Để có sự đánh giá một cách tổng quát tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm và đưa ra những nhận định, gợi ý nhằm cải thiện tốc tăng trưởng cho những tháng tiếp theo của năm 2016, Ngày 14/4/2016, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban kinh tế của Quốc hội cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Buổi tọa đàm khoa học với chủ đề: “Kinh tế Việt Nam Quý I-2016: Tác động của biến đổi khí hậu”.
Chủ trì buổi tọa đàm cóTS. Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Hoàng Xuân Hòa, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương; TS. Nguyễn Thắng, Phó viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường và GS.TS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.Tham dự buổi tọa đàm có các nhà quản lý của các cơ quan trung ương, các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các viện, trung tâm nghiên cứu, các đơn vị thuộc Mạng lưới các trường đại học, học viện có đào tạo về kinh tế và quản trị kinh doanh cùng các cơ quan thông tấn, báo chí đến viết bài và đưa tin.
Chủ tịch đoàn điều hành tọa đàm
Trong buổi tọa sau khi nghe các báo cáo của PGS.TS. Tô Trung Thành, GS.TS. Ngô Thắng Lợi, PGS.TS. Đặng Ngọc Đức, PGS.TS. Đinh Đức Trường và TS. Bùi Trinh, các đại biểu trao đổi sôi nổi và thẳng thắn các vấn đề nổi bật liên quan đến chủ đề của Quý 1 và cho rằng:
- Năm 2015, Việt Nam tạo ra được nhiều cơ hội khi ký kết được các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nhưng lại đặt ra thách thức cho năm tới ở áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp quốc tế. Hơn nữa, các quy định của FTA cũng phần nào làm giảm đi sức cạnh tranh của Việt Nam.
- Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm 2016 có dấu hiệu suy giảm sau 5 năm tăng liên tục. Điều này chủ yếu là do công nghiệp chế biến chế tạo – ngành động lực tăng trưởng mạnh nhất bị suy giảm nghiêm trọng; điểm tựa vai là khu vực FDI có dấu hiệu thiếu khởi sắc, sự ảnh hưởng của kinh tế quốc tế và các hiệu quả tăng trưởng kinh tế như năng suất lao động, đầu tư… đều giảm sút. Đặc biệt là ngành nông nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề của diễn biến thời tiết, gây hậu quả “kép” suy giảm tăng trưởng.
- Biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian qua. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân, tính từ năm 1993 đến nay, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến GDP là 1,8-1,9% và nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn, đến năm 2050, con số thiệt hại sẽ lên tới khoảng 8% GDP.
- Qua đó, các đại biểu rằng, Chính phủ cần tiếp tục xem FDI là động lực tăng trưởng những phải tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, các lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp cần được tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời để ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Chính phủ cần có sự thay đổi cơ cấu kinh tế phù hợp. Cơ cấu này cần được giải quyết từ cấp độ vi mô, ở cấp cơ sở, địa phương và phải xây dựng những kịch bản của biến đổi khí hậu và cách ứng phó dựa trên sự phân tích được lợi ích, hiệu quả để tìm ra kịch bản tối ưu nhất.
BTC trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, đại biểu đến tham dự và đã có những ý kiến đóng góp, qua đó góp phần thành công của buổi tọa đàm.
Hình ảnh các nhà khoa học, đại biểu phát biểu: