FDI với khu kinh tế và khu công nghiệp


10-04-2017
Các khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế và khu công nghiệp đã có đóng góp quan trọng vào mục tiêu công nghiệp hóa đất nước. Việc đánh giá hoạt động của các đơn vị này trong gần 30 năm qua là cần thiết để rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra định hướng chính sách mới cho giai đoạn tiếp theo.

KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) đầu tiên được xây dựng tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Đức Thanh

Phát triển khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN)

Lịch sử phát triển KCN và Khu kinh tế (KKT) bắt đầu từ KCX Tân Thuận, được Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) cấp phép cho một doanh nghiệp Đài Loan liên doanh với một doanh nghiệp nhà nước Việt Nam để thành lập Công ty TNHH Tân Thuận (TTC) xây dựng hạ tầng KCX trên diện tích 300 ha (năm 1991). Đến nay, KCX đã thu hút 130 doanh nghiệp nước ngoài tham gia với vốn đầu tư trên 1 tỷ USD, sản xuất hàng xuất khẩu, đã hình thành khu e-office rộng 40 ha, khu vườn ươm công nghệ phần mềm, khu văn phòng và dịch vụ. KCX Tân Thuận được đánh giá là một trong các KCX thành công ở châu Á.

Sau đó, SCCI còn cấp phép cho 2 KCX khác là KCX Linh Trung (đã đổi thành KCN) và KCX Hải Phòng (đã giải thể).

Trong khi đó, KCN được phát triển từ khi Chính phủ ban hành Nghị định về khu công nghiệp vào cuối năm 1994, để khắc phục tình trạng hạ tầng kỹ thuật như giao thông, điện, nước kém phát triển, trong khi vốn đầu tư có hạn, chỉ có thể tập trung đầu tư trong và ngoài KCN nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Từ đầu thế kỷ XXI, KCN được phát triển nhanh và khắp các địa phương, do đó phần lớn KCN của nước ta có lịch sử khoảng 15 năm.

KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) là KCN được thành lập theo sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt được Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong đồng tình. VSIP Bình Dương làm lễ động thổ ngày 14/5/1996 với sự chứng kiến của hai vị Thủ tướng. Các VSIP đã được thành lập tại nhiều địa phương như Bắc Ninh (2007), Hải Phòng (2010), Quảng Ngãi (2013), Hải Dương và Nghệ An (2015). Từ KCN truyền thống, VSIP đã trở thành khu liên hợp đô thị - công nghiệp với giải pháp quy hoạch tổng thể hạ tầng bền vững đô thị kiểu mới. Đến nay, VSIP đã thu hút 690 nhà đầu tư nước ngoài, với 7,1 tỷ USD, tạo ra khoảng 180.000 việc làm.

Sự phát triển nhanh và rộng khắp cả nước của các KCN (và cụm công nghiệp) là thành tựu nổi bật trong quá trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, tạo việc làm cho nhiều triệu lao động, nâng cao mức sống của các tầng lớp dân cư, làm thay đổi cơ cấu kinh tế của từng địa phương và cả nước...

Tuy nhiên, nhìn vào sự phát triển của các KCN hiện nay, có thể nhận thấy một số vấn đề.

Thứ nhất, sự phát triển không đều giữa các địa phương. Có tỉnh, thành phố có 10 - 30 KCN, thu hút được lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư trong nước khá lớn, trong khi có tỉnh miền núi chỉ có vài KCN, nhưng rất ít dự án đầu tư.

Thứ hai, vẫn còn 1/3 số KCN chưa đưa vào hoạt động, trong đó có những KCN không có dự án đầu tư, gây lãng phí đất đai, tiền vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thứ ba, nhiều KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn, tình trạng gây ô nhiễm môi trường còn khá nghiêm trọng.

Thứ tư, chưa chú trọng xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viên, chợ và siêu thị, khu vui chơi giải trí.

Đồng Nai là tỉnh thành công trong thu hút FDI và xây dựng các KCN, với 32 KCN trên tổng diện tích 9.559 ha. Các KCN đã đầu tư 380 triệu USD và 6.637 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó 28 KCN đã có hệ thống hạ tầng đồng bộ và hiện đại, 4 KCN đang trong quá trình hoàn thiện. Các KCN đã hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi tiếp nhận dự án đầu tư. Đồng Nai đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng các KCN do Hội đồng Thẩm định là các chuyên gia kinh tế bình chọn.

Đến cuối năm 2016, các KCN Đồng Nai đã tiếp nhận gần 21 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tổng số 24 tỷ USD FDI còn hiệu lực tại tỉnh này, tạo việc làm cho gần 500.000 lao động, trong đó 92% thuộc khu vực FDI, 61% là nữ và hơn 60% là từ ngoài tỉnh, góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại: tỷ trọng công nghiệp và xây dựng 56,7%, dịch vụ 37,7%, nông - lâm - ngư nghiệp 5,6%; thu nhập trên 3.100 USD/người/năm, thu ngân sách đạt hơn 40.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất của khu vực FDI là 12,727 tỷ USD, chiếm 83,4% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Đồng Nai cũng là địa phương có nhiều sáng kiến và kinh nghiệm trong xây dựng các KCN.

Một là, các KCN chủ yếu được sử dụng từ đất đồi bạc màu, không phải là đất chuyên trồng lúa và không có khoáng sản, dân cư thưa thớt.

Hai là, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp của các KCN hiện nay đạt khoảng 70%, trong đó có nhiều KCN đạt 80 - 90%, như Biên Hòa II, Amata, Loteco, Tam Phước, Hố Nai, Sông Mây, Nhơn Trạch I, Nhơn Trạch II…

Ba là, coi trọng xây dựng nhà ở, trường học, siêu thị, khu vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu của người lao động, nhất là lao động ngoài tỉnh.

Bốn là, thực hiện dịch vụ một cửa thông qua Công ty Sonadezi (hiện nay là Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp Đồng Nai).

Đầu tư khu công nghệ cao

Nước ta có 3 khu công nghệ cao (KCNC) là Hòa Lạc (Hà Nội), TP.HCM và Đà Nẵng, trong đó KCNC Đà Nẵng đang trong quá trình xây dựng.

KCNC Hòa Lạc được thành lập cuối năm 1998 trên diện tích 1.586 ha, được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ các dịch vụ tiện ích và khu chức năng như khu công nghệ phần mềm, khu nghiên cứu và phát triển (R&D), khu giáo dục - đào tạo, khu công nghiệp công nghệ cao, khu trung tâm hành chính, khu nhà ở và khu giải trí.

Đến cuối năm 2016, KCNC Hòa Lạc có 78 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 60.018,97 tỷ đồng, trên diện tích 346,56 ha, trong đó Trường đại học FPT (2.700 tỷ đồng), Khu phần mềm FPT (924 tỷ đồng), Trung tâm CNC Viettel (495 tỷ đồng), Tổ hợp nghiên cứu thiết kế chế tạo sản xuất thiết bị viễn thông Viettel (2.080 tỷ đồng), Trung tâm vũ trụ (12.300 tỷ đồng) sử dụng ODA của Nhật Bản. Một số dự án đang chuẩn bị triển khai như Nhà máy In tiền của Ngân hàng Nhà nước, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), Trường Đại học Việt - Nhật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội sử dụng ODA của Pháp.

Ban Quản lý đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 17 dự án, trong đó có 4 dự án FDI và 13 dự án trong nước; một số dự án không thể triển khai đang tiến hành các thủ tục giải thể.

Các khu công nghiệp tại Việt Nam
- Các KCN có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 88.600 ha, trong đó, diện tích đất công nghiệp là 60.200 ha, chiếm 67,8%;
- Có 218 KCN đã đi vào kinh doanh, với diện tích đất tự nhiên 59.500 ha; 98 KCN đang trong giai đoạn xây dựng,
với diện tích đất tự nhiên 28.900 ha.
-Diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 29.800 ha,
chiếm 70% diện tích công nghiệp các KCN đã đưa vào
kinh doanh, chiếm 50% diện tích công nghiệp các KCN.

Vì sao KCNC đầu tiên của nước ta sau gần 20 năm vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, thu hút được quá ít dự án đầu tư, nhất là dự án FDI? Để lý giải tình trạng đó, cần nhìn lại lịch sử của sự ra đời KCNC Hòa Lạc.

Sau khi nước ta gia nhập ASEAN vào tháng 7/1995, một thách thức lớn là trình độ phát triển của Việt Nam thấp hơn nhiều so với ASEAN-6

(Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Brunei), trong đó có công nghệ và giáo dục. Các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã chủ trương tập trung đầu tư xây dựng hai công trình lớn là KCNC và Trường đại học Quốc gia tại Hòa Lạc, đồng thời hình thành khu đô thị mới tại đó để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra bước đột phá về giáo dục và công nghệ. Để nối liền Thủ đô với khu đô thị mới và hai dự án lớn đó, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long) đã được xây dựng.

Những ai đã trực tiếp tham gia các cuộc họp về các dự án này đều nhận biết được ý tưởng và quyết tâm của các nhà lãnh đạo cấp cao muốn nhanh chóng thực hiện các công trình có tầm cỡ quốc tế, mặc dù ngân sách và vốn đầu tư còn hạn hẹp. Đáng tiếc là, đường cao tốc đã hoàn thành, nhưng KCNC triển khai quá chậm, Trường đại học Quốc gia chuyển chủ đầu tư vài lần vẫn chưa có tiến triển.

Tình trạng trên gây lãng phí nghiêm trọng vốn đầu tư, đất đai và thời gian, tác động tiêu cực đến R&D, đổi mới công nghệ, tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới với công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nguyên nhân chủ yếu là việc lựa chọn người đứng đầu Ban Quản lý dự án không đủ năng lực tổ chức và quản lý quá trình thực hiện; việc phân công và hợp tác giữa các bộ với chính quyền địa phương (trước đây là tỉnh Hà Tây, hiện nay là TP. Hà Nội) chưa tốt, không quy rõ trách nhiệm cá nhân khi phần lớn kế hoạch thời gian đều bị chậm trễ. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phải chịu trách nhiệm chính về sự chậm trễ này vì là người đứng đầu cơ quan trực tiếp quản lý KCNC.

Câu chuyện KCNC Hòa Lạc cần được coi là điển hình về việc lãng phí thời gian của một đất nước đang cần tăng tốc trong quá trình phát triển.

Trong khi đó, KCNC TP.HCM được thành lập năm 2002, chậm hơn KCNC Hòa Lạc 4 năm, nhưng xây dựng cơ hạ tầng nhanh hơn và hoạt động hiệu quả hơn, đã thu hút các tập đoàn lớn như Intel, Nidec, Jabil, Sonion, Sanofi, Samsung..., với vốn FDI đăng ký là 5,576 tỷ USD và vốn thực hiện là 2,1 tỷ USD, trong đó có 46 dự án đang hoạt động tốt. Giá trị sản lượng hằng năm của các doanh nghiệp tăng trưởng đều đặn, như năm 2011 đạt 1 tỷ USD, năm 2015 đạt 4,7 tỷ USD và năm 2016 đạt 5,2 tỷ USD. Trong nửa đầu năm 2016, KCNC này đạt kim ngạch xuất khẩu 17,268 tỷ USD, nhập khẩu 15,519 tỷ USD, nộp ngân sách 22,59 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 28.000 người.

Sự phát triển nhanh và rộng khắp cả nước của các KCN (và cụm công nghiệp) là thành tựu nổi bật trong quá trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.

Năm 2015, KCNC đã đầu tư 12 triệu USD cho các phòng thí nghiệm vi mạch - bán dẫn, vật liệu nano, xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo; Trung tâm R&D khoa học - công nghệ, hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong việc xây dựng, triển khai các nhiệm vụ; đã đưa ra thị trường chíp cảm biến MEMS, mỹ phẩm nano, sản phẩm cơ điện tử; một số sản phẩm đã được xuất khẩu ra nước ngoài.

KCNC đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp bằng cách hợp tác với các trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Ngoại ngữ Tin học, Cao đẳng Eishin - Nhật Bản, Đại học Kinh tế. Năm 2013, Microsoft thành lập Trung tâm Nghiên cứu sáng tạo Microsoft (SMIC) để triển khai các chương tình đào tạo nghiên cứu. Sắp đến, Đại học Fulbright, Hutech, Trung tâm Đào tạo Việt - Nhật, Việt - Hàn, các trung tâm R&D của doanh nghiệp như Samsung sẽ đi vào hoạt động.

Vườn ươm Doanh nghiệp đã đạt kết quả bước đầu, có 6 doanh nghiệp đứng vững được trên thương trường với nền tảng công nghệ mới (Acis, Gremsy, HoneyB, Home-Heathcare, Viotek, Robotic), tạo tiền đề tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng và lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm công nghệ cao của Thành phố.

Tuy vậy, các sản phẩm mới từ hoạt động R&D của KCNC còn kém một số nước Đông Nam Á; tỷ lệ kinh phí đầu tư cho R&D của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập về phát triển khoa học - công nghệ còn thấp. Tốc độ phát triển của KCNC còn chậm so với các KCNC, công viên khoa học - công nghệ ở khu vực Đông Nam Á…

Đánh giá hoạt động của hai KCNC ở hai thành phố lớn nhất của Việt Nam là cần thiết để rút ra bài học kinh nghiệm cho việc triển khai nhiều KCNC tại các địa phương có điều kiện.

Hình thành các khu kinh tế

Từ cuối năm 1997, Chính phủ chủ trương nghiên cứu để xây dựng đặc khu kinh tế ở nước ta. Có 11 địa điểm được đưa vào danh sách lựa chọn, cuối cùng, Chu Lai (Quảng Nam) được phép xây dựng khu kinh tế (KKT) mở đầu tiên với nhiều chính sách mới có tính thử nghiệm.

KKT mở Chu Lai được thành lập tháng 6/2003, gồm khu thuế quan và khu phi thuế quan. Khu phi thuế quan (khu cảng tự do) gắn với Cảng Kỳ Hà, sản xuất hàng xuất khẩu và phục vụ xuất khẩu tại chỗ (gia công, chế tác), thương mại hàng hóa (xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất, phân phối, siêu thị bán lẻ), thương mại dịch vụ (phân loại, đóng gói, vận chuyển, giao nhận hàng hóa quá cảnh, bảo quản, kho tàng, bưu chính, viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vui chơi, giải trí, nhà hàng ăn uống) xúc tiến thương mại (giới thiệu sản phẩm, hội chợ triển lãm; chi nhánh, văn phòng đại diện của các công ty trong nước và nước ngoài, bao gồm cả các tổ chức tài chính, ngân hàng) và các hoạt động thương mại khác.

Tính đến cuối năm 2016, KKT mở Chu Lai đã có 112 dự án đầu tư với vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD, 75 dự án đã đi vào hoạt động với vốn thực hiện 970 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động, đóng góp vào thu ngân sách của tỉnh ở mức trung bình 65%; đã tạo ra một số sản phẩm công nghiệp chính như ô tô, hàng điện tử, kính xây dựng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, từng bước hình thành diện mạo của một khu kinh tế, đóng góp quan trọng vào sự phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó có Khu phức hợp ô tô Trường Hải.

Hiện nay, nước ta có 16 KKT ven biển với diện tích mặt đất và mặt nước là 730.553 ha (chưa tính 21 KKT cửa khẩu); trong đó, 3 KKT đã được Chính phủ quyết định chuyển thành đặc khu kinh tế, là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Ngoài ra, còn có 2 KKT tại Thái Bình và Nam Định đã có trong quy hoạch, nhưng chưa được thành lập.

Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 16 KKT đã có 14 khu công nghiệp (KCN), khu phi thuế quan đi vào hoạt động, với tổng diện tích đất tự nhiên 4.000 ha và 20 KCN, khu phi thuế quan đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản, với tổng diện tích đất tự nhiên 3.500 ha.

Do các KKT có diện tích lớn và mới được thành lập, nên phần lớn đang trong giai đoạn xây dựng hạ tầng kỹ thuật, một số tuyến đường giao thông chính, hệ thống cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, khu tái định cư, hạ tầng KCN đã được hoàn thành, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển của địa phương.

Vốn FDI trong KCN và KKT chiếm khoảng 80% tổng vốn FDI đầu tư vào ngành công nghiệp nước ta. Doanh thu của các doanh nghiệp KCN và KKT năm 2016 đạt 145 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 88 tỷ USD, chiếm 51% tổng kim ngạch xuất khẩu; nộp ngân sách khoảng 105.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 2,85 triệu người với thu nhập bình quân 6 - 10 triệu đồng/người/tháng, góp phần hình thành đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn cao.

Mặc dù vậy, thu hút FDI vào KKT còn ít, chưa thực đáp ứng yêu cầu; một số địa phương và ban quản lý ưu tiên cho việc lấp đầy diện tích công nghiệp, nên chưa chú trọng cơ cấu ngành nghề, công nghệ, yếu tố môi trường và biến đổi khí hậu.

Những vướng mắc về giá đất và vật liệu xây dựng tăng cao đã tác động trực tiếp tới tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào KKT.

Hiện nay, nước ta có 16 KKT ven biển với diện tích mặt đất và mặt nước là 730.553 ha; trong đó, 3 KKT đã được Chính phủ quyết định chuyển thành đặc khu kinh tế.

Công tác xúc tiến đầu tư vào KKT, KCN hiệu quả cao, còn dập khuôn, thiếu gắn kết với lợi thế từng địa phương, chưa có sự chỉ đạo thống nhất hoạt động xúc tiến ở từng thị trường, dẫn đến tình trạng có quá nhiều đoàn Việt Nam tới một nước trong cùng thời gian.

Các cơ quan nhà nước chưa phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, giám sát, thiếu chế tài xử lý các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường.

Chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân chưa hấp dẫn các doanh nghiệp, nên phần lớn người lao động thuê nhà ở do các hộ dân xây dựng trong tình trạng thiếu nhiều tiện nghi, tiện ích, chưa đáp ứng nhu cầu cơ bản của cuộc sống.

Việc phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý KKT, KCN trong một số lĩnh vực chưa được thực hiện nhất quán trên cả nước do có sự không thống nhất với các quy định của pháp luật chuyên ngành; các bộ còn thiếu hướng dẫn chủ trương phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý.

Chính sách ưu đãi đối với các KKT, KCN hay thay đổi, thiếu ổn định, mức ưu đãi đối với dự án đầu tư vào KCN còn nhiều điểm chưa hợp lý, chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư.

Một số gợi mở về định hướng chính sách đối với KKT, KCN

Định hướng mới và chính sách đối với KKT, KCN cần tập trung giải quyết một số vấn đề đã được trình bày trên đây, coi trọng việc khắc phục tình trạng phát triển không đều giữa các địa phương, ưu tiên xây dựng KCN ở những địa phương kém phát triển với chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn, trước hết là các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước, tiếp đó là nhà đầu tư nước ngoài.

1) Đối với KKT, KCN hiện có

Tiến hành khảo sát, phân loại theo tiêu chí hiệu quả kinh tế - xã hội và sự phù hợp với định hướng, chính sách mới để tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và xã hội những khu có điều kiện phát triển; loại bỏ những khu chưa xây dựng và không có điều kiện thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Ban quản lý có trách nhiệm giám sát nhà đầu tư hạ tầng KKT, KCN thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng các công trình xây dựng, trong đó có hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn, hướng dẫn việc thu phí thuê đất, nhà xưởng và dịch vụ khác để hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp trong khu.

Chính phủ cần có cơ chế huy động các nguồn vốn như ODA, FDI, ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư; tăng cường tính chủ động của địa phương trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ các dự án động lực để tạo tiền đề cho việc hình thành khu vực phát triển công nghiệp nòng cốt trong các KKT, KCN.

2) Đối với việc thành lập KKT, KCN mới

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xây dựng tiêu chí kinh tế - kỹ thuật đối với KKT, KCN đáp ứng đòi hỏi của giai đoạn mới để làm cơ sở quyết định việc thành lập KKT, KCN mới, tránh tình trạng tùy tiện, cảm tính.

Đối với những địa phương đã có nhiều KCN thì chỉ được thành lập thêm KCN mới khi các KCN đã có được lấp đầy ít nhất 70% đất công nghiệp nhằm tránh lãng phí đất đai.

Ưu tiên phát triển thêm ở những địa phương còn quá ít KCN với chính sách hỗ trợ một phần vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đồng thời có chính sách ưu đãi cao, đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư hạ tầng KCN, cũng như các dự án xây dựng nhà máy sản xuất, cơ sở dịch vụ.

3) Chính sách và cơ chế

Hoàn thiện thể chế theo hướng đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong các ngành, lĩnh vực với các quy định về quản lý KKT, KCN; phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với KKT, KCN.

Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM và Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Bình kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xây dựng Luật Khu kinh tế, Khu công nghiệp để làm cơ sở pháp lý cho hoạt động của KKT, KCN. Trên cơ sở đó, rà soát các văn bản pháp luật hiện hành để sửa đổi, bổ sung nhằm tạo ra hành lang pháp lý minh bạch, thống nhất và hoàn chính.

4) Quản lý nhà nước

Xây dựng quy hoạch KKT, KCN gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư, quy hoạch nhà ở.

Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo đủ thẩm quyền và nguồn lực để quản lý KKT, KCN theo hướng một cửa, một đầu mối và tương xứng với vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của các đơn vị này; phân cấp đủ quyền hạn và trách nhiệm cho Ban Quản lý, thay thế cơ chế ủy quyền đang được áp dụng hiện nay đã tỏ ra có một số nhược điểm cần khắc phục.

Nâng cao năng lực quản lý và đầu tư công nghệ quan trắc môi trường cho các cơ quan liên quan đến KKT, KCN để có đầy đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ quản lý KKT, KCN theo các chuyên ngành và lĩnh vực để nâng cao trình độ cán bộ quản lý, bảo đảm sự thống nhất trên phạm vi cả nước trong việc thực hiện chức năng của Ban Quản lý KKT, KCN.

KKT, KCN đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại, do đó, từ kinh nghiệm thành công và thất bại của quá trình hình thành và phát triển, cần đề ra định hướng và chính sách mới để thu hút nhiều hơn và có hiệu quả hơn vốn FDI và vốn đầu tư trong nước. Xây dựng, triển khai quy hoạch KKT, KCN gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư, quy hoạch nhà ở.

Xây dựng, triển khai quy hoạch KKT, KCN gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư, quy hoạch nhà ở.

GS-TSKH Nguyễn Mại

Nguồn: baodautu Người đăng:NEU Alumni
10-04-2017

Các ý kiến thảo luận

Tải thêm

Gửi
Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày