GS.TS Trần Thọ Đạt: Cần tính đến tác động đầy đủ của việc tăng giá điện và xăng dầu tới nền kinh tế!


08-05-2019
Ngày 7-5-2019, Báo điện tử Cafe F đã có bài phỏng vấn GS.TS Trần Thọ Đạt - Bí thư Đảng ủy, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề kinh tế đang nóng hiện nay. Ban biên tập trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn tới quý độc giả! Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, việc tăng giá xăng và điện sẽ có những nhóm ngành bị ảnh hưởng mạnh và ngay lập tức, nhưng có những nhóm ngành bị ảnh hưởng ít trong vòng đầu, tuy nhiên lại chịu ảnh hưởng nhiều trong những vòng sau.

GS.TS Trần Thọ Đạt - Bí thư Đảng ủy, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Gần đây, giá xăng dầu liên tục tăng mạnh, kết hợp với giá điện điều chỉnh từ tháng 3 đã làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ lạm phát vượt khỏi mức mục tiêu kiểm soát là 4%, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TS Trần Thọ Đạt - Bí  thư Đảng ủy Trường Đại học KTQD, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

Thưa Giáo sư, giá điện tăng 8,36% từ ngày 20/3 và giá xăng đã liên tiếp 3 lần nhưng vì sao chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân quý I và bình quân 4 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng tương ứng 2,63% và 2,71%  - mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây?

GS. TS Trần Thọ Đạt: Điện và xăng dầu là các đầu vào nhiên liệu cơ bản trong nền kinh tế. Tác động đến CPI của các mặt hàng này bao gồm tác động tức thì (trực tiếp) và tác động tiếp theo (gián tiếp) thông qua việc làm tăng giá của các đầu vào trung gian trong nền kinh tế, dẫn đến gia tăng giá cả của hầu hết các hàng hóa tiêu dùng và hình thành một mặt bằng giá mới. Các tác động trung gian này có độ trễ nhất định, tuy nhiên thường là từ 1 đến 3 tháng. Như vậy, có thể thấy một số nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá điện vào ngày 20/3 và trước đó là tăng giá xăng dầu, rồi tăng giá xăng dầu liên tiếp vào tháng 4 và đầu tháng 5 chưa dẫn đến sự gia tăng mạnh của CPI bình quân quý I và 4 tháng đầu năm 2019:

Trước hết, giá điện tăng vào cuối tháng 3, phần lớn tăng giá xăng dầu diễn ra trong tháng 4 và đầu tháng 5, do vậy các tác động ngay cả trực tiếp đến CPI của tháng 3 và quý I, của tháng 4 là chưa đầy đủ. Tiếp đến, các tác động trực tiếp đến CPI còn tùy thuộc vào trọng số của các mặt hàng này trong rổ tính CPI, các trọng số này là không cao. Chẳng hạn, theo tính toán của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, với tỷ trọng của nhóm hàng điện trong rổ tính CPI chỉ chiếm 3,5% thì việc tăng giá điện trung bình thêm 8,36% hồi tháng 3 vừa qua dự kiến sẽ khiến chỉ số CPI tổng thể tăng thêm khoảng 0,3%.

Vậy thì tác động gián tiếp của việc tăng giá điện và xăng thông qua các chi phí trung gian trong thời gian tới sẽ như thế nào?

GS. TS Trần Thọ Đạt: Các tác động gián tiếp của việc tăng giá này sẽ tiếp tục phân bổ ít nhất vào các tháng 4, tháng 5 và tháng 6. Điều này cũng đã bắt đầu phản ánh ở CPI tháng 4 tăng 0,31% so với tháng 3 (trong khi CPI của tháng 3 giảm 0,21% so với tháng trước). Để đánh giá một cách đầy đủ các tác động gián tiếp này, cần sử dụng các mô hình và phương pháp phân tích định lượng (ví dụ như bảng cân đối liên ngành).

Giáo sư có thể nói cụ thể hơn về đánh giá tác động lên CPI bằng bảng cân đối liên ngành đó?

GS. TS Trần Thọ Đạt: Phần lớn các phân tích và đánh giá hiện nay chỉ đưa ra các con số về tác động trực tiếp đến CPI của việc tăng giá các mặt hàng này. Trong một nghiên cứu gần đây của Trường đại học Kinh tế Quốc dân có sử dụng mô hình bảng cân đối liên ngành đánh giá tác động của việc tăng 5% giá xăng dầu cho kết quả là tác động trực tiếp đến tiêu dùng cuối cùng của dân cư ước tính trong 3 tháng khiến CPI tăng 0,22%, trong khi đó tác động gián tiếp thông qua gia tăng chi phí trung gian của nền kinh tế khiến CPI tăng 0,25%. Tất nhiên, quy mô tương đối của tác động này sẽ tùy thuộc vào từng loại đầu vào và độ lớn của việc tăng giá.

Những mặt hàng hay nhóm hàng nào sẽ bị các tác động đáng kể, thưa Giáo sư?

GS. TS Trần Thọ Đạt: Kết quả tính toán các tác động trực tiếp và gián tiếp của việc tăng giá xăng dầu tới các ngành sản phẩm cho thấy, có những nhóm ngành bị ảnh hưởng mạnh và ngay lập tức, nhưng có những nhóm ngành bị ảnh hưởng ít trong vòng đầu, tuy nhiên lại chịu ảnh hưởng nhiều trong những vòng sau khi giá xăng tăng. Năm nhóm ngành chịu tác động mạnh và ngay lập tức gồm có: Dịch vụ vận chuyển, lưu trữ và bưu chính; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Thủy sản; Dịch vụ khí đốt, cấp thoát nước, xử lý nước thải và chất thải; và Dịch vụ vận tải, kho bãi.

Năm nhóm ngành chịu tác động ít của vòng đầu khi tăng giá xăng nhưng các vòng sau lại bị tác động mạnh gồm có: Sản phẩm kim loại; Sản xuất thực phẩm, đồ uống và thuốc lá; Sản phẩm hóa chất, cao su, nhựa; thuốc, hóa dược và dược liệu, khoáng phi kim loại; Sản xuất xe có động cơ, rơ mooc và bán rơ mooc; và Khai khoáng. Đây là những nhóm ngành sử dụng sản phẩm đầu vào từ những ngành khác nhiều, do vậy tác động của việc giá xăng tăng sẽ đến mạnh từ chu kỳ tiếp theo.

Giáo sư đánh giá thế nào về việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% và các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác trong bối cảnh mới hiện nay?

 

GS. TS Trần Thọ Đạt: Áp lực lạm phát hiện tại là rất lớn và là một biến số vĩ mô đáng quan tâm nhất của năm 2019 trong bối cảnh hiện nay. Nếu như việc tăng giá điện đã được lượng hóa thì giá xăng dầu vẫn đang là một ẩn số trong việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay. Giá xăng dầu chỉ trong mấy tháng qua đã tăng mạnh, vượt qua dự báo của nhiều tổ chức càng cho thấy không thể chủ quan và lơ là áp lực lạm phát. Bộ Tài chính cũng đã tính tới các kịch bản CPI năm 2019 với các giả thiết diễn biến giá xăng dầu thế giới ở các mức độ tăng khác nhau, với kịch bản tăng cao nhất cũng chỉ là 15% (và CPI sẽ ở mức 3,8-3,9), trong khi xăng dầu đến nay đã tăng hơn 20% kể từ đầu năm, nên nếu tính toán theo mô hình kịch bản này, lạm phát sẽ nhiều khả năng vượt 4%.

Ngoài ra còn phải kể đến nhiều yếu tố tác động đến lạm phát như giá dịch vụ đào tạo, nhất là dịch vụ giáo dục đại học khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học có hiệu lực từ 1 tháng 7, giá dịch vụ y tế từ đầu năm đến nay mới tăng thấp hơn tốc độ tăng chung, trong khi tỷ trọng sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao, dịch vụ y tế tư nhân tăng cũng sẽ làm cho giá dịch vụ y tế tăng.

Những lo ngại về lạm phát tăng tốc do giá xăng và giá điện cùng tăng mạnh trong thời gian qua đã gây áp lực đến tỷ giá. Tỷ giá VND/USD khá ổn định từ mấy năm trước, nhưng trong 4 tháng đầu năm nay đã tăng lên so với cùng kỳ năm trước. Tỷ giá tăng sẽ làm cho giá hàng hóa nhập khẩu tăng và tác động trở lại CPI. Điện và xăng là các đầu vào cơ bản của nền kinh tế, khi giá tăng mạnh sẽ tác động tựa như một "cú sốc cung", kéo giảm sản lượng và giảm tăng trưởng GDP. Tóm lại, để đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng một cách hợp lý, cần tích đến tác động đầy đủ của việc tăng giá điện và xăng dầu tới nền kinh tế.

Giáo sư có khuyến nghị chính sách gì nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới?

GS. TS Trần Thọ Đạt: Xăng là một trong những mặt hàng đang phải gánh nhiều loại thuế, phí nhất hiện nay (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT và thuế bảo vệ môi trường, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, mức trích quỹ bình ổn giá). Một lít xăng RON 95 có giá là 22.191 đồng/lít, nhưng số thuế phí phải gánh đang chiếm gần một nửa (khoảng 46%). 

Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng thì để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, cần tính đến các giải pháp giảm bớt, bãi bỏ các loại thuế không hợp lý đang áp đặt lên giá xăng dầu (thuế tiêu thụ đặc biệt, lợi nhuận định mức,...), đồng thời phải thay đổi tư duy điều hành giá xăng dầu theo hướng cạnh tranh. Chỉ khi có môi trường cạnh tranh kinh doanh xăng dầu lành mạnh thì nền kinh tế và người dân mới được lợi, qua đó kích thích sản xuất và tiêu dùng phát triển. Khi thuế giảm, nhiều người nghĩ ngay đến ngân sách sẽ bị thâm hụt. Đó là tác động trực tiếp. Tuy nhiên, tác đông gián tiếp lại có thể là tích cực: khi giá đầu vào giảm, các doanh ngiệp có thể mở rộng sản xuất kinh doanh, đóng thuế nhiều hơn và ngân sách có thể lại được cân bằng lại.

Ngoài ra, các chính sách vĩ mô từ nay đến cuối năm cần được điều hành hết sức thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ trong việc kiểm soát lạm phát. Đặc biệt, việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, sách giáo khoa, tăng lương cơ sở… cần được cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm và mức độ để tránh tạo kỳ vọng lạm phát.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Giáo sư!

 


Nguồn: Hằng Kim (thực hiện)/Theo Trí thức trẻ Người đăng:NEU
08-05-2019

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày