Đạo diễn đứng sau loạt sân khấu tiền tỷ Hoàng Công Cường - Cựu sinh viên Khóa 46: Kiếm tiền với tôi là chuyện đơn giản, quyết cải tổ đón “đại vận” mới năm Giáp Thìn


31-01-2024
Nổi tiếng “mát tay” với vai trò Tổng đạo diễn cho nhiều sự kiện hàng đầu Việt Nam, Hoàng Công Cường không chỉ giúp người xem mãn nhãn trước những sân khấu hoành tráng, mà còn choáng ngợp trong nhiều lớp lang cảm xúc và dư vị đọng lại. Không khó để hiểu tại sao nhiều doanh nghiệp sẵn sàng “chi tiền tỷ” cho người đàn ông tài ba này.

Trước đây, nhắc đến Hoàng Công Cường, người ta nghĩ ngay tới vị đạo diễn giỏi ‘’phù phép’’ cho các sân khấu ca nhạc và thời trang mỹ lệ, gây ấn tượng cho người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Theo thời gian, Hoàng Công Cường luôn tự thách thức mình với những chương trình đòi hỏi sự sáng tạo cao. Từ nghệ thuật, văn hóa, lịch sử, tới những chương trình mang tầm vóc lớn lao như "Bước chân di sản", Show thực cảnh "Chuyện tình Bản Giốc", SEA Games 31, hay gần đây là loạt các sự kiện kỷ niệm của các tỉnh thành, của các ngân hàng, tập đoàn lớn... Hoàng Công Cường liên tục được trao gửi niềm tin. Đây cũng chính là cơ hội để vị đạo diễn quê gốc Bắc Ninh từng bước đặt dấu mốc, ghi tên mình vào list danh sách "đạo diễn đắt show nhất nhì showbiz Việt" hiện nay.

Với Hoàng Công Cường, hành trình nghệ thuật chưa bao giờ trải thảm đỏ. Mỗi một thành tựu đi qua đều là sự cống hiến của rất nhiều chất xám, mồ hôi và công sức không của riêng anh, mà của cả tập thể đoàn kết và say mê công việc. Nhưng càng khó khăn, càng vất vả, anh lại càng khao khát để sáng tạo và thay đổi bản thân hơn nữa. Cho dù đôi khi, cái giá phải trả là rất lớn.

Đạo diễn đứng sau loạt sân khấu tiền tỷ Hoàng Công Cường: Kiếm tiền với tôi là chuyện đơn giản, quyết cải tổ đón “đại vận” mới năm Giáp Thìn - Ảnh 2.

Sát Tết Âm lịch, sao anh lại quyết định cải tổ công ty và việc nói lời tạm biệt, để một số nhân sự tiêu biểu đi tìm chốn mới có khiến anh hụt hẫng?

2024 là một năm cực quan trọng, vì công ty cổ phần giải trí HCC của tôi chính thức kỷ niệm 10 năm thành lập. Với mỗi con người cũng như doanh nghiệp, "đại vận" sẽ rơi vào những giai đoạn khác nhau mang tính bước ngoặt. Khoảng thời gian đã qua là giai đoạn xây dựng, hình thành và củng cố hình thái ban đầu. Giai đoạn tới đây, cần có cuộc cách mạng giúp chuyển đổi hình thái mới để chúng tôi gánh trên vai những lý tưởng mới, mở ra chặng đường rực rỡ hơn.

Với tôi, mọi sự đi hay ở, thay đổi đều là cái duyên. Trong kinh doanh, chúng ta cứ lặp đi lặp lại một hành động, một lối tư duy cũ, không thay đổi thích ứng thì sau bao năm tháng, trình độ và thành tựu chỉ đến vậy mà thôi. Vì trong cả một hành trình dài, mọi người đã quen với tính cách, tác phong làm việc nhất định. Nếu sự quen thuộc là nguyên nhân đánh mất tính đột phá, chúng ta phải đối mặt với việc cải tổ mạnh mẽ.

Hiện tại, công ty HCC cần có một cuộc cách mạng như vậy để tạo ra tư tưởng, tinh thần và hướng đi mới trong tương lai. Vì thế, dù băn khoăn và có chút bứt rứt, chúng tôi vẫn sẵn sàng nói lời chia tay với những người ở vị trí lãnh đạo cấp cao của công ty. Một quyết định không dễ dàng nhưng là cần thiết, và biết đâu đây lại là cơ hội để ta có duyên gặp người tài khác cùng đi chinh phục những mục tiêu mới.

Vậy mục tiêu mới mà anh đang nhắm tới là gì?

Tôi rất thích câu thơ của tác giả Nguyễn Công Trứ: "Đã mang tiếng ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông". Ý thơ này đi theo tôi suốt cả tuổi thanh xuân đến giờ vẫn đau đáu, trăn trở không ngừng.

Một người đạo diễn không chỉ cần để lại những tác phẩm lớn mà suy cho cùng, họ còn phải để lại những giá trị, dấu ấn và cảm xúc sâu sắc đọng lại. Không chỉ chạm đến trái tim, mà lớn lao hơn chính là thay đổi, hoặc mở ra một nhận thức mới cho người xem. Và đến một thời điểm nhất định, tôi muốn chương trình mình làm sẽ hóa thành "di sản". Nghĩa là với mỗi một điểm đến, khi ta chạm chân tới, nơi ấy sẽ nở hoa. Văn hóa được lan tỏa, hình ảnh sẽ được quảng bá, những nét truyền thống thiêng liêng sẽ hiện diện theo một cách nào đó. Mỗi vùng đất sẽ trở thành điểm đến tuyệt vời của du khách trong nước cũng như thế giới. Người dân sẽ được hưởng thụ những thành quả đến từ chính tác phẩm của mình. Đó chính là khát khao mà tôi đang nung nấu trong tim.

Đạo diễn đứng sau loạt sân khấu tiền tỷ Hoàng Công Cường: Kiếm tiền với tôi là chuyện đơn giản, quyết cải tổ đón “đại vận” mới năm Giáp Thìn - Ảnh 3.

Để làm được điều ấy, tôi biết sẽ có nhiều khó khăn. Nhưng suốt 10 năm điều hành công ty, 15 năm làm nghề và tạo ra những dấu ấn nhất định, đến lúc nhìn lại, tôi nhận ra mọi thành công trước kia đều cho mình những bài học quý. Một sự kiện có hoành tráng đến mấy, kiếm được rất nhiều tiền, nhưng không có chiều sâu thì sớm muộn cũng chỉ là một kỷ niệm thuộc về quá khứ. Nó chẳng thể kéo dài tới sau này, càng không để lại sức ảnh hưởng cho những người khác.

Thế nên, việc cải tổ là cần thiết. Phải có những thay đổi mang tính bước ngoặt. Khó khăn luôn ở đó, nhưng vượt qua nó thì chúng ta mới để lại những dấu ấn sâu đậm hơn, mới giúp mỗi một địa phương của Việt Nam đều trở thành điểm đến hấp dẫn, sở hữu những trải nghiệm văn hóa, lịch sử đặc sắc, thông qua những show thực cảnh do chính bàn tay chúng tôi tạo ra.

Có ai đồng hành cùng với anh trên chặng đường xây dựng và hoạch định khát vọng to lớn ấy?

Tôi lựa chọn đồng hành với sự cô đơn và chính bản thân mình. Thực tế, khát vọng được làm show thực cảnh cho cả 63 tỉnh, thành trên cả nước đã có trong tôi từ lâu rồi. Nhưng ai sẽ là người dám thực hiện? Chi phí thực hiện ở đâu? Làm xong có thu được lợi nhuận? Đây đều là những điều mà người ta phải dè chừng.

Thế thì, thay vì đi tìm người đồng hành, tôi chọn cách "độc hành". Muốn làm việc lớn, tôi luôn quan niệm rằng, bản thân là người tiên phong, leo lên đỉnh núi và chịu đựng những gì khó khăn nhất. Khi mọi thứ dần chín muồi, chứng minh ngọn cờ đã cắm đúng đích, khi đó, tự khắc những người khác sẽ tin phục và đi theo mình. Đó là cách tôi bắt đầu với HCC trước kia. Sau 10 năm, để bắt đầu một hành trình mới, tôi vẫn nhất quán với quan điểm ấy.

Đạo diễn đứng sau loạt sân khấu tiền tỷ Hoàng Công Cường: Kiếm tiền với tôi là chuyện đơn giản, quyết cải tổ đón “đại vận” mới năm Giáp Thìn - Ảnh 4.

Trước khi bắt đầu hành trình mới, nhìn lại một năm đã qua, anh thấy mình đã đạt được những gì?

2023 là một năm thành công nhưng cũng đau đầu. (cười). Thành công ở chỗ, tôi gặp được nhiều con người, nhiều tình huống, nảy sinh ra nhiều ý tưởng, nhiều đề tài hơn trong quá trình làm nghề. Mỗi show diễn đều để lại những cảm xúc thăng hoa cho bà con nhân dân ở các địa phương, giúp họ thêm tự hào và yêu quê hương của chính mình.

Đau đầu ở chỗ, ngoài thời gian làm nghề thăng hoa, tôi cũng phải bận bịu hạch toán tái cấu trúc, chuyển đổi định hướng con đường tiếp theo, chuẩn bị cho một hình thái mới vào đúng kỷ niệm 10 năm thành lập. Đây sẽ là quá trình tái định vị từ cấu trúc, hình ảnh, tư duy, cho tới mục tiêu hướng đến. Giờ là lúc mình cần phải đi về phía lý tưởng, tìm cách để lại những "di sản" cho đời, chứ không thể vô tư chệch hướng, mải miết chạy theo đồng tiền như trước nữa. Di sản còn có thể sống mãi theo thời gian, chứ tiền bạc, chết rồi chẳng ai mang theo được.

Đạo diễn đứng sau loạt sân khấu tiền tỷ Hoàng Công Cường: Kiếm tiền với tôi là chuyện đơn giản, quyết cải tổ đón “đại vận” mới năm Giáp Thìn - Ảnh 5.

Ai là người truyền cảm hứng cho anh trong quá trình này?

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu (Trung Quốc) là người đem tới nguồn cảm hứng rất lớn, ảnh hưởng tới đường hướng tư duy nghệ thuật của tôi. Ông làm nên những "đặc sản" để lan toả các văn hoá đặc trưng của Trung Quốc.

Ở Việt Nam, chúng ta manh nha bắt đầu thực hiện nhưng chưa thực sự đồng bộ và có đường hướng phát triển mạnh mẽ. Cá nhân tôi mới chỉ có các show thực cảnh cho Văn Miếu Hà Nội, Bản Giốc Cao Bằng… Trên hành trình phủ kín 63 tỉnh, thành, tôi chỉ là một mảnh ghép nhỏ nhưng sẵn sàng cháy với khát khao thật lớn.

Sau tất cả những chia sẻ này, anh nghĩ sao nếu có người cho rằng: "Vì Hoàng Công Cường đã thành công, có chỗ đứng, tài chính kinh tế vững vàng nên mới dám nói như vậy"?

Thật ra, họ nói như vậy cũng đúng. Trước đây khi mới vào nghề, tôi cũng đam mê khát khao nhiều điều lắm. Nhưng đam mê xong mới giật mình tự hỏi, tài chính ở đâu? Người làm sáng tạo nghệ thuật dễ thiệt thòi cũng vì thế. Cháy theo đam mê thì chưa chắc đã có tiền. Mải lo cơm áo gạo tiền lại bỏ quên đam mê. Tôi chỉ may mắn hơn khi được làm nghề bằng cái tâm, rồi mọi thứ đến một cách rất tự nhiên.

Có người từng nói: "Hoàng Công Cường giỏi ‘chuyển hóa tất cả mọi thứ thành tiền’ và kiếm tiền một cách dễ dàng". Mới đầu nghe thấy vui nhưng thú thật tôi không quá hào hứng với nó. Bởi lẽ từ trong sâu thẳm, tôi luôn mong muốn được thực hiện một điều khó khăn và lớn lao hơn. Dùng ý chí, trái tim và năng lực để bùng cháy với những chương trình mang dấu ấn riêng luôn ở trong tôi, bây giờ và mãi mãi.

Quan trọng nhất, tôi luôn biết thế nào là đủ. Đến một thời điểm nhất định, khách hàng tự tìm đến, đội ngũ tự vận hành, sự kiện diễn ra liên tiếp, thu nhập tự nhiên cũng gia tăng. Nhiều người chỉ thấy kiếm tiền dễ dàng rồi để mặc bản thân bị cuốn vào vòng xoáy đó. Nhưng khi mình biết đủ, đó cũng là lúc nên đằm lại và nhìn xa hơn cho tương lai.

Khi có điều kiện kinh tế tốt, người ta cần nghĩ được những điều lớn hơn. Một người có làm nghệ thuật tốt đến mấy, tạo ra nhiều show diễn hoành tráng ra sao, cái cuối cùng cần quan tâm vẫn là "hiệu suất ghi bàn thế nào"? Giỏi đến mấy mà tác phẩm không được mọi người công nhận, không đem lại hiệu quả kinh tế thì mọi thứ đều vô nghĩa. Trường hợp của tôi cũng vậy, những dự án nghệ thuật hay đến mấy cũng phải chuyển hóa thành tài chính. Có tài chính mới tiếp tục nuôi dưỡng những ước mơ, cùng với đó là "nuôi" nhân viên và những người đồng hành.

Đạo diễn đứng sau loạt sân khấu tiền tỷ Hoàng Công Cường: Kiếm tiền với tôi là chuyện đơn giản, quyết cải tổ đón “đại vận” mới năm Giáp Thìn - Ảnh 6.

Nhắc đến khía cạnh tài chính, vì sao từ một Cử nhân Kinh tế, anh lại "tay ngang" nhảy sang làm nghệ thuật, rồi mới quay trở lại thành lập công ty và vận hành quản trị mà không phải ngược lại?

Đó là do nhân duyên cả thôi. Khi còn là sinh viên năm 2, tôi đã từng lập nhóm kinh doanh với 40 sinh viên tinh hoa đến từ các trường Kinh tế Quốc dân, Ngoại thương và Xây dựng. Những ý tưởng ban đầu nhỏ thôi, chẳng hạn như mở lớp luyện thi lấy bằng lái xe, làm đại lý bán điện thoại, bán tour du lịch hay dịch vụ thuê xe… nhưng đều kiếm ra tiền.

Khi ra trường, tôi lại yêu thích ngành truyền hình. Ngày đấy, mạng xã hội chưa phát triển, được gặp và làm việc với nhiều người nổi tiếng là một chuyện rất thú vị. Thế là tôi lao vào tự học và mày mò, cứ chương trình nào hay là lại tới, vừa xem cho biết, vừa học hỏi cách người ta làm việc, dàn dựng. Càng tìm hiểu lại càng thấy đam mê và rung cảm, tôi cứ thế dấn thân vào nghề đạo diễn.

Chính vì không qua đào tạo chuyên nghiệp, làm tất cả theo "bản năng nghệ thuật" mách bảo nên các tác phẩm của tôi thường chẳng giống ai. Nó phản ánh tư tưởng và cảm xúc của riêng tôi về màu sắc, ngôn ngữ, ánh sáng hoặc tạo hình. Cùng một chủ đề đó, nhưng trong con mắt của mỗi một đạo diễn, mọi thứ lại khác hẳn.

Bây giờ nhìn lại, nếu bắt đầu từ một doanh nhân, tôi sẽ trở thành một người "kinh doanh nghệ thuật", kiếm tiền dựa trên nghệ thuật, chứ không phải một người làm nghệ thuật đúng nghĩa. Chỉ khi xuất phát từ lòng yêu nghề, luôn làm nghề với cái tâm, dần dần chuyển hóa các tác phẩm thành tài chính để tiếp tục phục vụ cho nghề, tôi mới giữ được chất nghệ của riêng mình và có vị trí ngày hôm nay.

Đạo diễn đứng sau loạt sân khấu tiền tỷ Hoàng Công Cường: Kiếm tiền với tôi là chuyện đơn giản, quyết cải tổ đón “đại vận” mới năm Giáp Thìn - Ảnh 7.

Suốt 7 năm nổi tiếng với các sự kiện Hoa hậu và thời trang, đâu là bước ngoặt giúp anh được doanh nghiệp tin tưởng mời "cầm trịch" các event lớn, mang tính chất hoàn toàn khác?

Đúng là ngày xưa người ta biết đến Hoàng Công Cường với tư cách là đạo diễn truyền hình, sau đó nổi lên như một đạo diễn thời trang và đạo diễn nhiều show Hoa hậu nhất Việt Nam. Cũng có người nói rằng "Ông này chỉ biết làm chương trình người đẹp thôi, biết gì về lịch sử văn hóa hay chính luận đâu" (cười).

Dường như, càng bị nghi ngờ, tôi lại càng dùng sản phẩm của mình để cho thấy sự thật hoàn toàn ngược lại. Theo thời gian, những mối nhân duyên tự đến, giống như "hữu xạ tự nhiên hương". Họ đến vì nhìn thấy tác phẩm, nguồn năng lượng của mình đã chạm tới cảm xúc của họ.

Với các doanh nghiệp, mỗi khi nhận lời, tôi đều tìm hiểu thật kỹ về câu chuyện của thương hiệu để khai thác đúng chỗ, đúng vấn đề. Khi có cơ hội tiếp xúc với các chương trình lễ hội, văn hóa và lịch sử, tôi cũng tìm đọc đủ loại sách vở, tìm gặp các chuyên gia uy tín nghe các câu chuyện thần thoại, dân gian, sử thi… Làm đến đâu, mình nghiên cứu đến đó, biến tất cả những kiến thức học được thành nguyên vật liệu, tạo ra những show thực cảnh không chỉ hoành tráng về mặt hình ảnh mà còn có chiều sâu và chạm tới cảm xúc của người xem.

Các cụ có câu "Một nghề cho chín, còn hơn chín nghề". Vì sao anh không lựa chọn làm "đỉnh" trong một lĩnh vực, mà lại đi theo con đường đa-zi-năng?

Trong lĩnh vực nghệ thuật, khó có thể đong đếm được đâu là đỉnh, vì nghệ thuật không có bất cứ một thang điểm chung nào. Chỉ có góc nhìn và cảm nhận của mỗi người thôi. Nhờ công việc đa-zi-năng, tôi được gặp nhiều người, biết nhiều đề tài, luôn có cơ hội thử thách và tìm tòi những cái mới. Dường như mỗi thử thách lại đem đến một cảm hứng đặc biệt, bổ trợ và tái tạo năng lượng cho mình, giúp bản thân tiếp tục giữ lửa với nghề.

Ngay trong cuộc sống đời thường, tôi cũng làm đủ thứ, từ kinh doanh khách sạn, buôn bán bất động sản, đầu tư và phân tích tài chính, mới đây lấn sân cả lĩnh vực gốm nữa. Mỗi một công việc, dù là doanh nhân hay nghệ thuật, đều là một sự trải nghiệm để giúp mình thay đổi, đi tìm sự cân bằng, từ đó đạt được một tâm hồn và nguồn năng lượng mới mẻ hơn. Mà hiểu biết càng nhiều, sức sáng tạo càng sâu.

Đạo diễn đứng sau loạt sân khấu tiền tỷ Hoàng Công Cường: Kiếm tiền với tôi là chuyện đơn giản, quyết cải tổ đón “đại vận” mới năm Giáp Thìn - Ảnh 8.

Vậy sở hữu góc nhìn của một doanh nhân giúp gì cho công việc đạo diễn của anh?

Đó là sự thay đổi bắt đầu từ tầm nhìn, dẫn đến thay đổi trong cả định hướng, chiến lược và đường hướng phát triển tương lai. Những sự chuyển mình này càng rõ ràng hơn sau khoảng thời gian chịu ảnh hưởng từ Covid-19. Trước kia, tôi làm nghề bằng sự cháy bỏng, đam mê, nhiệt huyết và cứ chạy theo tính cầu toàn của mình một cách vô điều kiện. Đến khi kinh tế đi xuống, bản thân mới bị thực tế "vả cho lên bờ, xuống ruộng". Không thể say sưa nữa, tôi bắt đầu giật mình tỉnh giấc.

Có tư duy về quản trị tài chính, có đường hướng chiến lược rõ ràng, nghệ thuật mới đi đúng hướng và đúng màu sắc của mình. Muốn sản phẩm làm ra không chỉ thỏa mãn tính nghệ mà còn phù hợp với thị trường, vậy bạn phải xác định rõ ràng: Thứ nhất, chiến lược sản phẩm là gì? Thứ hai, sản phẩm hướng đến đối tượng nào, sẽ truyền tải những cảm xúc nào cho khách hàng? Thứ ba, phải thay đổi thế nào để phù hợp với tính đương đại, tính thời điểm?

Nghề nào cũng vậy thôi, nếu làm chuyên môn mà không có định hướng sẽ chỉ là một người thợ gia công. Bỏ công, bỏ sức, miệt mài ngày đêm, nhưng cuối cùng đi đến đâu không thể biết được. Người đi bán chất xám, bán sức sáng tạo như chúng tôi đâu thể miệt mài đêm hôm, đua với sức trẻ mãi được. Phải có con đường và lộ trình của mình.

Đạo diễn đứng sau loạt sân khấu tiền tỷ Hoàng Công Cường: Kiếm tiền với tôi là chuyện đơn giản, quyết cải tổ đón “đại vận” mới năm Giáp Thìn - Ảnh 9.

Vừa là nhà lãnh đạo với tư duy mạch lạc, sắc bén, vừa là nhà nghệ thuật với sự bay bổng, phiêu diêu, làm thế nào để anh cân bằng 2 vai trò này?

Nghệ thuật và quản trị là 2 lĩnh vực có sự đối lập khủng khiếp. Người làm quản lý thích tối ưu chi phí, làm sao để đem tới lợi nhuận tối đa. Nhưng nghệ thuật lại "vô cùng vô tận", lúc nào cũng mong muốn làm tốt hơn nữa, kéo theo đó là càng nhiều sự đầu tư. Do đó, đạo diễn và giám đốc sản xuất là 2 người mâu thuẫn với nhau liên tục.

Đảm nhận cả 2 công việc này, với tôi, làm thế nào để cân bằng mỗi một lĩnh vực, giúp mọi mảnh ghép khớp lại với nhau một cách hoàn chỉnh, chưa bao giờ là một điều dễ dàng. Dường như, tôi luôn có 2 vũ trụ, 2 tâm hồn trong một con người, nhưng hoạt động tách biệt và độc lập với nhau.

Khi hoạch định chiến lược và làm công tác quản lý, con người thứ nhất không liên quan gì tới những cảm xúc cá nhân hay sự nhạy cảm của nghệ sĩ. Đợi tới khi đã có được công thức phát triển, hoàn thành quy trình giúp mọi thứ vận hành, con người thứ 2 mới bắt đầu xuất hiện, dẫn dắt linh cảm và chuyển hóa sáng tạo thành thực tiễn.

Đạo diễn đứng sau loạt sân khấu tiền tỷ Hoàng Công Cường: Kiếm tiền với tôi là chuyện đơn giản, quyết cải tổ đón “đại vận” mới năm Giáp Thìn - Ảnh 10.

Cụ thể hơn, anh trau dồi năng lực quản trị như thế nào? Anh có hình mẫu nào để học hỏi hay không?

Một trong những người truyền cảm hứng lớn cho tôi chính là tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Thời điểm gặp khó khăn nhất, tôi tình cờ xem mấy bài phỏng vấn và talkshow của anh ấy, từ đó dần dần chịu ảnh hưởng một cách rõ rệt trong quan điểm quản trị.

Trước kia, tôi "nuôi quân" bằng cái tình là chính. Mình hướng dẫn, đào tạo, giữ gìn tất cả mọi người và chưa bao giờ chủ động sa thải ai. Nhưng doanh nghiệp bao giờ cũng phải tính tới chi phí và hiệu suất công việc. Chẳng hạn, một người không làm được việc nhưng vì tình vẫn được ở lại công ty, nhận lợi ích. Vậy những người làm được việc có bị ảnh hưởng không? Có chứ.

Đồng thời, tinh giản một cách hiệu quả cũng giúp gia tăng "hiệu suất ghi bàn" của doanh nghiệp. Từng có thời điểm tôi thích nhân sự phải đông, mọi thứ phải hoành tráng, văn phòng công ty rộng tới 600m2. Doanh thu lớn nhưng chi phí quá cao, lợi nhuận không xứng đáng với những gì đã bỏ ra.

Rồi Covid-19 tới như một "cú huých" mạnh. Có người gục ngã, có người thức tỉnh và vươn đi thật xa. Chung quy lại, chúng ta bắt buộc phải có sự thay đổi. Cắt bỏ những chỗ sâu mọt thì cái cây mới có thể lớn thêm, cành lá tươi tốt. Đâu cứ phải hoành tráng, trưng trổ mới là hay? Cái đắt nhất của một tác phẩm là sự sáng tạo của người nghệ sĩ, là cái hồn, cái cốt nằm ở bên trong. Một đạo diễn giỏi chỉ cần tập trung vào sự đơn giản, nhưng đơn giản một cách có chiều sâu và có cảm xúc. Vừa đúng, vừa đủ, vừa có điểm chạm, đấy mới là lời giải tốt nhất cho bài toán kinh doanh.

Với số lượng công việc cực lớn, có năm thực hiện tới 50 show lớn nhỏ, anh làm thế nào để kiểm soát toàn bộ quá trình vận hành, giúp mỗi một sự kiện đều diễn ra thành công?

Hãy thành thạo công việc của tất cả những người thợ, từ thợ chính, thợ cả, thợ phụ, thì đến khi làm thầy, ta mới có thể lãnh đạo công việc hiệu quả hơn. Tôi sẵn sàng làm từ những việc nhỏ nhất như kiểm tra đạo cụ, viết kịch bản MC, dán băng dính cố định vị trí đứng trên sân khấu… cho tới những việc liên quan tới ánh sáng, âm thanh… Đích thân làm mới hiểu đúng về công việc, hướng dẫn chính xác cho nhân viên, từ đó tạo nên hệ quy trình cho từng hạng mục.

Sở hữu đủ 2 nhân tố là hệ thống nhân sự chuẩn chỉnh cùng với quy trình làm việc chặt chẽ, vậy show lớn đến mấy cũng có thể suôn sẻ hoàn thành. Nhiệm vụ của người quản trị là liên tục kiểm tra, bám sát tình trạng hoàn thiện của các đầu việc để nắm rõ tổng thể trong lòng bàn tay, kịp thời điều chỉnh mỗi khi gặp vấn đề.

Đừng nghĩ quản lý doanh nghiệp thì không giỏi, không biết gì về chuyên môn. Nếu không hiểu, không biết, làm sao họ có để vạch ra định hướng, tư tưởng và chiến lược phát triển cho cả một tập thể lớn.

Đạo diễn đứng sau loạt sân khấu tiền tỷ Hoàng Công Cường: Kiếm tiền với tôi là chuyện đơn giản, quyết cải tổ đón “đại vận” mới năm Giáp Thìn - Ảnh 11.

Năm 2024 tới đây, đón thời khắc trọng đại kỷ niệm 10 năm thành lập công ty, anh có những kế hoạch gì?

Tôi đang chuẩn bị vận hành song song 2 khái niệm "Nhân hiệu" và "Thương hiệu". Trước đây, nhân hiệu của Hoàng Công Cường được mang ra để làm thương hiệu cho HCC. Nhưng bây giờ, với nhiều dự định mới trong phương hướng nghệ thuật, tôi muốn tách biệt 2 khái niệm này để chúng hoạt động song song với nhau. Ở đó, thương hiệu HCC vẫn sẽ là một doanh nghiệp kinh doanh sản xuất nghệ thuật, cần có hiệu quả về kinh tế. Còn nhân hiệu của đạo diễn Hoàng Công Cường sẽ trở về đúng bản chất của người làm nghệ thuật, cần có tác phẩm để lại dấu ấn cho mai sau.

Đương nhiên, tôi vẫn sẽ cân bằng vị trí của bản thân trong cả 2 khái niệm này. 20% thời gian và tâm trí tôi dành cho các tác phẩm thuần nghệ thuật, giống như "chơi nghề". 80% còn lại dành cho công ty, thực hiện các tác phẩm mang tính chất thương mại, tựa như "làm nghề". Tỷ trọng này là vừa đủ cho mỗi bên. Dành trọn chất xám và tinh thần vào làm tác phẩm định vị bản thân dễ "đói" về mặt tài chính. Bản thân "đói" thì không nói làm gì, nhưng khi đã làm doanh nghiệp, muốn "nuôi" anh em thì bắt buộc phải cân đối.

Sắp tới, vợ tôi cũng sẽ tham gia vào vai trò quản lý công ty ở cương vị một Tổng Giám đốc. Cô ấy sẽ là người hiểu sâu sắc về tư tưởng, quan điểm nghệ thuật và trở thành một cánh tay đắc lực trong công tác quản trị, giúp tôi sớm hoàn thành các kế hoạch đề ra.

Nhìn lại cả chặng đường 15 năm làm nghề, anh muốn bản thân mình sẽ thay đổi điều gì?

Hãy lý trí trong cảm xúc. Nghe đã thấy khó đúng không? (cười)

Muốn làm nghệ thuật, muốn có một tác phẩm hay, người ta phải nuôi dưỡng tâm hồn bằng cảm xúc. Đôi khi, người nghệ sĩ sáng buồn chiều vui, cứ hay rung động bởi cỏ cây, hoa lá là vì thế. Nhưng mặt khác, mình vẫn cần quản trị doanh nghiệp, cần sự bắc bén và lý trí. Việc gì cần làm, vẫn phải làm một cách dứt khoát. Vì thế, lý trí và cảm xúc đôi khi phải tách biệt, đôi khi lại hòa quyện vào nhau.

Đối với tôi, quyết định đúng hay sai không quan trọng. Quan trọng là quyết định mình đưa ra đã làm theo sự mách bảo của con tim và tư tưởng của lý trí. Khi đó, hãy chấp nhận mọi kết quả, không vướng bận điều gì.

Cảm ơn anh đã chia sẻ.

https://cafef.vn/dao-dien-dung-sau-loat-san-khau-tien-ty-hoang-cong-cuong-kiem-tien-voi-toi-la-chuyen-don-gian-quyet-cai-to-don-dai-van-moi-nam-giap-thin-188240129135235173.chn?fbclid=IwAR0SuMdOGknb3-gPIWNRAr3UUA3IJ-9Zxsw9NVE3kNZuWdz62yyg71kaG4U

 


Nguồn: cafef.vn Người đăng:NEU
31-01-2024

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày