Có thể coi trường đại học là một doanh nghiệp


25-11-2016
Bên cạnh những chức năng xã hội của trường đại học cần phải thực hiện, có thể coi trường đại học là một doanh nghiệp và cung cấp dịch vụ giáo dục đại học là một loại hình kinh doanh, sinh viên là khách hàng.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Đó là một trong những nội dung thảo luận trong Hội thảo quốc tế với chủ đề “Đào tạo và nghiên cứu về kinh tế thị trường của các trường đại học Việt Nam" ngày 4/11/2016, do trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức.

Với mục đích đánh giá cả quá trình 30 năm đưa nền kinh tế thị trường vào Việt Nam với vai trò đóng góp của các trường đại học trong đào tạo và nghiên cứu, Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của 500 đại biểu là nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý kinh tế trong nước và nước ngoài đến từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, UNDP, JICA, KOICA… Đại sứ quán của các nước Mỹ, Canada, Nhật, Đan Mạch, Thụy Điển, Hàn Quốc, Lào, Campuchia… các nhà khoa học quốc tế đã từng đến Việt Nam hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu về Kinh tế thị trường, quản trị kinh doanh và tinh thần doanh nhân; các cán bộ quản lý ở cấp trung ương, địa phương, các hiệp hội, các tập đoàn, doanh nghiệp...

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận hai nội dung cơ bản gồm: Vấn đề tài chính và tự chủ trong đào tạo cấp cao nhằm cải thiện năng lực làm việc trong thanh niên ở Việt Nam và Phản hồi từ việc thành lập trường đào tạo doanh nghiệp: Cơ hội để tạo ra sự khác biệt.

Trong phiên thảo luận theo chủ đề, các học giả đã tập trung thảo luận các chủ đề: Phát triển liên kết quốc tế trong Đào tạo và Nghiên cứu khoa học ở các Trường Đại học; Các vấn đề mới nổi về Kinh tế và Quản trị Kinh doanh trong bối cảnh hội nhập quốc tế; Đào tạo và khuyến khích tinh thần doanh nhân cho sinh viên các trường đại học.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS. TS Phạm Mạnh Hùng cho biết, hội thảo tổng kết và đánh giá 30 năm chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường là bước đột phá khởi đầu, nhằm gợi ý cho lãnh đạo Đảng, nhà nước và các cơ quan chính phủ nghiên cứu sâu hơn về mô hình kinh tế đang áp dụng hiện nay.

Sau quá trình đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhất định, công – nông nghiệp từng bước phát triển, mọi mặt đời sống của các tầng lớp dân cư cũng từng bước được cải thiện… tuy nhiên, những mặt trái khuyết tật của nền kinh tế thị trường cũng từng bước tác động sâu sắc tới sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.

 


Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng

 

PGS Phạm Mạnh Hùng mong muốn những kết luận của hội thảo sẽ gợi ý cho các cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh các hoạt động, hướng tới một mô hình quản lý kinh tế phù hợp và hiệu quả hơn đối với Việt Nam.

GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định đã có nhiều hội thảo về mô hình kinh tế Việt Nam, song đây là lần đầu tiên một hội thảo tầm cỡ quốc tế, quy tụ được nhiều nhà khoa học cũng như các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia viết bài, thảo luận trực tiếp để đánh giá 30 năm đổi mới kinh tế đất nước. Hội thảo lần này tập trung ý kiến của các chuyên gia hàng đầu về kinh tế, thảo luận nghiêm túc các vấn đề kinh tế - xã hội, kết luận của hội thảo sẽ được gửi tới Ban Kinh tế Trung ương và tham vấn cho Thủ tướng chính phủ về những quyết sách đổi mới kinh tế trong thời gian tới.

Thông qua các nghiên cứu so sánh vấn đề liên kết trong đào tạo và nghiên cứu khoa học; vấn đề kinh tế mới nổi về Kinh tế và Quản trị kinh doanh; Vấn đề đào tạo và khuyến khích tinh thần doanh nhân cho sinh viên các trường đại học, các nhà khoa học mong muốn làm rõ hơn những điểm tương đồng và khác biệt giữa nền kinh tế thị trường ở Việt Nam và một số quốc gia tương đồng, từ đó thấy được những giá trị chung và riêng nhằm xác định những vấn đề mấu chốt khác biệt.

 


Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân Trần Thọ Đạt

Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân Trần Thọ Đạt

Tại Hội thảo, các học giả đều thống nhất khẳng định: Mô hình kinh tế thị trường ở Việt Nam có sự khác biệt lớn với kinh tế thị trường ở các nước khác bởi vấn đề truyền thống văn hóa, địa lý khác nhau. Tuy nhiên, thực tiễn đã đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi về nguồn nhân lực chất lượng cao để đảm bảo sự phát triển kinh tế-xã hội, đòi hỏi về tư duy, đường lối, chủ trương, chính sách mới để điều hành và quản lý nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Những đòi hỏi này đã được đáp ứng thông qua quá trình đào tạo và nghiên cứu của các trường đại học ở Việt Nam.


Các đại biểu quốc tế tham dự hội thảo

Các đại biểu quốc tế tham dự hội thảo

Các nhà nghiên cứu cho rằng, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bên cạnh những thay đổi lớn lao trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội cũng cần được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Bên cạnh những chức năng xã hội của trường đại học cần phải thực hiện, có thể coi trường đại học là một doanh nghiệp và cung cấp dịch vụ giáo dục đại học là một loại hình kinh doanh. Trường đại học là đơn vị cung cấp dịch vụ, sinh viên là khách hàng. Nhưng nhu cầu của sinh viên lại chịu ảnh hưởng mạnh của nhu cầu của các nhà tuyển dụng trong xã hội.

Để nguồn lực của các trường đại học được phát huy hiệu quả hơn, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn cơ chế tự chủ của các trường đồng thời giữ được vai trò kiểm soát của Nhà nước.


Nguồn: Nhật Hồng/dantri Người đăng:NEU Alumni
25-11-2016

Các ý kiến thảo luận

Tải thêm

Gửi
Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày