Tham dự Toạ đàm, về phía đại biểu ngoài trường có GS.TS Đỗ Mạnh Hồng - Đại học J.F Oberlin; GS.TS Yuji Yamaguchi - Đại học J.F. Oberlin; bà Vilaythieng Sisouvong - Đại học Quốc gia Lào. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Phạm Trương Hoàng – Trưởng khoa Du lịch & Khách sạn; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện; các học giả về du lịch từ các trường, viện đào tạo du lịch ở Thái Lan và Lào như: Viện Công nghệ Thái Nichi, Đại học Khon Khen (Thái Lan); đại diện các cơ sở đào tạo, nghiên cứu du lịch, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp du lịch, cơ quan truyền thông tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định, du lịch và giải trí là hai hoạt động luôn tồn tại song song và có quan hệ tương hỗ trong quá trình phát triển. Du lịch là môi trường, là nền tảng cơ sở cho các hoạt động sáng tạo và giải trí của con người. Ngược lại, các hoạt động giải trí được coi là một phần của sản phẩm du lịch và không thể thiếu đối với sự phát triển của ngành công nghiệp không khói trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay.
PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu cũng nhấn mạnh, với mục đích tăng cường hoạt động nghiên cứu, trao đổi học thuật quốc tế trong lĩnh vực du lịch và giải trí, bổ sung cập nhật các xu hướng phát triển du lịch cũng như các xu hướng mới trong nghiên cứu du lịch, làm rõ hơn vai trò và mối quan hệ giữa du lịch và giải trí đối với sự phát triển du lịch của Việt Nam và khu vực trong thời gian tới, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Đại học J.F Oberlin Nhật Bản tổ chức Toạ đàm quốc tế với chủ đề "Phát triển du lịch và giải trí khu vực châu Á - Thái Bình Dương"; đồng thời mong muốn thông qua Toạ đàm sẽ nhận được nhiều ý kiến thảo luận, chia sẻ của các đại biểu liên quan đến hoạt động phát triển du lịch và giải trí của Việt Nam và trên thế giới trong thời gian tới, dưới các góc độ cả về học thuật, quản lý nhà nước và kinh doanh của các doanh nghiệp.
Các đại biểu trình bày tham luận và đóng góp ý kiến tại Toạ đàm
Theo dự báo của Hội đồng Lữ hành Thế giới (WTTC), trong giai đoạn 10 năm tới (từ năm 2022 đến 2032), khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực có tốc độ phục hồi du lịch nhanh nhất sau đại dịch Covid-19 với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm lên tới 8,5%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng bình quân của du lịch toàn thế giới là 5,8%/năm và tăng trưởng GDP toàn cầu là 2,7%. WTTC cũng dự báo trong thập kỷ tới, việc phục hồi du lịch thế giới sẽ tạo ra 120 triệu việc làm mới, trong đó, khoảng 65% số việc làm mới này sẽ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, có thể nói trong những năm tới đây, du lịch và giải trí sẽ là một trong những hoạt động sôi động nhất và có những đóng góp tích hơn cho sự phát triển kinh tế của việt nam nói riêng cũng như trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mặc dù được nhận định sẽ có sự phục hồi nhanh vào năm 2023, du lịch trong khu vực châu Á cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức. Khó khăn chung của kinh tế toàn cầu được dự báo còn tiếp diễn trong năm 2023 sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chi tiêu của du khách cho du lịch. Ngành du lịch trong khu vực cũng vẫn còn thiếu nhân viên và nguồn lực hạn chế. Thêm vào đó, câu hỏi về biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế bền vững cũng đang được đặt ra với hoạt động du lịch. Câu hỏi về chất lượng và số lượng du khách sẽ lại nổi lên ở một số điểm đến, đặc biệt là những nơi du lịch có tác động lớn đến môi trường và cộng đồng.
Các đại biểu tham dự Toạ đàm cùng chụp ảnh lưu niệm
Dưới sự chủ trì của những chuyên gia kinh tế và du lịch hàng đầu từ Đại học J.F Oberlin Nhật Bản và Đại học Kinh tế Quốc dân, cùng các diễn giả khách mời trong và ngoài nước, các phiên thảo luận được tiến hành về các chủ đề chuyên sâu của du lịch được tiếp cận từ nhiều hướng khác nhau; đưa ra những đề xuất về định hướng hoạt động, phát triển du lịch, giải trí của Việt Nam và trên thế giới trong thời gian tới./.