Theo đó, SIB ở Việt Nam thường có quy mô nhỏ về nhân sự nhưng lại đi đầu trong việc thúc đẩy sự đa dạng và bao trùm trong kinh doanh. Gần như tất cả các SIB đều có nhân viên là nữ và 3/4 số doanh nghiệp này có người khuyết tật trong đội ngũ nhân viên của mình.
Đặc biệt, nghiên cứu chỉ ra rằng, doanh nghiệp cân bằng mục tiêu xã hội và kinh tế là mô hình kinh doanh bền vững. 70% SIB đang kinh doanh có lợi nhuận, 59% SIB ở Việt Nam lựa chọn cân bằng giữa mục tiêu xã hội và kinh tế, 34% tập trung vào mục tiêu xã hội. Trong đó, việc làm, cuộc sống mạnh khoẻ hạnh phúc cho mọi người và bảo vệ môi trường là 3 lĩnh vực tác động hàng đầu của SIB.
Vì vậy, nghiên cứu nêu bật sự cần thiết phải hỗ trợ cho việc phát triển khu vực SIB tại Việt Nam, đồng thời ghi nhận các doanh nghiệp, các doanh nhân trong khu vực này như một trong những nhân tố chủ chốt giúp đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân
GS.TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, mô hình kinh doanh vì xã hội, vì phát triển bền vững là mô hình kinh doanh của thế kỷ 21, đây là mô hình “cùng thắng”, đa giá trị, ở đó các doanh nhân vừa tạo giá trị kinh tế cho bản thân, vừa tạo tác động lên xã hội, giảm thiểu tác động lên môi trường.
Tán thành ý kiến trên, bà Catherine Phuong, Trợ lý Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam khẳng định: “Nắm bắt mô hình kinh doanh này chính là phát triển cách tiếp cận bền vững và bao trùm hơn cho tăng trưởng kinh tế, thông qua đổi mới sáng tạo và công nghệ; nâng cao năng suất lao động, đồng thời giải quyết những thách thức về xã hội, môi trường mà quốc gia đang đối mặt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện SDG”.
Để thúc đẩy sự phát triển của khu vực SIB tại Việt Nam, bà Catherine Phuong cho rằng vai trò của Chính phủ là rất quan trọng trong việc tạo ra các cơ hội tiếp cận nguồn vốn và các phương pháp tài chính sáng tạo khác cho khu vực SIB; đẩy mạnh sự kết nối giữa SIB và các doanh nghiệp khác trong khối tư nhân và thành lập mạng lưới đại diện cho khu vực SIB.
Còn theo GS Trần Thọ Đạt, trường học, đặc biệt là các trường đại học giữ một vị trí trọng yếu trong việc hỗ trợ và thúc đẩy môi trường kinh doanh, hệ sinh thái để các SIB, doanh nghiệp phát triển bền vững phát triển. “Thông qua các nghiên cứu, các trường đại học sẽ giúp đưa ra bức tranh khá đầy đủ và toàn diện về thực trạng của khu vực doanh nghiệp này ở Việt Nam. Đồng thời, thông qua việc đưa vào chương trình đào tạo những kiến thức về SIB, doanh nghiệp phát triển bền vững, các trường cũng đảm nhiệm việc đào tạo ra nguồn nhân lực có những am hiểu về những vấn đề này ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để có những định hướng sau này cho hoạt động kinh doanh của mình”, GS. Trần Thọ Đạt lý giải.
PGS.TS. Trương Thị Nam Thắng, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo xã hội khởi nghiệp (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, cần có thêm các chính sách hỗ trợ cho các SIB thông qua 4 khía cạnh: Vốn, thị trường, nâng cao năng lực, tiếp cận thông tin. Theo đó, Chính phủ có thể khuyến nghị các doanh nghiệp, tổ chức công sử dụng dịch vụ, sản phẩm của các SIB, kể cả các doanh nghiệp thương mại thông thường khi có nhiều hợp đồng với các SIB cũng sẽ được công nhận và hưởng những chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhất định. Hoặc có thể chia nhỏ gói thầu, tạo điều kiện tiếp cận cho các SIB.
Đến từ Dự án “Save your ocean”, chị Quỳnh Hương cho biết mô hình doanh nghiệp cân bằng giữa lợi ích kinh tế và mục tiêu xã hội còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Hiện chưa có nhiều khóa đào tạo, chương trình tư vấn chuyên môn giúp các start-up trang bị kiến thức, kỹ năng để vận hành doanh nghiệp, dự án một cách hiệu quả. Chị Hương bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều chương trình tư vấn, đào tạo ngay tại Việt Nam để những đối tượng quan tâm tiếp cận, học hỏi. Bên cạnh đó, chị Quỳnh Hương mong muốn có cơ chế thông tin rõ ràng hơn về những thay đổi trong chính sách, các chương trình hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước.
SIB là một tổ chức ở đó hoạt động thương mại và cam kết tạo tác động tích cực lên xã hội/môi trường là hai nguyên lý trung tâm của chiến lược vận hành tổ chức. Việc cân bằng giữa mục tiêu xã hội/môi trường với mô hình thương mại cho phép loại hình tổ chức này có thể giải quyết các thách thức xã hội và môi trường một cách bền vững.
Theo: http://baochinhphu.vn/Doanh-nghiep/Nhan-rong-mo-hinh-doanh-nghiep-tao-tac-dong-xa-hoi-tai-Viet-Nam/347829.vgp