Hội thảo có sự tham gia của ngài Che Bora - Thứ trưởng Bộ Du lịch Campuchia và phái đoàn cán bộ của Bộ Du lịch Campuchia; GS.TS.Béatrice Bellini, Đại học Paris Nanterre. Về phía Tổng cục Du lịch Việt Nam có Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cùng các đại biểu ở các Vụ của Tổng cục Du lịch Việt Nam. Về phía trường Đại học Kinh tế Quốc dân có GS.TS. Trần Thọ Đạt, Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng; PGS.TS Phạm Hồng Chương - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng cùng các Thầy nguyên lãnh đạo Nhà trường qua các thời kỳ, đại diện lãnh đạo các Phòng, Ban, Khoa, Viện trong Trường. Về phía Khoa du lịch và Khách sạn có PGS.TS Phạm Trương Hoàng - Trưởng khoa Du lịch và Khách sạn cùng tập thể các giảng viên, học viên và sinh viên của. Đại diện cho khối các trường đại học, viện nghiên cứu, các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch có: GS.TS Nguyễn Văn Đính - Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Hà Tĩnh; PGS.TS Trần Thị Minh Hòa - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn; TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch; GS.TS.NGƯT Đào Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam; doanh nhân Nguyễn Bích - đại diện Câu lạc bộ Du lịch có trách nhiệm Việt Nam RTC.
Hội thảo khoa học quốc tế đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 70 bài tham luận gửi tới hội thảo. Trên cơ sở đó, ban biên tập đã lựa chọn 46 bài có chất lượng để đưa vào Kỷ yếu Hội thảo. Các tham luận đã nhấn mạnh đến sự hợp tác giữa các bên: nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và cộng đồng địa phương như là một yêu cầu quan trọng trong phát triển bền vững. Đồng thời, cũng chỉ ra những thách thức, rào cản cần được khắc phục như: năng lực của doanh nghiệp; công cụ thống kê, đánh giá tác động và hiệu quả kinh tế của phát triển du lịch còn chưa được xây dựng và áp dụng thống nhất ở cấp tỉnh; sự thiếu hụt cơ bản về số lượng và chất lượng của lực lượng lao động ngành Du lịch; xung đột lợi ích trong phát triển du lịch cộng đồng…
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Trần Thọ Đạt, Bí thư đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Du lịch được coi là một ngành công nghiệp hàng đầu cần được ưu tiên về đầu tư và phát triển trên thế giới. Với mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn và có đẳng cấp trên thế giới, ngành du lịch cần đặt trọng tâm vào phát triển du lịch có chất lượng, có thương hiệu và tính chuyên nghiệp trên cơ sở khai thác bền vững nguồn lực và lợi thế quốc gia, phát huy hiệu quả vai trò động lực của các bên liên quan chủ chốt.
Đại diện cho Tổng cục Du lịch, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng đã phát biểu; nhấn mạnh: Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng; rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương trong vấn đề quy hoạch điểm đến, như xử lý rác thải ra môi trường ở các lễ hội. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần quan tâm thực sự đến phát triển du lịch bền vững, từ xây dựng sản phẩm du lịch, tôn trọng văn hóa bản địa đến thu gom rác thải. Đối với các du khách, cần nâng cao nhận thức giữ gìn môi trường, tôn trọng nếp sống địa phương. Về phía Tổng cục Du lịch, rất quan tâm đến phát triển du lịch bền vững và cam kết sẽ cụ thể hóa vấn đề này qua việc xây dựng chính sách, đưa các vấn đề về môi trường du lịch vào dự thảo Luật Du lịch sửa đổi…
PGS.TS.Phạm Trương Hoàng, Trưởng Khoa Du lịch và Khách sạn tham luận tại Hội thảo
Có ba bài tham luận khác được các tác giả trình bày trong hội thảo, bao gồm: tham luận của PGS.TS. Phạm Hồng Chương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và PGS.TS.Phạm Trương Hoàng, Trưởng Khoa Du lịch và Khách sạn với chủ đề “Các vấn đề phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam hiện nay”. Nghiên cứu của các tác giả nhấn mạnh: Du lịch Việt Nam đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới trong phát triển du lịch. Với tiềm năng du lịch giàu có và định hướng chính sách thúc đẩy phát triển du lịch trong thời gian gần đây, du lịch Việt Nam đang hứa hẹn những bước phát triển mang tính đột phá trong thời gian tới. Trong quá trình này, một vấn đề đặt ra là cần hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Tuy không phải là mục tiêu quá tham vọng nhưng Việt Nam cần phải làm nhiều hơn nữa để đạt được mục tiêu phát triển lâu bền này. Tăng cường nhận thức, năng lực và sự đóng góp mạnh mẽ bằng các hành động, chương trình cụ thể của các bên, từ các doanh nghiệp, nhà nước, các nhà nghiên cứu cho tới các cộng đồng địa phương; thúc đẩy tính hiệu quả của chính sách, tăng cường các công cụ thúc đẩy phát triển du lịch bền vững là những giải pháp tổng thể đang được đặt ra với Việt Nam trong những bước đi sắp tới của ngành du lịch Việt Nam.
Bà Đỗ Cẩm Thơ - Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch tham luận tại Hội thảo
Bà Đỗ Cẩm Thơ - Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, đóng góp cho Hội thảo với chủ đề tham luận “Vai trò của quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam”. Bài trình bày nêu rõ: Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về du lịch, nhiều chủ trương, chính sách và hoạt động cụ thể được triển khai thực hiện theo hướng phát triển bền vững: Về định hướng chiến lược; Về chính sách và các công cụ thực thi; Về hợp tác quốc tế; Về truyền thông, nâng cao nhận thức…
PGS.TS Béatrice Bellini - trường Đại học Paris Paris Nanterre tham luận tại Hội thảo
PGS.TS Béatrice Bellini đến từ trường Đại học Paris Paris Nanterre với tham luận “Sustainable Business models: Case of tourism” (Các mô hình kinh doanh bền vững trong du lịch). Ở góc nhìn từ một chuyên gia quốc tế, tác giả đã đề cập đến các vấn đề nhằm thúc đẩy việc thiết kế các mô hình kinh doanh bền vững hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. "Giá trị sản phẩm du lịch" cần phải bao hàm lợi nhuận cả về kinh tế và phi kinh tế, gồm các khía cạnh xã hội và môi trường cho các bên tham gia chủ chốt và các bên liên quan khác. Tiếp cận trên quan điểm bền vững không chỉ nên nhắm đến mục tiêu phát triển du lịch sinh thái (ecotourism - loại hình du lịch có trách nhiệm với thiên nhiên, đến những nơi môi trường được bảo tồn và lợi ích của nhân dân địa phương được bảo đảm gắn với các hoạt động diễn giảng và giáo dục môi trường” (Hiệp hội Du lịch sinh thái quốc tế - TIES, 2015) và cũng không nên chỉ tập trung ở một vài loại hình du lịch đặc trưng mà cần sự bền vững cho cả các loại hình du lịch đại chúng.
Các đại biểu trong hội thảo cũng thảo luận, trao đổi và đóng góp ý kiến, tập trung ở bốn nội dung: (1) nhận thức mới và mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn trong phát triển du lịch bền vững; (2) những kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững trên thế giới và tại Việt Nam; (3) hiện trạng phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam và vai trò của các bên liên quan trong phát triển du lịch bền vững; (4) Xác định và đề xuất các đóng góp lý luận và thực tiễn cho phát triển bền vững du lịch ở Việt Nam.
Hội thảo đã tạo ra một diễn đàn giúp các nhà khoa học và doanh nghiệp chia sẻ nghiên cứu và cùng thảo luận các vấn đề thực tế liên quan đến phát triển du lịch bền vững, đặc biệt là vai trò của các bên liên quan. Qua đó, đóng góp lý luận và thực tiễn cho phát triển du lịch ở Việt Nam.
Cũng trong sáng ngày 09/10/2016 đã diễn ra buổi lễ gặp mặt các giảng viên, sinh viên và học viên các khóa chào mừng 20 năm thành lập Khoa và 27 năm thành lập chuyên ngành của Khoa Du lịch và Khách sạn Trường Đại học Kinh tế quốc dân với sự góp mặt của lãnh đạo trường Đại học Kinh tế quốc dân, nguyên lãnh đạo Trường, các cựu giáo chức cùng đông đủ các cựu học viên, cựu sinh viên từ đầy đủ các khóa, các hệ đào tạo của Khoa Du lịch và Khách sạn.
PGS.TS Phạm Trương Hoàng – Trưởng Khoa Du lịch và Khách sạn tri ân các cựu lãnh đạo, cựu giáo chức và các thế hệ thầy cô giáo
Thay mặt lãnh đạo Khoa, PGS.TS Phạm Trương Hoàng cùng các thầy cô trong Khoa đã tặng hoa và quà tri ân các cựu lãnh đạo, cựu giáo chức và các thế hệ thầy cô giáo đã đóng góp, xây dựng cho sự trưởng thành của Khoa Du lịch và Khách sạn trong chặng đường 27 năm xây dựng và phát triển. Đồng thời gửi lời cảm ơn các doanh nghiệp, tổ chức đã hỗ trợ Khoa trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác.
ThS. Nguyễn Hoàng Hà - Trưởng phòng Công tác chính trị và quản lý sinh viên công bố quyết định Ra mắt Ban liên lạc cựu học viên, cựu sinh viên của Khoa Du lịch và Khách sạn.
PGS.TS Phạm Hồng Chương - Phó Hiệu trưởng và PGS.TS Phạm Trương Hoàng – Trưởng Khoa Du lịch và Khách sạn trao Quyết định và tặng hoa Ban liên lạc cựu học viên, cựu sinh viên Khoa Du lịch và Khách sạn.
PGS.TS Phạm Trương Hoàng – Trưởng Khoa Du lịch và Khách sạn tiếp nhận món quà kỷ niệm từ Cựu sinh viên Campuchia Khóa 43 trao tặng
Đại diện Ban liện lạc cựu học viên, sinh viên phát biểu
PGS.TS Phạm Trương Hoàng – Trưởng Khoa Du lịch và Khách sạn cùng Đại diện Ban liện lạc cựu học viên, sinh viên trao học bổng cho sinh viên
Đại diện Ban Liên lạc, chị Tạ Bích Hà, cựu sinh viên khóa 32 - Trưởng Ban Liên lạc đã lên phát biểu và công bố việc thành lập Quỹ cựu sinh viên cùng các đơn vị tài trợ lên trao học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó của Khoa Du lịch và Khách sạn.
Chương trình Hội thảo quốc tế và Hội Khoa nhân dịp 60 năm thành lập Trường, 20 năm thành lập Khoa Du lịch và Khách sạn đã diễn ra thành công tốt đẹp. Chương trình không chỉ nhận được sự quan tâm của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và các cơ sở đào tạo mà còn thu hút được sự chú ý của nhiều cơ quan ngôn luận báo chí, báo đài, truyền thông về kinh tế - văn hóa, chính trị, giáo dục, xã hội… hứa hẹn một tương lai phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực từ chuyên môn, nghiên cứu khoa học đến hợp tác, đối ngoại của Khoa Du lịch và Khách sạn Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Một số hình ảnh khác tại chương trình:
Bàn chủ tọa Hội thảo
Các vị đại biểu tham luận tại hội thảo
Tiết mục văn nghệ chào mừng của sinh viên
Các vị đại biểu, các thầy cô giáo, các em sinh viên cùng chụp ảnh lưu niệm