Quang cảnh buổi Hội thảo quốc tế “Chất lượng và hiệu quả của các chương trình liên kết đào tạo quốc tế”
Đến tham dự Hội thảo, về phía khách mời ngoài trường có ông Nguyễn Xuân Vang – Chuyên gia giáo dục, nguyên Cục trưởng cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT; ông Eric Molay – Tùy viên Khoa học và Đại học, Đại sứ quán Pháp; bà Ngô Phương Linh – Chuyên viên Bộ phận Giáo dục Đại sứ quán Úc; ông Lee Ming – Trưởng phòng Giáo dục văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc; ông Tony Lee – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc; ông Matthew Wilson – Hiệu trưởng Trường Đại học Akron, Hoa Kỳ; bà Jung Sun Kim – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Dongseo, Hàn Quốc; cùng đại diện lãnh đạo các trường Đại học trong và ngoài nước, đại diện các tổ chức ACCA; ICAEW; CPA Australia. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS. TS Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Hội đồng trường; PGS. TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm trong toàn trường, các thầy cô giáo và các em sinh viên. GS.TS Nguyễn Đình Hương – Nguyên Hiệu trưởng cùng tham dự và có ý kiến phát biểu tại Hội thảo.
PGS. TS Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu đề dẫn tại Hội thảo
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo PGS. TS Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Hội đồng trường cho biết Hội thảo là diễn đàn học thuật và thực tiễn cho các học giả, các nhà quản lý giáo dục, giảng viên, chuyên viên, và học viên của cá chương trình liên kết đào tạo quốc tế tại các trường đại học trong nước và quốc tế trình bày những nghiên cứu, thảo luận và trao đổi về thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả cho các chương trình liên kết đào tạo quốc tế. PGS. TS Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh: “Chúng ta có thể thấy rằng các mục tiêu của các chương trình liên kết đào tạo quốc tế có thể được nhóm lại trong hai nhóm mục tiêu chính: nhóm mục tiêu hiệu quả kinh tế và nhóm mục tiêu chất lượng học thuật. Mục tiêu hiệu quả kinh tế hướng đến tăng số lượng tuyển sinh, tăng doanh thu và giảm chi phí. Mục tiêu chất lượng học thuật chú trọng vào phát triển năng lực đào tạo cho các trường đại học và tạo ra cơ hội học tập chất lượng cao cho xã hội. Do chất lượng và hiệu quả của các chương trình liên kết đào tạo có mối quan hệ tác động qua lại với nhau, một trong những bài toán khó đặt ra cho các trường đại học là làm sao vừa bảo đảm, nâng cao được chất lượng đào tạo, đồng thời lại vừa tăng cường được hiệu quả của các chương trình liên kết đào tạo quốc tế trong xu hướng quốc tế hóa và cạnh tranh mở rộng hiện nay”. Thay mặt Ban lãnh đạo Nhà trường PGS. TS Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng trường gửi lời cảm ơn chân thành tới đại biểu, các tác giả bài viết, các diễn giả trong và ngoài nước đã tới để chia sẻ kinh nghiệm và ý kiến bổ ích. Đồng thời PGS. TS Nguyễn Thành Hà cũng gửi lời cảm ơn các nhà tài trợ từ Văn phòng Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc tại Việt Nam, CPA Úc tại Việt Nam và Hội cựu học viên của CEO Academy Việt - Hàn đã giúp đỡ Nhà trường trong việc tổ chức hội thảo.
Đoàn chủ tọa điều hành Hội thảo
Với những mục tiêu cụ thể của Hội thảo như: Xây dựng mạng lưới cho các nhà quản lý của các cơ sở giáo dục đại học và các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, các nhà nghiên cứu quan tâm đến những vấn đề liên quan đến chất lượng và hiệu quả của các chương trình liên kết đào tạo quốc tế; Xây dựng tư duy gắn với chất lượng và hiệu quả cho các nhà quản lý giáo dục đại học các cấp; Chia sẻ những nghiên cứu thực tế về vấn đề chất lượng và hiệu quả của các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, những kinh nghiệm, phương pháp được áp dụng để nâng cao chất lượng và hiệu quả của các chương trình liên kết đào tạo quốc tế trong và ngoài nước; Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà lãnh đạo các trường Đại học, các nhà quản lý các chương trình liên kết đào tạo, các nhà nghiên cứu và các giảng viên tới từ rất nhiều trường Đại học ở Việt Nam, Mỹ, Anh, Đức, Canada, Hàn Quốc và Đài Loan.
Các đại biểu trình bày tham luận và phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo diễn ra gồm hai phiên, phiên thứ nhất, với chủ đề “Quốc tế hóa giáo dục đại học”, phiên thứ hai với chủ đề “Thực tiễn các chương trình liên kết đào tạo quốc tế tại các cơ sở giáo dục đại học”. Sau khi xem xét các bài viết được gửi tới tham dự Hội thảo Ban tổ chức đã lựa chọn được 19 bài viết có chất lượng cao và được xuất bản trong cuốn Kỷ yếu của Hội thảo. Các bài viết đóng góp ở nhiều chủ để đa dạng như quốc tế hóa giáo dục đại học, tự chủ giáo dục đại học, đảm bảo chất lượng đào tạo, liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường, áp dụng công nghệ trực tuyến cho liên kết đào tạo quốc tế…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo