Chia sẻ
Tùy chọn
Xem
Xem bài viết cuối Chuyển tới bài đâu tiêu chưa đọc
nguyenthu  
#1 Đã gửi : 09/08/2016 lúc 11:04:58(UTC)
Guest

Danh hiệu: Khách

Gia nhập: 21-03-2016(UTC)
Bài viết: 63

Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết

(Hanoitourist) - Singapore là một quốc đảo nhỏ, tài nguyên hạn chế, nhưng đã biết phát huy triệt để tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý và nguồn lực con người để có những bước phát triển vượt bậc. Diện tích quốc đảo chỉ có 710 km2 nhưng có đến 5,2 triệu người đang sinh sống, làm việc ở đây, trong đó có gần 2 triệu người nước ngoài. Trong các thành công của Singapore thời gian qua phải kể đến sự thành công của chính sách phát triển du lịch.


Kinhnghiem Singapore 450

Sư tử biển là biểu tượng của Singapore.


Ở Singapore, tháng 6 năm 2010, quốc đảo này chạm mốc “một triệu khách du lịch trong một tháng”. Năm 2010 có 11,64 triệu khách quốc tế đến Singapore và năm 2011 là 13 triệu. Năm 2010, du lịch đóng góp cho nền kinh tế Singapore 18,8 tỷ đô Sing, năm 2012 là 22,2 tỷ đô Sing, chiếm 3% GDP. Singapore hiện có khoảng trên 50.000 phòng khách sạn, với giá dịch vụ trung bình khoảng 245 đô Sing/phòng/ngày (khoảng hơn 4 triệu đồng Việt Nam), tỷ lệ sử dụng phòng năm 2011 đạt đến 86%. Đây thực sự là những con số ấn tượng của ngành du lịch ở một đất nước nhỏ bé, ít tài nguyên và chưa hẳn đã có nhiều lợi thế để phát triển du lịch như Singapore.


Để có được kết quả này, phải nói đến sự thành công của việc hoạch định, xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển du lịch phù hợp cho từng giai đoạn của Chính phủ Singgapore. Từ năm 1965 đến nay, Singapore đã hoạch định chiến lược, xây dựng 6 kế hoạch phát triển du lịch khác nhau, đó là: “Kế hoạch Du lịch Singapore” (năm 1968), “Kế hoạch Phát triển du lịch” (năm 1986), “Kế hoạch Phát triển chiến lược” (năm 1993), “Du lịch 21” (năm 1996), “Du lịch 2015” (năm 2005), “Địa giới du lịch 2020” (năm 2012).


Với “Kế hoạch phát triển du lịch” (năm 1986), Singapore chủ trương bảo tồn và khôi phục các khu lịch sử văn hóa như: Khu phố của người Hoa, Tanjong Tagar, Little India, Kampong Glam, sông Singapore. Với “Kế hoạch Phát triển chiến lược” (năm 1993), Singgapore tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới như: du thuyền, du lịch chữa bệnh, du lịch giáo dục, du lịch trăng mật; phát triển các thị trường du lịch mới; tổ chức các lễ hội lớn mang tầm cỡ quốc tế; tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch; trao các giải thưởng về du lịch; giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về du lịch…


Năm 1996, Singapore triển khai “Du lịch 21”, chuẩn bị và thực hiện tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển của du lịch trong Thế kỷ 21, với các chiến lược thị trường du lịch mới nổi, chiến lược du lịch khu vực, chiến lược phát triển sản phẩm du lịch mới, chiến lược nguồn vốn du lịch, chiến lược “Nhà vô địch du lịch Singapore”.


Trong “Du lịch 2015” (năm 2005), Singapore tập trung phát triển các thị trường chính với phương châm tạo sự hiểu biết tốt hơn về Singapore, phát triển Singapore thành một điểm du lịch “phải đến”, cải thiện tiêu chuẩn dịch vụ nhằm cung cấp các dịch vụ đáng nhớ cho khách du lịch, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển các doanh nghiệp du lịch và nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, phát triển các sản phẩm trọng tâm của du lịch… Năm 2012, Singgapore chi 300 triệu đô Sing để tổ chức các sự kiện du lịch, chi 340 triệu đô Sing phát triển các sản phẩm du lịch, chi 265 triệu đô Sing phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đến năm 2015, Singapore sẽ đầu tư cho Quỹ phát triển du lịch là 2 tỷ đô Sing, dự kiến đón khoảng 17 triệu khách du lịch quốc tế và doanh thu từ du lịch khoảng 30 tỷ đô Sing.


Kết quả và kinh nghiệm phát triển du lịch của Singapore sẽ là bài học rất tốt cho quá trình hoạch định, xây dựng, triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch của Việt Nam nói chung và của tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Quảng Ninh là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch với danh thắng nổi tiếng Vịnh Hạ Long – kỳ quan thiên nhiên của thế giới, với các lễ hội truyền thống, địa điểm du lịch tâm linh, với các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển đảo. Năm 2012, tỉnh Quảng Ninh chọn chủ đề là “Năm xây dựng chiến lược và quy hoạch”. Bên cạnh việc xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Quảng Ninh đang triển khai xây dựng hàng loạt các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển các địa phương, trong đó có Quy hoạch phát triển du lịch.


Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có và để du lịch đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của Quảng Ninh, chúng ta cần có tầm nhìn dài hạn, lựa chọn được những ý tưởng, phương án quy hoạch phù hợp, lựa chọn được các nhà tư vấn thực sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển du lịch và phải đúc kết, học tập kinh nghiệm từ sự thành công cũng như thất bại trong xây dựng, thực thi chính sách phát triển du lịch của các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Chúng ta cần phải chú ý quy hoạch, xây dựng các cơ sở hạ tầng du lịch phù hợp với quy hoạch tổng thể, thống nhất với quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác; giải quyết tốt mâu thuẫn giữa phát triển công nghiệp với du lịch, giữa phát triển du lịch với bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, các lễ hội truyền thống; phát triển các sản phẩm du lịch mới, tăng cường tổ chức các sự kiện du lịch, các giải thể thao, văn hóa, nhất là trong mùa thu, mùa đông để thu hút khách du lịch; có chiến lược quảng bá phù hợp đối với từng khu vực, từng đối tượng khách du lịch trong và ngoài nước; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch; tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, sự đóng góp của du lịch, trách nhiệm của người dân đối với việc phát triển du lịch đi đôi với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch để tránh tình trạng lộn xộn, tăng giá dịch vụ, “chặt chém” khách du lịch ở một số khu du lịch như hiện nay.


Tỉnh Quảng Ninh nên nghiên cứu, triển khai việc đấu thầu quản lý và phát triển các hoạt động dịch vụ trên vịnh Hạ Long. Ban quản lý Vịnh chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, bảo tồn, phát huy giá trị ngoại hạng của Vịnh Hạ Long, còn việc phát triển dịch vụ thì để cho các doanh nghiệp. Thực tế chứng minh việc quản lý, tổ chức hoạt động của lễ hội Yên Tử có sự tham gia của doanh nghiệp trong những năm gần đây rất hiệu quả.


Nói đến du lịch Quảng Ninh, ngoài vịnh Hạ Long, Yên Tử phải kể đến du lịch  biển đảo với các địa danh Vân Đồn và Cô Tô. Du lịch Vân Đồn đã phát triển khoảng chục năm nay với tuyến tham quan, nghỉ dưỡng trên đảo Quan Lạn – Minh Châu, nhưng du lịch Cô Tô thì mới chập chững những bước đi đầu tiên. Nhưng điều đáng mừng là Cô Tô đã bắt đầu trở thành điểm đến của rất nhiều khách du lịch, nhất là các bạn trẻ. Năm 2010, Cô Tô đón 3.500 khách du lịch, năm 2011 đón gần 10.000 khách, năm 2012 dự kiến đón 12.000 đến 15.000 khách du lịch, nhưng 6 tháng đầu năm đã đón trên 20.000 khách và cả năm có thể đón đến 30.000 khách du lịch. Có nghĩa là mỗi người dân Cô Tô sẽ đón đến 5 người khách du lịch. Doanh thu du lịch của Cô Tô trong năm 2012 dự kiến sẽ khoảng trên 30 tỷ đồng, chắc chắn sẽ góp phần để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và góp phần rất lớn trong việc nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn huyện đảo.


Đó chính là kết quả của quá trình tập trung quảng bá, chuẩn bị cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường du lịch, vận động sự tham gia của người dân đối với hoạt động phát triển du lịch ở Cô Tô. Năm 2012, huyện Cô Tô đã tập trung quảng bá phát triển du lịch thông qua mạng internet, qua hệ thống báo chí, qua việc gửi 500 thư đến các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đoàn - hội trong cả nước để mời gọi thanh niên đến thăm đảo, thông qua việc tổ chức “Tuần thể thao – văn hóa – du lịch Cô Tô”… Nhiều sản phẩm du lịch mới cũng đã được triển khai ở Cô Tô như: “Hành trình vì biển đảo quê hương”, “Du lịch cộng đồng”, “Một ngày làm chiến sỹ”. Nhiều biện pháp quản lý du lịch cũng đã được chính quyền huyện đảo triển khai thực hiện như: triển khai xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch biển đảo; công khai giá cả phương tiện dịch vụ vận tải, dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ trên mạng internet, trên tờ rơi, tại các cơ sở dịch vụ; đưa hệ thống xe điện vào hoạt động phục vụ khách du lịch; tăng giờ phát điện từ 8 giờ lên 23 giờ mỗi ngày; triển khai dự án “đảo hoa” với mục tiêu hằng năm mỗi người dân Cô Tô trồng 10 cây xanh, cây hoa các loại.


Kinh nghiệm phát triển du lịch của Singapore sẽ là bài học rất quý giá cho Quảng Ninh trong việc xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch và càng có giá trị hơn đối với các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch biển đảo như huyện Cô Tô./.


Nguyễn Đức Thành (Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô)

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0,692 giây.

Thông báo

Icon
Error