Tọa đàm khoa học: “Hệ thống nông lương trong tương lai - Động lực và các nhân tố kích hoạt"


26-04-2023
Sáng ngày 25/4/2023, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cùng Tổ chức Nông lương quốc tế (FAO) đã tổ chức thành công Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Hệ thống nông lương trong tương lai - Động lực và các nhân tố kích hoạt”.

Quang cảnh Toạ đàm

Tham dự Toạ đàm, về phía đại biểu ngoài trường có PGS.TS Andrea Carr - Hiệu trưởng Trường dự bị đại học, kiêm Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế và Kinh doanh thuộc Đại học Tasmania; TS. Mala Raghavan - Quyền Trưởng Khoa Kinh tế và kinh doanh của Trường Kinh tế và kinh doanh thuộc Đại học Tasmania, Australia; ông Lorenzo Giovanni Bellu - Lãnh đạo Cơ quan học thuật về thông tin chính sách, Nhóm Nghiên cứu triển vọng Toàn cầu của FAO; ông Giovanni Pilato - Trợ lý chương trình FAO cho Chính phủ và UN tại Việt Nam; ông Nguyễn Thái Anh - Đại diện FAO tại Việt Nam; ông Nguyễn Tiến Định - Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Bộ NN&PTNT; ông Đặng Văn Cường - Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường nông sản; bà Trương Thu Trang – IPSARD; ông Nguyễn Hữu Khánh - Viện Chiến lược Phát triển, Bộ KH&ĐT; ông Trịnh Quang Tú - Viện nghiên cứu thuỷ sản, Bộ NN&PTNT; ông Nguyễn Đức Hưng - Giám đốc điều hành Công ty XNK thực phẩm toàn cầu; PGS.TS Nguyễn An Thịnh - Trưởng khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế, Đại học QGHN.

Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng; GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý khoa học; PGS.TS Ngô Thị Phương Thảo - Trưởng khoa Bất động sản và KTTN; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm; các chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên đến từ các cơ quan quản lý, các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu trên cả nước.

PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, những năm gần đây, dưới sự tác động của dịch bệnh Covid-19, khủng khoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu dẫn đến vai trò của nông nghiệp Việt Nam càng được phát huy. Sự ổn định nền kinh tế của Việt Nam những năm vừa qua có sự đóng góp hết sức to lớn của ngành nông nghiệp. Bước vào giai đoạn phát triển mới, nông nghiệp đang trong quá trình chuyển mạnh sang kinh tế thị trường theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Những chương trình tái cấu trúc kinh tế ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh kinh doanh nông nghiệp hàng hóa tiến tới nền nông nghiệp bền vững đã và đang đặt ra cho nông nghiệp, nông thôn Việt Nam những cơ hội mới để phát triển; đồng thời cũng đặt ra những nhiệm vụ và thách thức mới, đòi hỏi cần huy động các nguồn lực một cách mạnh mẽ hơn, sử dụng một cách hiệu quả hơn. Việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức và kĩ năng đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp thông minh có vai trò rất quan trọng.

PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu nhấn mạnh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là trường trọng điểm hàng đầu về Kinh tế, Kinh doanh và Quản lý, là cơ quan tư vấn chính sách cho Chính phủ và các địa phương về kinh tế xã hội. Trường luôn không ngừng đổi mới chất lượng đào tạo và nghiên cứu, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức nước ngoài. Trong khuôn khổ Tọa đàm, Phó Giáo sư, Phó Hiệu trưởng kỳ vọng sẽ nhận được nhiều chia sẻ, đóng góp của các chuyên gia về những vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp bền vững, về kinh nghiệm của các nước trong nghiên cứu và đào tạo tư vấn chính sách về nông nghiệp nông thôn, để từ đó có những định hướng lâu dài cho phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững.

Bà Trương Thu Trang - Đại diện IPSARD trình bày tham luận: Định hướng phát triển ngành Nông nghiệp Việt Nam bền vững đến năm 2030 và những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu chính sách

PGS.TS Ngô Thị Phương Thảo - Trưởng khoa Bất động sản và KTTN, Trường ĐH KTQD trình bày tham luận: Định hướng nghiên cứu chính sách và đào tạo ngành Nông nghiệp trong các Trường Đại học ở Việt nam nhằm góp phần xây dựng hệ thống nông lương bền vững trong tương lai

Bà Mala Raghavan - Quyền Trưởng Khoa Kinh tế và Kinh doanh, Trường Kinh doanh và Kinh tế, Trường Đại học Tasmania, Australia trình bày tham luận: Agri-Food Trade Channel and the ASEAN Macroeconomic Impacts from Output and Price Shocks

Ông Lorenzo Giovanni Bellu - Lãnh đạo của Cơ quan học thuật về thông tin chính sách, FAO trình bày tham luận: FAO’s strategy foresight exercises, key findings of the FOFA-DTT, focussed on drivers and triggers of transformation and strategic options

Nông nghiệp là một trong các ngành sản xuất vật chất của nền kinh tế quốc dân. Vai trò quan trọng của nông nghiệp được xác định ở chức năng sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm - những sản phẩm tối cần thiết cho sự sống của con người; cung cấp các yếu tố đầu vào cho công nghiệp, hình thành nên các ngành công nghiệp chế biến; xuất khẩu các nông sản, đóng góp GDP cho nền kinh tế, tạo nguồn vốn cho công nghiệp hoá, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết các vấn đề xã hội nông thôn.

Ở Việt Nam, nông nghiệp luôn là bộ phận cấu thành quan trọng và không thể thiếu được của nền kinh tế quốc dân. Vì vậy Đảng và Nhà nước luôn có nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp nhằm hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp. Nhờ đó, nông nghiệp Việt Nam đã có những đóng góp rất quan trọng vào quá trình đổi mới và phát triển kinh tế đất nước. Trên mặt trận sản xuất lương thực, sự chuyển biến của nông nghiệp đã biến Việt Nam từ thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu lương thực thứ 2 thế giới. Nhờ thành tựu của sản xuất lương thực, sản xuất nông nghiệp có sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, hiệu quả từng bước được nâng lên, bộ mặt kinh tế, xã hội nông thôn từng bước được cải thiện.

Tại Toạ đàm, các chuyên gia, các nhà khoa học đã trao đổi và chỉ ra tầm quan trọng của việc chuyển từ các phương pháp dự báo ngắn hạn sang dự báo dài hạn về tương lai của hệ thống nông lương; Cách chuyển đổi các hệ thống nông lương để hiện thực hóa tính bền vững và khả năng phục hồi lâu dài hơn; cũng như biện pháp thúc đẩy thị trường nông sản toàn cầu theo những cách bền vững để tránh sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và bóp méo giá cả.

Các đại biểu tham dự Toạ đàm cùng chụp ảnh lưu niệm

Cũng trong khuôn khổ chương trình Toạ đàm, trước đó, GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị đã có buổi tiếp đón và làm việc với đoàn cán bộ của Tổ chức Nông lương quốc tế (FAO) và Trường Đại học Tasmania (Australia) đến thăm và tham dự Toạ đàm. 

Quang cảnh tại buổi tiếp đón

Tại buổi tiếp đón, GS.TS Phạm Hồng Chương đã dành thời gian trao đổi, giới thiệu về lịch sử phát triển, thế mạnh cùng những thành tựu đạt được của Trường trong những năm gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Giáo sư Hiệu trưởng hi vọng, thông qua Toạ đàm ngày hôm nay sẽ thúc đẩy sự phát triển hợp tác hơn nữa giữa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân với các chương trình, các tổ chức quốc tế cũng như các trường đại học hàng đầu thế giới trong việc tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học mang tầm khu vực và quốc tế./.

 


Nguồn: NEU Người đăng:NEU
26-04-2023

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày