Xử lý nợ xấu: Không thể chỉ dừng lại quan hệ dân sự thông thường


23-05-2017
Đó là ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về vấn đề nợ xấu được phóng viên báo Tin Tức ghi nhận bên lề Kỳ họp Quốc hội sáng nay (23/5).

Ông Nguyễn Văn Chiến, ĐBQH của Đoàn TP Hà Nội trao đổi với phóng viên.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo Tin Tức sáng 23/5, ông Nguyễn Văn Chiến, ĐBQH của Đoàn TP Hà Nội cho biết, nguyên nhân của nợ xấu khó đòi bao gồm nhiều nguyên nhân trong đó có những khoản nợ do điều chỉnh cung – cầu không phù hợp. Đặc biệt ở các tổ chức tín dụng, khi có sự gia tăng với nhu cầu cho vay vượt mức, dẫn đến khả năng thu hồi nợ khó dần dần dẫn nợ xấu gia tăng chồng chất.

Ông Chiến cho biết, cần nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến nợ xấu và yếu tố xác định nợ xấu xuất phát từ đâu và do lý do gì mà tồn tại từ đó mới có giải pháp phù hợp. Trong đó, vai trò cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét đánh giá toàn diện nợ xấu là rất quan trọng,  từ đó có kiến nghị phù hợp về biện pháp thu hồi.

“Tôi cho rằng cơ quan Tòa án cần thể hiện pháp quyền còn chuyển hóa việc mua bán nợ xấu chuyển hóa cho cơ quan khác chỉ là giải pháp tình thế”, ông Chiến cho biết.
 

Ông Hoàng Văn Cường, ĐBQH đoàn Hà Nội.

Còn ông Hoàng Văn Cường (ĐBQH đoàn Hà Nội) cho rằng, về vấn đề nợ xấu, Chính phủ đang trình Nghị quyết về giải quyết nợ xấu là điều cần thiết, nếu không giải quyết được nợ xấu, chắc chắn tình trạng tồn đọng tài chính sẽ cản trở quá trình phát triển.

“ Việc chủ trương đưa Nghị quyết xử lý nợ xấu vào là bổ sung nội dung cho kỳ họp này thông qua, tôi cho là đúng và chúng ta cần thực hiện sớm nhất. Giải quyết nợ xấu là vấn đề khó, phải sử dụng nhiều biện pháp, chúng ta phải có những biện pháp mang tính quyết liệt hơn không chỉ dừng lại ở quan hệ dân sự thông thường, với những vấn đề mang tính chất ảnh hưởng đến sự phát triển của rất nhiều các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng thì phải có những biện pháp mạnh hơn”, ông Cường nhấn mạnh.

Theo báo cáo về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), đến cuối năm 2016, VAMC đã cùng với các TCTD xử lý được 50.139 tỷ đồng nợ xấu trong tổng số 245.924 tỷ đồng nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt.

Tuy nhiên, quá trình xử lý nợ xấu đến nay cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ. Thống kê cho thấy, nợ tồn đọng tại khâu thi hành án dân sự tính đến 31/3/2017 là 17.184 việc, với số tiền còn phải thi hành án khoảng 65.489 tỷ đồng.

Đặc biệt, nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế; nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.


Nguồn: Thu Trang/Báo Tin Tức Người đăng:NEU Alumni
23-05-2017

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày