Nhân dịp kỉ niệm 60 năm thành lập (1956 – 2016), Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã bình chọn 10 gương mặt cựu sinh viên Kinh tế Quốc dân tiêu biểu.
10 Gương mặt cựu sinh viên tiêu biểu của Đại học Kinh tế Quốc dân được bình chọn là những người nổi bật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, giảng dạy – nghiên cứu khoa học và kinh tế - quản trị kinh doanh.
Dưới đây là 10 gương mặt cựu sinh viên Kinh tế Quốc dân được bình chọn:
1.Ông Nguyễn Xuân Phúc (1954) – Hiện ông Nguyễn Xuân Phúc là Thủ tướng thứ 9 của Việt Nam
Từ năm 1973, chàng thanh niên Nguyễn Xuân Phúc theo học Lớp Công nghiệp – Khóa 15 tại Đại học Kinh tế Kế hoạch nay là Đại học Kinh tế Quốc dân. Trong thời gian theo học, cậu sinh viên thông minh, lanh lợi này rất chăm chỉ học tập, tham gia tích cực hoạt động trong phong trào Đoàn thanh niên, liên tục được bầu làm Bí thư Chi đoàn. Sau khi tốt nghiệp, Cậu sinh viên Nguyên Xuân Phúc quay trở về quê nhà và bắt đầu sự nghiệp của mình.
Từ đó, kinh qua các chức vụ như Cán bộ Ban Quản lý kinh tế tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, lên đến Chuyên viên, Phó Văn phòng rồi Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng., lên đến chức vụ Bí thư Đảng ủy cơ quan…. Sau đó ông lần lượt giữ các chức vụ Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Tỉnh ủy viên khóa 15, 16 tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc Hội Khóa…, ông được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021. Và Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tái đắc cử Ủy viên Bộ Chính trị.
2. Ông Ngô Văn Dụ (1947) - Nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương
Chàng thanh niên Ngô Văn Dụ sinh ra trong một gia đình nghèo tại miền quê Vĩnh Phúc. Có chí hướng từ bé, chàng thanh niên Ngô Văn Dụ đã quyết tâm học giỏi, phấn đấu vươn lên trong học tập và hoạt động cách mạng. Do những nỗ lực, quyết tâm và tư chất thông minh, Anh thanh niên Ngô Văn Dụ được Tổ chức tin tưởng cử đi học đại học tại Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Được giữ lại Trường làm giảng viên.
Do nhu cầu cán bộ của đất nước, Thầy giáo Ngô Văn Dụ được cử về công tác tại địa phương và từng bước được tổ chức tín nhiệm, bổ nhiệm lên các chức vụ cao cấp như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội khóa XII.
3. Ông Nguyễn Đức Kiên (1948), Nguyên Phó Chủ tịch Quốc Hội
Chàng thanh niên trẻ Nguyễn Đức Kiên rời miền quê nghèo Gia Lộc - Hải Dương về Hà Nội học lớp Vật Giá – khóa 10, Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) vào những năm thángchiến tranh gian khổ của đất nước.
Thời gian nay trường, lớp còn đơn sơ, giáo trình tài liệu học tập còn đơn giản, thầy – trò phải chạy ăn từng bữa… Vượt lên những gian khổ đó, cậu sinh viên Nguyễn Đức Kiên đã chăm chỉ, chịu khó học tập và cùng các thầy cô, các bạn sinh viên tham gia tăng gia sản xuất. Những bữa ăn tập thể đơn giản nhưng thắm tình thầy trò, anh em. Tốt nghiệp đại học, chàng thanh niên Nguyễn Đức Kiên đã phấn đấu nỗ lực công tác.
Trong sự nghiệp của mình, ngoài vai trò Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XII, ông Nguyễn Đức Kiên còn là nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam.
4. GS. TS Đỗ Hoài Nam (1949) – Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam
Chàng thanh niên quê Quan họ Đỗ Hoài Nam nhút nhát có đặc điểm là trí nhớ rất tốt. Rời vùng quê quan họ, chàng thanh niên họ Đỗ thi trúng tuyển vào lớp Kinh tế Công nghiệp – Khóa 8, Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Say mê học tập, nghiên cứu, cậu sinh viên Đỗ Hoài Nam luôn đứng đầu lớp về kết quả học tập.
Những giải thưởng nghiên cứu khoa học xuất sắc thời sinh viên đã đình hình con đường sự nghiệp sau này của GS. TS Đỗ Hoài Nam nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX (2001-2006) và X (2006-2011), đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa khóa 11, thuộc đoàn đại biểu Lâm Đồng. Ông cũng nguyên là Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam từ năm 2003 đến năm 2011.Hiện GS Đỗ Hoài Nam là Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Học viện Khoa học Xã hội.
5. GS. TS. Lê Hữu Nghĩa (1947) – Nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
GS.TS Lê Hữu Nghĩa xuất thân từ miền quê nghèo Đức Phổ - Quảng Ngãi. Rời miền quê nghèo, chàng thanh niên Lê Hữu Nghĩa quyết tâm thi đỗ vào Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân).
Cậu sinh viên họ Lê luôn được bạn bè, đồng nghiệp yêu quý và đánh giá rất cao. Được giữ lại trường làm công tác giảng dạy ở Bộ môn Triết (nay là Khoa Lý luận chính trị).
Được sự điều động của Đảng và Nhà nước, thầy giáo Lê Hữu Nghĩa đi học ở nước ngoài, rồi về công tác ở các Ban của Đảng. Các công trình nghiên cứu, các bài giảng cho các cán bộ cấp cao cũng lần lượt ra đời bởi tâm huyết và sự đam mê của GS. TS Lê Hữu Nghĩa nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Giám đốc Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
6. TS. Somphao Phaysith (1954) – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lào
Sinh ra và lớn lên ở đất nước Triệu Voi. Chàng thanh niên Somphao Phaysith luôn nuôi ý chí làm giàu và dựng xây đất nước. Với khát khao muốn học tập, nghiên cứu các mô hình của Việt Nam, vị cán bộ trẻ ngành ngân hàng đã đăng kí học nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bảo vệ tốt nghiệp xong luận án Tiến sỹ ngành ngân hàng, TS Somphao Phaysith quay về Lào tiếp tục công tác ở vị trí Thống đốc Ngân hàng Trung Ương Lào.
7. Ông Dương Công Minh –Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam
Chàng thanh niên quê ở Quế Võ – Bắc Ninh, tính tình nhút nhát, chỉ dám nhìn trộm các cô gái những lại rất quyết đoán trong việc chọn học đại học ngành Vật giá tại Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch.
Từ một cậu sinh viên nhút nhát, chàng sinh viên điển trai họ Dương đã nhiệt tình tham gia và luôn dẫn đầu lớp trong các phong trào sinh viên. Tốt nghiệp đại học, cậu thanh niên xứ Kinh Bắc theo cùng chúng bạn đi kinh doanh xoài để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Lần thất bại đầu tiên đã cho cậu bài học đáng quý, nhưng cũng giúp cậu phát hiện ra một cơ hội đầu tiên, là tiền đề cho sự thành công trong sự nghiệp của mình. Hiện nay Ông Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Cựu sinh viên lớp Vật giá – Khóa 22, Khoa Vật giá (nay là Khoa Marketing) của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là một trong những doanh nhân thành đạt nhất ở Việt Nam.
8. Ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát
Quê ở một miền quê nghèo khó ở Hải Dương, cậu học sinh đam mê toán học Trần Đình Long luôn khao khát làm giàu và góp phần giúp đỡ quê hương. Quyết tâm thi vào trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), anh sinh viên trẻ Trần Đình Long đã chọn chuyên ngành Toán Kinh tế của Trường.
Tốt nghiệp Đại học, khát khao làm giàu khiến chàng sinh viên bôn ba khắp chốn trong và ngoài nước, cuối cùng anh đã chọn ngành Thép làm tiền đề cho sự nghiệp của mình. Đến nay Ông Chủ của Tập đoàn Hòa Phát là cái tên được mọi người biết đến là doanh nhân thành công và giàu có nhất ngành thép.
9. Ông Vũ Văn Tiền - Tập đoàn Geleximco
Sinh năm 1959 và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở huyện Tiền Hải, Thái Bình, năm 1978, khi đang học năm thứ nhất, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ông Tiền được tổng động viên vào quân ngũ. Trong môi trường này, nhiều người nhận thấy ông đã phát huy được năng lực của mình nên điều chuyển ông vào Đại học Kỹ thuật Quân sự, phân hiệu II TP. Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp Đại học Quân sự, ông xin xuất ngũ rồi trở về học tiếp Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân).
Với tư duy kinh tế nhạy bén, một cái nhìn mới về cuộc đời và ước mơ lập nghiệp, sau gần chục năm đầu quân cho Tổng công ty vật tư nông nghiệp, năm 1992, ông Vũ Văn Tiền xin ra ngoài để thành lập công ty tư nhân.
Vượt qua nhiều khó khăn thử thách, Tập đoàn Geleximco của ông Tiền trở thành doanh nghiệp lớn mạnh ở Việt Nam với những dự án hàng chục nghìn tỷ đồng.
10. Bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SeaBank, Chủ tịch Tập đoàn BRG
Bà Nguyễn Thị Nga là người Hà Nội, sinh năm 1955, tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân) và đã từng học nhiều lớp kinh tế ở Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc, đồng thời là người Việt Nam đầu tiên được mời ở George Town (Mỹ) do quỹ tài trợ Hillary Clinton, phu nhân cựu tổng thổng Bill Clinton, dành riêng cho các nhà lãnh đạo tập đoàn kinh tế.
Thời kỳ còn đi học tại Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch, cô nữ sinh viên lớp Kế hoạch Khóa 19 luôn dịu dàng, duyên dáng. Luôn đứng đầu lớp Kế hoạch – K19 của Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch về kết quả học tập, nhưng cô nữ sinh cũng thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ của sinh viên.
Cô nữ sinh duyên dáng ngày trước giờ đây đã là Bà Chủ tịch của SeABank, ngân hàng thương mại cổ phần lớn ở Việt Nam. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Nga cũng thành lập tập đoàn BRG trong đó có nhiều công ty và các dự án khác ở Việt Nam đặc biệt là Kings Island Golf Resortvà Ruby Tree Golf Resort. Đồng thời bà còn sở hữu 2 khách sạn lớn tại Hà Nội dưới sự quản lý của Hilton Worldwide và nằm cổ phần tạiIntimex.