Tham dự Hội thảo, về phía Bộ GD&ĐT có PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục Đại học; PGS.TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng. Về phía Hội đồng Anh Việt Nam có bà Hoàng Vân Anh – Giám đốc Chương trình Giáo dục và Xã hội. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng nhà trường; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn trường; lãnh đạo các trường đại học Việt Nam và Vương quốc Anh; các nhà hoạch định chính sách; các nhà khoa học trong và ngoài nước.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục Đại học phát biểu khai mạc Hội thảo
Ở Việt Nam những năm gần đây, liên kết đào tạo đã không còn là hình thức mới trong ngành giáo dục, đặc biệt với bậc giáo dục đại học. Hiện nay, có rất nhiều tổ chức giáo dục đại học ở các nước như Việt Nam mong muốn được cung cấp các chương trình đào tao chất lượng cao hoặc các chương trình liên kết đào tạo với tổ chức giáo dục đại học nước ngoài và ngược lại, các tổ chức giáo dục đại học quốc tế cũng mong muốn cung cấp các chương trình đào tạo của họ ở nước ngoài thông qua hợp tác đào tạo với các tổ chức giáo dục đại học địa phương. Tuy nhiên, việc làm thế nào để thực hiện việc đảm bảo chất lượng, quản lý và nâng cao chất lượng đang là vấn đề rất được quan tâm trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục đại học với rất nhiều các chương trình và mô hình liên kết đào tạo đang diễn ra ở Việt Nam.
Liên kết đào tạo là một xu hướng tại các quốc gia Đông Á. Trong năm 2017/2018 đã có khoảng 149.200 sinh viên theo học các chương trình liên kết đạo tạo với Vương Quốc Anh tại Đông Á, chiếm 1/3 số lượng sinh viên theo học các chương trình liên kết với Vương Quốc Anh trên toàn cầu. Việc đảm bảo chất lượng các chương trình đào tạo là yếu tố quan trọng liên quan tới chất lượng sinh viên tốt nghiệp và sự bền vững của chương trình. Đây cũng là sự quan tâm chung của các tổ chức chuyên môn và nhà nước tại Vương Quốc Anh và Đông Á để xây dựng các cơ chế đảm bảo chất lượng, các bước công nhận và kiểm định được hiểu và áp dụng hiệu quả trong hệ thống của mình.
PGS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng ngày càng quan trọng trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục đại học và trong việc thực hiện các chương trình liên kết đào tạo. Nhiều tổ chức giáo dục đại học ở các nước như Việt Nam muốn cung cấp các chương trình đào tạo chất lượng cao hoặc các chương trình liên kết đào tạo với tổ chức giáo dục đại học nước ngoài và ngược lại, các tổ chức giáo dục đại học quốc tế cung cấp các chương trình đào tạo của họ ở nước ngoài thông qua hợp tác đào tạo với các tổ chức giáo dục đại học địa phương. Tại Việt Nam, Vương quốc Anh đứng thứ ba về số lượng các chương trình liên kết đào tạo. Các chương trình liên kết đào tạo giữa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và các trường đại học tại Vương quốc Anh trong những năm gần đây đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học cũng như giúp nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh toàn cầu của giáo dục Việt Nam nói chung và danh tiếng của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nói riêng. Không chỉ vậy, với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt của Vương quốc Anh trong cách tiếp cận đảm bảo, nâng cao chất lượng và thảo luận về định hướng xây dựng cơ chế đảm bảo chất lượng chung giữa Vương quốc Anh và Việt Nam cho các chương trình liên kết đào tạo ở cấp trường và quốc gia, PGS. Hiệu trưởng hi vọng hội thảo sẽ tạo dựng được một nền tảng sáng tạo thúc đẩy quốc tế hóa giáo dục đại học trong các lĩnh vực dạy và học, nghiên cứu, đổi mới và đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng trong giáo dục đại học.
PGS.TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng trình bày tham luận "Đảm bảo chất lượng tại Việt Nam: quy trình và chính sách"
Các diễn giả trình bày tham luận tại Hội thảo
Hướng tới mục tiêu 100% các cơ sở giáo dục đại học được kiểm định chất lượng vào năm 2020, coi kiểm định chất lượng là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực xây dựng các công cụ với đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn để kiểm định chương trình đào tạo phi truyền thống như đào tạo từ xa, liên kết đào tạo…; củng cố, đầu tư nguồn lực cho hệ thống kiểm định tại các trường đại học, trong đó, nguồn lực con người là quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho các chuyên gia thẩm định; khuyến khích thành lập các tổ chức kiểm định tư nhân, độc lập với cơ quan quản lý nhà nước và tách biệt với các trường, đồng thời có cơ chế giám sát, đánh giá chất lượng của các đơn vị thẩm định.
Tại buổi hội thảo, thông qua các bài trình bày, những phiên thảo luận và các phiên họp chuyên đề, các đại biểu tham dự hội thảo đã có dịp hiểu rõ hơn tổng quan về quy trình cũng như các chính sách có liên quan tới đảm bảo chất lượng không những ở Việt Nam, đồng thời có cơ hội tìm hiểu và học hỏi về mô hình đảm bảo chất lượng của Vương quốc Anh qua phần giới thiệu tổng quan về Khung chất lượng của Vương quốc Anh và hoạt động của Tổ chức Đảm bảo Chất lượng tại Vương quốc Anh (QAA) cũng như các khả năng cùng hợp tác giữa các tổ chức đảm bảo chất lượng xuyên quốc gia giữa Vương Quốc Anh và Đông Á, trong đó có Việt Nam, về các chương trình liên kết đào tạo.