Tham dự tọa đàm, về phía đại biểu ngoài trường có PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên Môi trường, Bộ TN&MT; TS Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch tại Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT; cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội; Ban Kinh tế Trung ương; Văn phòng Chính phủ; Bộ Tài chính; Bộ Xây dựng; Bộ Kế hoạch & Đầu tư; Bộ Công thương; đại diện lãnh đạo các Trường đại học, học viện; các doanh nghiệp, các tổ chức chức phi chính phủ; cùng các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế và môi trường. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có GS.TS Trần Thọ Đạt – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS Bùi Đức Thọ - Phó Hiệu trưởng; cùng các thành viên Hội đồng Khoa học & Đào tạo; Hội đồng Giáo sư; đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm trong toàn trường.
PGS.TS Bùi Đức Thọ - Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại tọa đàm
Phát biểu khai mạc và đề dẫn tọa đàm, PGS.TS Bùi Đức Thọ - Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, trong những năm qua, với xu thế đổi mới và hội nhập, Việt Nam đã tạo được những xung lực mới cho quá trình phát triển, vượt qua tác động của suy thoái toàn cầu và duy trì được mức tăng trưởng kinh tế cao với bình quân 6,5 - 7%/năm. Tuy nhiên, kèm theo đó vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM.
PGS.TS Bùi Đức Thọ nhấn mạnh, hệ thống thể chế về môi trường không khí hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu khi thiếu các quy định đặc thù, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; tính hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật chưa cao và thiếu tính gắn kết. PGS. Bùi Đức Thọ cũng nhận định: Mặc dù nhận thức được sự nghiêm trọng và đề xuất một số giải pháp để kiểm soát ô nhiễm không khí nhưng nhìn chung công tác quản lý ô nhiễm không khí vẫn còn bất cập chưa được giải quyết triệt để. Hơn nữa, hoạt động quan trắc và kiểm soát nguồn thải còn yếu hay các hoạt động hỗ trợ (đầu tư, nghiên cứu khoa học công nghệ, sự tham gia của cộng đồng) chưa phát huy hiệu quả; ý thức tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của các chủ nguồn thải còn hạn chế. Chính vì vậy, PGS Phó Hiệu trưởng hi vọng với nhiều góc nhìn khác nhau, tọa đàm sẽ đưa ra những kiến giải và phản biện chính sách mang tính xây dựng, có tính thuyết phục với cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn vững chắc, từ đó đóng góp vào quá trình phát triển chung và bền vững của nền kinh tế.
TS Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch tại Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT trình bày tham luận “Ô nhiễm không khí tại các đô thị Việt Nam: Hiện trạng và một số giải pháp”
Chỉ ra các nguồn ô nhiễm chính, TS Hoàng Dương Tùng cho biết, nguồn thải động cơ xe, bụi; nguồn thải từ xi măng, thép, nhiệt điện, hóa chất... từ các nhà máy nhiệt điện chạy than; các nhà máy xi măng lò quay; các nhà máy luyện thép; các nhà máy hóa chất... đang là những nguồn ô nhiễm chính. Đó là chưa kể bụi từ các công trình xây dựng, vận tải vật liệu xây dựng; đốt rơm rạ sau thu hoạch; các lò đốt tại các bệnh viện; đun nấu bằng than, củi tại các hộ gia đình; bụi khí thải từ các làng nghề chế biến nguyên liệu tái chế.
Theo đó, ô nhiễm không khí hiện không chỉ dừng lại ở vấn đề kỹ thuật mà còn là vấn đề quản lý khi mà hệ thống thể chế về môi trường không khí vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu thực tiễn do thiếu các quy định đặc thù; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường chưa đáp ứng được tính hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách. Chưa kể, hoạt động quan trắc và kiểm soát nguồn thải còn yếu, trong khi các hoạt động hỗ trợ như đầu tư, nghiên cứu khoa học, sự tham gia của cộng đồng lại chưa phát huy hiệu quả.
TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, cần phải xây dựng các giải pháp, chọn lọc các ưu tiên và có lộ trình thực hiện chặt chẽ. Trong đó, về lâu dài cần có những góc nhìn kinh tế và bản chất kinh tế của ô nhiễm môi trường để xem xét, phân tích, nhìn nhận, lồng ghép vào các công cụ, chính sách quản lý hướng tới môi trường không khí trong lành an toàn hơn cho người dân.
PGS.TS Đinh Đức Trường – Trưởng khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu & Đô thị Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày tham luận “Ô nhiễm không khí tại Việt Nam từ góc nhìn kinh tế”
Theo PGS.TS Đinh Đức Trường, nghiên cứu về tổn thất, thiệt hại kinh tế từ ô nhiễm không khí được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân theo đuổi trong gần 10 năm qua. Các thông tin liên tục được cập nhật và đến nay các số liệu, kết quả nghiên cứu tương đối hoàn thiện. Cụ thể, công trình nghiên cứu dựa trên phương pháp mô hình đánh giá ngẫu nhiên nhị phân để lượng giá thiệt hại này, một trong loại lượng giá phi thị trường. Phương pháp này hiện cũng được sử dụng tại Mỹ để lượng hoá thiệt hại ô nhiễm không khí để tính chi phí đền bù. Về cách tính của Việt Nam, lượng giá thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí tại Việt Nam đo theo chi phí phúc lợi xã hội, mức độ sẵn sàng chi trả của người dân để giảm rủi ro chết do ô nhiễm không khí thông qua rất nhiều cuộc điều tra khác nhau. “Theo cách tính này và theo thời giá 2018, ô nhiễm không khí tại Việt Nam gây ra tổn thất, thiệt hại về kinh tế rơi vào khoảng 10,8 - 13,2 tỉ USD" - PGS.TS Đinh Đức Trường cho biết.
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên Môi trường, Bộ TN&MT trình bày tham luận: “Chính sách Quản lý chất lượng không khí ở Việt Nam”
Nhấn mạnh vai trò của giải pháp chính sách dài hạn, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, cho rằng chính sách phát triển kinh tế tổng thể cần xác định mục tiêu kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là những cách tiếp cận đột phá để giải quyết vấn đề môi trường. Cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận trong kiểm soát vấn đề không khí dựa trên quan điểm của kinh tế - môi trường.
Đồng thời, cần loại bỏ tư duy độc lập, đơn ngành trong quá trình hoạch định các chiến lược, chính sách phát triển ở tất cả các cấp, các ngành; đổi mới công nghệ trong sản xuất và tiêu dùng năng lượng sạch; tăng cường nghiên cứu khoa học, đánh giá và dự báo các tác động của ô nhiễm không khí; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế.
Đoàn chủ tọa điều hành phiên thảo luận tại tọa đàm
Các đại biểu thảo luận và đóng góp ý kiến tại tọa đàm
Tọa đàm đã nhận được sự quan tâm đặc biệt khi vấn đề ô nhiễm không khí đã và đang là mối quan ngại lớn với người dân. Thời gian gần đầy, chỉ số chất lượng không khí liên tục trong nhiều ngày tại Hà Nội và các tỉnh thành phố lớn, các khu công nghiệp ở ngưỡng cao của thang cảnh báo. Tại Việt Nam, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Ô nhiễm không khí còn gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỷ đô la mỗi năm tại Việt Nam (chiếm từ 5 - 7% GDP).
Nội dung của buổi tọa đàm sẽ xoay quanh việc nghiên cứu các vấn đề ô nhiễm và quản lý ô nhiễm không khí trên thế giới và ở Việt Nam, đứng từ các góc nhìn khác nhau từ các bên liên quan, trong đó tập trung vào các khía cạnh kinh tế - quản lý ô nhiễm không khí; bàn luận về các chính sách quản lý ô nhiễm không khí hiện nay; từ đó đưa ra khuyến nghị về các chính sách giảm thiểu ô nhiễm trong thời gian tới. Đặc biệt, hội thảo còn là cơ hội để các chuyên gia, các đại biểu đến từ các ban, ngành trao đổi, chia sẻ thông tin, thảo luận về những vấn đề liên quan.
Kết luận tại tọa đàm, GS.TS Trần Thọ Đạt – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhận định, ô nhiễm không khí chủ yếu do hoạt động kinh tế của con người gây ra nên để giảm thiểu một cách hiệu quả thì chính sách kinh tế rất quan trọng. Đặc biệt, cần có thêm những nghiên cứu để lượng giá tác động của ô nhiễm không khí đến kinh tế. Chỉ khi nào bài toán của chúng ta tiệm cận đến mức độ chính xác thì đề xuất chính sách mới đạt hiệu quả.
Các đại biểu tham dự tọa đàm cùng chụp ảnh lưu niệm
Một số hình ảnh bên lề tọa đàm
PGS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý khoa học điều hành chương trình tọa đàm