Đã xử lý gần 620.000 tỷ đồng nợ xấu


24-05-2017
Tính đến thời điểm 1/2017, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 616,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Hội thảo "Xử lý nợ xấu nhìn từ góc độ chính sách và pháp luật"

Tại hội thảo “Xử lý nợ xấu: Nhìn từ góc độ chính sách và pháp luật”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh đánh giá, vấn đề nợ xấu đang được các đại biểu, bộ ngành quan tâm, điều đó chứng tỏ ngành ngân hàng đang và sẽ không đơn thương độc mã trong việc xử lý nợ xấu- vấn đề bức thiết của nền kinh tế.

Theo Phó Thống đốc, trong nền kinh tế thị trường lĩnh vực kinh doanh nào cũng rủi ro nhưng kinh doanh tiền tệ là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất bởi tính linh hoạt, khó kiểm soát của người đi vay.

Nhiều học giả, nhà quản lý Ngân hàng lớn trên thế giới cũng khẳng định rủi ro nợ xấu là “người đồng hành bất đắc dĩ trong hoạt động ngân hàng”.

“Chúng ta không thể xóa bỏ hoàn toàn rủi ro, nợ xấu trong hoạt động kinh doanh ngân hàng nhưng có thể phòng ngừa, kiểm soát ở mức chấp nhận được”, ông nói.

Theo ông, cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu diễn ra từ năm 2007 đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế nước ta. Những yếu kém nội tại tích tụ một thời gian dài dần bộc lộ, hệ thống ngân hàng đối mặt với khối lượng nợ xấu lớn. Theo số liệu giám sát của NHNN, nợ xấu đến 30/9/2012 là 17,21%.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực để xử lý nợ xấu này. Tính đến thời điểm 1/2017, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 616,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu (nợ xấu được xử lý năm 2012 là 74,68 nghìn tỷ đồng; năm 2013 là 87,98 nghìn tỷ đồng; năm 2014 là 143,55 nghìn tỷ đồng; năm 2015 là 186,89 nghìn tỷ đồng; năm 2016 là 118,49 nghìn tỷ đồng và tháng 1/2017 là 5,14 nghìn tỷ đồng).

Trong đó, các tổ chức tín dụng đã tự xử lý được hơn một nửa tổng số nợ xấu bằng các biện pháp như đôn đốc khách hàng, phát mại tài sản, sử dụng dự phòng rủi ro.
Theo đó, nợ xấu đã được kiềm chế, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 2/2017 về mức 2,56% tổng dư nợ tín dụng.

Kết quả xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng qua Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), lũy kế từ năm 2013 đến 31/3/2017, tổng số tiền thu hồi nợ qua VAMC đạt 53.236 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong tổng số nợ xấu được xử lý, thì hình thức bán, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ ở mức khá thấp, chỉ đạt 17,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 2,8% tổng nợ xấu được xử lý).

Tỷ lệ nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý được đang chiếm khá cao 5,8% trên tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Nếu tính nợ có khả năng cao chuyển thành nợ xấu trong thời gian tới thì tỷ lệ này đương nhiên cao hơn.

“Một câu hỏi luôn đặt ra, tại sao chưa xử lý dứt điểm số nợ xấu đó? Nguyên nhân chính là do cơ chế chính sách, pháp luật xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, nhiều bất cập làm giảm hiệu quả”, Phó Thống đốc chỉ ra.

Cụ thể, nhiều quy định chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của tổ chức tín dụng, cản trở tạo lập và phát triển thị trường mua bán nợ xấu; các quy định về xử lý tài sản đảm bảo còn nhiều vướng mắc, bất cập, không đảm bảo quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận như quyền thu giữ tài sản; thời gian xử lý nợ, tài sản bảo đảm qua tòa án không hiệu quả, thời gian giải quyết kéo dài. Trong khi đó pháp luật về tố tụng dân sự chưa cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của bên bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm.

Theo Phó Thống đốc, đây là những khó khăn vướng mắc liên quan đến nhiều luật hiện hành, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu giai đoạn 2016- 2020 cần có văn bản pháp lý do Quốc hội ban hành mới đảm bảo tính pháp lý và khả thi.

Hiện nay Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu đang được trình Quốc hội thông qua. Dự thảo Nghị quyết có 3 nội dung chính đáng chú ý: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường theo quy định của pháp luật, kể cả bán với giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ; Dự thảo Nghị quyết khẳng định và đảm bảo cho quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng; cơ chế hỗ trợ phân bổ lãi dự thu, chênh lệch khi bán khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng.


Nguồn: Diệu Thùy/infonet Người đăng:NEU Alumni
24-05-2017

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày