Tham dự Hội thảo, về phía các đại biểu khách mời có ông Phạm Ngọc Lan - Giám đốc Trung tâm phát triển công nghệ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS Đặng Minh Ất - Hiệu trưởng trường cao đẳng Việt Đức; GS.TS Nguyễn Thanh Thủy - nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội; ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó trưởng phòng Công nghiệp CNTT - Sở Thông tin và Truyền thông; và ThS. Lê Hồng Minh – Trưởng phòng công nghệ phần mềm, Viện ứng dụng công nghệ, Bộ KHCN. Về phía đơn vị đồng tổ chức có TS. Nguyễn Trường Thắng - Viện trưởng, TS. Nguyễn Như Sơn và TS. Nguyễn Long Giang - Viện CNTT, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Về phía trường ĐH KTQD có GS.TS Phạm Quang Trung - Phó Hiệu trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy; GS.TS Nguyễn Đình Hương - nguyên Hiệu trưởng trường ĐH KTQD; GS.TS Phan Công Nghĩa - nguyên Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Trung Tuấn - Viện trưởng Viện CNTTKT; cùng đại diện lãnh đạo các phòng ban, khoa viện, các tổ chức chính trị trong trường; các cán bộ, giảng viên, các nhà nghiên cứu khoa học từ nhiều trường Đại học và trung tâm nghiên cứu trên cả nước.
GS.TS Phạm Quang Trung phát biểu khai mạc Hội thảo
Công nghệ thông tin đã và đang phát triển ngày càng mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ thông tin đã đi sâu vào trong mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội. Sự phát triển của công nghệ thông tin được ví như cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. Điều này dẫn đến sự thay đổi sâu sắc và mang tính hệ thống trong hầu như toàn bộ các hoạt động của quốc gia, cũng như chịu tác động qua lại rất lớn giữa các quốc gia trên thế giới. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một đơn vị của cải vật chất được tạo ra ngày nay có khả năng sử dụng ít nhân công hơn so với 10 hay 15 năm trước đây bởi vì các doanh nghiệp số có chi phí biên gần như bằng không. Một số công ty có công nghệ đột phá dường như đòi hỏi ít vốn để phát triển, điều đó đã thay đổi vai trò của vốn và quy mô kinh doanh trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.
Đoàn chủ tịch điều hành Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Phạm Quang Trung khẳng định “Đối với khu vực công, công nghệ và thiết bị sẽ ngày càng cho phép người dân tiếp cận gần hơn tới Chính phủ để nêu ý kiến, cùng phối hợp hoạt động”. Chính phủ sở hữu sức mạnh về công nghệ để tăng cường sự giao tiếp của mình với người dân dựa trên khả năng điều khiển tầng hạ số. Trong bối cảnh như thế, Chính phủ sẽ ngày càng phải đối mặt với áp lực, và cần phải có những thay đổi đột phá về cách thức hoạt động và quy trình hoạt động, cải thiện cơ cấu để đạt mức minh bạch và hiệu quả hơn. Phân tích thực trạng ứng dụng CNTT hiện nay, Giáo sư Phó Hiệu trưởng cũng cho rằng “Công nghệ thông tin và truyền thông càng được ứng dụng sâu rộng trong các lĩnh vực như vậy sẽ càng đặt ra cho chúng ta nhiều thách thức mới. Tốc độ và sự thay đổi nhận thức về xã hội mới chưa theo kịp với tốc độ phát triển chung. Hạ tầng công nghệ thông tin của Chính phủ, doanh nghiệp còn chưa kịp đáp ứng tiến bộ hàng ngày trong lĩnh vực này. Nguồn nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực CNTT và dịch vụ CNTT còn bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu…”. Trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động đời sống, kinh tế - xã hội, nhiều tỉnh, thành phố đang nỗ lực xây dựng và triển khai thành phố thông minh như hiện nay, thì việc tổ chức một Hội thảo như Hội thảo “Đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển kinh tế - xã hội” là việc làm cấp thiết.
TS. Nguyễn Trường Thắng phát biểu tại Hội thảo
Đồng quan điểm với GS.TS Phạm Quang Trung, TS. Nguyễn Trường Thắng cũng khẳng định và nhấn mạnh vai trò của việc đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng CNNT trong phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Phân tích kĩ về tình hình ứng dụng CNTT vào các ý tưởng và mô hình kinh doanh ở Việt Nam hiện nay, Viện trưởng Viện CNTT – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng cam kết sẽ cùng với ĐH KTQD hỗ trợ tốt nhất các ý tưởng CNTT cho các các dự án và mô hình kinh doanh này, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình phát triển thay da đổi thịt nền kinh tế Việt Nam.
Hội thảo đã thu hút nhiều nhà khoa học quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm thông qua các bài viết gửi tới và được đăng tải trên kỷ yếu. Các bài viết tập trung vào chủ đề chính của Hội thảo dưới nhiều góc nhìn khác nhau như nhà nghiên cứu, đơn vị đào tạo, doanh nghiệp ….
TS. Nguyễn Trung Tuấn trình bày báo cáo tại Hội thảo
Tại Hội thảo, trong phiên thứ nhất với nội dung “Đào tạo công nghệ thông tin trong phát triển kinh tế xã hội”, các đại biểu đã nghe báo cáo tổng hợp các bài viết trong kỷ yếu Hội thảo do TS. Nguyễn Trung Tuấn trình bày; báo cáo “Đào tạo và giảng dạy CNTT tại trường ĐH KTQD đáp ứng yêu cầu xã hội và hội nhập của GS.TS Nguyễn Thanh Thủy. Trong phiên thứ hai với nội dung “Nghiên cứu, ứng dụng CNTT trong phát triển kinh tế xã hội”, các đại biểu đã nghe báo cáo với chủ đề “Guidance of project manager for developing information systems” của nhóm tác giả Hwa Soo Kim (KOICA Advisor), tác giả Lê Huy Cường và tác giả Trần Hoàng Hải (BKNIC, HUST); báo cáo “Quantitative Investment System using bagging algorithm” của TS. Đặng Minh Quân – trường ĐH KTQD.
Lãnh đạo Trường tặng hoa nhà tài trợ
Đại biểu thảo luận tại Hội thảo
Với chủ đề rộng mở và phong phú, Hội thảo cũng nhận được rất nhiều những tham luận, đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm trực tiếp từ các đại biểu tham dự. Các ý kiến tập trung vào những nội dung cơ bản như: Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội mới, bao gồm cả các chuyên gia CNTT và nhân lực liên quan khác; Ứng dụng CNTT trong KT-XH, ứng dụng liên ngành; Nghiên cứu, triển khai các ứng dụng CNTT phụ vụ phát triển KT-XH; Cách thức trong việc đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng CNTT trong phát triển KT-XH.
Các tham luận, ý kiến đóng góp của đại biểu tham dự Hội thảo đã giúp cho các trường ĐH nói chung và ĐH KTQD nói riêng có thêm những cơ sở cần thiết để tiếp tục cải tiến chương trình đào tạo, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và xã hội.
Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh kỉ niệm