Tham gia buổi tọa đàm có PGS.TS. Phạm Hồng Chương - Phó Hiệu trưởng, PGS.TS. Phạm Trương Hoàng - Trưởng Khoa Du lịch và Khách sạn; TS. Đàm Sơn Toại - Phó Giám đốc Trung tâm Tiên tiến Chất lượng cao và POHE, toàn thể các giảng viên trong Khoa Du lịch và Khách sạn và đại diện của các em sinh viên POHE ngành quản trị lữ hành, quản trị khách sạn đã tốt nghiệp và đi làm. Tham gia buổi Tọa đàm còn có lãnh đạo cao cấp của các khách sạn, công ty du lịch uy tín hàng tại Việt Nam như Tổng công ty du lịch Hà Nội, Công ty Cổ phần du lịch Việt Nam - Hà Nội, HG Holdings Group, Vietrantour, Transviet Travel, Tập đoàn khách sạn InterContinental tại Việt Nam, Tập đoàn khách sạn Mường Thanh, Khách sạn Melia Hanoi, Khách sạn Sheraton Hanoi, Khách sạn Hilton Hanoi Opera, Khách sạn Crown Plaza West Hanoi, Câu lạc bộ Du lịch có trách nhiệm, Hiệp hội Khách sạn v.v…
PGS. TS Phạm Hồng Chương - Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS Phạm Hồng Chương – Phó Hiệu trưởng nhà trường cảm ơn sự hợp tác gắn bó của các doanh nghiệp với Trường đại học Kinh tế Quốc dân nói chung và Khoa Du lịch & Khách sạn nói riêng trong các hoạt động đào tạo của Khoa. Cùng chia sẻ mục tiêu là “Trường đai học Kinh tế Quốc dân đào tạo ra những sinh viên ngành du lịch và khách sạn tốt nhất” để những sinh viên này “trở thành những nhân viên tốt nhất của các doanh nghiệp”, PGS Phạm Hồng Chương mong muốn các doanh nghiệp chia sẻ những nhu cầu, mong muốn và những kinh nghiệm trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, góp ý và tham gia các chương trình đào tạo ngành du lịch và khách sạn của Trường đại học Kinh tế Quốc dân; qua đó, sẽ giúp sinh viên ra trường sẽ đáp ứng ngay tiêu chuẩn công việc thực tế cũng như bồi dưỡng những tố chất của nhà quản trị để có thể nắm giữ vị trí quản lý cấp trung và cấp cao tại các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực Khách sạn, Du lịch, Lữ hành, Nhà hàng v.v…
PGS. TS Phạm Trương Hoàng - Trưởng Khoa Du lịch & Khách sạn báo cáo tại Tọa đàm
Sau khi tóm lược quá trình phát triển và các hoạt động đào tạo của Khoa Du lịch và Khách sạn, PGS.TS Phạm Trương Hoàng – Trưởng Khoa Du lịch và Khách sạn, đưa ra những vấn đề để đại diện các doanh nghiệp đóng góp ý kiến như những nhu cầu, yêu cầu về lao động quản trị du lịch và khách sạn, những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ với sinh viên ra trường, về kết quả đào tạo của Khoa cùng các đề xuất về cải tiến và hoàn thiện chương trình.
PGS. TS Phạm Trương Hoàng trình bày báo cáo tại Tọa đàm
Buổi tọa đàm đã nhận được rất nhiều ý kiến quý báu từ đại diện doanh nghiệp. Bàn về nhu cầu tuyển dụng lao động, tất cả các khách mời đều khẳng định lực lượng lao động trong ngành Du lịch - Khách sạn đang thiếu trầm trọng do sự phát triển rất nhanh của ngành hiện tại và tương lai. Nếu như trước đây, khi tuyển dụng, doanh nghiệp yêu cầu ứng viên phải có ít nhất 1,2 năm kinh nghiệm, thì hiện tại, hầu như các bạn sinh viên mới ra trường đều được tuyển dụng ngay vào những vị trí đó. Các đại biểu đều khẳng định cơ hội rất rộng mở cho sinh viên ra trường, không chỉ có việc làm trong nghề mà còn có điều kiện được phát triển tại doanh nghiệp để trở thành những cán bộ quản lý.
Các đại biểu đều ghi nhận và đánh giá cao chất lượng đào tạo của Khoa Du lịch và Khách sạn trường Đại học Kinh tế Quốc dân - một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu trong ngành du lịch và khách sạn ở Việt Nam, thể hiện mong muốn hợp tác lâu dài với Khoa và Nhà trường. Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ yêu cầu cần đổi mới và hoàn thiện nội dung chương trình đào tạo cũng như cách thức tổ chức đào tạo để sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng.
Nhiều ý kiến trong Tọa đàm trao đổi các vấn đề cụ thể
Nhiều ý kiến trong Tọa đàm trao đổi cụ thể về các yêu cầu cho lao động quản trị ngành du lịch và khách sạn, từ yêu cầu mấu chốt là sức khỏe để chịu áp lực của công việc dịch vụ mà vẫn “giữ được nụ cười, thái độ niềm nở, thân thiện và chuyên nghiệp”, tới thái độ nghề nghiệp, hiểu biết nghề du lịch và khách sạn để yêu nghề, cầu thị để có thể học hỏi trong nghề nghiệp... hay các yêu cầu cụ thể về ngoại ngữ, các kiến thức chuyên ngành, khởi nghiệp... Đánh giá tốt kết cấu chương trình đào tạo POHE ngành quản trị khách sạn và quản trị lữ hành nhưng các doanh nghiệp còn băn khoăn về cách thức tổ chức đào tạo để Khoa có thể đạt được những mục tiêu đặt ra về các năng lực của sinh viên khi ra trường.
Không chỉ chia sẻ ý kiến đóng góp cho chương trình đào tạo của Khoa, các doanh nghiệp còn mong muốn cùng hỗ trợ Khoa Du lịch và Khách sạn trong việc thực hiện chương trình đào tạo như cùng đào tạo thực hành cho sinh viên, hỗ trợ đào tạo những kỹ năng đặc thù trong môi trường kinh doanh du lịch và khách sạn, tham gia nói chuyện và trao đổi trên lớp... Các đại biểu thể đều thể hiện sự sẵn sàng hợp tác đối với những hoạt động dự kiến tăng cường thực hành và gắn kết các doanh nghiệp trong chương trình đào tạo mới của Khoa.
Buổi tọa đàm đã thu nhận được nhiều ý kiến quý báu của các doanh nghiệp cho việc cải tiến chương trình đào tạo ngành du lịch và khách sạn tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân nói chung cũng như cho việc hoàn thiện từng bài giảng của giảng viên nói riêng. Tọa đàm tiếp tục mở ra nhiều nội dung hợp tác cụ thể giữa Khoa Du lịch và Khách sạn với các doanh nghiệp, tổ chức ngành du lịch và khách sạn, nhằm phát triển hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và tư vấn của Khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.