Luật Đất đai và Luật Đầu tư PPP trong thời gian tới.


Ông Marle Giblett – Chuyên gia cao cấp về hạ tầng và PPP (World Bank) phát biểu

Ông Kow Juan Tiang – Phó Giám đốc Cơ quan Cơ sở hạ tầng Châu Á phát biểu

Các diễn giả trình bày tham luận tại toạ đàm

Sau phần phát biểu khai mạc hội thảo đã được nghe các tham luận như: “Điều tiết giá trị gia tăng từ đất (LVC) tại Việt Nam” - (PGS.TS Ngô Thị Phương Thảo - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và bà Vũ Quỳnh Lê - PPA/MPI); “Nguyên lý LVC và kinh nghiệm các nước” – (GS.TS Phang Sock Yong – Trường Đại học Quản lý Singapore và ông Sanjay Grover – ADB); “LVC và phát triển hướng trục giao thông (TOD) – (ông Shige Sakaki – Chuyên gia giao thông cao cấp (World Bank) và ông Madan B. Regmi – Chuyên gia Cơ sở hạ tầng UNESCAP) và “Tình huống ứng dụng LVC/Một số gợi ý sửa đổi cơ chế BT” - (ông Gordon Dunfield Prayero – Tư vấn cơ sở hạ tầng E&Y trình bày).

Các chuyên gia cùng trao đổi và thảo luận tại toạ đàm

Hiện nay, đối với mọi quốc gia, đất đai luôn là nguồn lực quan trọng vừa có vai trò tạo ra nguồn vốn, đồng thời lại là yếu tố thu hút các nguồn vốn đầu tư khác cho quá trình phát triển. Ở Việt Nam, đất đai là yếu tố được mọi người quan tâm vì nó gắn liền với tâm lý tư hữu ngàn đời của người dân. Thực tế quan hệ lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhà đầu tư hiện nay còn nhiều bất cập vì người sử dụng đất bị thu hồi luôn mong muốn được bồi thường thoả đáng, trong khi các nhà đầu tư muốn tối đa hoá lợi nhuận bằng mọi cách, Nhà nước chỉ thực hiện thu các khoản thuế và lệ phí từ giao dịch đất đai. Điều này dẫn đến các quan hệ đất đai là tâm điểm phát sinh những mâu thuẫn, tiêu cực. Trên 70% những khiếu kiện, tranh chấp hiện nay có liên quan đến đất đai, trong đó chủ yếu tập trung vào các vấn đề kinh tế trong các quan hệ về đất đai. 

Đồng quan điểm về vấn đề này, GS.TS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng, đất đai là nguồn lực rất lớn để phát triển. Các nước đang phát triển đáng lẽ có thể tận dụng rất tốt tài sản này khi đất đai là tài sản công. Tuy nhiên, hiện nay đa phần các nước đều để thất thoát rất lớn nguồn lực này. Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, việc thông qua quy hoạch, phát triển hạ tầng, xây dựng các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức xây dựng - chuyển giao đã làm tăng giá trị đất đai, tăng giá trị trên chính mảnh đất đó để nhà nước có nhiều vốn ngân sách hơn. Tuy nhiên, việc kinh tế đất không phát triển mạnh đã dẫn đến những nguy cơ tham nhũng tiềm ẩn, lợi nhuận về tay tư nhân nhờ sự chênh lệch giá đất đai. Chuyên gia Đặng Hùng Võ cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý tài chính đất đai, chúng ta nên quản lý đất đai dựa trên giá đất do người dân tự đăng ký. Việc để người dân tự đăng ký giá đất đã được trình tại dự thảo Luật đất đai năm 2003 nhưng không được chấp thuận. Trong khi đó, nhiều nước đã quy định để người dân đăng ký giá đất mà cá nhân đang sử dụng để làm căn cứ bồi thường khi thu hồi hoặc nộp thuế đất. Với giải pháp này, nếu người dân lựa chọn giá đất cao thì lúc nhà nước thu hồi, tiền bồi thường sẽ lớn, nhưng họ lại phải đóng tiền thuế nhiều hơn. Do đó, người dân sẽ tự có cơ chế để đăng ký giá đất cho phù hợp, tránh việc áp dụng giá đất do nhà nước quy định không theo mức giá thị trường.

Các đại biểu tham dự toạ đàm cùng chụp ảnh lưu niệm


Nguồn: NEU Người đăng:NEU
15-01-2020

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày