(CafeF) - Mới đây, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cùng với Đại học quốc gia Úc đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế thường niên với chủ đề Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, quản trị và kinh doanh.
Sự ổn định về chính trị và chậm công nghiệp hóa là điều kiện tốt để Việt Nam hội nhập
Tham gia thảo luận, ông Peter J.N. Sinclair - Giáo sư Kinh tế, Khoa Kinh tế học, Đại học Birmingham, vương quốc Anh đã giới thiệu về nghiên cứu về tương lai của các nền kinh tế châu Á và dự đoán 50 năm tới.
Theo nghiên cứu, năm 1970, nền kinh tế Châu Á chiếm 15,2% giá trị năng thêm trên thế giới về đồng USD và trao đổi tỷ giá. Vào 2016, con số này tăng lên 37,4%. Cùng với đó, 4 nền kinh tế là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhât Bản và Việt Nam chiếm đến 70% giá trị tăng thêm của châu Á.
GS. Peter J.N. Sinclair
Giáo sư Peter J.N. Sinclair đánh giá sự tăng trưởng của Trung Quốc là cực nhanh từ những năm đầu 1980. Với các dự đoán cho 50 năm tới, theo giáo sư, dường như, các dự đoán hiện nay đang quá lạc quan với nền kinh tế này và ông cảnh báo một vài rủi ro có thể xảy ra như khủng hoảng tài chính, sự ấm lên toàn cầu và vấn đề rào cản thương mại.
Về tương lai của Ấn Độ, theo giáo sư, hiện tại quốc gia này nằm dưới đường biên của công nghệ, nên Ấn Độ ít bị tổn thương đối với việc suy thoái xuất khẩu và ít gặp trở ngại trong việc thiếu hụt lao động. Viễn cảnh về sự tăng trưởng tương lai của Ấn Độ khá hơn so với Trung Quốc song cũng có một vài nguy cơ đặc biệt như căng thẳng chung giữa các nhóm tôn giáo, khả năng chiến tranh với Pakistan.
Tương lai của Japan được Giáo sư Peter J.N. Sinclair đánh giá là một nền kinh tế với dân số già và nhanh chóng suy giảm, GDP tổng thể có thể bắt đầu giảm trong điều khoản tuyệt đối từ đầu những năm 2030.
Riêng đối với Việt Nam, giáo sư cho rằng việc bắt đầu công nghiệp hóa muộn lại là điểm lợi thế của Việt Nam. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế kể từ cuối những năm 1990 dự báo duy trì tiếp tục trong vài thập kỷ, cho đến tận những năm 2040, sau đó giảm dần cho đến những năm 2060. Ông đánh giá sự ổn định chính trị tương đối và khởi đầu muộn của công nghiệp hóa sẽ là điều kiện tốt để Việt Nam thích nghi nhanh hơn với thế giới so với một số nước trong khu vực. Song ông cũng cảnh báo việc cung cấp các khoản vay tư nhân và khu vực công không được phép tăng nhanh hay duy trì ở mức cao vì điều đó có thể ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững.
Tựu chung với các nền kinh tế châu Á, Giáo sư dự đoán những thách thức chung trước mắt bao gồm: dòng di cư từ nông thôn tới thành thị, thiên tai (hạn hán, hỏa hoạn, bão, lũ, ngập lụt), khả năng thay đổi yếu tố giá…
Được biết giáo sư Peter chuyên nghiên cứu về kinh tế tiền tệ, kinh tế vĩ mô, quốc tế, ổn định tài chính, kinh tế xăng dầu, vấn đề thất nghiệp, Brexit… và từng tham gia viết 15 quyển sách về kinh tế, tài chính, chính sách tiền tệ, có nhiều bài báo được đăng tại các tạp chí danh tiếng như Applied Economics, Economic and Social Revie, Manchester School, Oxford Economic Papers…
Các nhà khoa học tham gia thảo luận cùng các diễn giả quốc tế
Việt Nam sẽ là "cầu nối" để Nga thúc đẩy thương mại với các nước ASEAN
Giáo sư Zuev Vladimir - Giám đốc nghiên cứu Trường Kinh tế cao cấp, Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga trong khi đó có nghiên cứu về việc thúc đẩy phát triển giao thương sau hiệp định FTA đầu tiên của Nga với Việt Nam.
Theo Giáo sư, quan điểm của Nga là rất thận trọng về tự do hóa thương mại và Nga cũng gặp 4 vấn đề khó khăn trong liên kết thương mại quốc tế như: (i) thái độ về tự do hóa và Nga cũng mất 18 năm để gia nhập WTO; (ii) quan điểm về liên kết khu vực; (iii) quan hệ thương mại giữa Châu Âu và Châu Á; (iv) vị trí của Nga trong các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Việc ký kết FTA với Việt Nam là thay đổi quan trọng đối với chính sách thương mại quốc tế của Nga. Đó là một bước quan trọng về tự do hóa thương mại, là sự thỏa thuận liên kết đầu tiên với EAEU và cũng là sự thỏa thuận đầu tiên giữa Nga với một quốc gia ngoài khu vực Xô Viết và khu vực châu Á.
Giáo sư Zuev Vladimir
FTA giữa Nga và Việt Nam có tầm quan trọng rất lớn đối với sự phát triển kinh tế của Nga như (i) giúp xác định các chính sách tự do thương mại của Nga; (ii) tác động đến quan hệ giữa Nga trong Cộng đồng kinh tế Á Âu (EAEU); ảnh hưởng đến đàm phán về FTA giữa Nga với các quốc gia khác; (iv) minh chứng cho khả năng phát triển liên kết kinh tế với các quốc gia châu Á; và (v) chỉ ra tiềm năng FTA để thúc đẩy thương mại với Việt Nam và có thể là các nước ASEAN thông qua Việt Nam.
Được biết năm 2015, Nga ký kết FTA với Việt Nam sau 4 năm đàm phán và FTA chính thức có hiệu lực từ 5/11/2016. Theo thỏa thuận này, sau thời kỳ chuyển đổi thì thuế quan sẽ giảm đáng kể. Việt Nam, đối tác chiến lược đối với Nga trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chiếm 30% khối lượng thương mại. Mức độ cao trong bảo vệ thuế quan đối với các thị trường trong nước từ cả hai phía (đối với Việt Nam: thuế suất trung bình là 11,5%; đối với các nước trong EAEU là 9,7%).
Doanh thu thương mại giữa Nga và Việt Nam tăng thêm 62% trong 2 năm 2016, 2017 so với 2015. Xuất khẩu từ các nước trong EAEU tăng thêm 70% trong năm 2016. Xuất khẩu từ Việt Nam tăng đều 19% trong năm 2016 và tăng thêm 35% trong năm 2017. Giáo sư cho rằng, các nhà sản xuất Việt Nam có thể nắm bắt được các lợi thế thương mại tự do và nỗ lực gia tăng xuất khẩu hàng hóa công nghiệp nhẹ và sản phẩm của ngành sản xuất máy móc vào nước này.
Việt Nam cần sử dụng tài nguyên nước hiệu quả hơn thông qua việc định giá nước hợp lý
Trong khi đó nhìn nhận nền kinh tế ở một khía cạnh rất khác biệt với các nghiên cứu của các chuyên gia khác đó là TS. Chu Hoàng Long, Giảng viên cao cấp, Trường Chính sách công Crawford, Đại học Quốc gia Úc khi nghiên cứu về vấn đề tài nguyên nước ở Việt Nam.
Tiến sĩ Long cho biết, Việt Nam thuộc nhóm nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và gần đây đã phải đối mặt với những đợt hạn hán thường xuyên, với mức độ trầm trọng ngày càng tăng.
TS. Long Chu
Ví dụ, theo báo cáo của FAO, đợt hán hán năm 2016 đã tàn phá gần nửa triệu hecta cây trồng, ảnh hưởng tới hơn 50 tỉnh/thành trên cả nước, trong đó có 18 tỉnh ban bố tình trạng khẩn cấp về nước, và khoảng 2 triệu người lâm vào tình trạng thiếu nước, cần được hỗ trợ. Đây là những rủi ro đe dọa đến sự phát triển kinh tế và xã hội của một đất nước vốn nằm trong vùng nhiệt đới mưa nhiều, ít kinh nghiệm đối phó với tình trạng khan hiếm nước, đặc biệt trong hoàn cảnh nông nghiệp là ngành chủ chốt đảm bảo an ninh lương thực quốc gia lại phụ thuộc nhiều nhất vào tài nguyên nước.
Trước tình hình trên, theo TS. Chu Hoàng Long, các nhà hoạch định chính sách cần đánh giá cụ thể và đưa ra những biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nước.
Theo nghiên cứu của TS. Long, bình quân giá trị gia tăng của tài nguyên nước vào khoảng 12.280 VND/m3 (giá năm 2016); nhưng có tới 16% số hộ được khảo sát sử dụng nước không hiệu quả, hay nói cách khác, những hộ này có thể giảm bớt lượng nước mà không hề bị ảnh hưởng tới kết quả sản xuất. Nghiên cứu đưa ra những con số thống kê cho thấy các tổ chức xã hội, trình độ giáo dục và đặc biệt là khả năng sử dụng Internet để trao đổi chia sẻ thông tin, có vai trò quan trọng trong việc giải thích sự khác biệt về mức độ hiệu quả sử dụng nước giữa các nhóm hộ.
Nghiên cứu cũng đưa ra những bằng chứng cho thấy định giá nước là một hướng chính sách hữu hiệu để nâng cao hiệu quả sử dụng nước trong ngành nông nghiệp, vốn chiếm khoảng 90% tổng lượng nước sử dụng. Khi định giá nước, các hộ nông dân sẽ sử dụng nước có trách nhiệm hơn và sẽ loại bỏ những mục đích sử dụng nước không mang lại lợi ích đủ bù đắp mức giá phải trả. Cụ thể, xác định giá nước ở mức 2000-3000VND/m3 (ngoài chi phí bơm, hút, bảo hành kênh, mương, hồ, đập…) có thể làm giảm tới trên 80% lượng nước sử dụng, trong khi lợi nhuận của nông dân chỉ giảm 15%. Đương nhiên, điều quan trọng là phần thu của nhà nước cần được sử dụng để hỗ trợ những công nghệ sản xuất tiết kiệm nước và giúp những nông dân nghèo bị ảnh hưởng vượt qua khó khăn tạm thời.
Ngoài những tính toán mang tính học thuật và lý luận, nghiên cứu cũng đưa ra một số khuyến nghị chính sách dựa trên kinh nghiệm các nước và điều kiện thực tế ở Việt Nam. Cụ thể, việc định giá nước nên được thử nghiệm trước ở những vùng có thu nhập cao và đang chịu ảnh hưởng bởi trình trạng khan hiếm nước như một số vùng sản xuất hàng xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng. Vai trò của các tổ chức xã hội, của giáo dục đào tạo và của Internet trong việc nâng cao, chia sẻ kiến thức của nông dân cần được chú trọng. Trong quá trình thực hiện cần lắng nghe và cân nhắc ý kiến từ nhiều phía, đặc biệt là từ các hộ nông dân, để đảm bảo thông tin đa chiều. Việc lắp đồng hồ nước đòi hỏi đầu tư ban đầu và có thể được hỗ trợ thông qua sự góp mặt của khu vực tư nhân.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra Việt Nam có thể xây thêm cơ sở hạ tầng để tăng nguồn nước (hồ, đập), nhưng điều này cần tính toán cẩn trọng và tầm nhìn dài hạn, bởi kinh nghiệm quốc tế cho thấy nếu xảy ra sai lầm thì việc khắc phục sẽ rất khó khăn và tốn kém.