Chia sẻ
Tùy chọn
Xem
Xem bài viết cuối Chuyển tới bài đâu tiêu chưa đọc
Offline NEU 1975  
#1 Đã gửi : 29/07/2016 lúc 10:33:38(UTC)
NEU 1975


Danh hiệu: Administration

Điểm uy tín (NEU Coin):

Gia nhập: 21-03-2016(UTC)
Bài viết: 23

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 1 lần trong 1 bài viết

1. Giải quyết các vấn đề dân số lao động và điều kiện xã hội: Cần thiết bảo đảm phát triển bền vững thành phố Hải Phòng: Dự kiến đến năm 2010 dân số đô thị sẽ là 1,2 triệu. Số người ở độ tuổi lao động sẽ lên 600.000, dân số tăng nhanh ngày càng tăng áp lực lên việc giải quyết việc làm và nâng cao đời sống đồng thời cũng là áp lực lớn lên môi trường và tài nguyên. Chiến lược phát triển dân số và lao động phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ môi trường của thành phố cần đạt được:
- Giảm tỷ lệ tăng dân số từ 2,1% xuống 1,7% vào năm 2010 (cả tăng tự nhiên và tăng cơ học) thông qua chỉ đạo chặt chẽ kế hoạch hoá gia đình và quản lý chặt các luồng nhập cư từ ngoài vào thành phố.
- Đầu tư thích đáng cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề cho người lao động, có cơ chế để sử dụng tốt đội ngũ trí thức, công nhân lành nghề của Hải Phòng, thu hút thêm chất xám từ các nơi khác.
- Nâng cao dân trí, phát huy năng lực sáng tạo của đông đảo nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ cập kiến thức cho nhân dân về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
2- Cấp thoát nước và vệ sinh đô thị:
Giải quyết vấn đề nước và vệ sinh trong điều kiện thực tế hiện nay, hệ thống cấp thoát nước và vệ sinh đô thị phải đáp ứng nhu cầu nhưng phải giản đơn, kiên cố và kinh tế nhất. Phải thu hút cộng đồng tham gia thiết kế, xây dựng và duy trì bảo quản hệ thống. Chính quyền cơ sở phải tham gia vào quản lý quá trình hoạt động và duy trì bảo dưỡng thúc đẩy hiệu quả sử dụng và tính lâu bền của hệ thống. Nước phải được coi như là một hàng hoá kinh tế mà người sử dụng phải trả tiền sử dụng và trả tiền xử lý. Xúc tiến bảo tồn tài nguyên nước đô thị, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm.
Một số nội dung cần làm từ nay đến năm 2010 về cấp thoát nước và vệ sinh đô thị là:
- Xử lý triệt để các khu vực hồ ao, các sông, kênh, mương trong khu vực đô thị bị nhiễm bẩn do chất thải sinh hoạt và sản xuất. Tiếp tục triển khai các dự án cải tạo hệ thống thoát nước nội thành, các hồ điều hoà. Hoàn chỉnh hệ thống theo hướng tách nước mưa và nước thải. Đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải đô thị, công nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn cho phép về môi trường trước khi đổ thải ra các sông Cấm, Lạch Tray...
- Chấm dứt hoàn toàn các cơ sở sản xuất, bệnh viện thải trực tiếp nước thải, chất thải rắn ra các sông, hồ, kênh, mương và bờ biển.
- Đảm bảo đến năm 2010: 100% dân số đô thị được cấp nước sạch hợp vệ sinh, 100% các gia đình trong đô thị có hố xí vệ sinh, nghiên cứu phổ biến các kiểu mẫu nhà vệ sinh thích hợp về chi phí, công nghệ và theo vùng.
- Đảm bảo tiêu nước mưa, không để gây ngập úng với lượng mưa ngày lớn nhất 200mm và dự phòng các trường hợp mưa lớn.
3. Quản lý chất thải rắn: Nhiệm vụ đến năm 2010:
- Thu gom vận chuyển 90% đến 100% lượng rác thải, xoá bỏ các điểm rác tồn đọng trên vỉa hè, dưới lòng đường, xoá bỏ hố xí thùng, xây hố xí vệ sinh, tưới rửa 100% đường phố chính, xử lý chất thải rắn cho hợp vệ sinh.
- Giảm phát sinh chất thải từ các hộ gia đình trong nội thành, nội thị, khuyến khích thu nhặt, tái tuần hoàn chất thải.
- Quy hoạch và xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn đủ công suất cho nhiều năm và đạt tiêu chuẩn môi trường, trong đó xây dựng các cơ sở xử lý, tái chế, chế biến thành phân vi sinh nhằm giảm tối đa khối lượng phải thải bỏ. Đầu tư xây dựng các hầm chôn hoặc các lò thiêu đốt chất thải công nghiệp độc hại, chất thải y tế.
- Khẩn trương xã hội hoá dịch vụ thu gom, xử lý chất thải rắn nhằm chia sẻ tránh nhiệm cho cộng đồng, từng bước giảm tải lên ngân sách của Nhà nước chi cho dịch vụ này. Nghiên cứu theo hướng đa thành phần tham gia, cùng với các công cụ kinh tế như phí ô nhiễm, thu thuế các bãi chôn nhằm giảm lượng chất thải và chi phí đối với sản phẩm. Tổ chức mạng lưới thu gom, phân loại, tái sử dụng các chất thải nhằm làm sạch môi trường, đem lại lợi ích kinh tế, tiết kiệm tài nguyên và giảm chi phí xử lý. Xử lý chất thải độc hại bằng quá trình hoá lý, sinh học, tách các chất độc hại ra khỏi rác.
- Phải xây dựng chiến lược quản lý chất thải để giải quyết bài toán này cho nhiều năm sau. Những vấn đề lớn về chất thải như: xử lý chất thải đô thị, các thị trấn, thị tứ tập trung hay không tập trung, Hải Phòng cần bao nhiêu bãi chôn lấp, sẽ sử dụng công nghệ nào, xã hội hoá và các bước tiến hành xã hội hoá về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, những vấn đề về công tác quản lý rác thải nông thôn, khu du lịch... nhất thiết phải được định hướng và có kế hoạch thực hiện ngay.
- Trước mắt cần tập trung giải quyết xử lý ô nhiễm môi trường tại bãi rác Tràng Cát, đóng cửa bãi rác Thượng lý, xử lý ô nhiễm các bãi tạm Đình Vũ, Lâm Sản, Tiên Cựu, các bãi Bàng La (Đồ Sơn), Đồng Trong (Cát Bà).
4. Giải quyết ô nhiễm không khí khu vực 5 quận nội thành:
- Đảm bảo khống chế ô nhiễm do khí thải công nghiệp từ các cơ sở sản xuất công nghiệp đang hoạt động. Phân loại để di dời các cơ sở sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường không khí trầm trọng ra khỏi khu vực nội thành; áp dụng các công nghệ lọc bụi, xử lý khí thải đối với tất cả các cơ sở sản xuất.
- Khống chế ô nhiễm do khí thải giao thông, quy hoạch mạng lưới giao thông, cải tạo, mở rộng mạng lưới hiện có, tổ chức tốt hệ thống giao thông công cộng, có các biện pháp chống ùn tắc giao thông, hạn chế sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân. Định hướng phát triển các thành phố vệ tinh xung quanh khu vực nội thành, có kết cấu hạ tầng hiện đại nhằm chia xẻ gánh nặng về đô thị hoá quá mức và giảm mật độ dân cư nội thành. Lựa chọn phương tiện giao thông theo hướng giảm thiểu ô nhiễm đối với môi trường không khí, kiểm soát chặt chẽ tình trạng kỹ thuật các phương tiện giao thông và các biện pháp phòng tránh ô nhiễm bụi do các phương tiện giao thông gây ra. Tiến tới cấm lưu thông các phương tiện quá cũ gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường. Áp dụng triệt để tiêu chuẩn khí thải và tiếng ồn đối với các phương tiện cơ giới do Nhà nước quy định.
- Cải thiện điều kiện chất đốt đối với sinh hoạt thành phố Hải Phòng. Tăng tỷ lệ chất đốt cao cấp, đến năm 2010 chiếm 80-85% (ở đô thị 40% điện và 40% ga, ở ngoại thành 15% điện và 5% ga còn lại là than chế biến).
5. Tài nguyên đất đô thị: Sử dụng qui hoạch đất làm công cụ hướng dẫn các khu nhà ở và khu công nghiệp đảm bảo xa các khu nhạy cảm với môi trường, có thể cải thiện rất nhiều chất lượng môi trường trong thành phố. Thực hiện nghiêm Luật xây dựng, sử dụng công cụ kinh tế như thuế, phí là những công cụ quan trọng của chính quyền để bảo vệ các khu vực nhạy cảm môi trường, ngăn ngừa sự chuyển biến không cần thiết đất nông nghiệp sang đất đô thị.
Tiến hành đánh giá tác động môi trường chiến lược đối với quy hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp, xây dựng các khu đô thị và các khu công nghiệp mới với các điều kiện vệ sinh môi trường, kết cấu hạ tầng về môi trường đồng bộ; kết hợp cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ với cải thiện các điều kiện về môi trường.
6. Thực hiện các dự án khắc phục và cải tạo những khu vực, vùng ô nhiễm và suy thoái nặng trong khu vực đô thị, thị trấn, thị tứ như: khu vực Công ty xi măng Hải Phòng, khu vực Máy Chai (quận Ngô Quyền), các khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn.
Tiến hành quy hoạch lại và di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm, cải tạo chất lượng đất, xây dựng và hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng để phát triển các công nghệ sạch hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất các khu vực bị ô nhiễm nặng do phát triển công nghiệp từ nhiều năm nay như Công ty xi măng Hải Phòng, khu vực Máy Chai. Nghiên cứu phương án sử dụng những không gian được giải phóng này cho phát triển khu dân cư, dịch vụ hay công viên cây xanh.
Bảo vệ môi trường các thị trấn, thị tứ vùng nông thôn phải gắn liền giảm nghèo, nâng cao nhận thức và hiểu biết của nhân dân, thực hiện kế hoạch hoá gia đình, nếp sống văn minh đô thị. Chú trọng bảo vệ môi trường các làng nghề bằng các biện pháp cải tiến công nghệ, xây dựng hệ thống xử lý chất thải tập trung hoặc quy hoạch các khu làng nghề với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đạt tiêu chuẩn môi trường.
7. Phát triển, củng cố sự tham gia của cộng đồng tiến tới sự bền vững về môi trường:
Đáp ứng các hoạt động của đô thị cần phải hành động nhịp nhàng của tất cả các cấp chính quyền, các đoàn thể, các xí nghiệp nhà nước và tư nhân, cộng đồng và từng người dân đô thị. Sử dụng phương tiện thông tin và sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.
Những bài học về quản lý môi trường đô thị ở Singapore

Đâu phải ngẫu nhiên mà Singapore trở thành một quốc đảo sạch vào bậc nhất thế giới. Chính từ những bài học đắt giá về hậu quả do sự phát triển công nghiệp mạnh mẽ làm gia tăng ô nhiễm không khí, rồi chất thải lỏng và chất thải rắn làm môi trường xuống cấp rõ rệt vào ba bốn thập kỷ trong thế kỷ trước, đã làm quốc đảo này sớm tỉnh ngộ. Không có con đường nào khác là phải tự mình thực hiện tốt các chương trình bảo vệ môi trường.

Đến nay, một cách nhìn toàn diện, chưa có nước nào có được môi trường đô thị tốt hơn Singapore. Đó là do quốc đảo này đã có một chiến lược quản lý môi trường hợp lý, thực hiện tốt kế hoạch hoá việc sử dụng đất đai, biết kiểm soát kế hoạch xây dựng và phát triển đô thị. Và điều quan trọng là đặc biệt chú trọng quản lý hạ tầng cơ sở, đi đôi với việc ban hành luật và kiểm tra giáo dục nghiêm ngặt.

1. Một chiến lược quản lý môi trường hợp lý

Để đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hoá với tốc độ cao, không những cần kinh phí cho môi trường mà còn phải tổ chức bộ máy. Ngay từ những năm đầu của thập kỷ 70 (thế kỷ XX), Singapore đã tổ chức Cục Phòng chống ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước và quản lý chất thải rắn. Tiếp đó, hai tổ chức này lại kiêm thêm trách nhiệm kiểm soát chất độc và xử lý chúng.

Chiến lược bảo vệ môi trường đô thị của Singapore gồm 4 thành phần: phòng ngừa, cưỡng bách, kiểm soát và giáo dục.

Những vấn đề cơ bản về ô nhiễm được phòng ngừa thông qua kế hoạch sử dụng đất đai hợp lý., chọn địa điểm công nghiệp thận trọng, kiểm soát gắt gao việc phát triển xây dựng, tăng cường trang bị phương tiện thu gom và xử lý chất thải. Một khi đã thực hiện biện pháp phòng ngừa thì bắt buộc kiểm tra nghiêm ngặt nhằm đảm bảo các phương tiện thu gom và xử lý chất thải được khai thác và bảo trì hợp lý.

Việc kiểm soát thường xuyên môi trường không khí và nước trong đất liền và nước biển cũng được thực hiện để tiếp cận các chương trình kiểm tra ô nhiễm môi trường một cách đầy đủ và có hiệuquả. Việc thực hiện nhiều chương trình giáo dục dân chúng tham gia bảo vệ và quản lý môi trường cũng là một nội dung quan trọng trong chiến lược chung.

2. Thực hiện tốt kế hoạch hoá sử dụng đất đai

Ở thời điểm đó, cục Tái phát triển đô thị thuộc Bộ Phát triển quốc gia là một cơ quan lập kế hoạch và kiểm soát phát triển Singapore. Cơ quan này chịu trách nhiệm lập kế hoạch tổng thể để chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn và phát triển vật chất ở quốc đảo này. Đất đai sử dụng vào các mục đích khác nhau phải được bảo vệ nhằm thực hiện phát triển xã hội và kinh tế đồng thời duy trì một môi trường có chất lượng cao. Việc kiểm soát môi trường được kết hợp trong kế hoạch sử dụng đất đai, tạo điều kiện chọn vị trí hợp lý cho công trình, hài hoà với việc sử dụng đất xung quanh để tạo nên một môi trường lành mạnh.

Khi kiểm soát môi trường, thường kết hợp xem xét vấn đề về lưu vực trữ nước và chọn địa điểm xây dựng công nghiệp. Do vậy, đã giải quyết tốt vấn đề thoát nước chung và giải quyết thích đáng mâu thuẫn giữa phát triển khu công nghiệp và ô nhiễm môi trường khu dân cư. Để chỉ đạo tốt việc lập kế hoạch sử dụng đất đai, đã phân loại công nghiệp theo mức độ sạch, đồng thời chú ý đến việc bố trí các công năng tương thích khác như công trình thương mại, giải trí, công viên, đường sá, bãi đỗ xe bên trong vùng đệm của khu công nghiệp.

Nhằm giảm thiểu những nguy hiểm trong việc xử lý các chất độc hại, đã đưa các nhà máy sử dụng nhiều hoá chất ra các hòn đảo khác hoặc bố trí thật xa khu đất ở.

3. Kiểm soát chặt chẽ kế hoạch xây dựng và phát triển đô thị

Khi kiến nghị về phát triển xây dựng đã được duyệt và đưa vào kế hoạch, đơn vị chủ trì có thể bắt tay vào việc đệ trình kế hoạch xây dựng cho Ban kiểm tra xây dựng của Vụ Công chính để xét duyệt. Bên cạnh thủ tục và kế hoạch xây dựng, đơn vị chủ trì còn phải gửi kế hoạch cho các Vụ Quản lý kỹ thuật, trong đó có Vụ Kiểm soát ô nhiễm để giải quyết những yêu cầu kỹ thuật. Vụ này kiểm tra các kế hoạch phát triển xem có phù hợp với yêu cầu kỹ thuật về y tế môi trường, thoát nước và kiểm soát ô nhiễm, đồng thời xác nhận sự hợp lệ của các kết quả đo kiểm ô nhiễm kết hợp ngay trong thiết kế công trình.

Sau khi đã kiểm tra dự án phát triển xây dựng, Vụ Kiểm soát môi trường tiến hành thanh tra trước khi trình thuyết minh cho Ban Kiểm tra Xây dựng để cấp phép tạm thời hoặc chứng chỉ hoàn tất hợp pháp để thực hiện xây dựng. Các công trình xây dựng công nghiệp, phải có giấy phép hoặc chứng chỉ xác nhận của Vụ Kiểm soát ô nhiễm mới được khởi công.

Trong phát triển đô thị, vai trò của Vụ Kiểm soát ô nhiễm cũng rất quan trọng. Ban phát triển đô thị và nhà ở phải được sự nhất trí của Vụ này trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng công trình công nghiệp. Vụ này đánh giá tác động môi trường của những công trình công nghiệp kiến nghị xây dựng, khi thấy đảm bảo an toàn về y tế và đảm bảo tiêu chuẩn môi trường mới cho phép xây dựng.

4. Chú trọng quản lý hạ tầng cơ sở môi trường

Hai vấn đề lớn được chú trọng mà cũng là thành công lớn ở Singapore là quản lý hệ thống thoát nước và quản lý chất thải rắn. Đó là việc cung cấp hệ thống thoát nước toàn diện để thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất và tổ chức một hệ thống quản lý chất thải rắn rất có hiệu quả.

Hệ thống thoát nước ở Singapore phục vụ tất cả các công trình công nghiệp và hơn 97% khu vực dân dụng. Hệ thống này gồm trên 2500 km đường ống và cống, cộng với hàng trăm trạm bơm và hàng chục nhà máy xử lý nước thải. Một tỷ lệ rất nhỏ của khu vực dân dụng là do những nhà mý xử lý tại chỗ đảm nhiệm.

Hầu hết nước thải đều đưa ra hệ thống thải công cộng. Nước thải công nghiệp đều được xử lý và đạt tiêu chuẩn quy định trước khi đưa vào mạng đường ống chung. Nước chảy từ các nhà máy xử lý nước thải đều đưa ra biển hoặc các cửa sông. Nước này phải đạt tiêu chuẩn 20mg/l về hàm lượng oxuýt hoá - sinh và 30mg/l hàm lượng chất lơ lửng, nghĩa là có thể xả với nước trong nội địa.

Về quản lý chất thải, Singapore có một hệ thống thu gom rác thải hoàn thiện và có hiệu quả. Mọi chất thải rắn đều được thu gom và xử lý hàng ngày. Để thu gom hàng ngày, cần phải xử lý các chất thải hữu cơ bị thối rữa. Dịch vụ thu gom chất thải rắn đo thị đáng tin cậy và đã áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành.

Vì ở quốc đảo này đất đai khan hiếm nên hầu như các chất thải rắn đều phải thiêu đốt. Đối với các chất thải không thể đốt được và tro từ các nhà máy đốt rác sẽ được xử lý tại bãi thải vệ sinh lớn. Chất đã làm sạch từ bãi này lại được thu gom và xử lý trước khi thải ra biển.

5. Ban hành luật lệ và giáo dục nghiêm ngặt

Ban hành luật lệ ở Singapore đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát ô nhiễm để bảo vệ môi trường. Các biện pháp nêu trong Luật thường xuyên được xem xét định kỳ để bổ sung cho chặt chẽ và hợp lý hơn.
Vụ Kiểm soát ô nhiễm phải thường xuyên thanh tra các khu công nghiệp và dân dụng để đảm bảo sự phù hợp với yêu cầu kiểm soát ô nhiễm. Lấy mẫu để xử lý, thử nghiệm nguồn, phân tích lò, quan trắc bụi khói là những việc làm thường xuyên và bắt buộc để phòng ngừa các vi phạm.

Sự nhận thức của cộng đồng về môi trường là yếu tố quan trọng nhát làm cơ sở để duy trì và phát triển thích hợp cho Singapore về môi trường đô thị. Tại đây, người ta đã thực hiện nhiều chương trình giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của quần chúng về môi trường và động viên họ tham gia tích cực vào việc bảo vệ và giữ gìn môi trường.

Các chương trình giáo dục về môi trường bao gồm từ tiểu học, trung học đến đại học. Thiếu nhi cũng tham gia vào các chuyến tham quan về bảo vệ thiên nhiên, làm quen với trang thiết bị xử lý và tái chế chất thải. Các trường học cũng tổ chức nhiều cuộc triển lãm để tuyên truyền về nhận thức môi trường và tái chế chất thải. Bộ Môi trường thường xuyên làm việc với các tổ chức xã hội để thực hiện những chiến dịch giáo dục tới tận các cộgn đồng dân cư, tới công chức và khu vực tư nhân.

Như vậy, Singapore đã chọn con đường tổng hợp để kiểm soát mọi sự phát triển về kế hoạch sử dụng đất đai, các giai đoạn kiểm tra, mở rộng và xây dựng mới nhằm giảm thiểu những tác động gây ô nhiễm môi trường đô thị. Ưu điểm về các hệ thống thoát nước và thu gom, xử lý chất thải tại đây đã loại trừ và giảm thiểu được nguy cơ ô nhiễm nước và đất đai. Tất cả những biện pháp nêu trên làm cho quốc đảo này có một môi trường trong sạch. Thiết tưởng đây cũng là những bài học quý giá, cần nghiên cứu và học tập.


Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0,745 giây.

Thông báo

Icon
Error