Đoàn công tác của Nhà trường gồm có PGS.TS Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Hội đồng trường làm Trưởng đoàn; GS.TS Ngô Thắng Lợi, Trưởng Bộ môn Kinh tế phát triển, Khoa Kế hoạch & Phát triển – Giảng viên hướng dẫn Chương trình; PGS.TS Vũ Thành Hưởng - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chương trình Sau đại học, Chủ nhiệm Chương trình Executive - MBA, Viện Đào tạo Sau đại học; ThS Lã Thị Bích Quang – Chánh Văn phòng, Viện Đào tạo Sau đại học; cùng toàn thể các học viên của các lớp Quản lý Nhà nước khóa 6 và khóa 7 Chương trình Executive - MBA.
Đoàn chủ tịch điều hành buổi làm việc
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Nhà trường, về phía thành phố Cần Thơ có ông Hà Vũ Sơn - Phó Chánh văn phòng Thành uỷ thành phố Cần Thơ; ông Nguyễn Hoàng Ba – Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ; bà Nguyễn Việt Thuỳ Uyên – Trưởng phòng Cải cách Hành chính, Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ; cùng các cán bộ, viên chức văn phòng Thành uỷ thành phố Cần Thơ và Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ.
Phát biểu tại buổi tiếp đón và làm việc, PGS.TS Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng trường trường Đại học Kinh tế Quốc dân cảm ơn Ban lãnh đạo Thành uỷ thành phố Cần Thơ; Ban lãnh đạo Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ đã tạo điều kiện để học viên các lớp Quản lý Nhà nước Chương trình Executive - MBA của trường Đại học Kinh tế Quốc dân đến thăm quan, học tập và nghiên cứu trực tiếp tại Thành uỷ thành phố và Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ. PGS.TS Nguyễn Thanh Hà hy vọng sau chuyến nghiên cứu thực tiễn lần này, các học viên của các lớp Quản lý Nhà nước Chương trình Executive - MBA sẽ nắm bắt được các tình huống thực tế tại địa phương, từ đó nâng cao khả năng và kỹ năng điều hành thực tế, nâng cao khả năng vận dụng phương pháp nghiên cứu tình huống (case study). Với chủ đề của chuyến Field trip lần này là Nâng cao chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), các học viên của các lớp Quản lý Nhà nước sẽ có được cách nhìn sáng tạo hơn trong công tác quản lý trong đơn vịmình công tác, PGS.TS Nguyễn Thanh Hà cho biết.
Chỉ số PAPI - do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển-Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đề xuất từ năm 2009, được chính thức sử dụng trong phạm vi cả nước năm 2011) là công cụ phản ánh tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Đây là một chỉ số quan trọng (cùng với PCI, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với sự hợp tác nghiên cứu và trợ giúp của Cơ quan hợp tác Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ US-AID thể hiện tiếng nói của doanh nghiệp đối với chính quyền địa phương trong việc tạo môi trường và cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp) được xem như là công cụ để đánh giá việc thực hiện một thông điệp cụ thể, mạnh mẽ của Chính phủ trong cải cách thể chế nhằm đạt được mục tiêu hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đặt ra, đó là: “nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân...” (Trích lời tuyên thệ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc). Đây là một nội dung khá quan trọng cần nghiên cứu sâu hơn về lý luận và được xem xét cụ thể ở một địa phương điển hình nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc gắn kết giữa đào tạo trên lớp với thực tiễn của Chương trình đào tạo thạc sĩ Executive MBA nói chung và lớp quản lý nhà nước nói riêng. Ngày 4-4-2018, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) phối hợp Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT), Công ty Phân tích Thời gian thực và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức công bố Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2017. Theo đó, giá trị PAPI nhận được của Cần Thơ là 38,3 điểm, đứng vị trí thư 9 trong bảng xếp loại 63 tỉnh thành phố trong cả nước (thấp hơn năm 2016, đạt 39,57 điểm và đứng thứ nhất). Tuy nhiên, nếu nhìn lại theo các chuỗi thời gian dài hơn, cho thấy giá trị PAPI nhận được của Cần Thơ luôn có sự biến động: năm 2011, xếp thứ 15, 2012: 36; 2013: 25; 2014: 55, 2015: 2; năm 2016: 1 và năm 2017: 9/63 tỉnh, thành phố. Những biến động “thăng trầm” về giá trị nhận được và vị trí xếp hạng PAPI và những vị trí xếp hạng khá cao trong những năm cuối của Cần Thơ, chính là “đất” để có thể nghiên cứu chỉ số này một cách tốt nhất nhằm tìm ra được những kinh nghiệm của địa phương trong việc cải tiến nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ quản trị và hành chính công của Thành phố.
Chỉ số PAPI đo lường mức độ hiệu quả trong công tác quản trị và hành chính công ở cấp tỉnh hàng năm thông qua 06 nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính; cung ứng dịch vụ công. Xem xét động thái thay đổi các chỉ số thành phần theo chuỗi thời gian từ 2011 đến nay cho thấy ở Cần Thơ, có một số chỉ số luôn nhận được giá trị cao, trong khi đó có một số chỉ số nhận giá trị thấp hơn rất nhiều và chưa được cải thiện theo thời gian. Đây là một dấu hiệu khá quan trọng để nghiên cứu có thể khai thác một số chỉ số chính (bao gồm cả chỉ số luôn nhận giá trị cao và chỉ số chưa được cải thiện) nhằm một mặt tìm hiểu được những kinh nghiệm mà Cần Thơ đã đã làm tốt (đối với những chỉ số nhận giá trị cao) và góp ý cho Thành phố những giải pháp (đối với các chỉ số chưa tốt) để nhằm cải thiện hơn nữa, nhất là bảo đảm tính bền vững của chỉ số PAPI đối với Cần Thơ.
Một số hình ảnh của chương trình:
Các học viên của Chương trình sôi nổi tham gia thảo luận
Lãnh đạo Thành uỷ thành phố Cần Thơ và Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ và Đoàn công tác của Nhà trường chụp ảnh lưu niệm