Phòng làm việc của ông Nguyễn Đình Thắng nằm trên tầng 23 một toà nhà trên phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Phòng rộng nhưng một điểm lạ là khá đơn giản và ít đồ, không có cả những đồ văn phòng cần thiết như kệ tài liệu. Khi được gợi ý “mặc đẹp” để ghi hình phỏng vấn với Zing.vn, ông Thắng từ chối và nói thẳng: “Tôi quen mặc giản dị cho thoải mái khi làm việc, phóng viên ghi hình đời thường của tôi nhé".
Lần đầu tiên nói nhiều về chuyện của ngân hàng mình cũng như các tin đồn liên quan đến nhân sự cấp cao, tin đồn về chuyện LienVietPostBank sẽ sáp nhập với Sacombank cũng như câu chuyện cá nhân, ông Thắng chia sẻ khá cởi mở.
- Thưa ông, 2017 là năm mà LienVietPostBank được nhắc đến nhiều với câu chuyện nhân sự cấp cao xáo trộn. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
- Năm rồi, mọi người nhìn vào cũng thấy có xáo trộn trong lãnh đạo cao cấp. Đầu tiên là tháng 4/2017, ông Nguyễn Đức Hưởng đang làm Phó chủ tịch thường trực HĐQT xin nghỉ để dự kiến tham gia nhóm tái cơ cấu một số ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.
Sau đó, cũng vì một số lý do khách quan, ông Hưởng lại quay về LienVietPostBank, rồi làm Chủ tịch HĐQT vào tháng 6/2017. Ông Dương Công Minh, khi đó là Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, tham gia tái cơ cấu.
Theo tôi, việc thay đổi vị trí Chủ tịch HĐQT giữa ông Dương Công Minh chuyển giao cho ông Nguyễn Đức Hưởng không phải là sự xáo trộn, mà đó chỉ là thực hiện chuyển giao quyền lãnh đạo cho người kế cận.
Mấy tháng cuối năm 2017, ông Hưởng vì lý do sức khỏe phải chữa trị ở nước ngoài một thời gian dài. Đó cũng là lý do ông Hưởng không thể tiếp tục tham gia HĐQT trong nhiệm kỳ mới. Ông ấy sẽ là cố vấn cao cấp về định hướng chiến lược, các giải pháp phát triển nhà băng trong thời gian tới.
Ngân hàng có chuyển đổi nhân sự như vậy là vì vấn đề kế thừa, sức khoẻ. Chứ định hướng phát triển của HĐQT gần như không có thay đổi. Sự xáo trộn như cách mà mọi người nói không ảnh hưởng gì nhìn từ bên ngoài lẫn nội bộ.
Năm qua, nói về nhân sự thì thế nhưng chúng tôi vẫn lên sàn UpCOM, cổ phiếu dự kiến 14.800 đồng nhưng giờ lên 17.000 - 18.000 đồng rồi.
- Còn với ông Nguyễn Văn Huynh, một trong những thành viên trong HĐQT từ ngày đầu có LienVietPostBank, thì sao? Vì ông Huynh cũng không có tên trong HĐQT nhiệm kỳ này?
- Trường hợp của anh Huynh thì khác. Đến tuổi nào đó cũng cần tạo điều kiện cho lớp trẻ trưởng thành. Chúng tôi nói vui với nhau “Tre già ngồi mãi đấy thì lúc nào cho măng mọc”. Anh Huynh năm nay cũng 66-67 tuổi rồi. Bạn bè tôi trong một số cơ quan Nhà nước đến 60 tuổi đã nghỉ hưu. Với tôi, đến 65 tuổi, tôi cũng sẽ thôi làm lãnh đạo ngân hàng và về nhà nghỉ ngơi (cười).
Làm lĩnh vực cổ phần tư nhân thì khác với Nhà nước, mình là người bỏ đồng vốn thì phải chịu trách nhiệm và chuyển giao dần thôi. Anh Huynh có nghỉ ở ngân hàng thì vẫn tham gia với tư cách cố vấn, hỗ trợ. Còn giờ, cũng phải tính chuyển giao dần cho lớp trẻ, mấy năm nữa có khi có chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, HĐQT mới ấy chứ. Có khi lớp trẻ kế thừa, mọi thứ còn tốt hơn nữa, chúng tôi phải sẵn sàng.
- Ông và ông Dương Công Minh là bạn, cùng tham gia sáng lập, rủ nhau làm ngân hàng. Nhưng người ta vẫn nói là bạn bè thì không nên làm ăn chung vì khó bền?
- Không hẳn là như vậy. Chọn người cùng làm ăn thì nên chọn người có đủ điều kiện về năng lực, nhân tâm, cùng chí hướng, không nên chọn chỉ vì người đó là bạn thân của mình.
Như Jack Ma, tỷ phú sáng lập Alibaba, có nói: "Tôi không chọn người bạn để làm ăn mà chọn người cùng chí hướng làm ăn rồi trở thành bạn". Nhưng nếu là người bạn mà hội tụ đủ điều kiện để cùng làm ăn thì tại sao lại không, được như vậy, tình bạn càng thêm gắn bó, bền vững.
Mọi người quên mất vế sau mà chỉ nhớ vế đầu trong câu nói của Jack Ma (cười).
Tôi và ông Dương Công Minh là bạn từ nhiều năm trước do chúng tôi đã cùng học đại học tại trường Kinh tế quốc dân, tôi học trước ông Minh 5 năm. Đến năm 2007, ông Minh có mời tôi tham gia thành lập Ngân hàng TMCP Liên Việt vì ngân hàng trong thời đại này cần có người am hiểu công nghệ.
Ông Minh cũng mời ông Huynh, ông Hưởng là người rất am hiểu về tài chính, ngân hàng và một số người khác nữa, mỗi người có thế mạnh khác nhau để cùng nhau trao đổi, bàn bạc và quan trọng nhất là thống nhất định hướng xây dựng một ngân hàng hiện đại, hiệu quả, văn minh, vững mạnh.
Khi mời chúng tôi tham gia ngân hàng, ông Minh nói: "Mỗi người chúng ta đều đã là doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Chúng ta cần kết hợp lại để làm được thành công lớn hơn, đóng góp được cho xã hội nhiều hơn và đặc biệt là giúp cho an sinh xã hội được nhiều hơn".
Vì thế, tôi tham gia làm ngân hàng, là thành viên HĐQT rồi phó chủ tịch HĐQT từ năm 2008 đến nay. Tôi tự hào là một trong những người đã kề vai sát cánh với ông Minh, ông Hưởng và tập thể cán bộ nhân viên của ngân hàng trong 10 năm qua. Chúng tôi cùng chia sẻ kinh nghiệm, cùng đoàn kết, phấn đấu, qua đó tình bạn của chúng tôi càng sâu đậm và gắn bó hơn.
Bọn tôi tự hào càng ngày càng gắn bó vì chung ý tưởng nếu làm là làm đến cùng, làm là thành công, làm vì con người, vì an sinh xã hội…
Thứ mà chúng tôi gắn bó với nhau là cái tôi nằm trong cái chung. Nói không vì tiền thì chắc chắn là nói xạo, vì ai đầu tư mà chẳng mong muốn có hiệu quả, tưởng thưởng là các khoản đầu tư. Nhưng cao hơn nữa là khi mình làm ra được nhiều tiền thì trách nhiệm xã hội sẽ lên cao hơn.
Chúng tôi nghĩ giống nhau, hướng đến thứ giống nhau nên chơi được với nhau lâu dài. Chứ không phải chúng tôi chia nhau ra là làm như thế này thì ông A được bao nhiêu, ông B được bao nhiêu. Chúng tôi không có xung đột về chuyện đó dù thông thường thì xung đột nặng nhất của con người là quyền lực, sau đó đến lợi ích, bài toán ăn chia. Chúng tôi không bị điều đó nên chơi được với nhau.
- Nói lại chuyện cũ thì hồi ông Dương Công Minh sang Sacombank làm Chủ tịch HĐQT, trên thị trường có tin đồn là Sacombank và LienVietPostBank sẽ sáp nhập vào nhau. Ông nghĩ như thế nào về các tin đồn này?
- Tin đồn thì vẫn chỉ là tin đồn thôi. Câu này trước đó ông Nguyễn Đức Hưởng cũng có trả lời truyền thông khi còn là Chủ tịch HĐQT ngân hàng.
Có thể họ nghĩ ông Dương Công Minh đang là Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank lại sang bên kia giống như đã có đứa con đẻ rồi nay lại nhận một đứa con nuôi thì hai đứa nhập một cho xong. Thực tế thì đến giờ trong HĐQT 2 ngân hàng chưa bao giờ ai nhắc việc này cả.
Tôi vẫn nghĩ rằng Sacombank là ngân hàng có thương hiệu, bề dày 26 năm rồi, rất lớn. Còn LienVietPostBank cũng là thương hiệu đang phát triển. Chúng tôi mất nhiều công sức gây dựng nên chẳng có lý do gì sáp nhập với nhau. Chẳng có lý do gì 2 đứa con, đứa nào cũng xinh đẹp, ngon lành, khoẻ mạnh mà chúng tôi lại phải bỏ đi một đứa cả. Tại sao lại phải bỏ 1 giữ 1 trong khi có cả 2 là tốt hơn nhiều chứ.
Hai ngân hàng riêng biệt nhau. Tôi không có đồng vốn nào, cổ phần nào ở Sacombank. Ông Dương Công Minh cũng rút hết cổ phần khỏi LienVietPostBank rồi. Giờ tôi phải lo cho ngân hàng tôi làm sao phát triển tốt nhất. Mà thực tế thì người ta vẫn gọi ông Hưởng Liên Việt, mai mốt gắn với ông Thắng Liên Việt. Chứ sáp nhập với Sacombank thì công lao của chúng tôi đổ đi đâu. Người nào đó có đưa ra phương án sáp nhập, tôi cũng không đồng ý.
Tôi đẻ một đứa con xong ai đó bảo tôi cho đứa con của tôi chết toi đi thì vô lý vô cùng, tôi chống đến cùng thôi (cười). Nếu là hai bên là đối tác cùng nhau phát triển, cùng xinh đẹp, cùng là hoa hậu, võ sĩ trên sàn thì được, còn bảo sáp nhập thì không.
- Làm công nghệ nhưng ông lại dùng điện thoại dòng rất cũ so với nhiều dòng bây giờ. Tôi tưởng người làm công nghệ thì thích thứ mới?
- Tôi vẫn dùng iPhone 5. Thật ra trong túi thì lúc nào cũng có điện thoại đời mới nhưng chỉ dùng để thử ứng dụng thôi. Còn đáp ứng nhu cầu nghe, gọi thì cái này (iPhone 5) là đủ rồi.
Thường thì những người làm công nghệ cao luôn nghĩ cái gì đáp ứng được nhu cầu thì vẫn dùng. Tôi sang Tokyo, Nhật Bản, thấy nhiều tiệm thuốc họ vẫn còn dùng bàn tính, vì họ nói chỉ cần tính toán thì dùng bàn tính là đủ rồi, cần gì máy vi tính. Tôi cũng trải nghiệm nhiều sản phẩm công nghệ mới nhưng nếu để phục vụ nhu cầu hàng ngày thì một chiếc là đủ rồi.
- Vậy hàng hiệu và đồ xa xỉ thì sao, xe hơi chẳng hạn?
- Tôi dùng hàng thường có, hàng hiệu cũng có, nhưng mặc sao cho phù hợp với môi trường làm việc và sự kiện mình tham dự. Như hôm nay đi làm ở ngân hàng thì chỉ mặc bình thường thôi.
Về xe hơi thì tôi thích tự lái xe ngoài giờ làm việc, thích tốc độ nhưng đường xá Việt Nam thì không cho phép. Loại xe thì tôi chọn theo ý thích, ở TP.HCM thì tôi tự lái một chiếc Jaguar Superspost 5150, đi làm thì bằng Lexus 460L. Còn ở Hà Nội, tôi đi xe Lexus 500h. Tôi và ông Dương Công Minh đều chọn đi Lexus vì độ an toàn, êm ái để trên xe có thể làm việc và tranh thủ ngủ (cười).
- Vậy mỗi ngày ông thường ngủ mấy tiếng?
- Khoảng 4-5 tiếng. Tôi hay làm việc đêm vì lúc đó yên tĩnh, tập trung. Nguyên tắc của tôi là việc hôm nay không để ngày mai nên cần xử lý hết trong ngày. Thường thì buổi sáng mọi người đều chờ vào quyết định của mình nên phải giải quyết hết, kể cả là trong đêm.
- Làm ngân hàng và trước đó là lãnh đạo cao nhất trong HĐQT nhiều doanh nghiệp, hẳn là ông rất bận rộn?
- Trước đây tôi làm lãnh đạo 17 doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, thành viên, phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, chủ tịch Công ty Công nghệ Hồng Cơ, chủ tịch HĐQT Đại học Công nghiệp Vinh... nên cũng bận rộn.
Bây giờ thì nhẹ đi 3/4 rồi vì để chuẩn bị cho một lộ trình sau này thì gần như tại các đơn vị khác tôi đều chuyển giao, tôi vẫn nói vui là “về hưu rồi”.
Nay được tín nhiệm giao trọng trách là Chủ tịch LienVietPostBank, cũng đồng nghĩa việc tôi phải từ chức đại diện pháp luật hay lãnh đạo các doanh nghiệp khác. Đó cũng là cơ hội để tôi chuyển giao lãnh đạo cho đội ngũ kế cận và cho lớp trẻ, chỉ tham gia ở vai trò hỗ trợ và truyền lại kinh nghiệm của mình.
Nếu sau này không làm ngân hàng nữa thì sẽ có hai lĩnh vực tôi sẽ tiếp tục duy trì là công nghệ và giáo dục đào tạo. Vì tôi vẫn thích sáng tạo, thích startup trong lĩnh vực công nghệ mới. Về già vẫn khởi nghiệp cũng nên (cười). Còn với giáo dục thì tôi sẽ tiếp tục tham gia vì muốn giúp đào tạo kiến thức, truyền lại kinh nghiệm cho lớp trẻ.
- Nhiều năm liền xử lý công việc ở nhiều doanh nghiệp, có lúc nào ông thấy mình bị quá tải?
- Có chứ, nhưng tôi coi đó chính là trải nghiệm năng lực. Ban đầu tôi chỉ làm công nghệ, nhưng giờ thì đủ lĩnh vực, từ bất động sản, tài chính, ngân hàng. Tôi thấy bình thường. Tuy nhiên cũng vì thế mà tôi phải giảm các thú vui khác chẳng hạn như thích thể thao nhưng không đi được nữa vì việc đến là phải làm. Nhưng viết nhạc và làm thơ, vì ngồi một chỗ vẫn được, nên tôi vẫn làm.
- Một số ngân hàng khá hào hứng với việc chọn cổ đông ngoại, vậy ngân hàng của ông có tính đến chuyện này?
- Xu hướng mời cổ đông ngoại vào đang được nhiều ngân hàng hướng đến với mục đích lớn mạnh về quy mô, nâng cao thương hiệu, tăng giá trị cổ phiếu và có thêm kinh nghiệm quản trị chuẩn mực quốc tế từ cổ đông nước ngoài.
Ngân hàng chúng tôi cũng định hướng chiến lược là sẽ tìm kiếm cổ đông ngoại phù hợp để tái cơ cấu cổ đông vào thời điểm thích hợp nhất trong thời gian tới nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất cho ngân hàng, cổ đông và nhà đầu tư.
- Và trong năm 2017 thực tế thì nhiều ngân hàng có mức lợi nhuận rất “khủng”, ông thấy gì ở các con số này và nhìn như thế nào về ngân hàng mình?
- Lợi nhuận của ngân hàng do kết quả kinh doanh cho vay, đầu tư, thu phí dịch vụ... mang lại. Một số ngân hàng thì có thêm lợi nhuận cho vay tiêu dùng từ công ty dịch vụ tài chính.
Lợi nhuận thấp hay “khủng” của một ngân hàng lại tuỳ vào năng lực, khả năng kinh doanh của chính nhà băng đó. Tuy nhiên, nếu ngân hàng chỉ thuần túy kinh doanh nghiệp vụ tín dụng truyền thống (không có công ty dịch vụ tài chính) thì với quy định tăng trưởng tín dụng khoảng 14% hàng năm và giới hạn quy định trần lãi suất huy động và cho vay như hiện nay thì lợi nhuận hàng năm nếu đạt mức chia cổ tức 10% đến 15%, theo tôi, là đã rất hiệu quả rồi.
Mặt khác, cũng nên nhìn nhận khách quan là có một số ngân hàng đã nhiều năm qua chưa chia cổ tức cho cổ đông để tập trung tích tụ lợi nhuận, đến nay công bố lợi nhuận "khủng", nhưng đó là lợi nhuận của nhiều năm tích lũy.
Tôi không rõ các ngân hàng khác có lợi nhuận “khủng” thì họ làm như thế nào nhưng chúng tôi thì xây dựng khá chuẩn mực. Chúng tôi là ngân hàng hiếm hoi vẫn chia cổ tức hàng năm cho cổ đông. Tổng cổ tức của 10 năm là gần 105% dù cũng có giai đoạn khó khăn như 2011-2015.
Năm 2017, LienVietPostBank có lợi nhuận trước thuế là 1.768 tỷ đồng, dự kiến chia cổ tức 15%, đã chia 10% bằng tiền mặt vào tháng 2/2018. Kế hoạch năm 2018 về lợi nhuận trước thuế là 1.900 tỷ đồng, chia cổ tức 12%.
- Có người bảo LienVietPostBank được ưu ái nhờ quan hệ?
- Đối với nghề tài chính thì quan trọng nhất là anh phải thượng tôn pháp luật, phá rào là không được. Còn muốn xin đặc thù thì phải xin đúng.
Cũng có những ngân hàng được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chọn giao cho thực hiện các đề án tín dụng, phát triển đặc thù mà người ta có thể gọi là ưu ái do ngân hàng đó đề xuất đề án hợp lý vì mục đích phát triển kinh tế đặc thù.
Với LienVietPostBank, chúng tôi có đặc thù là năm 2011, Thủ tướng cho phép VNPost góp vốn bằng giá trị của Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện và ra đời LienVietPostBank nhằm khai thác tốt nhất mạng lưới bưu cục trên toàn quốc.
Nhìn từ bên ngoài có thể mọi người thấy đó là ưu ái nhờ quan hệ nhưng thực tế không phải vì đề án này là chủ trương của Nhà nước, Chính phủ. Chúng tôi chỉ là đơn vị chủ động xin phép phối hợp với VNPost xây dựng đề án, đáp ứng yêu cầu. Đó là sự nỗ lực hết mình, có thể gọi là may mắn. Thực tế thì sau 10 năm có ngân hàng, các số liệu đã chứng minh.
Năm rồi chúng tôi cũng được điều chỉnh một số chỉ tiêu vì chúng tôi làm mắc ca. Ngân hàng nào đi vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, làm rau sạch chẳng hạn, thì cũng được ưu tiên thôi.
- Nói đến câu chuyện ngân hàng thì trước đây, chủ trương được ông Nguyễn Đức Hưởng từng đưa ra là mọi cán bộ nhân viên đều có cổ phần để tăng trách nhiệm, hiệu quả công việc. Hiện tại thì chủ trương đó như thế nào, thưa ông?
- Mong muốn của chúng tôi là như vậy và một trong những câu nổi tiếng là “nhân viên ngân hàng sống nhờ lương, giàu nhờ thưởng”.
Nếu cổ đông chính là cán bộ nhân viên ngân hàng thì quá tốt. Năm 2017 chúng tôi cũng phát hành 5% (hơn 300 tỷ đồng) cho cán bộ nhân viên theo mức thâm niên, vị trí công tác. Thấp nhất là người lái xe cũng được mấy nghìn cổ phiếu, tỷ lệ là 1:1, có cơ chế hỗ trợ để cán bộ công nhân viên có thể thế chấp bằng lương, vay ra được sử dụng để duy trì cổ phần của mình. Năm 2018, trong tờ trình đại hội thì chúng tôi cũng đề nghị phát hành thêm 5% nữa.
- Cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Đình Thắng sinh năm 1957, là cử nhân Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân.
Trước khi tham gia ngân hàng vào năm 2008, ông Thắng từng là giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân, lãnh đạo cấp cao của nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ. Biệt danh của ông Nguyễn Đình Thắng là Thắng "Hồng Cơ" do gắn với Công ty TNHH Tin học và Thương mại Hồng Cơ được ông thành lập từ năm 1993.
Từ năm 2008 đến 2017, ông là thành viên HĐQT LienVietPostBank và được bầu làm Chủ tịch HĐQT trong đại hội cổ đông ngân hàng năm 2018.
|