Đây là kết quả sự hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên của nhóm nghiên cứu “Sở hữu trí tuệ - Du lịch” do TS. Lê Thị Thu Hà (Đại học Ngoại Thương) và TS. Đồng Xuân Đảm (Đại học Kinh tế Quốc dân) khởi xướng. Tham dự và điều hành Hội thảo có TS. Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam; TS. Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Du lịch Việt Nam; PGS.TS Phạm Hồng Chương – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc Dân (ĐH KTQD), và PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương (FTU),
Được tổ chức bởi 2 trường đại học định hướng nghiên cứu hàng đầu của cả nước (ĐH Ngoại Thương và ĐH Kinh tế Quốc dân), phối hợp cùng với Tổng Cục Du lịch Việt Nam và Cục Sở hữu trí Tuệ Việt Nam, Hội thảo nhằm mục đích kết hợp giữa khả năng phát triển, bảo hộ các tài sản trí tuệ địa phương như một tài nguyên để phát triển du lịch theo hướng bền vững, đồng thời góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Thành công của Hội thảo thể hiện sự hợp tác giữa chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành (Tổng Cục Du lịch Việt Nam; Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam) với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, nhằm triển khai những kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước.Những vấn đề được các nhà nghiên cứu về luật sở hữu trí tuệ và quản trị du lịch trao đổi tại Hội thảo đã gợi mở những hướng nghiên cứu mới cũng như hình thành nhu cầu phối hợp giữa hai lĩnh vực khác nhau trong việc giải quyết những vấn đề của thực tiễn.
Hội thảo đã thu hút được sự chú ý và tham gia của nhiều nhà khoa học đến từ 2 trường đại học, giới doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là những nghiên cứu của các chuyên gia đến từ WIPO (World Intellectual Property Organization), Bộ Du lịch Campuchia, Viện nghiên cứu Du lịch Srilanka, Indonesia, Pháp, Canada. Những bài học kinh nghiệm của thế giới trong việc khai thác tài sản trí tuệ địa phương trong phát triển du lịch làgợi ý hết sức quý báu cho Việt Nam trong quá trình thực thi chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Với 38 bài nghiên cứu có chất lượng của các học giả trong và ngoài nước, kỷ yếu của Hội thảo sẽ là một tài liệu tham khảo quý báu, những “viên gạch” đầu tiên cho nghiên cứu liên ngành: Luật sở hữu trí tuệ và quản trị du lịch tại Việt Nam.
TS. Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch phát biểu khai mạc
PGS.TS Phạm Hồng Chương, Phó hiệu trưởng Trường ĐHKTQD đến tham dự và điều hành hội thảo
Hội thảo được chia thành 2 phiên chính với sự trình bày của 4 diễn giả. Phiên thứ nhất, dưới sự điều hành của TS Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ và PGS. TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương. Hai diễn giả tham gia trình bày là bà Francesca Toso -Tư vấn viên cao cấp của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) và ông Lê Quốc Vinh – Le Media. Nội dung các tham luận của hai diễn giả này tập trung vào các vấn đề lí luận về sở hữu trí tuệ cũng như khả năng ứng dụng vào phát triển hoạt động kinh doanh du lịch tại Việt Nam. Sự so sánh giữa thú vị giữa: I Love New York (Mỹ) và I Love Halong (Việt Nam) cũng được các diễn giả trình bày và đưa vào thảo luận trong Hội thảo.
Bà Francesca Toso, chuyên gia cao cấp của WIPO trình bày tham luận tại Hội thảo
Song song với cách tiếp cận luật sở hữu trí tuệ và phương thức bảo hộ tài sản trí tuệ địa phương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã mang tới hội thảo một cách tiếp cận khác trong nghiên cứu tài sản trí tuệ địa phương (local intellectual assets) và phát triển điểm đến du lịch nhằm tạo ra sự khác biệt. Trong phần trình bày của mình, TS. Đồng Xuân Đảm đã đề xuất mô hình các “điểm đến cộng sinh” trên cơ sở tối ưu hóa hoạt động khai thác tài sản trí tuệ địa phương, đồng thời nhấn mạnh “không phải bất cứ tài sản trí tuệ địa phương nào cũng có thể tạo được sức hấp dẫn và thúc đẩy phát triển du lịch. Do vậy, các địa phương cần phải có những lựa chọn cẩn thận và đầu tư xây dựng một thương hiệu mạnh để phát triển du lịch. Mặt khác, thông qua phát triển du lịch, những tài sản trí tuệ địa phương cũng được bảo hộ mặc dù về mặt pháp lý chưa thực hiện được!”.
PGS.TS Phạm Hồng Chương, Phó Hiệu trưởng, ĐH KTQD điều hành hội thảo
TS. Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Du lịch điều hành hội thảo
Trải qua hơn 4000 năm lịch sử, Việt Nam có sự phong phú, đa dạng và chiều sâu văn hoá của những sản vật địa phương cũng như những di sản văn hoá phi vật thể khác, các đại biểu cho rằng, cần có những cách nhìn mới về phát triển điểm đến du lịch của các địa phương, cần phải dựa vào tài sản trí tuệ địa phương, phát triển lợi thế của mình. Tuy nhiên, thay vì cạnh tranh với nhau, các địa phương này cần phải liên kết và hợp tác với nhau tạo thành một chuỗi các điểm, từ đó hình thành chuỗi giá trị du lịch của Việt Nam.
“Việt Nam có nhiều tiềm năng về tài sản trí tuệ địa phương chưa được khai thác. Nhiều địa danh đẹp hay những thành phố du lịch nổi tiếng như: Quảng Ninh, Phong Nha, Huế, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc đều đã có tên gọi hay biểu tượng gắn với những nét văn hoá, những sản vật địa phương, đang được sử dụng rộng rãi nhưng không có tiêu chuẩn và thông điệp thống nhất đi kèm để trở thành một biểu tượng chung cho điểm đến, có thể mang lại nguồn lợi to lớn cho địa phương. Để làm được vấn đề này, cần có một cơ chế của Nhà nước, nhận thức và nỗ lực của các địa phương và sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu và Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ là một trong những đối tác tiên phong trong quá trình này”, PGS.TS Phạm Hồng Chương khẳng định.
Đại biểu tham dự hội thảo