GS.TS. Trần Thọ Đạt: Thành công là đặt thứ tự ưu tiên trong các chính sách ứng phó với đại dịch


09-04-2020
(CafeF) - Theo GS.TS. Trần Thọ Đạt, không ai nghĩ đến một đại dịch đang diễn ra như hiện nay. Như lịch sử đã diễn ra, khủng hoảng nào rồi cũng qua đi, thế giới và xã hội sẽ trở lại yên bình và phát triển. Tuy nhiên, từ các cuộc khủng hoảng này, vấn đề là chúng ta cần phải thay đổi như thế nào và rút ra những bài học gì?


Theo GS.TS. Trần Thọ Đạt, Covid-19 là khủng hoảng y tế nhưng tác động đến kinh tế là rất nghiêm trọng, nhều bộ phận trong cỗ máy kinh tế của hầu hết các nước đã dừng hoạt động. Lúc đầu, dịch này được xem là một vấn đề của Trung Quốc, sau đó trở thành một vấn đề của người Ý, người Pháp, rồi châu Âu, đến Mỹ. Đến nay, virut đã tấn công tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới gần như cùng một lúc và đã trở thành dịch bệnh toàn cầu. 

Mặc dù các nhà kinh tế nói rằng vẫn còn quá sớm và chưa thật chắc chắn để đánh giá quy mô của thiệt hại kinh tế, nhưng điều chắc chắn là nó sẽ rất lớn. Các biện pháp cần thiết để ngăn chặn virus - cách ly xã hội, trường học, đóng cửa hàng không, biên giới, dãn cách xã hội, phong tỏa thành phố,… đang khiến nhiều nền kinh tế gần như bị đình trệ. 

Một điều khá rõ ràng là cho đến nay, ngày càng có nhiều dấu hiệu và khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế trên quy mô toàn cầu và kéo dài, những gì xảy ra với các thị trường chứng khoán lớn và giá dầu đã cho thấy các tín hiệu đó. Kết quả là bức tranh suy thoái và khủng hoảng kinh tế do những biện pháp ngăn chặn y tế đã ngày càng rõ hơn và sâu sắc hơn. Cú sốc Covid-19 gây ra cuộc khủng hoảng khác trước đây nhiều, kéo dài hơn dự kiến và sẽ để lại vết sẹo sâu và lớn hơn nhiều so với các đại dịch lần trước. 

Điểm khác biệt trước hết của đại dịch lần này là các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đã bao gồm G7 cộng với Trung Quốc. Một số ước tính ban đầu cho thấy những tác động đối với những nước này và nền kinh tế toàn cầu là rất lớn. Một trong những kịch bản xấu nhất của đại dịch toàn cầu do Warwick McKibbin và Roshen Fernando đưa ra: tổn thất GDP trung bình là 6,7%, với mức giảm 8.4% cho cả Mỹ và khu vực đồng euro, Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo tổn thất là 5% GDP toàn cầu,…

PV: Thưa Giáo sư, nhiều đánh giá hiện nay đang so sánh tác động của Covid-19 với các cuộc khủng hoảng trước đây, ví dụ như khủng hoảng kinh tế 2008? Theo ông, sự khác nhau của cuộc khủng hoảng Covid-19 lần này với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 là thế nào?

GS.TS. Trần Thọ Đạt: Trong các nhận định, phân tích gần đây, nhiều chuyên gia có so sánh tác động kinh tế của Covid-19 còn lớn hơn nhiều khủng hoảng tài chính 2008, thậm chí tác động về tâm lý còn hơn cả vụ khủng bố 11 tháng 9 tại nước Mỹ. Mặc dù hai cuộc khủng hoảng này có một số biểu hiện kinh tế giống nhau: phá sản trên diện rộng, thất nghiệp, thiếu thanh khoản, thua lỗ lớn của các doanh nghiệp, thị trường chứng khoán sụt giảm,…. tuy nhiên, chúng khác nhau về bản chất. Bằng cách sử dụng cách tiếp cận rủi ro hệ thống nội sinh và ngoại sinh, chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã phân biệt bản chất cuộc khủng hoảng Covid-19 với khủng hoảng năm 2008, từ đó đưa ra những phản ứng chính sách phù hợp.

Rủi ro ngoại sinh đến hệ thống tài chính cũng "giống như việc một tiểu hành tinh tấn công trái đất", khó có thể dự tính trước sự xuất hiện của nó. Cú sốc Covid-19 là cuộc khủng hoảng y tế, là hoàn toàn ngoại sinh đối với hệ thống tài chính và kinh tế. Trong khi đó, các cuộc khủng hoảng tài chính đều là nội sinh, do chính những người tham gia thị trường gây ra. Cuộc khủng hoảng năm 2008 là một rủi ro nội sinh điển hình, bắt nguồn từ những điểm yếu của hệ thống tài chính, cấu trúc tài chính của thị trường yếu kém, các vấn đề liên quan đến rủi ro tài chính quá mức,… Vấn đề đặt ra đối với hệ thống tài chính khi gặp cú sốc ngoại sinh Covid 19 là liệu hệ thống tài chính hiện tại có hấp thụ cú sốc này hay không, liệu cú sốc này có khoét sâu các nguy cơ tiềm ẩn trong hệ thống tài chính và làm trầm trọng thêm các khiếm khuyết hiện có không?

Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, ưu tiên hàng đầu là các chính sách ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, các biện pháp giãn cách xã hội phải thực hiện, phải ngừng các chuyến bay, đóng cửa trường học,…do vậy kinh tế tất yếu sẽ suy giảm. Lúc đầu, các nhà kinh tế dường như coi đại dịch là một cú sốc phía cầu và cần đối phó bằng các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng để hỗ trợ tổng cầu. Và ngay sau đó, nhiều nhà kinh tế đã nhận ra là tác động kinh tế của đại dịch lần này không giống như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đại dịch Covid-19 trước hết là một cú sốc cung, nó làm ngưng trệ hệ thống sản xuất. Do đó, các nhà kinh tế hiện đang tập trung vào hạn chế thiệt hại mà cú sốc cung tạo ra: mở rộng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhu yếu phẩm thiết yếu, giảm và giãn thuế, ngăn chặn phá sản không cần thiết, củng cố hệ thống tài chính và giúp các công ty và hộ gia đình sống sót qua đại dịch.

Đã có nhiều phân tích đánh giá đến tác động của Covid-19 đến kinh tế Việt nam, ông dự kiến tác động thế nào của dịch bệnh đến kinh tế nước ta trong thời gian tới?

Để đánh giá được đầy đủ và toàn diện của Covid-19 đến nền kinh tế Việt nam, cần xuất phát từ các đặc điểm của nền kinh tế nước ta trong bối cảnh tác động của dịch bệnh trên toàn cầu hiện nay. Kinh tế Việt Nam quy mô còn nhỏ, đồng thời là nền kinh tế có độ mở rất lớn. Vai trò của khu vực FDI vẫn rất lớn trong việc giữ nhịp tăng trưởng kinh tế hiện nay, tới xuất khẩu và nhập khẩu. Kênh tác động đến kinh tế trong nước từ dịch bệnh đến từ suy giảm tăng trưởng của đối tác thương mại lớn, các đối tác này đều đang bị ảnh hưởng nặng nề, nguồn FDI đang bị giảm sút... Với cấu trúc của một nền kinh tế gia công, sự gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn lớn đầu tư ở Việt nam chắc chắn sẽ dẫn đến suy giảm sản lượng và xuất, nhập khẩu. 

Nước ta có khoảng 90% doanh nghiệp là vừa và nhỏ, kinh tế hộ gia đình, khu vực kinh tế này không thể đứng vững được lâu trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Một số ngành kinh tế cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng như hàng không, du lịch, dịch vụ là những ngành đang trên đà tăng trưởng mạnh. Một số nhóm đối tượng lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mất việc cả trong khu vực chính thức và phi chính thức. Kinh tế quý 1 năm 2020 đã bị tác động thế nào, chúng ta đã rõ: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước quý I.2020 ước tính 3,82% - là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, chỉ số CPI tháng 3 và chỉ số CPI bình quân quý I năm nay đều đang ở mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020, tỷ giá thương mại hàng hóa lần đầu tiên giảm trong ba năm gần đây, vốn FDI vào Việt Nam quý I/2020 giảm cả về số lượng cũng như tổng vốn đầu tư.

Về các kịch bản từ nay đến cuối năm, các dự báo của các tổ chức trong nước và cả các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng ở mức cơ sở khoảng 5%, là mức khá cao trong các nước ở khu vực. Kịch bản xấu nhất khi dịch bệnh kéo dài đối với các nhiều nước là tăng trưởng âm, Trung Quốc không có tăng trưởng, trong khi Việt Nam vẫn có tăng trưởng khoảng 2%. Tuy nhiên, dịch bệnh còn diễn biến khó lường, các kịch bản này sẽ cần liên tục được cập nhật.

Ông bình luận thế nào về các chính sách ứng phó của Chính phủ Việt Nam đối với đại dịch?

Các nước khác nhau có những phương án ứng phó không giống nhau chống lại đại dịch, và tất nhiên lời giải cho bài toán kinh tế nằm đằng sau đó của những phương án này cũng sẽ không giống nhau. Vấn đề khác nhau giữa các nước là tính kịp thời của các biện pháp ngăn chặn dịch và tính ưu tiên trong chính sách thực thi. 

Là một đất nước thu nhập ở mức trung bình thấp, ngân sách và nguồn lực hạn chế, Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh ngay từ ngày đầu phát sinh và đang được xem là hình mẫu thành công trong ngăn chặn đại dịch. Với hệ thống chính trị ổn định, các dịch vụ quân sự và an ninh được tổ chức tốt, Việt Nam đã đưa ra quyết định nhanh chóng và ban hành kịp thời các quyết định cần thiết, cùng với một nền văn hóa được giám sát chặt chẽ, được sự ủng hộ và đồng hành của người dân. Hy sinh mục tiêu kinh tế, dành nguồn lực để cấp bách phòng và chống dịch đang là mục tiêu hàng đầu của chính phủ. 

Các giải pháp tập trung nguồn lực để gia tăng sản xuất và cung ứng các thiết bị y tế như khẩu trang, máy trợ thở, thuốc men hay giường bệnh, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu cho người dân, hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình dễ bị tổn thương để đảm bảo an sinh xã hội là những chính sách đang được ưu tiên triển khai. Ngoài ra, chính phủ cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 để đảm bảo khả năng thanh khoản, ưu tiên các DNNVV bởi khả năng chống chịu kém của loại hình doanh nghiệp này. 

Có thể nói thứ tự ưu tiên và triển khai áp dụng các biện pháp ứng phó với dịch bệnh của Việt nam hiện nay rất đúng hướng và hợp lý. Đấy chính là một trong những bí quyết của thành công cho đến nay trong cuộc chiến chống đại dịch của Việt Nam, nhất là khi xem xét trong bối cảnh một số nước lúc đầu đã không coi trọng đúng mức dịch bệnh này, sau đó đã phải khẩn cấp áp dụng các biện pháp được cho là quá cứng nhắc lúc đầu như dãn cách xã hội, phong tỏa, đóng cửa biên giới, dừng các chuyến bay, đóng cửa trường học. Khi đó, ở rất nhiều nước dịch đã lan đến mức không kiểm soát được.

Ông có đề xuất thêm kiến nghị gì về chính sách trong thời gian tới?

Chính sách của ta đang đi rất đúng hướng, vấn đề còn lại là phải khẩn trương triển khai thực hiện ngay, đặc biệt là đối với các đối tượng đang bị chịu ảnh hưởng nặng nề, họ đang cần hỗ trợ ngay, không chậm trễ. Mục tiêu của chính sách hỗ trợ là phải đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời thì khi đó hiệu lực và hiệu quả của chính sách mới đạt được. Đồng thời, cần sớm tính đến các kịch bản phục hồi sau khủng hoảng, đặc biệt là rút ra được các khiếm khuyết trong thiết kế các gói cứu trợ và hỗ trợ đã từng thực hiện sau cuộc khủng hoảng năm 2008.

Một số nhận định cho rằng, trong một chừng mực nhất định Covid-19 cũng là cơ hội cho chúng ta thúc đẩy một phương pháp làm việc mới, một phương thức sản xuất mới. Ông đánh giá nhận định này thế nào?

Không ai nghĩ đến một đại dịch đang diễn ra như hiện nay. Như lịch sử đã diễn ra, khủng hoảng nào rồi cũng qua đi, thế giới và xã hội sẽ trở lại yên bình và phát triển. Tuy nhiên, từ các cuộc khủng hoảng này, vấn đề là chúng ta cần phải thay đổi như thế nào và rút ra những bài học gì? Mong muốn trở lại "trạng thái bình thường" của chúng ta sau đại dịch phải là một trạng thái bình thường "khác trước", một trạng thái có chất lượng phát triển cao hơn, có thay đổi tiến bộ hơn trong phương thức sản xuất, mang lại phúc lợi và hạnh phúc hơn cho con người. 

Liệu chúng ta có thực sự mong muốn quay lại cuộc sống bình thường như trước khi có dịch với ô nhiễm không khí hàng ngày được thông báo ở trạng thái nguy hại và tai nạn giao thông gia vẫn thường xuyên gia tăng? Liệu chúng ta có khai thác được cơ hội này để có được một chiến lược dài hạn, cân bằng hơn trong sản xuất, tiêu dùng và gìn giữ môi trường. Đó chính là bài toán của sự phát triển bền vững, thế hệ này hãy để lại cơ hội tồn tại và phát triển cho thế hệ sau trên trái đất này. Trên phương diện kinh tế, chúng ta đều hy vọng và mong muốn một phương thức sản xuất và tiêu dùng mới dựa trên kinh tế số sẽ nhanh chóng thay thế kinh tế truyền thống, diện mạo nền kinh tế sẽ thay đổi theo hướng phù hợp hơn, thân thiện hơn với môi trường, và tất cả chúng ta đều được hưởng thụ một hệ thống chăm sóc y tế, chăm sóc sức khỏe con người tốt hơn,…

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Link bài viết: GS.TS. Trần Thọ Đạt: Thành công là đặt thứ tự ưu tiên trong các chính sách ứng phó với đại dịch


Nguồn: Tùng Lâm/Theo Nhịp sống kinh tế Người đăng:
09-04-2020

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày