Hội thảo kHội thảo khoa học Quốc gia “Triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam và vai trò của Chính phủ kiến tạo trong việc hoàn thiện thể chế môi trường kinh doanh”


20-03-2017
Ngày 16 tháng 3 năm 2017, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam và vai trò của Chính phủ kiến tạo trong việc hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh”, đồng thời công bố ấn phẩm thường niên của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân “Kinh tế Việt Nam 2016: Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và vai trò Nhà nước kiến tạo phát triển”.

Toàn cảnh Hội thảo

Đoàn chủ tịch điều hành Hội thảo

Tham dự Hội thảo có: TS. Nguyễn Ngọc Bảo – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cùng các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên các Vụ thuộc Ban Kinh tế Trung ương; TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cùng các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên các Vụ thuộc Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; TS. Hà Phi Tuấn – Phó chủ nhiệm Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia; PGS.TS Lê Trọng Hùng – Vụ trưởng Vụ KHCN&MT, Bộ GD&ĐT; GS. Edmund Malesky – Thành viên Sáng Kiến Việt Nam; TS. Đỗ Thị Thanh Huyền – Chuyên gia Kinh tế của UNDP Việt Nam; GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD; PGS.TS Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Hội đồng trường ĐH KTQD; cùng các đồng chí trong Ban Giám hiệu, các giáo sư trong Hội đồng khoa học và đào tạo, các giảng viên của trường; Hội thảo cũng có sự tham dự của trên 400 đại biểu đến từ các cơ quan của Đảng và Nhà nước, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, cán bộ quản lý và chuyên gia kinh tế; các cơ quan thông tấn báo chí đến dự và đưa tin về Hội thảo.

TS. Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại Hội thảo

Với tư cách là đại diện cho cơ quan tiếp nhận những ý kiến đóng góp, những kiến nghị của Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Kiên khẳng định, Hội thảo Triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam và vai trò của Chính phủ kiến tạo trong việc hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh nhằm làm rõ vai trò của Chính phủ kiến tạo, cũng như những cơ hội, thách thức trong phát triển kinh tế xã hội Việt Nam và những giải pháp cần thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2020.

GS.TS Trần Thọ Đạt phát biểu tại Hội thảo

Theo lãnh đạo trường ĐHKTQD, GS.TS Trần Thọ Đạt cho biết, sau 3 tháng chuẩn bị, Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà Khoa, cán bộ quản lý, các chuyên gia kinh tế trong những lĩnh vực khác nhau. Gần 50 bài viết đã được gửi đến Ban tổ chức Hội thảo. Trong quá trình biên tập, Ban tổ chức đã lựa chọn được 38 bài viết có chất lượng để in trong Kỷ yếu. Các bài viết tập trung khai thác những góc nhìn đa chiều về ba chủ đề lớn: Cơ hội, thách thức và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam; Vai trò của Nhà nước kiến tạo trong hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh; Phát triển kinh tế vùng, địa phương và khu vực kinh tế.

Các đại biểu trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề: Kết quả thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2016: phân tích các thành công, hạn chế trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, nhận diện những cơ hội, thách thức trong năm 2017 và giai đoạn 2017-2020; Phân tích, đánh giá về môi trường kinh doanh, đặc biệt là môi trường và các điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2 thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; Phân tích vai trò kiến tạo của Chính phủ trong việc khơi thông và tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội Việt Nam trong thời gian qua và khuyến nghị cho những năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 và giai đoạn 2016-2020; Đánh giá khái quát quá trình thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian qua và đưa ra các khuyến nghị chính sách để thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020; Phân tích thể chế tài chính ở Việt Nam và các khuyến nghị về hoàn thiện thể chế tài chính cho sự phát triển lành mạnh, hiệu quả và bền vững của thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm của Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2020; Nhận diện những khó khăn và động lực phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong điều kiện có những biến động của các hiệp định tự do thế hệ mới và các vấn đề liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế mới và sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

Cũng tại hội thảo, trường ĐH Kinh tế quốc dân đã công bố và trao đổi với các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách về ấn phẩm thường niên của Trường là: “Kinh tế Việt Nam 2016: Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và vai trò Nhà nước kiến tạo phát triển”.

Lý giải việc lựa chọn chủ đề chuyên sâu này, GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, nhóm tác giả đã xuất phát từ quan điểm cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ xuyên suốt của cả giai đoạn 2016-2020 và xây dựng nhà nước kiến tạo chính là khâu đột phá để thực hiện. Năm 2016 được xác định là năm khởi động thực hiện các nội dung này cho cả giai đoạn 2016-2020.

Đánh giá về Kinh tế Việt nam 2016 và triển vọng 2017, Báo cáo tán thành nhận định những mặt tích cực được nêu trong Nghị quyết 23/2016/QH14 ngày 7/11/2016 của Quốc hội. Mặt khác, Báo cáo nhấn mạnh đến những “khoảng tối” trong bức tranh phát triển kinh tế của Việt Nam: tăng trưởng kinh tế năm 2016 đã không đạt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra và thấp hơn nhiều so với 2015, lạm phát cao hơn rất nhiều so với 2015, thâm hụt ngân sách cao xấp xỉ năm 2015, nợ công đã chạm ngưỡng cảnh báo mất an toàn và báo hiệu những rủi ro vĩ mô đang ngày càng gia tăng. Về triển vọng 2017, Báo cáo đã dự báo hai phương án tăng trưởng với mức 6,0% và 6,6%. Việc  thực hiện các mục tiêu đặt ra, Báo cáo cho rằng,  phụ thuộc nhiều vào ý chí quyết tâm và những tính toán khoa học thực hiện những bước đột phá trong hành động từ phía Nhà nước, Chính phủ, đến các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và toàn xã hội

Về đánh giá thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, Báo cáo đã nêu ra những kết quả bước đầu, như đóng góp của TFP vào tăng trưởng có tăng lên, hiệu quả tăng trưởng có biểu hiện được cải thiện, tăng trưởng kinh tế vẫn có tác động tích cực đến tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, Báo cáo cho rằng những thành quả của tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian qua còn rất hạn chế, chưa tạo điều kiện để có một mô hình tăng trưởng tốt. Những đặc trưng mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt: (i) Nếu đứng trên góc độ cấu trúc đầu vào, vẫn mang nặng mầu sắc tăng trưởng dựa vào vốn; (ii) Nếu xét theo ngành, vẫn mang đậm nét mô hình tăng trưởng nhờ vào gia công (cả trong nông nghiệp); và (iii) Xét theo thành phần kinh tế thì xuất khẩu và tăng trưởng dựa nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó, khu vực tư nhân vẫn rất yếu kém, sử dụng nhiều lao động năng suất thấp nhất, khu vực nhà nước chưa đóng được vai trò dẫn dắt trong khi khu vực tư nhân chưa đủ sức vươn lên.

Với những nhận định trên, Báo cáo nhấn mạnh đến những giải pháp thực hiện nhiệm tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cho những năm tiếp theo, bao gồm: (i) Tăng cường đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sản xuất hàng hoá có giá trị gia tăng lớn và ứng phó được với biến đổi khí hậu; (ii) Tăng cường chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, nâng cao chất lượng của cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, thu hút có lựa chọn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng phát triển ngành công nghiệp thế hệ thứ 2, công nghiệp trung nguồn, ngành chế biến chế tạo (dứt khoát không phải là công nghiệp gia công); (iii) Tập trung đầu tư mạnh hơn vào các yếu tố nguồn lực chất lượng cao, bao gồm công nghệ và nguồn nhân lực  và (iv) Bảo đảm hiệu ứng tích cực của tăng trưởng đến các khía cạnh xã hội bằng việc thực hiện các chính sách tăng trưởng hài hoà được xem là giải pháp tối ưu nhất.

Vấn đề xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, Báo cáo đã đánh giá những thành quả bước đầu về thay đổi tư duy và phương thức điều hành nền kinh tế, về xây dựng và củng cố năng lực thể chế nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo dựng môi trường hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, về phát huy dân chủ trong xã hội để đưa nhà nước đến gần dân hơn. Hiệu quả của những đổi mới đã được ghi nhận ở cả cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế  cố năng lực thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và phát huy sự tham gia của cộng đồng.

Chính vì thế, ông Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, phân tích về tái cơ cấu cần phải tính đến chủ thuyết tôi thấy rất hay mà Diễn đàn kinh tế thế giới đã phân loại. Nền kinh tế phát triển theo 5 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu là tăng trưởng dựa trên tăng các nguyên tố đầu vào, chúng ta đang bắt đầu về vấn đề này.

Theo cách phân loại này thì Việt Nam đang chuyển đổi trong chừng mực nào đó từ việc tăng các nhân tố đầu vào như vốn, lao động sang tăng dần hiệu quả của các yếu tố. Vấn đề xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển đã đạt được những thành công bước đầu về thay đổi tư duy và phương thức điều hành nền kinh tế, về xây dựng và củng cố năng lực thể chế Nhà nước.

Cùng với đó là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo dựng môi trường hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, phát huy dân chủ trong xã hội để đưa Nhà nước đến gần dân hơn. Hiệu quả của những đổi mới đã được ghi nhận ở cả cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế có năng lực thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và phát huy sự tham gia của cả cộng đồng.

Trong khi đó, PGS.TS Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu ý kiến, vừa rồi chúng ta mới nhấn mạnh đến Chính phủ kiến tạo. Điều đó là rất tốt nhưng nếu chỉ có Chính phủ làm thì quan điểm của tôi là không thể được mà toàn bộ cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Lúc đó, chúng ta mới có Nhà nước kiến tạo theo đúng nghĩa, bởi chỉ hành chính kiến tạo không thì mới chỉ được một phần.

Năm 2016, Việt Nam đã dành được một số kết quả, nhất là trong việc thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và coi xây dựng Nhà nước kiến tạo là tuyên ngôn hành động của Chính phủ. Tuy nhiên, chặng đường đổi mới còn nhiều vấn đề đặt ra cần tháo gỡ. Việc tiếp tục giải quyết những nhiệm vụ trên đòi hỏi phải được biến thành những chương trình cụ thể như tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành dịch vụ chất lượng cao... Đồng thời, phải xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện các chương trình này một cách khách quan, minh bạch để tăng cường trách nhiệm giải trình. Đây là một công cuộc lâu dài mà thành công của nó phụ thuộc vào sự kiên định và ý chí của cả hệ thống chính trị.

Phần 2 Hội thảo: thảo luận theo các chủ đề

Sau phần chính thức, Hội thảo tiếp tục phần 2 thảo luận theo các chủ đề với hai chủ đề chính: (1) Vai trò của nhà nước kiến tạo trong hoàn thiện thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh; (2) Hoàn thiện thể chế tài chính cho phát triển bền vững thị trường bảo hiểm và thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hội thảo “Triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam và vai trò của Chính phủ kiến tạo trong việc hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh” thực sự là diễn đàn trao đổi, thảo luận giữa các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, các cán bộ quản lý, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam năm 2017 và các năm tiếp theo, cũng như đánh giá và làm rõ những biến động của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế đến nền kinh tế Việt Nam khi thực hiện giai đoạn 2 của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Các ý kiến thảo luận trong Hội thảo sẽ được tổng hợp thành báo cáo kiến nghị chung gửi cho các cơ quan của Đảng và Nhà nước cùng các bên liên quan với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng  kinh tế Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững năm 2017 và các năm tiếp theo.

Một số hình ảnh khác tại Hội thảo

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh kỉ niệm


Nguồn: P.CTCT&QLSV Người đăng:NEU
20-03-2017

Các ý kiến thảo luận

Tải thêm

Gửi
Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày