Đến tham sự Hội thảo, về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có GS. TS Trần Thọ Đạt – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường; PGS. TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng; GS. TS Phan Công Nghĩa – nguyên Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Phạm Trương Hoàng - Trưởng Khoa Du lịch và Khách sạn; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm. Về phía khách mời ngoài trường có ông Vũ Quốc Trí – Chánh văn phòng Tổng cục du lịch Việt Nam; cùng các học giả quốc tế và các nhà khoa học trong nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan quản lý du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực lữ hành, khách sạn...
GS. TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS. TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng Nhà trường nhiệt liệt đón chào các quý vị đại biểu, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp đã tham dự diễn đàn khoa học ý nghĩa này. Giáo sư Hiệu trưởng nhấn mạnh: “Giao lưu hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng lan tỏa trên thế giới. Như một cách tự nhiên, hội nhập quốc tế ngày một mở rộng cho dù vẫn còn không ít rào cản cho xu hướng này. Thế giới phát triển thúc đẩy mong muốn của con người được học hỏi, giải trí và hoàn thiện bản thân, giành cho con người nhiều thời gian và tiền bạc hơn để làm được những việc đó. Du lịch ngày nay có tác động rộng lớn tới đời sống của con người và ngược lại, du lịch chịu tác động mạnh từ những thay đổi của các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường và cả nhận thức, hiểu biết của xã hội. Bối cảnh phát triển của thế giới thay đổi đặt ra những yêu cầu mới cho phát triển và kinh doanh du lịch và du lịch hiện đại chứa đựng những vấn đề mới về lý luận và thực tiễn”. Giáo sư Hiệu trưởng mong muốn các ý kiến được thảo luận bởi các nhà khoa học sẽ được tổng hợp để kiến nghị chính sách với các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian tới.
Đoàn chủ tọa điều hành Hội thảo
Ông Vũ Quốc Trí - Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Quốc Trí - Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng chia sẻ, một trong những yêu cầu mới của phát triển du lịch là bền vững. "Cốt lõi của du lịch có trách nhiệm là phát triển du lịch bền vững, đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm ảnh hưởng tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ sau". Do đó, ông Trí cho rằng, để tạo ra ngành du lịch năng động và hiệu suất, ngành du lịch Việt Nam cần được hỗ trợ hệ thống chính sách rõ ràng, toàn diện, nhằm đưa ra phương hướng và hỗ trợ ngành hoạt động hiệu quả, với đặc điểm là sự điều phối hiệu quả các đối tác, dẫn đến nâng cao khả năng cạnh tranh, tính bền vững và sức mạnh chung của ngành.
Các học giả tham luận tại Hội thảo
Hội thảo gồm có 3 phiên với các chủ đề: Phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập, Du lịch có trách nhiệm và Du lịch – Những quan điểm mới. Các tác giả tham gia trao đổi các vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển ngành du lịch trong thời kỳ hội nhập một cách bền vững, nội dung xoay quanh các vấn đề: (1) Cơ cấu và phát triển ngành du lịch trong bối cảnh mới: hành vi người tiêu dùng, chiến lược doanh nghiệp, công nghệ và du lịch...; (2) Thách thức đối với ngành du lịch trong bối cảnh mới: các rào cản chính sách, luật pháp, rào cản về sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và du lịch, du lịch với môi trường...; (3) Hợp tác trong phát triển du lịch: các mô hình hợp tác, liên kết phát triển vùng, tiểu vùng, thể chế cho liên kết...; (4) Quản lý du lịch: chính sách, xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, nhân lực du lịch, vai trò của cộng đồng... (5) Tầm nhìn mới cho phát triển du lịch: du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, công nghệ và du lịch, du lịch dựa vào cộng đồng, du lịch xanh...; (6) Những vấn đề đặt ra cho du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập: xu hướng hội nhập, hợp tác, cạnh tranh toàn cầu, giao lưu mở rộng.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh kỷ niệm
Tại hội thảo, các nhà khoa học quốc tế và trong nước đã thảo luận về những vấn đề hiện đại trong phát triển du lịch với bối cảnh hội nhập, hội nhập quốc tế và khu vực tác động mạnh mẽ tới bối cảnh và môi trường kinh doanh. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp có những chiến lược thích ứng, các nhà quản lý có những định hướng phát triển năng động và sáng tạo. Trong những xu hướng phát triển mới, khoa học du lịch phải được thảo luận ở các góc độ chính sách, chiến lược và nghệ thuật. Những khía cạnh mới về phát triển du lịch sáng tạo, đổi mới doanh nghiệp trong du lịch cũng là những hướng phát triển tiên phong trong thực tiễn cũng như trong nghiên cứu du lịch hiện đại.