Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu ngoài trường có ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục TMĐT và Kinh tế số; ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; cùng đại diện lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội, Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê Hà Nội, đại diện các viện và trường đại học: Viện chiến lược phát triển, Bộ KHĐT, Viện Kinh tế Việt Nam, Trường ĐH Thương mại, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông... Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng; GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo; GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý Khoa học; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm; các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài trường.
Vấn đề xây dựng nền kinh tế số được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm khoảng 20% GDP. Tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia. Đây là thời cơ mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số và xã hội số, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới, từ đó bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia.
Trong những năm qua, nền kinh tế số của Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng và giữ vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình tăng năng suất, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tối ưu hóa nền kinh tế để tăng trưởng, phát triển bền vững. Đặc biệt, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 càng khẳng định được vai trò của nền kinh tế số trong quá trình này. Tuy nhiên, hiện kinh tế số vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức mang tính thời đại.
PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng phát biểu
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng cho biết, hiện nay Chính phủ Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, xây dựng nhiều chủ trương, chính sách, đặc biệt là đã ban hành khá kịp thời một loạt các văn bản pháp quy như luật, nghị định, thông tư và quyết định của các cấp để tạo dựng hành lang pháp lý để quản lý và điều tiết các mảng khác nhau của nền kinh tế số tại Việt Nam. Cụ thể, Chính phủ đã xây dựng "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020). Theo đó, chuyển đổi số quốc gia được thực hiện trên thế "kiềng 3 chân" là Chính phủ số - kinh tế số - xã hội số. Chương trình chuyển đổi số quốc gia xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Đối với thành phố Hà Nội, do tầm quan trọng của kinh tế số đối với sự phát triển, lãnh đạo thành phố cũng đã ban hành chủ trương phát triển kinh tế số. Nghị quyết 17 Đảng bộ Thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2021 - 2025 đã đưa mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hà Nội là khoảng 30%. Để đạt được mục tiêu trên, việc nghiên cứu về phát triển kinh tế số là rất quan trọng và cần thiết, để từ đó đánh giá đúng được thực trạng phát triển kinh tế số tại Hà Nội, tìm hiểu đúng nguyên nhân của các hạn chế, từ đó mới đưa ra được các định hướng chính sách và giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế số, theo đúng mục tiêu đã đặt ra cho Việt Nam nói chung và cho Hà Nội nói riêng, đây cũng chính là mục tiêu mà Hội thảo ngày hôm nay hướng tới - PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban nghiên cứu Tổng hợp, CIEM trình bày tham luận: Hoàn thiện khung chính sách nhằm phát triển kinh tế số tại Việt Nam
PGS.TS Trần Thị Bích - Trưởng Khoa Thống kê, Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày tham luận: Kinh tế số - Khái niệm và những những vấn đề đặt ra trong đo lường kinh tế số tại Việt Nam
GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng QLKH, Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày tham luận: Thực trạng kinh tế số trên địa bàn Hà Nội và khuyến nghị phát triển kinh tế số trong giai đoạn tới
Hội thảo đã nghe các nhà quản lý, các chuyên gia tham luận, trao đổi với các nội dung liên quan đến: thực trạng kinh tế số thành phố Hà Nội, dựa trên những tiêu chí đánh giá ở các chiều cạnh khác nhau; Đánh giá được những kết quả, những hạn chế và nguyên nhân của các hạn chế kìm hãm sự phát triển của kinh tế số của Hà Nội; Xác định được các điều kiện để phát triển kinh tế số và tiềm năng phát triển kinh tế số trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đề xuất định hướng và các giải pháp phát triển kinh tế số trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030.
GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo, Trường ĐH KTQD phát biểu
Ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu
Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia tại Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng, qua đó đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế số tại Hà Nội trong thời gian tới, cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động chuyển đổi số nói chung và phát triển kinh tế số nói riêng, gợi mở các giải pháp cần tập trung nghiên cứu, triển khai thực hiện trong giai đoạn tới, nhằm hoàn thành một trong những phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị đó là: Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động./.
Các đại biểu tham dự Hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm