Hôm nay NEU công bố Báo cáo kinh tế thường niên 2022 và triển vọng 2023. Vậy, nhìn từ những phân tích tình hình kinh tế năm 2022 trong báo cáo đến tình hình kinh tế hiện đến nay, có vấn đề gì đang phải lưu tâm thưa ông?
- Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn và bất định vì đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam năm 2022 phục hồi mạnh mẽ và đã đạt mức tăng trưởng vượt trội, lạm phát được kiểm soát kinh tế vĩ mô ổn định. Nhưng như chúng ta thấy ngay từ quý cuối năm 2022 đã xuất hiện những xu hướng xấu và đã kéo dài đến bây giờ.
Nền kinh tế phải đối mặt với nhiều nhó khăn, thách thức, lạm phát tiềm ẩn rủi ro; xuất khẩu giảm, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khó khăn. Không chỉ là tăng trưởng kinh tế quý I thấp hơn kịch bản đã tạo nên áp lực cho những quý sau. Các động lực tăng trưởng đều suy giảm. Bên cạnh đó, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại cần chú ý.
Trong đó đặc biệt là sự lành mạnh của hệ thống tài chính tiền tệ còn chưa được cải thiện. Đồng thời một trong những điểm nghẽn có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống tài chính tiền tệ là thị trường bất động sản (BĐS) còn nhiều rủi ro bất ổn và chưa được phát triển một cách bền vững.
Tình hình này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023, thì tăng trưởng GDP quý II phải đạt 6,7% quý III phải đạt 7,5% và quý IV tăng trưởng phải đạt 7,9%. Làm sao để đạt được mức tăng trưởng này?
- Đạt được mục tiêu là thách thức lớn. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định tiếp tục có ảnh hưởng xấu tới tình hình kinh tế trong nước và gây áp lực cho lạm phát và ổn định vĩ mô. Chúng tôi thấy rằng trong điều hành vẫn phải kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Và thực hiện nhanh và hiệu quả chính sách gia hạn nộp thuế theo Nghị định 12/NĐ-CP Chính phủ vừa ban hành. Và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư công. Đầu tư công là một trụ chính cho tăng trưởng.
Bên cạnh đó, chúng tôi thấy rằng muốn nền kinh tế hồi phục và phát triển một cách bền vững, thì cơ bản nhất vẫn là phải cải thiện các nền tảng tăng trưởng, đặc biệt là về thể chế kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh.
Những bài học quá khứ cho thấy, Việt Nam cần phải tiếp tục tìm ra những điểm nghẽn quan trọng về thể chế kinh tế để tháo gỡ, cần kiên trì cải thiện nền tảng vĩ mô, và giảm thiểu rủi ro trong tương lai, giữ được niềm tin và sự hứng khởi cho doanh nghiệp cho thị trường.
Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ đặt ra là cần phát triển đồng bộ, an toàn, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, trong đó có thị trường BĐS. Thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, sẽ có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngược lại, thị trường BĐS thiếu ổn định, giá cả bất hợp lý hoặc trầm lắng kéo dài sẽ có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế.
Các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp BĐS cho biết khó khăn nhất là dòng tiền, là nguồn vốn. Vậy theo ông, cần giải pháp gì chính sách nào cho thị trường BĐS?
- Trong báo cáo Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2022 đã nêu lên nhóm giải pháp khơi thông nguồn vốn cho thị trường BĐS.
Trong đó, chúng tôi khuyến nghị tiếp tục mở rộng room tín dụng cho lĩnh vực BĐS ở mức hợp lý, phù hợp với năng lực tài chính của TCTD và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Chúng tôi khuyến nghị mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường giám sát việc sử dụng vốn vay, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Đồng thời ban hành các tiêu chí cho vay đối với các loại BĐS khác nhau, hạn chế tập trung tín dụng quá nhiều vào các dự án BĐS, nhà ở cao cấp. Và tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại giá thấp có hiệu quả cao.
Bên cạnh đó là rà soát, đẩy nhanh, tiến độ phê duyệt cấp tín dụng đối với các dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có khả năng thu hồi vốn cao. Thúc đẩy thực hiện giải ngân gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhằm phát triển ổn định và lành mạnh thị trường trong thời gian tới. Và tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)
Những bất ổn đã nảy sinh trên thị trường TPDN đã gây mất niềm tin với thị trường. Vậy để kiểm soát sự bất ổn trên thị trường TPDN, khuyến nghị của NEU là gì?
- Đối với nguồn vốn từ phát hành TPDN chúng tôi khuyến nghị sớm rà soát tình trạng tài chính (bao gồm: tài sản, nợ, dòng tiền) của các công ty phát hành TPDN hiện đang gặp khó khăn; căn cứ vào kết quả rà soát này để khoanh vùng các doanh nghiệp phát hành trái phiếu (chủ yếu là các nhà phát triển BĐS) có thể hỗ trợ;
Và tăng cường theo dõi, giám sát các trường hợp doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có liên quan phát hành TPDN khối lượng lớn; NHNN cần có các biện pháp giám sát, ngăn ngừa hiện tượng luân chuyển vốn trực tiếp giữa các NHTM hoặc gián tiếp luân chuyển vốn thông qua các CTCK, công ty quản lý quỹ… nhằm mục đích mua TPDN riêng lẻ do công ty liên quan của cổ đông ngân hàng phát hành;
NEU khuyến nghị nghiên cứu sửa đổi các quy định về an toàn vốn của các NHTM, doanh nghiệp bảo hiểm theo hướng áp hệ số rủi ro đối với TPDN mà tổ chức phát hành không được xếp hạng tín nhiệm cao hơn TPDN đã được xếp hạng tín nhiệm; Đồng thời khuyến khích sự phát triển của các nhà đầu tư có tổ chức trên thị trường BĐS thông qua việc thúc đẩy sự phát triển của các Quỹ đầu tư BĐS.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư.