Ngập tràn niềm vui và nổi lên thương hiệu CN25 trong lần gặp gỡ thứ 32 Lớp Kinh tế công nghiệp 25 tại Thành phố Hồ Chí Minh- trái tim miền đất Phương Nam của Tổ quốc Việt Nam năm 2015


24-05-2016
Chuyến chuyên cơ của Hãng hàng không VietjetAir đã rời cảng Hàng không nội địa Nội Bài của thủ đô Hà Nội yêu dấu vào những giờ cuối cùng của một buổi chiều cuối thu có ánh nắng vàng nhạt, khi mà “lá ngòai đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc”[1], làn khói xanh bốc lên từ đám rạ được đốt cháy dưới cánh đồng vừa thu hoạch, làn sương đang bảng lảng, mươn man trên làn da pha chút tê tái của rặng núi Tam Đảo xa xa đang chìm dần vào giấc ngủ êm đềm cho thấy không khí yên ả của một miền quê đất nước thuộc vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng Hà vốn rất gần gũi và thân quen trong tâm khảm từng người dân Việt Nam và bạn bè thế giới.
Điểm xuất phát của nhóm Hà Nội vào hồi 13 giờ 30 phút là Cổng trường Đại học Kinh tế quốc dân- mái trường thân yêu đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày sơ tán để chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc và 60 năm thành lập Đại học Kinh tế quốc dân ngày đó có tên là Trường Đại học Kinh tế- Tài chính. Đòan sẽ đi qua cầu Nhật Tân để lên sân bay Nội Bài đúng như kế hoạch đã được thống nhất tại cuộc hội ý tại Cột cờ Hà Nội vào ngày Chủ Nhật trước đó.
          Cây cầu Nhật Tân hòanh tráng và đón những làn gió sông Hồng mát rượi như một điểm nhấn kiến trúc đô thị kiểu mới, hiện đại và kiêu hãnh vượt qua làng hoa Nhật Tân vốn đã đi vào bài hát[2] mang tính kinh điển của thủ đô đậm chất Hà Nội vẫy chào cả đòan và có lời chúc mừng buổi gặp mặt sẽ tiếp thêm rất nhiều kỳ niệm trong đoạn trường lịch sử gặp mặt thường niên của Lớp Kinh tế Công nghiệp 25. Cây cầu Nhật Tân  hòan thành trong niềm vui hân hoan của nhân dân thủ đô và cả nước, và một khu đô thị mới sinh thái vượt tầm quốc gia và mang tầm thời đại sẽ hình thành hai bên cây cầu này dường như đang tạo ra một “tân cửa ô“ bổ sung vào 5 cửa ô vốn có của thủ đô Hà Nội mà hầu như chưa được một nhà nghiên cứu nào về Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, có đủ tầm nhìn để phân tích, phát triển và đề xuất đối với quy hoạch thủ đô có thêm “cửa ô” mới trong đà tiến lên đầy khí phách hiên ngang và mãnh liệt để trở thành thủ đô hàng đầu khu vực và thế giới. Nền tảng tinh thần và vẻ đẹp nhân văn của Hà Nội là danh hiệu được UNESCO trao tặng “Thành phố vì hòa bình”. Lớp CN25 đã chọn chặng đường đầu tiên để xuất phát trong lộ trình “Phương Nam hội ngộ” này thể hiện sự lựa chọn mang tính chiến lược, tầm nhìn xuyên thập kỳ và xuyên Việt gắn với sự thay đổi mang tính bước ngoặt của thủ đô và đất nước. Sự lựa chọn này cho thấy sức bật tiềm tàng và tiềm năng phát triển mạnh chưa từng có của CN25 thật đáng ngưỡng mộ trong thời gian tới dẫu rằng khó có thể khẳng định chắc chắn được điều gì trong tương lai.  
Mặc dù có chậm đôi chút so với kế hoạch bay ban đầu nhưng chuyến chuyên cơ này vẫn cập cảng Hàng không Tân Sơn Nhất của thành phố Sài Gòn hoa lệ (nay là thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng) vào hồi 19 giờ thứ Sáu ngày 23/10/2015 với sứ mệnh chở hàng chục thành viên của Lớp Kinh tế công nghiệp 25 (CN25) đến dự lễ kỳ niệm đầy trọng đại của năm thứ 32 sau ngày nhập trường Đại học Kinh tế quốc dân. Địa điểm tổ chức lễ kỷ niệm này cách xa mái trường Đại học Kinh tế quốc dân yêu quý tới gần 2.000 km- một điều nằm ngòai kỳ vọng của tuổi sinh viên 30 năm trước. Quả là một bước đột phá về tư duy tổ chức lễ kỷ niệm CN 25 được xây dựng trên nền tảng giả định về niềm vui lâng lâng và xốn xang đối với ý nghĩa lớn lao của nó được coi trọng hơn nhiều lần so với địa điểm mà nó được tổ chức.  Có thể khẳng định, bước đột phà này sẽ mở ra khả năng tổ chức các lễ kỷ niệm tiếp theo không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà còn ở nước ngòai của Lớp CN25 trong thời gian tới. Trong thời gian không xa, Vương quốc Cam-pu-chia với nhiều khu du lịch mang tính nhân loại hay Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào luôn bình tĩnh và tự tin đang được cân nhắc đầu tiên của điểm đến ngòai nước tiếp theo để gặp mặt lớp với sự nhất trí chắc chắn sẽ nhanh chóng đạt con số 100% sau tiếng hô của vị chủ tọa hội nghị “Bạn nào đồng ý thì giơ tay lên nhé”…Một nét văn hóa mới được khám phá trong hành trình này của CN25 là việc giơ tay của các thành viên thể hiện sự nhiệt tình ủng hộ tất cả các chủ trương của lớp hơn là để phân loại ý kiến, quan điểm thậm chí lập trường mang tính nguyên tắc nào đó cần được biểu quyết công khai để thông qua thông qua việc sử dụng hình thức “giơ tay lên hay ai đồng ý thì giơ tay” theo cách hiểu thông thường. Nói một cách khái quát, đây cũng là nét văn hóa độc đáo và đặc thù có một không hai của CN25 mà khó có một tổ chức nào có thể …sánh kịp. 
 Một số thành viên của lớp xuất phát từ Hải Phòng- một thành phố luôn “hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu” và các bạn ở thành phố Thanh Hóa hay còn gọi với tên đáng yêu là “Hoa Thanh Quế” cũng về thành phố Vinh thân thiết để “đáp máy bay” có mặt đông đủ và đúng giờ trong lễ liên hoan gặp mặt. Có những bạn đã “mật phục” gần một tuần tại Đà Lạt nơi có hồ Than thở và thung lũng Tình yêu, tác phẩm “Hồn non hai mộ”, đồi núi trập trùng, không khí trong lành và rất mến khách cũng “sốt ruột” đến mức phải “thần tốc” tiến về Sài Gòn ít ngày trước đó để đón chờ buỗi gặp mặt chỉ diễn ra mỗi năm một lần, dường như quá nhiều so với tần suất 30 năm một lần gặp nhau nhưng lại quá ít khi mọi người đang ở vào độ tuổi mong muốn ôn lại nhiều hơn và thường xuyên hơn những kỷ niệm trong sáng tuổi sinh viên trên 30 năm trước mà chúng khó có thể ôn lại hết chỉ trong một hay hai lần gặp gỡ “lưa thưa gọi là” được.
Đất nước Việt Nam thân yêu đang hội nhập quốc tế chủ động, tích cực và “CN25”- một thương hiệu và một “mã” giao dịch xã hội đang xuất hiện, sẽ là một trong những người lính đi đầu và sẵn sàng làm ngọn lửa để dẫn đường trên sân chơi xã hội mới với không gian rộng lớn đến vô tận của nhân loại. Thương hiệu CN25 đang ngày càng nổi lên trong làng cựu sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân (NEU Alumni) vì những hoạt động ổn định, thường xuyên và mức độ đồng lòng, nhất trí rất cao của tất cả các thành viên của một tập thể lớp sau hơn 30 năm cùng với tầm ảnh hưởng và phạm vi lan tỏa ngay càng rộng của nó. Bất kể một chủ trương nào được đưa ra đều được mọi người nhất trí cao có thể ngay lập tức đạt con số đồng ý tuyệt đối 100% cho dù đó là sự lựa có/không tức là hoặc chọn có (yes) ý kiến này và chọn không (no) ý kiến còn lại[3]. Hòan tòan tin tưởng để khẳng định CN25đang có tiềm năng trở thành một “mã” giao dịch xã hội hàng đầu trong hệ thống giao dịch xã hội thời hiện đại ở Việt Nam và khu vực trong tầm nhìn 50 năm tới. Đây là loại mã đặc biệt có 4 ký tự khác với các loại mã chứng khóan hay cổ phiểu thông thường chỉ có 3 ký tự. Những giá trị cao đẹp và nhân văn của văn hóa tập thể lớp CN25 đang được hình thành nhờ sự “chung tay góp sức, đồng sức đồng lòng”, thường xuyên vun đắp và xây dựng không ngừng của tất cả thành viên trong lớp.  
Những kỷ niệm xen lẫn niềm vui lâng lâng đang trộn lẫn với những…“khỏang lặng” trong lần gặp gỡ mang tính lịch sử này của CN25.
Kỷ niệm khó quên và sâu lắng đến “lặng” người của chuyến bay này là máy bay phải bay nhiều vòng trên bầu trời lộng gió của thành phố Hồ Chí Minh để chờ cơn mưa Sài Gòn- cơn mưa đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long cho phép nó hạ cánh an tòan trong tâm trạng chờ đợi đến khắc khỏai thậm chí phảng phất nỗi lo lắng, bồn chồn của hàng trăm hành khách ngồi trên không trung chờ “hạ cánh an tòan” và vì không ít cuộc hẹn bị …lỡ khỏang 1 giờ đồng hồ nếu chưa nói là không loại trừ khả năng cuộc lỡ hẹn...dài hơn. Sự bất thường được ẩn dấu trong sự chậm trễ thường được xem là bình thường đối với Hãng hàng không có độ hấp dẫn cao về giá này đã được CN25 chọn làm đối tác chiến lược. CN25 sẽ góp phần tăng giá trị thương hiệu của Hãng hàng không này và ngược lại theo cách suy diễn biện chứng được cả lớp nắm vững thông qua môn Triết học về chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử hôm nao. Nhờ khỏang lặng đến lặng người này cho nên khỏang cách thời gian giữa các lần hạ cánh của tàu bay ngắn hơn so với khỏang cách thời gian khá rộng giữa hai lần cất cánh. Các bạn đi chuyến bay sau đã đuổi kịp thậm chí có thể “đi tắt, đón đầu” các bạn cất cánh trước ngòai kỳ vọng. Có thể xem đây là một kỷ niệm thú vị khởi đầu cho những sự kiện tiếp theo thật khó quên trong lần gặp gỡ này.
Năm nay, độ trầm lặng cao hơn năm trước và hình như mọi người suy tư nhiều hơn và có ít nhiều “khỏang lặng” hơn trong những câu chuyện trao đổi ngày gặp mặt. Đơn giản là chỉ mới vỏn vẹn sau một năm trôi qua thôi mà đã có một số hành viên của lớp phái chấp nhận vắng mặt để “về đất buông xuôi và trở về với cát bụi” như là quy luật vĩnh hằng không thể tránh khỏi trong đời người…để lại niềm nuối tiếc vô hạn của tập thể lớp. Những ngậm ngùi nào đó vẫn lẩn khuất đâu đây vào những khỏanh khắc không ai muốn chúng xuất hiện cho dù chỉ là một suy nghĩ thấp thóang, chập chờn xa xa khó cắt nghĩa nào đó trong từng người vào ngày vui gặp gỡ.
Do khỏang “lặng” quá lớn cho nên thành viên Hội đồng 3L phải hết sức kiên nhẫn được ví như như “người bán vé xổ số” trên đường phố quyết bám theo khách hàng đến cùng, thậm chí khá vất vả để nhận được các dòng tâm tư và việc đăng ký chữ ký của từng thành viên trong lớp vào Quyển 2 của “Lớp phả”[4] được hình thành trong từng lần găp gỡ- nét văn hóa mới của CN25.  Có 45 thành viên của lớp tham gia cuộc hội ngộ lần này, mặc dù có nhiều hơn năm trước về số lượng, nhưng số dòng tâm sự khiêm tốn hơn vì có nhiều điều muốn bộc lộ lại vượt ra ngòai những dòng tâm sự ngắn ngủi này. Nhiều dòng tâm sự chữ viết rất đẹp đặc biệt của các anh trong “giàn” cán bộ lãnh đạo lớp gồm cả lớp trưởng, lớp phó, bí thư chi đòan…tăng thêm tính trang trọng của các dòng tâm tư vốn mang bản chất “đời thường vĩnh cửu”. Hồi còn học trong lớp, các anh trong “giàn” lãnh đạo này là những tấm gương để các thành viên trong lớp noi theo thậm chí những bạn học sinh phổ thông còn “hỏang sợ” các anh hơn giáo viên và giáo vụ. Khác với lần trước, giá trị của các dòng tâm sự cũng mang tính chất đa dạng hơn với sự tham gia nhiều hơn của các vị tương đối “cao niên” trong lớp vào Quyển 2 “Lớp phả” đang trở thành loại tài sản phi vật thể có giá trị ngày càng cao theo thời gian trong các cuộc đấu giá mà, “không sớm thì muộn hoặc không chóng thì chầy” cũng sẽ diễn ra. CN25 đang tích lũy một tài sản vô hình và tài sản thương hiệu đặc biệt có giá trị của lớp mà hiện tượng này vốn dĩ rất ít xảy ra trong lịch sử họp lớp hay rộng hơn là lịch sử “đồng môn” của nhân loại. Cuộc đấu giá thương hiệu CN25 vào một thời điểm chưa xác định chắc chắn sẽ diễn ra hết sức sôi nổi và giá của “Lớp phả” này sẽ khá cao thậm chí rất cao do đây là lọai hàng “độc” và kể cả trong trường hợp không diễn ra đợt đấu giá đặc biệt trong lịch sử đấu giá nhân loại, nó cũng sẽ được chuyển nhượng với những điều kiện giao dịch có lợi nhất cho tập thể CN25 vào thời điểm “thị trường” có tính “thanh khỏan” cao nhất. Cũng nên đánh giá công bằng và thậm chí đánh giá cao ý tưởng này của Hội đồng 3L cho dù ban đầu nó bị coi là ý tưởng của những người “máu lên não không đều do tuổi cao và ít hoạt động thể dục buổi sáng”, hay những người “lúc cần nhớ lại quên và lúc cần quên thì lại nhớ” thậm chí cả những người rơi vào trạng thái đầy nghiệt ngã là “trên bảo dưới không chịu nghe theo”.
***
Năm 2015 là một năm của những sự kiện trọng đại và hào hùng, một năm đầy ắp các lễ kỷ niệm của đất nước, dân tộc và con người Việt Nam. Đó là năm kỷ niệm 1005 năm Thăng Long- Hà Nội, 300 năm kỷ niệm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du, 125 năm ngày sinh Bác Hồ Chí Minh kính yêu, 85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, 70 năm thành lập Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 40 năm ngày giải phóng hòan tòan miền Nam thống nhất đất nước, 30 năm đất nước đổi mới…Do đó, ý nghĩa lịch sử của lần gặp gỡ này của CN25 càng cao nhờ sự phù hợp của nó với sự sắp đặt hay sự “cài đặt” chặt chẽ và khắt khe của lịch sử đất nước, dân tộc và con người Việt Nam.
***
Nếu như năm trước, cả lớp Kinh tế Công nghiệp 25 lựa chọn quê hương Bác Hồ kính yêu- nơi Người nhỏ những giọt nước mắt trẻ thơ khi cất tiếng khóc chào đời như biết bao đứa trẻ khác, làm nơi họp mặt lớp thì năm nay, năm 2015, địa điểm gặp mặt là thành phố Hồ Chí Minh, nơi Người rơi những dòng lệ đầy phẫn uất của một thanh niên 21 tuổi đầy khí phách nhưng bị bóc lột thẩm tệ để rời xa đất mẹ Việt Nam thời kỳ đó, thời kỳ “nước đã mất cha đã làm nô lệ và đất lai láng chỉ tòan là nước mắt”[5] để ra nước ngòai tìm con đường cứu nước. Đó là năm 1911 một năm mang tính bước ngoặt trong lịch sử của đất nước Việt Nam và tính đến nay đã trên 104 năm. Cho dù khỏang thời gian trôi qua trên 1 thế kỷ đi chăng nữa kể từ ngày Người lên đường tìm con đường cứu nước nhưng Cảng nhà Rồng thuộc Sài Gòn ngày đó, nơi Người lên tàu ra nước ngòai và thành phố Hồ Chí Minh chẳng những không bị “rêu phong hóa” mà còn đang được làm mới, hiện đại hóa với tốc độ nhanh chóng chưa từng có. Sài Gòn- Gia Định thời gian đó và thành phố Hồ Chí Minh ngày nay trở thành thành phố tòan cầu, đi trước cả thủ đô Hà Nội vốn có cả ngàn năm văn hiến, văn vật và luôn tràn đầy nét văn minh, thanh lịch. Điều đáng nói thêm là, Hà Nội là nơi học tập và tốt nghiệp đại học của cả Lớp Kinh tế Công nghiệp 25 vốn được coi là sản phẩm đào tạo đầy tự hào của cơ chế kế hoạch hóa trong buồi giao thời để đón chờ công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo năm 1986.
***
Chủ đề gặp gỡ năm nay được các bạn công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh chủ động nghiên cứu và lựa chọn khá ấn tượng là “Gặp gỡ đất Phương Nam” như là một sự kiện tiếp diễn các sự kiện của năm trước được bạn Nguyễn Đức Thuận đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh - một thành viên trẻ tuổi nhất lớp nhưng lại rất thành đạt trong đường công danh, dàn dựng trong một clip đầy ấn tượng về những hình ảnh và hoạt động trong khỏang 30 năm của lớp Kinh tế Công nghiệp 25. Chủ đề họp lớp này làm liên tưởng đến tác phẩm văn học thiếu nhi đang trở thành tác phẩm nổi tiếng cả ở Việt Nam và nước ngòai là “Đất rừng Phương Nam” của nhà văn Đòan Giỏi phát hành khỏang 30 năm trước.
Bằng clip khá hấp dẫn, mọi người có dịp ôn lại những kỷ niệm đã trôi về quá khứ hàng chục năm, cho dù không đầy đủ tư liệu về hàng loạt hoạt động của thời sinh viên và những hoạt động sau ngày tốt nghiệp, thậm chí chỉ là những bức ảnh đen trắng không đầy đủ tẩt cả mọi đường nét, cho dù chỉ đường nét trên khuôn mặt bầu bĩnh và ngây thơ của sinh viên giai đoạn kế hoạch hóa mệnh lệnh, những kỷ niệm ngày xưa trở về đâu đây, làm trẻ lại mọi người với những năm tháng và kỷ niệm khó phai tuổi sinh viên thời bao cấp- một thời kỳ kéo lùi “ghê gớm” sự phát triển của lịch sử đất nước, không bao giờ quay lại nếu chưa nói nó dần bị lùi sâu vào… dĩ vãng. Một kỷ niệm mãi mãi không quên của lớp là cả lớp dốc hết lòng nhiệt tình của mình để tham gia tích cực vào công cuộc đổi tiền với tỷ lệ một “mới” “ăn” mười “cũ” để giảm bớt lượng tiền phát hành quá nhiều trong lưu thông bằng ý chí, điều chỉnh giá cả và tiền lương được Hội đồng Bộ trưởng tổ chức vào năm 1985, năm Ất Sửu hay nói theo cách nói dân gian là năm “ngất xỉu” vì sau khi đổi tiền sai quy luật, cái giá phải trả là giá cả trong nước đã tăng lên với tốc độ “phi mã”- 778% nhưng vẫn không xa rời bản chất “lành mạnh” của nó…. Thật là kinh hòang và hỏang loạn, và nỗi kinh hoàng có một không hai trong lịch sử phát triển kinh tế hiện đại này của đất nước được hóa giải triệt để và đầy thuyết phục bằng công cuộc đổi mới triển khai tòan diện và quyết liệt từ năm 1986, năm Bính Dần hay được gọi một cách bớt gai góc hơn là năm “tỉnh dần” của đất nước. Công thức “nhiệt tình” quá cộng với sự thiếu hiểu biết chưa đủ độ cần thiết dẫn đến những sự phá hoại ghê gớm tài nguyên và của cải đất nước sao mà đúng với hòan cảnh giai đoạn đó của đất nước Việt Nam ta đến thế…Tiếp theo là một sự kiện lịch sử gây chấn động và bàng hòang hay nói theo ngôn ngữ thời đại kỹ thuật số là sự kiện “gây sốc” tòan nhân loại là sự sụp đổ gần như hòan tòan của Liên xô vĩ đại và cả hệ thống XHCN thế giới hùng hậu vào năm 1991- một điều thực sự nằm ngòai sự tiên đóan của các nhà tiên tri vĩ đại nhất thời kỳ đó. Lớp CN25 ra đời trong hòan cảnh đó, và, hòan tòan khiêm tốn để khẳng định rằng, đây là một tập thể lớp và là “lứa” sản phẩm thuộc đời đầu của công cuộc đổi mới đất nước được sinh ra và trưởng thành trong những thay đổi của thời đại hay một lớp học ra đời vào thời điểm mang tính bước ngoặt hay sự bàng hòang “lành mạnh” trong lịch sử đất nước, dân tộc và mang tính thời đại lớn lao. CN25 hòan tòan tự hào về điều đó ít nhất cũng vì CN25 là một nhân chứng lịch sử và là một đứa con của lịch sử!
***
Điểm gặp mặt của CN25 là Nhà khách 108 Nguyễn Du trong khuôn viên của Hội trường Thống nhất thuộc Quận 1. Sáu thành viên của lớp ở thành phố Hồ Chí Minh gồm anh Phạm Văn Hữu, anh Phan Văn Hè, bạn Hòang Thanh Tân, Lê Đức Thuận, Lê Quốc Tế và bạn Nguyễn Tấn Hùng rất chu đáo đón tiếp cả lớp mang phong cách thời hiện đại. Một địa điểm lý tưởng để cả lớp có thể tiếp cận thuận lợi với bất cứ địa điểm nào trong thành phố. Con số 108 khá dễ nhớ, có ý nghĩa quan trọng và nó dường như để chỉ số lượng những vị anh hùng trên một ngọn núi nổi tiếng trong bộ phim nào đó của Trung Quốc…nhưng lại rất quen thuộc với khán giả Việt Nam. Mọi người trong CN25 đều có mặt đông đủ với những nụ cười thắm trên môi ngày gặp mặt. Những cái bắt tay, lời chào hỏi và những câu chuyện chờ dịp tuôn trào như ngô rang sau một thời gian xa cách…
Buổi liên hoan gặp mặt vào tối 23/10/2015 được tổ chức tại Nhà hàng Hương Xưa trên đường Võ Thị Sáu. Trong buổi liên hoan gặp mặt, ngòai 45 thành viên cơ hữu của lớp còn có cả anh Phú-Chủ tịch chính thức Hội cựu sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân được bổ nhiệm theo quyết định của Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân. Anh Phú vốn là sinh viên Lớp Kinh tế công nghiệp khóa 24 và cùng với anh Phú còn có một vị khách nữa (anh Hợp) vốn là thành viên hết sức thân thiết của CN 25 tại thành phố Hồ Chí Minh thuộc lớp Kinh tế lao động khóa 23 cũng đến chia vui. Một số quý bà cũng đến chung vui với cả lớp càng làm tăng thêm các quan hệ mật thiết và gần gũi trong đại gia đình CN25. Nhiều dòng cảm tưởng và những bài thơ đầy trong sáng của tuổi sinh viên được các đại biểu thể hiện trong buổi liên hoan gặp mặt càng làm tăng thêm ý nghĩa của buổi liên hoan gặp mặt.
Sau đó, phần lớn các thành viên CN25 tham gia đêm Karaoke để nhiều giọng ca vàng, ca bạc và cả giọng ca ngoại hạng có dịp thể hiện cũng như để từng cá nhân bộc lộ cảm xúc trong những giây phút ban đầu gặp mặt. Buổi giao lưu hình như làm cho mọi thành viên gần gũi nhau hơn sau 1 năm xa cách, trở lại dần với những năm tháng sinh viên đẹp đẽ năm xưa. Nối vòng tay lớn và kết nối bạn bè đang trở thành chương trình hành động thường trực của CN25 cho dù ở đâu và vào thời điểm nào.  
Buổi sáng hôm sau, ngày 24/10/2015, với không khí trong lành của Hội trường Thống nhất-vị trí đắc địa nằm ở trung tâm thành phố, với chương trình điểm tâm sáng và tách cà phê thơm nồng, từng giọt cà phê đen nhánh thánh thót rơi tại Nhà hàng 30/4, sự sảng khóai và phấn chấn đã hiện lên trên từng nét mặt của các thành viên CN25. Những dòng tâm sự đầu tiên đã được ghi chép vào Quyển 2 của “Lớp phả” bằng việc phát huy vai trò tích cực của các thành viên Hội đồng 3L. Đây là ngày đầu tiên thực hiện kế hoạch tham quan thành phố Hồ Chí Minh của CN25. Hòan tòan ngẫu nhiên, đây cũng là thời điểm trùng hợp với một ngày quan trọng của nhân loại- ngày thành lập Liên hợp quốc 24/10/1945- đánh dấu việc chấm dứt chiến tranh thế giới đầy tàn khốc. Nhiều thành viên xuất hiện là Phan Văn Hè và Nguyễn Trọng Cúc cùng hai thành viên khác của gia đình cùng tham gia chuyến tham quan đầy thú vị.
Cả lớp hành trình đi thăm địa đạo Củ Chi nơi mà mọi người đã thảo luận khá kỹ từ năm trước. Qua thuyết minh của hướng dẫn viên và thuyết minh viên, các thành viên được nghe đầt đủ thông tin và trực tiếp chui xuống địa đạo khỏang 40 mét, mọi người đều cảm nhận được chiều sâu của giá trị của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta “dù có kinh qua nhiều gian khổ, khó khăn đến đâu, song nhất định thắng lợi hòan tòan. Đó là một điều chắc chắn!”[6]. Việc thưởng thức món khoai mỳ (sắn luộc) tại địa đạo càng làm tăng thêm hiểu biết về những nguồn tiềm năng và tài nguyên to lớn của miền Nam Việt Nam thân yêu được đưa vào trong bài hát quen thuộc hàng chục năm trước “Miền Nam em dừa nhiều, miền Nam em dưa nhiều, miền Nam em xòai thơm và miền Nam em khoai bùi…” Sa bàn địa đạo Củ Chi, công bình xưởng, các loại chông thông minh, bếp Hòang Cầm, bệnh viện dã chiến, lỗ thông hơi địa đạo và những thủ thuật đánh lừa hiệu quả hàng trăm con chó bẹc-giê được huấn luyện kỹ càng của Mỹ thật quá đơn giản…cho thấy mọi khó khăn đều có sự hóa giải hay “cái khó ló cái khôn” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại và hào hùng của đất nước Việt Nam anh hùng. Mọi người đều trộm nghĩ, nếu không có chuyến trải nghiệm này thật khó hình dung cụ thể vì sao vũ khí thô sơ, triết lý đơn giản và chính nghĩa có thể chiến thắng vẻ vang và huy hòang cả đội quân hùng mạnh, được trang bị hiện đại hàng đầu thế giới.
Việc tham quan Đền Bến Dược tưởng niệm các chiến sỹ đặc công hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với thiết kế hiện đại, trang nghiêm càng làm tăng ý nghĩa của chuyến tham quan mang tính lịch sử của CN25. Nhiều bức ảnh đẹp được chụp tại địa danh lịch sử này của CN25. Sau đó, cả đòan trở về tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Việt Nam trong dòng khách đông đảo cả trong và ngòai nước, tham quan Dinh Thống nhất, Nhà thờ Đức Bà thuộc quần thể di tích hàng đầu Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.  
Buổi tối 24/10/2015, cả lớp có buối giao lưu tổng hợp với đầy đủ hầu hết các thành viên mặc dù có thành viên đã phải rời đòan để thực hiện những công việc cấp bách cả trong và ngòai nước như anh Nguyễn Văn Lâm, Nguyễn Văn Khanh và thay vào đó là sự xuất hiện của bạn Phạm Thị Quy...càng cho thấy giá trị của những phút giây gặp mặt.
Sau đó, cả lớp đi bách bộ trên tuyến phố đi bộ của Thành phố tới tòa nhà Bitexco cao nhất thành phố, lên tầng 50 để thưởng thức các đồ uống và món kem cũng như ngắm thành phố rộng bao la với ánh sáng điện dày đặc từ trên không. Thật khó hình dung những tâm trạng mới của từng thành viên trong khi ngồi trên tầng cao nhất của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu để ôn lại những kỹ niệm thời sinh viên 30 năm trước.
Điều bất ngờ là cả lớp chưa về ngay mà còn tiếp tục giao lưu ca nhạc để chào mừng ngày sinh nhật đáng yêu của bạn Nguyễn Ngọc T. Bạn ấy thật hạnh phúc và may mắn khi được sinh ra ở thủ đô Hà Nội nhưng tổ chức sinh nhật lần thứ 49 tại thành phố Hồ Chí Minh vào đúng dịp gặp mặt lớp CN25.
Ngày 25/10/2015, cả lớp hành quân đến Công viên Cần Giờ thuộc huyện Cần Giờ để ngắm rừng đước, sú, vẹt trong vùng nước lợ và xem vùng bảo tồn với hàng ngàn chú khỉ đáng yêu đánh đu vắt vẻo trên cành cây, và ngắm những chú cá sấu ngâm mình…trong nước. Điều này cho thấy tính đa dạng sinh học của Đất rừng Phương Nam đang đòi hỏi nhiều hơn các khỏan đầu tư, khai thác để phát triển... Trên đường đi, cả lớp được đi chuyến phà Cần Giờ để ngắm dòng nước sông Sài Gòn chở nặng phù sa, chứng kiến cảnh tấp nập nhộn nhịp của tàu hàng hóa, tàu công- ten- nơ trên sông và chứng kiến dự án bắc cây cầu cao nhất Việt Nam qua sông Sài Gòn tại bến phà này. Sông nước Nam Bộ và giọng ca cải lương đâu đó văng vẳng làm sống lại vẻ đẹp của vùng đất Phương Nam. Đây là thời điểm hiếm có để các thành viên trong lớp có dịp đối chiếu, so sánh những điểm giống và khác biệt văn hóa trên dòng sông như chiến ca- nô chở cát sỏi trên dòng sông Hồng, con đò nhỏ khua nước bên sông và giọng ca ví dặm của xứ Nghệ trên dòng sông La hoặc giọng hò dô- ta trên dòng sông Mã anh hùng đất Thanh Hóa...
Buổi chiều, cả lớp về sân bay Tân Sơn Nhất và dự bữa cơm thân mật trước khi ra máy bay. Sau khi check –in (làm thủ tục), các nhóm đi các chuyến bay khác nhau, nói lời chào tạm biệt và những lời hẹn gặp mặt chan chứa tình cảm cho lần gặp mặt năm sau tạo đất Quảng Bình- quê hương của N.T.Lạng tại thành phố Đồng Hới, chắc chắn bãi biển Nhật Lệ, đường Mẹ Suốt, khu nghỉ cao cấp, khu du lịch Phong Nha- Kẻ Bàng, hang Sơn Đoòng, Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quảng Bình Quan, cả lớp chắc chắn cố gắng đến thăm Đèo Ngang hoặc Đèo…”Nghếch”, thậm chí cả Đèo “cúng”…Đó là những địa danh, nơi có thể tham quan và chuẩn bị cho những lần gặp gỡ tiếp theo không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam.
***
Mặc dù rất khó khăn trong tiếp cận đầy đủ với tất cả các thành viên trong CN25 trong thời gian gấp gáp với chương trình và kế hoạch dày đặc, nhưng Hội đồng 3L vẫn cố gắng phát huy sứ mệnh của mình ở mọi lúc, mọi nơi, kịp lấy được những lời tâm sự ngắn nhưng sâu sắc và chân thành của hầu hết các thành viên CN25.
Dưới đây là những dòng tâm tư được gói gém trong những trang giấy trắng học trò vô tư và trong sáng của Quyển 2 “Lớp phả”. Những dòng chữ này trở thành những kỷ niệm không bao giờ quên và mãi mãi không bao giờ quên trong ký ức về CN25.
Trước hết là dòng tâm sự đầy cảm xúc của anh Phạm Ngọc Hữu, nguyên lớp trường CN25. Anh có nét chữ rất đẹp và dễ đọc. Nét chữ này hầu như không thay đổi trong 30 năm qua cho dù thời gian đang đưa anh đến độ tuổi “còn là đương trai” như Bác Hồ từng dạy. Anh cùng với phu nhân tham gia nhiệt tình mọi hoạt động của chương trình gặp gỡ như tiếp thêm năng lượng cho các thành viên của lớp. “Tôi Phạm Ngọc Hữu- CN25. Tôi thật sung sướng các em ạ! Tôi sẽ tham gia với lớp mình đến cùng. Chúc các em hạnh phúc và thành đạt”.
Mặc dù bận nhiều công việc nhưng anh Trần Văn Tiến đang ở vị trí quan trọng trong bộ máy quản lý vẫn sắp xếp hiệu quả thời gian để tham gia cùng với lớp đầy đủ. Anh vẫn có nét chữ đẹp và chân phương như 30 năm trước và anh là một lớp phó đầy năng nổ trong lớp. Những dòng chữ anh viết rất sát giờ cả lớp chia tay nhưng tràn đầy xúc cảm “Thật khó tả hết những cảm xúc khi anh em lớp CN25 gặp mặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi rất vui khi thấy các bạn, các em ai cũng khỏe mạnh, trưởng thành. Dẫu mỗi người mỗi cảnh nhưng khi gặp nhau ai cũng vui vẻ, hồ hởi, phấn khởi trong không khí ấm áp ngày hội lớp, vẫn như ngày nào tuổi sinh viên, vô tư, trong sáng…Cuộc vui nào rồi cũng phải chia tay. Sắp đến lúc chia tay các bạn, tôi chúc mọi người có nhiều sức khỏe, thành công trong cuộc sống. Dũ bận rộn làm ăn, công việc nhưng luôn nhớ về nhau, về lớp mình CN25 Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Hẹn gặp tại Quảng Bình 2016! 
Anh Tạ Văn Được, nguyên bí thư Chi đòan và hiện là trưởng ban liên lạc CN25, anh tham gia tích cực hầu hết các sự kiện của các thành viên CN25 và giữ liên lạc thường xuyên với từng thành viên. Anh viết “Rất cảm động, vui sướng được gặp các bạn lơp CN25. Tôi mong các bạn trong lớp cùng gia đình luôn mạnh khỏe, thành đạt, gặp nhau thường xuyên và đầy đủ”.
Anh Nguyễn Văn Khanh mặc dù rất bận việc và chỉ tham gia với các hoạt động của CN25 trong thời gian ngắn nhưng vẫn để lại những dòng cảm xúc trong sáng và đầy trách nhiệm với CN25.
Anh Nguyễn Cao Lập trong buổi sáng đầu tiên của đợt gặp gỡ tại Nhà hàng 30/4 đã thốt lên dòng cảm xúc “Buổi sáng thật dễ chịu như trẻ lại tuỗi 20”.
Anh Phan Ánh Hè có ghi những dòng xúc cảm mang tính triết lý sâu xa và làm rung cảm đến tận đáy lòng “Háo hức mùa họp lớp…Rất vui năm nay được đón tiếp các bạn tại Thành phố Hồ Chí Minh, có quá nhiều cảm xúc dâng trào, đã vào tuổi trên dưới 50, tóc đã pha sương, song ánh mắt vẫn xanh ngắt kỷ niệm. Trong mỗi đứa đều cất giữ hộ tuỏi trẻ của nhau, nhìn nhau mà ký ức ùa về. Trong niềm vui hội ngộ, phảng phất nỗi buồn vì sự trống vắng, chia tay quá sớm của hai thành viên sẽ không bao giờ còn về dự họp lớp, như nhắc nhở: cuộc đời này ngắn lắm nên hãy yêu thương, hãy cho nhau và trân quý cuộc sống này, trân quý những kỷ niệm vì chính đó là cuộc sống của mỗi người. Cảm ơn tất cả các bạn yêu quý của lớp CN25”.
Bạn Quốc Tế vui vẻ và nhẹ nhàng viết “Thật vui vẻ, tự hào và xúc động. Nhóm anh em CN25 sinh sống tại Sài Gòn đã có cơ hội đóng tiếp các bạn CN25 tại thành phố mang tên Bác. Cảm ơn tất cả các bạn và tin rằng đây sẽ là một trong những kỷ niệm đẹp, khó quên”.
Bạn Nguyễn Trường Giang có chất giọng khá trong trẻo của người Hà Nội bộc lộ niềm mơ ước đơn giản và thân thiết “Mong sao mỗi người có sức khỏe để gặp nhau nhiều hơn nữa”.
Anh Ngô Đại Nghĩa vì quá xúc động cho nên chỉ còn nhớ ký tên vào quyển lưu bút. Một chữ ký nói lên nhiều điều và mang nhiều ý nghĩa.
Anh Đậu Văn Minh viết “CN25. Năm nay đông vui quá. Chúc các bạn sức khỏe và thành công trong cuộc sống. Tôi yêu và nhớ các bạn.”
Bạn Đỗ Đình Tư viết dòng tâm tư tại Cần Giờ “Năm nay họp lớp là đông nhất (tới 45 người). Mình ngồi đếm những người không đến, có người đã không bao giờ đến, lòng cảm khái vô cùng, nhớ lại câu thơ:
“Bạn trung thành chiến tranh cướp mất
Ngọc lửa anh sưởi ấm lòng tôi”
 (Thơ Raxun Gamzatốp- Nhà thơ. Dagestan của tôi!)
Các bạn mãi là những ngọn lửa làm tâm hồn tôi ấm áp.
Cảm ơn các anh bạn Phương Nam tổ chức chu đáo tâm tình, cho tôi cảm nhận về 1 Sài Gòn mới, phát triển hoa lệ và hiện đại. Hi vọng rằng các nhà kinh tế (trong đó có Lớp CN25) – sẽ góp sức cho mọi miền phát triển và thành nơi đáng sống. Đề nghị thay đổi một chút ohương thức tổ chức các năm tới để cuộc gặp vui và ý nghĩa hơn nữa.
Chúc tất cả mạnh khỏe và hạn phúc, nhiều niềm vui.
Hẹn gặp lại trên đường Hà Nội – Quảng Bình tháng 10 năm 2016!
Bạn Đỗ Đình Tư đã có một bài thơ dài để tặng cả lớp của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Dưới đây là một số câu trích từ bài thơ đó:
“Dù đục dù trong con sông vẫn chảy
Dù cao dù thấp cây lá vẫn xanh
Dù người phàm tục hay kẻ tu hành
Cùng nhau sống từ những điều rất nhỏ”
…..
(Lưu Quang Vũ)”
Bạn Lưu Thị Hằng Nga đã rất lâu chưa tham gia cuộc họp lớp thường niên của CN25 cũng viết những dòng cảm nhận “Thật vui khi lại được gặp các bạn sau một năm với nhiều niềm vui, sự thành đạt và cả sự chia ly đầy nước mắt.
Với cá nhân tôi, mỗi lần được hội ngộ với các bạn lớp CN25 là một sự kiện lớn. Hội lớp không chỉ là dịp các bạn được gặp gỡ nhau; được chia vui sự thành công của bạn bè; được ôn lại các kỷ niệm xưa đầy lưu luyến mà còn là cơ hội để tập thể lớp có các quyết sách để giúp các bạn chưa được may mắn trong cuộc sống vẫn sẽ luôn dudược có mặt trong các kỳ họp lớp.
Chúc các bạn luôn mạnh khỏe, thành công trong cuộc sống, hạn phúc viên mãn.
Chúc bảng danh sách điểm danh của lớp lion kín chỗ mỗi lần gặp mặt. Hẹn gặp các bạn tại Quảng Bình- 2016”. 
Bạn Nguyễn Tấn Hùng viết “Thật vui khi được đón tiếp các bạn cùng lớp CN25 tại nơi mà mình đang sinh sống. Hiện tại tuổi của an hem trong lớp cũng đã lớn. Không biết sẽ được gặp các bạn, các anh, các chị bao nhiêu lân nữa. Mình mong muốn lớp mình từ nay tiếp tục duy trì gặp gỡ hàng năm để được gặp trao đổi tâm sự với mọi người được nhiều hơn nữa. Chúc mọi người hạnh phúc, thành đạt”.
Bạn Vũ Thị Hạnh với cảm xúc trào dâng đã viết “Lớp chúng mình rất rất vui. An em ta chan hòa tình thân. Lớp chúng mình rất rất vui. Như kéo sơn, anh em một nhà…Lời của một bài hát thuở thiếu thời vẫn còn đúng nguyên với lớp CN25 của chúng ta. Mình rất tự hào và may mắn được là thành viên của lớp. Xin cảm ơn tất cả các bạn đã cùng nhau xây ngôi nhà chung- Lớp CN25 để hàng năm cử mùa thu sang mình lại háo hức chơ đợi tới ngày họp lớp. Cảm ơn các bạn Sài Gòn đã tổ chức kỹ hopk măyk bui vẻ, ấn tượng này. Tam biệt nhé. Hẹn gặp lại.”
Bạn Phạm Văn Lương tâm sự “Rất vui khi hặp lại các bạn tại thành phố Hồ Chí Minh sau 1 năm. Chúc các bạn sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong công việc. Hẹn gặp lại. Xin cảm ơn”.
Bạn Phạm Đình Tuấn rất xúc động viết “Thế là đã 32 năm ngày vào trường và 28 năm ngày ra trường. Mọi người đã cuối U50, nhiều người đã U60. Quên rất nhiều điều nhưng tình bạn lớp CN25 không bao giờ quên được. Theo thời gian, tình bạn CN25 càng sâu sắc hơn. Rất xúc động!.”
Bạn Đặng Văn Lên viết “Thế là lớp đã chia tay một vị tướng nổi tiếng 5 châu “Võ Nguyên Giáp”. Tại Sài Gòn, lớp đã biểu quyết đến Quảng Binh. Tập thể lớp CN25 vững mạnh. Tập thể lớp sẽ hẹn gặp tại Quảng Bình để ôn lại những kỷ niệm. Mong các bạn cố gắng”.
Bạn Nguyễn Ngọc Tường viết cảm xúc “Lại một năm đã trôi qua từ kỳ hợp lớp ở Vinh. Có người đã đi xã mãi nhưng tập thể Lớp CN25 vẫn đầy sức sống. Những kỷ niệm ngọt ngào, những nụ cười rạng rỡ, những vòng tay thân thiết và hơn cả là những tình cảm nồng hậu chúng ta giành cho nhau. May mắn cho tôi được sinh nhật ngày 23/10 đúng dịp gặp ở Sài Gòn lần này. Tôi đã có một buổi sinh nhật đáng nhớ suốt đời với đông đủ bạn bè CN25 cùng chia vui.  Xin cảm ơ các bạn. Xin cảm ơn CN25. Xin cảm ơn các anh em ở Sài Gòn: anh Hữu, Tân, Tế, Thuận, Tấn Hùng, Hè…và chúc cho CN25 mãi mãi là một tập thể gắn kết với nhau”.
Bạn Hòang Thanh Tân, một thạc sỹ quản trị kinh doanh và trung tá quân đội Nhân dân Việt Nam viết “Trước hết cảm ơn tất cả các bạn đã đồng lòng cho phép anh em Sài Gòn tổ chức buổi họp lớp năm 2015. Anh chi em Sài Gòn đã cố gắng hết sức nhưng không thể tránh khỏi những sai sót mong các bạn cảm thông…Mong các bạn có sức khỏe, cuộc sống hạnh phúc để tham gia đầy đủ các cuộc họp lớp tiếp theo- năm tới tại Quảng Bình”.
Bạn Vũ Thị Tuyết lần gặp này cảm xúc bộc lộ nhiều hơn năm trước “Sau một năm được gặp lại các anh, các bạn lớp CN25 tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi thấy rất vui và cảm thấy trẻ lại như thời sinh viên. Cảm ơn các bạn tại thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức một cuộc gặp mặt thật vui vẻ và ý nghĩa. Chúc cho tập thể lớp CN25 luôn mạnh khỏe, tươi trẻ và hạnh phúc. Hẹn gặp lại năm sau tại Quảng Bình”.
Bạn Lê Đức Thuận khoan thai tâm sự “Sau mười năm từ khi manh nha kế hoạch tổ chức hội lớp tại thành phố Hồ Chí Minh thì nay, điều dó đã thành sự thật. Cảm ơn anh em trong lớp. Cảm ơn các bạn tại Thành phố Hồ Chí Minh đã cũng nhau tổ chức sự kiện thành công. Luôn cùng nhau và chúc mọi người sức khỏe, hạnh phúc và nhiều may mắn”.
 Bạn Lê Hồng Sơn viết “Hôm nay 24/10/2015, lớp ta tổ chức họp lớp tại thành phố Hồ Chí Minh, cũng như bao lần trước và sau thời gian xa cách, hôm nay gặp lạu niềm vui trong tôi và các bạn, tôi như được naang lên, tôi lại được gặp các bạn lớp tôi CN25- trông có già đi nhưng nụ cười, ánh mắt phong thái vẫn như xưa- các bạn thuở sinh viên.
Tôi mong bạn tôi luôn vui khỏe, có cuộc sống bình an và hàng năm ta họp lớp để cùng nhau ôn lại và cùng chung vui những điều tốt đẹp mà cuộc sống mang lại.
Tôi luôn hạnh phúc vì được là thành viên lớp CN25”.
Bạnh Nguyễn Trọng Cúc tham dự họp lớp cùng với 2 thành viên khác của gia đình trông rất đáng yêu (1 con trai và 1 con gái) có viết “Quá cảm động và vui mừng vì được gặp lại an hem, bạn bè sau gần 35 năm xa cách. Nhớ lại những kỷ niệm xưa vui có, buồn có nhưng rất hạnh phúc khi thấy tất cả mọi người đềi bình an, mạnh khỏe và thành đạt. Chúc tất cả mọi người tiếp tục sống hạnh phúc, vui vẻ và gặp nhau nhiều hơn nữa”.
Bạn Hòang Xuân Thành có “sự phá cách” trong thể hiện cảm xúc trào dâng, bạn ấy viết “Gặp gỡ tại Đất Phương Nam
  Vồn vã: Mọi người gặp nhau tay băt mặt mừng. Từng người cũng như cả lớp có cả ngàn cách bộc lộ tình cảm sau những ngày xa cách.
Vui vẻ: Mọi suy tư, toan tính của đời sống bị trôi đi. Tất cả như trẻ lại, mọi thứ vẫn như xưa. Tất cả mọi người đều cười cười, nói nói như chưa bao giờ được cười, được nói.
Vội vàng: Thời gian tính từng giờ trôi đi nhanh thế…Mong rằng thời gian đừng đi nhanh thế để cuộc gặp gỡ cứ dài mãi, dài mãi…
Hẹn gặp lại các bạn vào mùa thu sang năm”.
 
 
 
 
 
Bạn Phan Văn Hiền có ghi những dòng chữ như lời nhắc nhỏ nhẹ nhàng thắm tình bằng hữu “Tôi yêu các ban CN25. Hẹn gặp lại tại Đồng Hới. Nhớ giữ gìn sức khỏe bạn nhé”.
Bạn Nguyễn Thanh Bình viết “Rất vui vẻ, mong lớp mình các bạn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc”.
Bạn Bàn Thị Lưu từ Thái Nguyên gió ngàn viết “Cảm xúc trào dâng khi thăm đền Bến Dược và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Cảm nhận rằng trong từng centimet đất của Miền Nam Việt Nam đều thấm đượm máu thịt con người Việt Nam. Tôi yêu Việt Nam. Tôi yêu các bạn, tôi yêu lớp KTCN25”.
Bạn Trần Đình Luân tham gia họp lớp lần này và ghi chép “Vui mừng, xúc động gặp lạu bạn bè sau 28 năm ra trường. Mỗi người 1 việc, mỗi người 1 hòan cảnh những tất cả đều hướng về “Tình bạn”. Một điều hướng thiện thật thiêng liêng. Chúc mọi người vui vẻ, hạnh phúc”.
Bạn Phạm Thị Quy viết “Đã nhiều lần lớp CN25 tổ chức gặp mặt kể từ ngày tốt nghiệp ra trường, song đối với Quy, lần này cảm xúc trào dâng trong Q nhiều nhất, mạnh mẽ nhất và đa dạng nhất.
Rất có thể, lý do không phải là cách tổ chức đơn giản hay hòanh tráng, địa điểm gần hay xa mà là một lý do nào đó rất riêng. Đối với mình, đó là kết quả chin muồi của những thứ thách qua nhiều chặng đường. Sự tích lũy tự nhiên tình cảm chân thành, yêu thương thực sự, sự chia sẻ với bạn bè cùng lớp lắng đọng lại qua mỗi chặng…mỗi chặng và giờ  đã được hiện thực hóa, bằng cả hành động thể hiện qua sự nhất trí cao của tập thể lớp về kế hoạch sinh hoạt lớp, về kế hoạch chung tay giúp đỡ tạo các quỹ để chia sẻ với những bạn hòan cảnh khó khăn.
Được như vậy, trước hết mình cảm ơn chân thành đối với tất cả các bạn đã nhiệt tình, góp công góp sức cho hoạt động chung của lớp. Cảm ơn các bạn đã ủng hộ chủ trương này. Hy vọng đóa hóa nhân ái ngày càng nở rộ hơn, tập thể CN25 ngày càng vững mạnh và là điểm sáng cho các lớp, khóa kjác của Đại học Kinh tế quốc dân.
Chào các bạn, chào CN25 nhé
Hẹn gặp lạu vào 2016 ở Quảng Bình nhé!”
Bạn Vũ Ngọc Chính và phu nhân thật hạnh phúc tràn trể khi cùng tham gia cuộc gặp mặt với CN25 có ghi lại rằng “Cạnh Dinh Độc lập, mong mãi mãi được gặp nhau đầy đủ và khỏe mạnh”.
Bạn Nguyễn Mạnh Hùng cũng khá lâu rồi chưa tham gia gặp mặt lớp có ghi những dòng chữ làm rung động sâu xa“Nhà hàng trong khuôn viên Dinh Độc lập mãi mãi ghi trong lòng khi bước vào bởi bản thân đã sống ở Sài Gòn nhưng chưa bao giờ ghé qua”.
Bạn Nguyễn Thanh Hải vì quá xúc động đã ghi hai lần cảm xúc vào thời điểm đầu tiên gặp gỡ và vào thời điểm trước khi chia tay. Nét chữ ban Hải hình như còn đẹp hơn nét chữ lục làm bàu kiểm tra tại lớp… “Họp lớp CN25 tại Dinh Thống nhất. Thật vui khi gặp lại những người bạn sau 28 năm xa cách và rất nhiều điều nữa sẽ không bao giờ quên”. “Mỗi năm cứ đến tháng 10, chúng tôi lại tổ chức gặp gỡ nhau trong niềm hân hoan của mỗi người…Để nhớ lại những ngày đã qua, nhớ lại ngày cách đây 28 năm về trước, những gương mặt bở ngỡ, non nớt, thư sinh…Những cơ thể tràn đầy nhựa sống, luôn muốn vươn cao, bay xa đến tận trời xanh. Thế mà đến nay vẫn gương mặt ấy đã nhuốm màu thời gian, mái tóc đã bắt đầu điểm bạc, có những người đã trở về cõi vĩnh hằng với ông bà, tổ tiên…Chúng tôi gặp nhau sao lưu luyến lạ thường, ai cũng nghĩ về như chúng mình thời còn trẻ, tuy không nói hết nên lời, những ánh mắt tuy đã có dấu hiệu bạc màu nhưng tình cảm vẫn không có gì thay đổi. Chúc mọi người nhiều niềm vui”.   
Bạn Nguyễn Viết Hiếu từ Hải Dương cũng tham gia họp lớp lần này với những dòng tâm sự ngắn nhưng bộc lộ nhiều suy tư “Già đi nhiều, nghĩ nhiều hơn. Gặp nhau như trẻ lại”.
Bạn Nguyễn Vũ Băng viết cảm xúc “Mỗi năm lại một niềm vui. Cuộc sống có ý nghĩa hơn khi gặp lại bạn bè xưa cũ. Tuyệt vời. CN25!” Sau đó, bạn Băng cũng viết thêm cảm xúc ở trạng thái mạnh hơn do dồn nén nhiều ngày trong trạng thái có nhiều lựa chọn đa dạng lúc chia tay. Thật khó để chia sẻ với bạn ấy những ý tưởng tương tự “Cảm xúc tràn trề, “phụt” ra dầm dề, chuẩn bị đi về, mà lòng ngổn ngang trăm bề”. Thật quá đã bạn Băng nhé!
Bạn Lê Ngọc Quang tâm sự nhẹ nhàng và thanh tịnh“Chúc các bạn sức khỏe và hạnh phúc”.
Bạn Phan Thị Thúy Anh ghi lại dòng cảm xúc khi cùng với CN25 gặp gỡ tạo thành phố Hồ Chí Minh “Một chuyến đi rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ tại thành phố Hố Chí Minh. Chúc các bạn lớp mình (lớp CN25) luôn tươi, trẻ, hạnh phúc và nhớ mãi thời sinh viên”.
Bạn Nguyễn Thường Lạng viết “CN25 là một nét văn hóa của cựu sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân và hy vọng nét văn hóa này sẽ lan tỏa rộng hơn trong thời gian tới. Cảm xúc trước sự chu đáo và chiều lòng các bạn trong lớp CN25 của các bạn tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2015 cũng như tính đồng thuận cao của cả lớp càng làm tăng tính gia đình và tính tổ ấm vững bền của CN25. CN25 trở thành mối quan tâm lớn nhất của các thành viên CN25 cứ mỗi độ thu sang. Chúc các thành viên CN25 luôn có sức khỏe dồi dào để nở những nụ cười tươi thắm và rạng rỡ trong các lần gặp gỡ, viết cảm xúc ngày càng sâu sắc và ấn tượng hơn, có tính đột phá cao hơn, nâng cao được tầm trí tuệ và chất nhân văn trong từng diễn đạt, luôn sảng khóai tinh thần, vượt qua mọi khó khăn trong công việc và cuộc sống, có tâm hồn trong sáng, ý chí và nghị lực tràn đầy…Chúc thương hiệu CN25 trở thành một “mã” xã hội được trân trọng và trường tồn trong mạng xã hội hiện đại đa dạng. Chúc Hội đồng 3L chuẩn bị kết nạp thêm nhiều thành viên mới có đủ “tâm, tầm, tài”…để khó khăn nào cũng vượt qua và vượt qua nào cũng…khó khăn”.
Anh Nguyễn Quốc Khải hiện vẫn là một vị chủ tịch Hội đồng 3L với độ tín nhiệm rất cao của tất cả các thành viên CN25 đã viết các dòng cảm xúc bằng một chùm thơ.
Chào Sài Gòn
Một chiều thu cuối tháng Mười
Khi nào em thấy đất trời đổi thay
Đang mưa chuyển sang nắng ngay
Hoặc là ngược lại mưa bay nhẹ nhàng
Là lúc anh hạ cánh…bay
Xuống Tân Sơn Nhất một chiều mùa thu
(Nguyễn Quốc Khải, CN25)
Thật hay mơ
Cảm ơn Trời- Phật- Thánh- Thần
Năm châu bè bạn cũng là Việt Nam
Cảm ơn các bạn Sài Gòn
Cùng tập thể lớp 25 công nghiệp
Đại học Kinh tế quốc dân
Hà Nội thành phố rồng bay hòa bình
Đã tặng anh một chuyến bay
An tòan tuyệt đối mê say Sài Gòn
Anh em vẫn nhớ hay còn…
Máy bay hạ cánh trời vừa mưa xong
Chiều ngày 21 tháng Mười
Tự nhiên chuyện lạ mọi người nhớ ghi
Cũng như câu chuyên thần kỳ
Một hai ba bốn năm thì đến sau
Từ trong chuyện cơ sâu xa
Ngìn năm câu chuyện đạm đà trầu cau.
(Nguyễn Quốc Khải)
Kỷ niệm hội Quần Tiên
Thăm đền Bến Dược Củ Chi
Một vùng đất thép đã ghi sử vàng
Vành đai cửa ngõ Sài Gòn
Nhân dân du kích kiên cường sắt son
Những hầm bí mậtvẫn còn
Địa đạo lòng đất sâu hàng trăm cây
Lòng dân dũng cảm tràn đây…
(Nguyễn Quốc Khải)
 
Kỹ niệm hội lớp (Hội Quần Tiên)
Ba bốn ngày dự hội
Quần tiên trên cõi trời
Tôi đã thấy nhiều điều
Ở trần gian không có
Có nhiều ví biến hóa
Rất tài tính văn thơ
Mỗi ngày năm ba bài
Coi như là chuyện nhỏ\
Có tiên nữ hình ảnh
Mỗi ngày thay mười lần
Cái nào trông cũng xinh
Như diễn viên điện ảnh
Có vị thần tinh nghịch
Lên màn hình bé xinh
Nhiều người chê phản đối
Sau một hồi du ngoạn
Mênh mang khắp cả trời
Nói chuyện với nhiều người
Tiên mà như trần vậy
Hôm nay chia tay bạn
Tôi về với trần gian
Chúc tất cả mọi người
Trần và tiên vui vẻ.
(Nguyễn Quốc Khải)
Còn nhiều bạn khác nữa chưa có điều kiện để bộc lộ các dòng cảm xúc, tâm sự và cơ hội vẫn đang ở phía trước rất đa dạng, mọi lúc, mọi nơi…thậm chí bất chợt... Nên liên lạc ngay với Hội đồng 3L để dòng cảm xúc dâng trào mãnh liệt và trọn vẹn nhất.

Mọi sự bổ sung cảm xúc, mở rộng tâm sự, đột phá tình cảm, ý kiến góp ý hòan thiện…về CN25 đều được hoan nghênh và đánh giá cao thậm chí rất cao từ Hội đồng 3L.

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2015
Hội đồng 3L

Phụ trách VP

Nguyễn Thường Lạng

 
[1]  Diễn đạt của Nhà văn Thanh Tịnh trong bài văn “Tôi đi học” được sử dụng trong sách giáo khoa của các học sinh cấp tiểu học Việt Nam
[2] Bài hát “Mùa xuân làng lúa, làng hoa” của nhạc sỹ Phan Lạc Hoa có thể nói là một bài hát mang tính kinh điển về thủ đô Hà Nội yêu dấu vì gần như là bài hát duy nhất có từ làng hoa để chỉ làng hoa Nhật Tân
[3] Đây là một phát hiện quan trọng về bản sắc văn hóa CN25 được bạn Anh (P.T) chỉ ra trên chuyến xe điền dã tiến về Công viên Cần Giờ. Nhân tiện có thể nói thêm, trong Công viên mang tính hoang sơ này, nhiều “trò khỉ” đựoc chính các chú khỉ đáng yêu thực hiện rất tự nhiên ngay “thanh thiên, bạch nhật” làm rung động nhiêu du khách thập phương khi chiêm ngưỡng miễn phí. Đó là những giây phút thánh thiện và điều thiêng liêng cần được nâng niu và trân trọng trong giới động vật dù chúng ở cấp nào. Thiển nghĩ, nhân loại cần công bằng hơn nữa khi đánh giá các hành vi và hành động.
[4] Từ này được phát triển dựa trên từ “Gia phả” sử dụng trong các quan hệ họ hàng, huyết thống và có ý nghĩa quan trọng trọng giải mã các quan hệ gia tộc. Lớp phả tạm hiểu là “gia phả của lớp” chỉ để chỉ tầm quan trọng của các dòng lưu bút hiếm hoi và ít ỏi của các thành viên trong lớp vốn có quan hệ đồng môn, đồng lớp khá lâu dài trên 30 năm. Từ này được các thành viên CN25 phát hiện như một loại sinh ngữ và sử dụng để chỉ tài liệu đặc biệt này của Lớp CN25. Đây cũng là yếu tố văn hóa vât thể và phi vật thể thuộc bản quyền tác giả của CN25.
[5] Tố Hữu, Bài thơ Theo chân Bác
[6] Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu

Nguồn: http://neu.k25.vn Người đăng:Nguyễn Thành Trung
24-05-2016
Các thẻ
K25

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày