Hội thảo khoa học quốc gia: “Cơ sở khoa học phát triển kinh tế tư nhân của người Việt Nam trong định hướng và tầm nhìn phát triển mới”


17-03-2023
Sáng ngày 16/3/2023, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Cơ sở khoa học phát triển kinh tế tư nhân của người Việt Nam trong định hướng và tầm nhìn phát triển mới”.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu ngoài trường có GS.TSKH Nguyễn Quang Thái - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam; PGS.TS Hoàng Văn Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia HCM; ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; TS. Nguyễn Quang Huy - Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương; TS. Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; TS. Lê Xuân Bá - Nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; TS. Nguyễn Thị Luyến - Phó Ban nghiên cứu cải cách và Phát triển doanh nghiệp; ThS. Trịnh Đức Chiều - Phó trưởng ban, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng; GS.TS Ngô Thắng Lợi - Chủ nhiệm đề tài KX.04.16/21-25 - Trường Đại học KTQD; GS.TS Trần Thị Vân Hoa - Nguyên Phó Hiệu trưởng, Thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương; cùng các thành viên Hội đồng Khoa học Đào tạo; đại diện lãnh đạo các Phòng ban, các tổ chức chính trị - xã hội; các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài trường.

PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng phát biểu

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng cho rằng, trong quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân đóng một vai trò rất quan trọng và thậm chí đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, quan điểm về phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong tác phẩm "Thường thức chính trị" (9/1953). Người đã đề cập đến sự tồn tại của các loại hình kinh tế khác nhau, trong đó có kinh tế tư nhân, "những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ, đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà”. PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu nhấn mạnh, kinh tế tư nhân, với tư cách là một thành phần kinh tế, đã được nâng lên một tầm mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khi được xác định: “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng” của nền kinh tế. Việc tiếp tục tìm hiểu để làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế tư nhân của người Việt Nam để từ đó đề xuất quan điểm, chủ trường và giải pháp chính sách nhằm phát triển hơn nữa khu vực kinh tế này trong thời gian tiếp theo là hết sức cần thiết. PGS. Phó Hiệu trưởng tin tưởng, Hội thảo ngày hôm nay sẽ là diễn đàn để chia sẻ quan điểm, trao đổi và tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm từ các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của đề tài, qua đó hoàn thiện được lý luận về phát triển kinh tế tư nhân của người Việt Nam trong định hướng và tầm nhìn phát triển mới.

GS.TS Ngô Thắng Lợi - Chủ nhiệm đề tài KX.04.16/21-25 - Trường Đại học KTQD báo cáo đề dẫn Hội thảo

Trong khuôn khổ Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025” (Mã số KX.04/21-25) của Hội đồng Lý luận trung ương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chủ trì 02 trong số 26 đề tài, điều này thể hiện sự tin tưởng của Hội đồng Lý luận trung ương đối với Nhà trường cũng như các cá nhân chủ nhiệm đề tài. Đề tài “Kinh tế tư nhân của người Việt Nam trong định hướng và tầm nhìn phát triển mới” mang mã số KX.04.16/21-25 do GS.TS Ngô Thắng Lợi làm chủ nhiệm sau một thời gian nghiên cứu đã có những kết quả bước đầu. Buổi hội thảo ngày hôm nay cũng là một phần của kết quả đó.

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam trình bày tham luận: Doanh nghiệp tư nhân - Mối quan hệ với các DN khu vực khác trong nền kinh tế đa thành phần sở hữu ở Việt Nam"

Hội thảo đã tập trung trao đổi, tìm hiểu các vấn đề nhận thức và lý luận về kinh tế tư nhân của người Việt Nam trong nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Trên cơ sở đó đề xuất các quan điểm, chủ trương và giải pháp chính sách nhằm phát triển kinh tế tư nhân của người Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong định hướng và tầm nhìn phát triển mới của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện đại và hội nhập quốc tế./.


Nguồn: NEU Người đăng:NEU
17-03-2023

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày