Lý do Hong Kong không có unicorn


07-09-2016
Luxembourg có 1 unicorn (doanh nghiệp khởi nghiệp có giá trị từ 1 tỷ USD), Cộng hòa Séc cũng vậy. Điều này giúp các quốc gia trên vượt qua Hong Kong trong danh sách các công ty khởi nghiệp, dù GDP của Hong Kong lớn hơn cả 2 quốc gia này cộng lại.


Theo đó, CB Insights vừa công bố danh sách 166 unicorn trên toàn cầu, cùng 50 công ty chuẩn bị trở thành unicorn. Trong danh sách này, Hong Kong không hề góp mặt, dù vùng lãnh thổ này có hàng tá tỷ phú giàu có. Vậy đâu là lý do?

Theo các nhà đầu tư mạo hiểm, chuyên gia kinh tế học và các chủ doanh nghiệp, Hong Kong thiếu vắng bóng dáng của các dự án khởi nghiệp lớn xuất phát một phần từ nền văn hóa ưu chuộng các công việc ổn định, với mức lương cứng tại các công ty lâu đời, hơn là ưa sự mạo hiểm hay một vị trí không chắc chắn.

(Thị phần các thương vụ đầu tư mạo hiểm tập trung vào lĩnh vực công nghệ - số liệu thu thập từ năm 2007)
Thị phần các thương vụ đầu tư mạo hiểm tập trung vào lĩnh vực công nghệ - số liệu thu thập từ năm 2007

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bên cạnh đó, các lĩnh vực kinh doanh mà nhiều dự án khởi nghiệp nhắm vào, nhưbất động sản hay bán lẻ, đều đang nằm trong sự kiểm soát của các công ty lớn, dưới sự điều khiển của những tỷ phú sừng sỏ, như Li Ka-shing và Lee Shau Kee., khiến các dự án này khó lòng vượt qua cái bóng quá lớn.

“Sự ưu chuộng mạo hiểm ở mức rất thấp. Xã hội Hong Kong vận hành theo phong cách cũ và những người trẻ bị trói buộc vào cách kiếm tiền truyền thống”, Ali Farhoomand, giáo sư kinh tế học tại University of Hong Kong cho biết.

Cũng chính việc thiếu vắng bóng dáng của các doanh nhân khởi nghiệp đã tạo nên tình trạng thiếu các thương vụ đầu tư mạo hiểm. Các công ty mới tại Hong Kong nhận được 266 triệu USD tiền đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm trong năm 2015, chỉ bằng 1/3 so với con số tại Singapore, theo số liệu của Pitchbook Data Inc.

Kể từ đầu năm tới nay, Hong Kong chứng kiến thêm 10 thương vụ rót vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm vào các công ty công nghệ. Con số này tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản lần lượt là 503, 51, 37 và 36.

Sự kiểm soát của các ông trùm

David Shin đã bắt đầu dự án khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ tài chính mang tên Pay Wise tại Hong Kong cách đây 2 năm. Anh cho biết, tất cả các khoản vốn góp anh nhận được đều từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Pay Wise đã đột ngột đóng cửa trong năm nay.

“Hong Kong sở hữu lượng tiền mặt rất lớn, nhưng đa phần đều là tiền trong các hộ gia đình, không phải ở trong các thể chế tài chính hay dòng tiền đầu tư. Họ không phải là đối tượng đối với các nhà đầu tư công nghệ. Người dân muốn đổ tiền vào thị trường tài chính hoặc bất động sản hơn”, Shin cho biết.

Tài chính – bảo hiểm cùng với bất động sản, dịch vụ kinh doanh chiếm khoảng 28% GDP Hong Kong năm 2014. Trong đó, 10 người giàu nhất có khối tài sản tương đương 35% nền kinh tế. Con số này tại Ấn Độ là 5,2% và Trung Quốc là 1,4%.

“Thị trường tài chính và bất động sản có khả năng sinh lợi lớn, nhưng ở đó không có chỗ cho những con người sáng tạo. Những doanh nhân khởi nghiệp sẽ phải bước đi trên con đường vô cùng khó khăn”, Phil Chen, chuyên gia tư vấn tại Horizons Ventures Ltd cho biết.

Nỗ lực của chính quyền

Tăng trưởng GDP của Hong Kong giảm 0,4% trong quý I/2016 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2015, tăng trưởng GDP của Hong Kong thấp hơn so với 13 nền kinh tế khác trong khu vực, theo số liệu của Bloomberg.

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính quyền Hong Kong đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện văn hóa khởi nghiệp tại vùng lãnh thổ này. InvestHK, cơ quan được thành lập vào năm 200 với mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài và kinh doanh cho biết, Hong Kong hiện có 1.558 dự án khởi nghiệp, với số lao động là 3.721 người vào tháng 8/2015. Số lượng các dự án khởi nghiệp đã tăng 46% trong năm ngoái.

Trong số các nỗ lực của chính quyền, có thể kể đến dự án Cyberport tại phía Đông Hong Kong. Đây là dự án trị giá 13 tỷ HKD (1,7 tỷ USD) với mục tiêu thu hút các công ty công nghệ tới làm việc.

“Cyberport là một nỗ lực đáng kinh ngạc. Khu vực này sẽ mở rộng hơn nữa vai trò là vườn ươm cho các công ty khởi nghiệp”, Jayne Chan, người đứng đầu bộ phận quan hệ nhà đầu tư tại StartmeupHK cho biết.

Tuy nhiên, trong số các công ty đang hoạt động tại đây, chỉ một phần rất nhỏ do người Hong Kong sáng lập.

Hiện tại, chính quyền Hong Kong đã bắt đầu quan tâm hơn tới tình trạng thiếu vắng các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Hong Kong. Trưởng quan hành chính và Chủ tịch Hội nghị hành chính Hong Kong Leung Chun-ying trong tháng 1/2016 đã thông báo một quỹ trị giá 2 tỷ HKD được dùng để cổ vũ các quỹ đầu tư tư nhân đầu tư vào các dự án khởi nghiệp phù hợp. Mặc dù vậy, tinh thần khởi nghiệp tại Hong Kong vẫn chưa đạt được kỳ vọng của chính quyền.

“Mọi người ở Hong Kong thường rất thực tế. Họ tìm kiếm các khoản đầu tư sinh lợi ngay lập tức. Đó là lý do cần rất nhiều quyết tâm để có thể bắt đầu khởi nghiệp”, Casper Chien Doki, người sáng lập Doki Technologies Ltd cho biết.


Nguồn: Lam Phong/baodautu Người đăng:NEU Alumni
07-09-2016

Các ý kiến thảo luận

Tải thêm

Gửi
Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày