Tới tham dự buổi Tọa đàm đối thoại chính sách, về phía đại biểu khách mời ngoài Trường, chương trình được vinh dự có sự góp mặt của GS.TSKH Trần Văn Nhung - Tổng thư kí Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; PGS.TS Trần Quang Quý - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; TS Trịnh Ngọc Thạch - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội; TS Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); GS.TSKH Phạm Sỹ Tiến - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cùng với sự tham dự của đại diện ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật giáo dục Đại học; đại diện lãnh đạo của các trường Đại học và các chuyên gia.
Về phía trường Đại học Kinh tế Quốc dân, có sự hiện diện của PGS.TS Trần Thị Vân Hoa - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng QLKH; PGS.TS Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học; PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo; PGS.TS Đỗ Thị Hải Hà - Trưởng khoa KHQL; PGS.TS Vũ Thị Minh - Trưởng khoa BĐS&KTTN; PGS.TS Phạm Quang - Trưởng khoa ĐH Tại chức; PGS.TS Trần Thị Bích - Trưởng Khoa Thống Kê; PGS.TS Lưu Bích Ngọc - Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nhân lực; PGS.TS Nguyễn Minh Ngọc - Viện trưởng Viện NCKT&PT, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trong trường. Đối thoại chính sách cũng vinh dự có sự tham dự của Nhà khoa học đầu ngành từ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: GS.TSKH Lương Xuân Quỳ - Nguyên Hiệu trưởng, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa IX và khóa X; GS.TS Nguyễn Văn Nam - Nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Hiệu trưởng; GS.TS Phan Công Nghĩa - Nguyên Phó Hiệu trưởng; GS.TS Đặng Thị Loan - Nguyên Phó Hiệu trưởng; GS.TS Nguyễn Viết Lâm - Nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ, nguyên Trưởng khoa Đại học Tại chức; GS.TS Nguyễn Kế Tuấn - Nguyên Trưởng khoa QTKD; GS.TS Nguyễn Quang Dong - Nguyên Trưởng phòng QLĐT; GS.TS Đặng Đình Đào -Nguyên Viện trưởng Viện NCKT&PT; GS.TS Đỗ Đức Bình - Nguyên Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế; GS.TS Hoàng Văn Hoa - Nguyên Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế.
PGS.TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tại buổi Tọa đàm
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, PGS.TS Trần Thị Vân Hoa - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh: "Sau 5 năm thực hiện, Luật giáo dục Đại học năm 2012 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập tạo nên những điểm nghẽn trong quá trình đổi mới toàn diện của giáo dục Đại học trong bối cảnh mới của thời đại và tiến trình hội nhập quốc tế. Thực tế này đòi hỏi luật cần được bổ sung và sửa đổi". Tại kì họp thứ 5 Quốc Hội khóa XIV, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi và bổ sung được đưa ra thảo luận. So với Luật Đại học năm 2012, dự thảo đã đề xuất sửa đổi 31 điều trong tổng số 73 điều, bổ sung 2 điều, bãi bỏ 1 điều.
TS Nguyễn Thị Thu Thủy - Thường trực Ban soạn thảo sửa đổi và bổ sung Luật Giáo dục Đại học chia sẻ nội dung chính của dự thảo luật
Tại buổi Tọa đàm, TS Nguyễn Thị Thu Thủy - Thường trực Ban soạn thảo sửa đổi và bổ sung Luật Giáo dục Đại học chia sẻ nội dung chính của dự thảo luật lần này nhằm mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ Đại học, đổi mới quản trị Đại học, quản lý Đào tạo và quản lý Nhà nước trong điều kiện tự chủ Đại học.
PGS.TS Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học trình bày tham luận tại buổi Tọa đàm đối thoại chính sách
Tham gia tham luận tại buổi Tọa đàm đối thoại chính sách, PGS.TS Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học đã đưa ra những ý kiến về cơ hội và thách thức từ góc nhìn của trường Đại học tự chủ. Những cơ hội mới mở ra khi Nhà trường tự chủ về tổ chức bộ máy nhân sự, tự chủ về giảng viên, tự chủ về đào tạo và nghiên cứu khoa học, tự chủ về tài chính. Bên cạnh những cơ hội như Hội đồng trường có thể chủ động quyết định về bộ máy nhân sự, duy trì và phát triển đội ngũ giảng viên theo chiến lược phát triển nhờ chính sách thu hút, tuyển chọn và đãi ngộ, chủ động phê duyệt các đề án liên kết đào tạo nước ngoài, mở các ngành học mới dựa trên chủ trương của Hội đồng trường, tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch tài chính ngắn, trung và dài hạn… thì những thách thức cũng đặt ra rất lớn trong việc lựa chọn Chủ tịch Hội đồng trường, hiện tượng chảy máu chất xám đối với giảng viên có năng lực, áp lực trong việc tuyển sinh và đảm bảo quy mô đào tạo, việc tuyển sinh ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu các trường do nguồn thu từ học phí vẫn chiếm tỉ trọng rất lớn…
Luật sư Nguyễn Kim Dung trình bày tham luận tại buổi Tọa đàm
Ở một góc nhìn khác, luật sư Nguyễn Kim Dung đưa ra những đánh giá về các chính sách cho các cơ sở giáo dục Đại học ngoài công lập. Theo luật sư Nguyễn Kim Dung thì việc liên kết đào tạo trong dự thảo chú trọng hơn tới điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục của các đơn vị liên kết đào tạo nước ngoài. Đây là một điểm trong dự thảo luật sửa đổi sẽ làm cho giáo dục ngoài công lập phát triển hơn.
Buổi Đối thoại chính sách đã diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều ý kiến thẳng thắn, xây dựng của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý. Các chuyên gia cũng tham mưu và đề xuất những kiến nghị trong dự thảo Luật sửa đổi và bổ sung Luật Giáo dục Đại học. Có thể khẳng định, những đề xuất của các chuyên gia, các nhà khoa học với góc nhìn đa chiều sẽ là những cơ sở khoa học, những luận cứ để các cơ quan chức năng tham khảo, sử dụng trong quá trình sửa đổi và hoạch định chính sách trong thời gian tới.
Một số hình ảnh các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia đóng góp ý kiến tại buổi đối thoại chính sách
Các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý cùng chụp ảnh lưu niệm