Chân dung nhà khoa học của Đại học Kinh tế Quốc dân được Tổ chức REPEC xếp vào danh sách 5% nhà khoa học hàng đầu của thế giới


30-01-2018
Họ là những tiến sĩ thuộc thế hệ 7X, 8X nhưng đều là những người tiên phong việc công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội, lĩnh vực vốn được xem là chậm chân hơn so với khoa học tự nhiên về mức độ hội nhập quốc tế.

TS Nguyễn Việt Cường

Đó là TS. Nguyễn Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách công và Quản lý, trường Đại học Kinh tế quốc dân, người lọt vào top 5% nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu theo xếp hạng của REPEC. 

TS. Nguyễn Việt Cường - từ ngưỡng mộ chuyển thành hiện thực

Gặp TS. Nguyễn Việt Cường trong một buổi sáng mùa đông, vốn là nhà khoa học nên anh không nói nhiều, khá kiệm lời. Chia sẻ về con đường đưa anh đến với các bài báo quốc tế, anh cho biết khoảng 10 năm trước, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tự nhiên đã xuất hiện nhiều nhưng trong lĩnh vực kinh tế thì rất ít.

“Ngày đó, tôi gặp lại một số người bạn đi học nước ngoài về làm việc tại Việt Nam và họ đã có những bài báo công bố trên thế giới. Tôi ngưỡng mộ lắm. Tôi muốn thử xem mình có viết được không. Ban đầu, tôi tự tìm một chủ đề nào đó rồi viết, rồi gửi bài. Cứ như thế, vừa viết vừa học hỏi kinh nghiệm từ thầy cô, từ bạn bè, đồng nghiệp, viết dần thành quen. Lúc đầu mà nói say mê luôn thì chắc không phải” – TS. Nguyễn Việt Cường thú nhận. Bài báo khoa học đầu tiên của anh trên tạp chí khoa học quốc tế vào năm 2008 là “Đánh giá tác động của kiều hối lên giảm nghèo và bất bình đẳng” đăng trên Tạp chí Economic Bulletin. Anh không còn nhớ rõ “hình hài” nó thế nào, vì sau đó, anh bảo do viết nhiều quá. Cũng chính vì năng suất hơi cao nên đôi khi theo anh, chất lượng các bài báo chỉ ở mức khá. Bây giờ, có lẽ do đã qua giai đoạn “say máu chiến thắng” nên anh “kén” các đề tài hơn rất nhiều.

Để có được thành công như ngày hôm nay, theo TS. Nguyễn Việt Cường đó là  nằm ở sự hợp tác. Làm nghiên cứu theo nhóm rồi tập trung viết bài cùng nhau, giúp anh học hỏi được rất nhiều từ bạn bè đồng nghiệp. Tuy nhiên, anh vẫn đau đáu một điều là làm thế nào để “lôi kéo” được mọi người cùng tham gia nghiên cứu khoa học. Đôi khi nghe anh nói về ý tưởng của mình, bạn bè, đồng nghiệp rất hào hứng tham gia, nhưng khi bắt tay vào làm thì những người muốn đi đến cùng với anh cứ rơi rụng dần.

“Cũng phải thôi, viết một bài báo quốc tế, làm việc toàn thời gian phải mất 3-4 tháng với những người viết quen. Còn người mới thì lâu hơn. Nhưng chẳng để làm gì. Thưởng không đáng là bao, còn điểm cộng để xét GS, PGS thì cũng chỉ tương đương bài báo trong nước” – TS. Nguyễn Việt Cường chia sẻ.  Tuy nhiên, TS. Nguyễn Việt Cường cũng rất lạc quan khi khẳng định hiện nay, các bài báo công bố quốc tế đối với lĩnh vực kinh tế đang có sự phát triển, tăng theo thời gian. Nhiều bạn trẻ đi học ở nước ngoài trở về nước làm việc nên còn nhiều tiềm năng.

Theo bảng xếp hạng mới đây của dự án Nghiên cứu kinh tế RePec, Việt Nam có hai nhà kinh tế lọt vào top 5% trong tổng số hơn 55.000 nhà kinh tế trên thế giới. Trong đó, TS. Nguyễn Việt Cường là người duy nhất đang làm việc tại Việt Nam. Nhiều nghiên cứu của anh được xuất bản ở các tạp chí quốc tế như American Political Science Review, World Bank Economic Review, …

Trong số đó có bài giành giải Bài nghiên cứu xuất sắc nhất năm 2015 của The Journal of International Trade & Economic Development với nghiên cứu về “Tác động của thuận lợi hóa thương mại lên nghèo đói và bất bình đẳng: Bằng chứng từ các quốc gia thu nhập thấp và trung bình”. Theo thống kê của REPEC, TS. Nguyễn Việt Cường đã công bố 95 ấn phẩm nghiên cứu và 50 bài báo khoa học trong giai đoạn từ 2002 đến nay.


Nguồn: báo Tiền Phong số ngày 23/1/2018 Người đăng:NEU Alumni
30-01-2018

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày